17.12.2018 – Thứ hai tuần III mùa Vọng
Từ Bà Đức Giêsu được sinh ra
PHÚC ÂM: Mt 1, 1-17
“Gia phả của Chúa Giêsu Kitô, con vua Đavít”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Sách gia phả của Chúa Giêsu Kitô, con vua Đavít, con của Abraham. Abraham sinh Isaac; Isaac sinh Giacóp; Giacóp sinh Giuđa và các anh em người. Giuđa sinh Phares và Zara bởi bà Thamar; Phares sinh Esrom; Esrom sinh Aram; Aram sinh Aminadab; Aminadab sinh Naasson; Naasson sinh Salmon; Salmon sinh Booz do bà Rahab; Booz sinh Giobed do bà Rút. Giobed sinh Giêsê; Giêsê sinh vua Đavít.
Đavít sinh Salomon do bà vợ của Uria; Salomon sinh Robo-am; Roboam sinh Abia; Abia sinh Asa; Asa sinh Giosaphát; Giosaphát sinh Gioram; Gioram sinh Ozia; Ozia sinh Gioatham; Gioatham sinh Achaz; Achaz sinh Ezekia; Ezekia sinh Manas-se; Manasse sinh Amos; Amos sinh Giosia; Giosia sinh Giêconia và các em trong thời lưu đày ở Babylon.
Sau thời lưu đày ở Babylon, Giêconia sinh Salathiel; Sala-thiel sinh Zorababel; Zorababel sinh Abiud; Abiud sinh Eliakim; Eliakim sinh Azor; Azor sinh Sađoc; Sađoc sinh Akim; Akim sinh Eliud; Eliud sinh Eleazar; Eleazar sinh Mathan; Mathan sinh Giacóp; Giacóp sinh Giuse, là bạn của Maria, mẹ của Chúa Giêsu gọi là Đức Kitô.
Vậy, từ Abraham đến Đavít có tất cả mười bốn đời, từ Đavít đến cuộc lưu đày ở Babylon có mười bốn đời, và từ cuộc lưu đày ở Babylon cho đến Chúa Kitô có mười bốn đời.
Suy niệm:
Chúng ta bước vào một giai đoạn mới để mừng lễ Giáng Sinh,
mừng Mầu nhiệm Con Thiên Chúa làm người cách trọn vẹn.
Làm người là có một gia phả.
Thánh Matthêu đã muốn viết một gia phả dài của Đức Giêsu Kitô,
không phải một cách hết sức chính xác và đầy đủ theo nghĩa lịch sử,
nhưng mang nặng ý nghĩa thần học.
Mátthêu muốn cho thấy Đức Giêsu là con của cụ tổ Abraham,
và cuộc đời Ngài gắn kết với Ítraen, dân được tuyển chọn.
Ngài cũng là Con của vua Đavít, nên Ngài có cơ sở để là Đấng Kitô.
Làm người là sống trong dòng lịch sử một dân tộc
với tất cả những thăng trầm và biến động của nó.
Mátthêu chia lịch sử dân Do-thái làm ba thời kỳ.
Thời kỳ chuẩn bị cho bước đầu của vương triều vua Đavít (cc. 2-6a),
thời kỳ trị vì của các vua thuộc dòng Đavít (cc. 6b-11),
và thời kỳ sau lưu đầy, khi vương quyền Đavít đã mai một (cc. 12-16).
Mỗi thời kỳ mười bốn đời, nghĩa là hai lần bẩy, một con số linh thánh.
Đức Kitô đã đằm mình trong dòng lịch sử này.
Ngài là người cuối của gia phả, nhưng lại là nhân vật trung tâm (c.16-17).
Tất cả lịch sử của dân tộc Ítraen cũng là lịch sử cứu độ.
Dòng lịch sử cứu độ này đã lên đến tuyệt đỉnh nơi Đức Giêsu Kitô.
Nơi Ngài, Thiên Chúa đã đưa lịch sử nhân loại đến chỗ thành tựu.
Trong gia phả Đức Giêsu có tên một số phụ nữ.
Đó là chuyện lạ, vì người Do-thái thường chỉ để tên người cha.
Trừ Đức Maria, bốn phụ nữ kia đều có gốc dân ngoại.
Ta-ma và Ra-kháp gốc Canaan, Rút gốc Mô-áp, vợ Urigia người Hít-tít.
Các phụ nữ này đều có hoàn cảnh khác thường.
Ta-ma giả làm điếm để ngủ với cha chồng là Giu-đa,
hầu sinh con cho nhà chồng (St 38).
Ra-kháp là một cô điếm ở Giêricô, đã giúp Giosuê chiếm Canaan (Gs 2).
Bét-sa-bê, vợ của Urigia, đã ngoại tình và lấy vua Đavít (2Sm 11-12).
Rút đã lấy ông Bô-át là người bà con gần, để nối dõi cho chồng (R 1-4).
Đức Giêsu đã là con cháu của các phụ nữ khác thường này.
Ngài cũng mang trong mình chút dòng máu của dân ngoại.
Cuộc sinh hạ của Đức Kitô cũng khác thường.
Mátthêu diễn tả một cách tinh tế như sau:
“Gia-cóp sinh Giuse, chồng của bà Maria,
từ bà Đức Giêsu được sinh ra, cũng gọi là Đức Kitô” (c. 16).
Như thế Con Thiên Chúa đã có một người mẹ để trọn vẹn là người.
Ngài có cha nuôi là thánh Giuse để được thuộc về dòng Đavít.
Làm người cần được sống trong bầu khí gia đình để lớn lên.
Gia phả của Đức Giêsu nhắc tôi về gia phả của chính mình.
Cũng với những bóng tối của lưu đày, với bao bất thường và vấp ngã.
Chỉ mong trong cuộc đời tôi, gia đình tôi, dân tộc tôi, có mặt Giêsu.
Cầu nguyện:
Lạy Cha từ ái,
đây là niềm tin của con:
Con tin Cha là Tình yêu,
và mọi sự Cha làm đều vì yêu chúng con.
Cả những khi Cha mạnh tay cắt tỉa,
cả những khi Cha thinh lặng hay vắng mặt,
cả những khi Cha như chịu thua sức mạnh của ác nhân,
con vẫn tin Cha là Cha toàn năng nhân ái.
Con tin Cha không chịu thua con về lòng quảng đại,
chẳng để con thiệt thòi khi dám sống cho Cha.
Con tin rằng nơi lòng những người cứng cỏi nhất
cũng có một đốm lửa của sự thiện,
được vùi sâu dưới những lớp tro.
Chỉ một ngọn gió của tình yêu chân thành
cũng đủ làm đốm lửa ấy bừng lên rạng rỡ.
Con tin rằng chẳng có giọt nước mắt nào vô ích,
thế giới vẫn tồn tại nhờ hy sinh thầm lặng của bao người.
Con tin rằng chiến thắng cuối cùng thuộc về Ánh sáng.
Sự Sống và Tình yêu sẽ chiếm ngự địa cầu.
Con tin rằng dòng lịch sử của loài người và vũ trụ
đang chuyển mình tiến về với Cha,
qua trung gian tuyệt vời của Chúa Giêsu
và sức tác động mãnh liệt của Thánh Thần.
Con tin rằng dần dần mỗi người sẽ gặp nhau,
vượt qua mọi tranh chấp, bất đồng,
mọi dị biệt, thành kiến,
để cùng nắm tay nhau đi qua sa mạc cuộc đời
mà về nhà Cha là nơi hạnh phúc viên mãn.
Lạy Cha, đó là niềm tin của con.
Xin Cha cho con dám sống niềm tin ấy. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
Lời Chúa:
Gia-cóp sinh Giu-se, chồng của bà Ma-ri-a, bà là mẹ Đức Giê-su cũng gọi là Đấng Ki-tô. (Mt 1,16)
Câu chuyện minh họa:
Bà Rosanne Willman đã thật sự trải qua cơn ác mộng của người mẹ trước quyết định sẽ nhường thận của mình để cứu sống hai trong số bốn đứa con đang chờ chết vì một chứng bệnh thận nan y. Thật đau lòng khi việc cứu sống một người con cũng là bản án tử hình cho ba kẻ xấu số còn lại.
Với nét mặt sầu khổ đến cùng tận, người phụ nữ 51 tuổi, sống ở tiểu bang Illinois tâm sự: “Đây là quyết định đau đớn và khó khăn nhất trong đời tôi. Tôi đi hỏi Bác sĩ: có thể cho mỗi đứa con một nửa quả thận được không… nhưng không thể!”
Bốn người con của bà Rosanne bị một chứng bệnh rất hiếm: hội chứng VIIL (von hippel lindau syndrome), di truyền từ người cha. Căn bệnh này gây ra các khối u trong thận, mắt, xương sống, não và hệ thần kinh. Đôi khi khối u biến thành ung thư. Các con bà Rosanne đã trải qua 18 lần giải phẫu và hơn 100 lần tiểu phẫu mắt. Steve, con trai đầu, 32 tuổi, đã bị mù một mắt, mắt kia mờ hẳn và bị các khối u khắp cơ thể. Tuy vậy anh vẫn làm việc cho hội từ thiện thành phố với những khả năng hiện có. Kim 31 tuổi, với vẻ đẹp lôi cuốn, từng mơ ước trở thành người mẫu, nhưng giải phẫu mắt đã buộc cô phải chuyển sang nghề y tá. Lisa, 27 tuổi hiện đang hoạt động trong nghề địa ốc. Jeff con trai út, 25 tuổi, ít lận đận hơn vì 1.3 quả thận vẫn còn hoạt động tốt. Bà Rosanne sẽ nhường thận cho ai trong số họ?
Sau những đắn đo cân nhắc, bà Rosanne họp các con lại để chọn lựa quyết định cuối cùng. Mọi người nhìn nhau, mắt đẫm lệ. Lisa phát biểu: “Theo con, mẹ nên dành cho Steve. Anh ấy là người mang chứng bệnh nặng nhất”. Rosanne đã đồng ý với các con: dành phần sống cho Steve. Anh đã không kìm được xúc động trước sự hy sinh cao cả của mẹ và tình yêu thương của các em. Anh nghẹn ngào: “Làm sao tôi có thể đền đáp được công ơn của người đã sinh ra và cứu mạng sống cho tôi”.
Những người con còn lại trong gia đình Rosanne chỉ còn trông chờ vào những quả thận hiếm hoi do ai đó tự nguyện hiến tặng. Dù hàng ngàn người đã chết trong mòn mỏi đợi chờ, thất vọng vì người cho thận ngày càng ít ỏi, họ vẫn hi vọng. Niềm hy vọng giờ đây là niềm khích lệ họ sống thật trọn vẹn những ngày còn lại.
Cơn ác mộng của bà mẹ Rosanne rồi sẽ qua đi. Vấn đề còn lại là rồi đây con người có mạnh dạn chia sẻ bộ phận cơ thể như “nhường cơm xẻ áo” cho những kẻ bất hạnh?
Suy niệm:
Tin Mừng thánh Matthêu giới thiệu về gia phả Đức Giêsu để nói rằng: Đức Giêsu chính là con cháu Abraham, người được Chúa chọn. Vì thế gia phả này bắt đầu với Abraham. Đồng thời tuy là Con Thiên Chúa, nhưng Đức Giêsu cũng là người thật, có cha có mẹ, thuộc về một dòng họ rõ ràng: chi tộc Juda.
Gia phả của Chúa Giêsu có những con người mang tiếng tốt, bên cạnh đó cũng có những người tội lỗi, nhưng Chúa đã không ngần ngại đến với con người trong một gia phả như thế, để dạy mỗi người chúng ta rằng, Ngài đến trần gian bất chấp tội lỗi nhân loại, sống giữa nhân loại tội lỗi để thánh hóa nhân loại và mang con người tội lỗi của chúng ta về cho Chúa. Người mẹ trần gian trong câu chuyện trên yêu thương con mình thế nào thì Thiên Chúa còn yêu thương con người hơn bội phần như thế. Vì thế, mỗi người chúng ta cần kiên nhẫn chạy đến với lòng thương xót của Chúa, vì Người luôn yêu thương con cái Người vô vàn.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con luôn ý thức sống tốt để xứng đáng với đức tin của tổ phụ chúng con là Abraham. Amen.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho