26.09.2020 – Thứ Bảy Tuần XXV Thường niên
Không hiểu lời đó
Lời Chúa: Lc 9, 43b-45
Khi ấy, Ðức Giêsu nói với các môn đệ: “Phần anh em, hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời sau đây: Con Người sắp bị nộp vào tay người đời.” Nhưng các ông không hiểu lời đó, vì đối với các ông, lời đó còn bị che khuất, đến nỗi các ông không nhận ra ý nghĩa. Nhưng các ông sợ không dám hỏi lại Người về lời ấy.
Suy niệm:
Bài Tin Mừng hôm nay là lời tiên báo cuộc Thương Khó lần thứ hai.
Bài này nằm ngay sau chuyện Đức Giêsu trừ quỷ cho một bé trai.
Quyền năng trừ quỷ của Ngài làm mọi người kinh ngạc, bỡ ngỡ (c. 43).
Chính vào giây phút thành công vẻ vang này,
Đức Giêsu lại bất ngờ tiên báo về cuộc Thương Khó sắp đến.
“Con Người sắp bị nộp vào tay người đời” (c. 44).
Một Giêsu đầy uy lực sẽ phải lùi bước trước một thế lực khác.
Một Giêsu có quyền năng cao cả của Thiên Chúa lại phải chịu thua.
Hẳn lời tiên báo này đã làm các môn đệ hết sức bối rối.
Thánh Luca nhấn mạnh đến chuyện họ không hiểu:
“Nhưng các ông không hiểu lời đó, vì nó bị che khuất khỏi các ông,
đến nỗi các ông không nhận ra ý nghĩa” (c. 45).
Điều gì đã che khuất ý nghĩa của lời Đức Giêsu tiên báo
về việc mình sắp bị nộp, phải chịu đau khổ và chịu chết?
Lý do đầu tiên có thể là lòng ham muốn quyền lực.
Ngay sau đoạn Tin Mừng này, các môn đệ vẫn loay hoay với vấn đề
ai là người lớn nhất trong nhóm (c. 46).
Sau bữa Tiệc ly, Đức Giêsu đã nhận mình là người phục vụ (Lc 22, 27).
Việc phục vụ suốt đời này lên đến cao điểm nơi cái chết hy sinh.
Các môn đệ thì chỉ thích làm lớn, làm đầu, hơn là phục vụ,
nên chẳng lạ gì nếu họ không hiểu được con đường Thầy sắp đi,
con đường hẹp, nơi cái tôi như bị xóa bỏ, để hiến dâng.
Có lý do khác khiến các môn đệ không hiểu được lời tiên báo của Thầy.
Đó là khi quá nôn nóng mong đợi ngày Thầy đến trong vinh quang,
họ đã quên việc Thầy phải trải qua khổ đau và cái chết trước đã.
Họ tưởng Nước Thiên Chúa sắp xuất hiện đến nơi rồi (Lc 19, 11),
và tưởng Thầy Giêsu sẽ cứu chuộc Ítraen ngay lập tức (Lc 24, 21).
Ngay sau khi Đức Giêsu phục sinh, họ đã hỏi Ngài (Cv 1, 6):
“Có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Ítraen không?”
Các môn đệ nóng lòng mong đợi vinh quang cho Thầy,
thật ra là mong đợi vinh quang cho chính họ.
Họ bị ám ảnh về quyền lực, cũng là ám ảnh về vinh quang,
nên thất bại và cái chết nhục nhã là điều họ khó hiểu và khó chấp nhận.
Như các môn đệ, chúng ta cũng không hiểu được
làm sao một ngôn sứ như Đức Giêsu lại có thể bị loại trừ và thủ tiêu.
Chúng ta không chấp nhận vai trò của đau khổ, nhục nhã và cái chết,
trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa (Lc 24, 25-27).
Đức Giêsu đã phải soi sáng cho hai môn đệ Emmau về mầu nhiệm này.
Chúng ta cũng phải đối diện với mầu nhiệm đau khổ nơi chính mình.
Và chúng ta thường thấy nó vô nghĩa, vô lý, vô duyên.
Đau khổ mãi mãi là một mầu nhiệm mà chúng ta muốn chối bỏ vì sợ hãi.
Kitô giáo đã không dạy ta con đường tránh đau khổ bằng mọi giá.
Đức Giêsu đã giang tay đón lấy đau khổ với một tình yêu bao dung,
lập tức đau khổ ấy có ý nghĩa và nở hoa.
Nơi thập giá chúng ta thấy rõ nhất tình yêu vô lượng của Cha,
và tình yêu mênh mông của Đức Giêsu đối với nhân loại.
Nơi thập giá chúng ta thấy sự kinh khủng của tội ác con người,
và sự tha thứ vô bờ của Thiên Chúa.
Như thế là ta đã bắt đầu hiểu được ý nghĩa của thập giá và đau khổ.
Thật ra các môn đệ chỉ hiểu được cuộc Thương Khó nhờ Phục Sinh.
Khi sống lại, Chúa Giêsu cho tất cả những cái vô lý một ý nghĩa.
Khi được nếm trước mầu nhiệm phục sinh ngay từ đời này,
chúng ta thấy dễ đón nhận đau khổ hơn.
Hãy mạnh dạn hỏi Đức Giêsu về ý nghĩa cuộc Thương Khó của Ngài,
cuộc Thương Khó của cả nhân loại và của chính bản thân tôi.
Đừng sợ hỏi, nhưng “hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời Ngài nói” (c. 44).
Cầu nguyện :
Lạy Chúa Giêsu phục sinh
Chúa đã sống đến cùng cuộc Vượt qua của Chúa,
xin cho con biết sống
cuộc Vượt qua mỗi ngày của con,
Vượt qua sự nhỏ mọn và ích kỷ.
Vượt qua những đam mê đang kéo ghì con xuống.
Vượt qua nỗi sợ khổ đau và nhục nhã.
Vượt qua đêm tăm tối cô đơn của Vườn Dầu.
Vượt qua những khắc khoải của niềm tin.
Vượt qua những thành kiến con có về người khác…
Chính vì Chúa đã phục sinh
nên con vui sướng và can đảm vượt qua,
dù phải chịu mất mát và thua thiệt.
Ước gì con biết noi gương Chúa phục sinh
gieo rắc khắp nơi bình an và hy vọng,
tin tưởng và niềm vui.
Ước gì ai gặp con
cũng gặp thấy sự sống mãnh liệt của Chúa.
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
Lời Chúa:
“Con Người sắp bị nộp vào tay người đời. Các ông sợ không dám hỏi lại Người về lời ấy.” (Lc 9,45)
Câu chuyện minh hoạ:
Linh mục John Bauer kể lại chứng từ sau đây: một phụ nữ được các bác sĩ cho biết là chị đang mắc cơn bệnh bất trị. Chị cảm thấy một ngọn lửa nhóm lên trong lòng và muốn nói với Chúa rằng chị muốn bỏ Ngài. Thế là giữ đêm khuya, chị bỏ nhà thương mà đến nhà nguyện gặp Chúa. Trước cung thánh chị thốt lên: “Ôi, ông Chúa, ông phỉnh phờ lừa dối tôi. Đã hai ngàn năm qua, ông tự nhận mình là tình yêu, nhưng mỗi lần có ai được hạnh phúc một chút, là ông lập tức cho họ trắng tay. Tôi muốn nói cho ông biết là tôi chán ông rồi, giữa tôi và ông không còn gì nữa”. Người phụ nữ chỉ nói được thế rồi ngã quỵ, không còn sức đứng dậy nữa. Nhưng trong ánh sáng mờ ảo của cung thánh, chị bỗng nhận ra một hàng chữ thêu trong tấm thảm trước mắt chị: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội”.
Lúc đó, cơn giận dữ bỗng tan biến, người phụ nữ gục đầu xuống đôi tay. Từ trong thinh lặng u tối của nhà nguyện, và từ trong sâu thẳm của cõi lòng, người phụ nữ nghe được tiếng nói như sau: “Con biết không, tất cả chỉ là lời mời gọi để hướng đời con về Ta. Con chưa bao giờ làm như thế. Các bác sĩ đã làm hết sức mình để chữa trị cho con, nhưng chỉ một mình Ta mới có thể cho con được sức mạnh”. Giữa bóng tối, một tia sáng tin yêu loé lên trong lòng người phụ nữ, chị chấp nhận tất cả, đầu hàng Chúa vô điều kiện và dâng cuộc sống còn lại cho Ngài. Chị gắng gượng trở về phòng và chưa bao giờ chị tìm được thanh thản trong tâm hồn như thế.
Suy niệm:
Tin Mừng thánh Luca thuật lại việc Đức Giêsu loan báo cho các môn đệ biết về cuộc thương khó, tử nạn và phục sinh của Người: “Phần anh em, hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời sau đây: Con Người sắp bị nộp vào tay người đời” (Lc 9,44). Chúa Giêsu dùng cách nói “Con Người” để nói rằng: Ngài chính là Đấng Thiên Sai, là Người Tôi Tớ đau khổ được nói trong sách tiên tri Isaia. Đấng đã chết cách ô nhục trên thập giá vì tội lỗi của nhân loại và Người đã phục sinh để đưa nhân loại vào trong sự sống tình yêu của Thiên Chúa.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con cũng biết đón nhận lời mời gọi vác lấy thập giá, để cảm nhận được tình yêu Chúa dành cho từng người chúng con. Nhờ đó, chúng con sẽ nỗ lực sống tốt hơn trong đời sống hằng ngày. Amen.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH GP. PHÚ CƯỜNG
Từ xưa tới nay, các bậc thánh nhân, các nhà hiền triết, các nhà tiên tri, tri thức và thần bí, v.v. trăn trở tìm kiếm để cho đau khổ một ý nghĩa. Hôm nay, Đức Giêsu loan báo về cuộc đau khổ mà Người phải chịu cũng là để mặc cho nó một ý nghĩa đích thực. Nguời muốn các môn đệ hãy đi theo con đường hy sinh, từ bỏ và đón nhận đau khổ vì tình yêu thì sẽ đạt được hạnh phúc đích thực.
Hôm nay, Chúa Giêsu nói cách nhấn mạnh “nghe cho kỹ” lời Người. Nguời cho biết về cuộc thương khó: “Con Người sắp bị nộp vào tay người đời”. Nhưng làm sao các môn đệ có thể hiểu được điều này, vì đối với các ông một vị Thiên Chúa là phải quyền lực vinh quang, làm sao có thể chấp nhận một Thiên Chúa chịu đau khổ và chịu chết. Vì vậy, điều Đức Giêsu nói với các ông vẫn còn “bí ẩn”.
Cuộc sống của chúng ta hôm nay cũng không thiếu những đau khổ: nào là chiến tranh, bệnh dịch, thiên tai, lũ lụt, v.v. điều quan trọng, chúng ta đối diện với khổ đau trong thái độ nào. Nếu chúng ta sống trong sự tiêu cực thì đau khổ sẽ vùi dập cuộc đời và làm ta thất vọng. Còn nếu chúng ta đón nhận nó trong lòng mến Chúa và yêu người thì chúng ta sẽ thấy bình an giữa những gian nan thử thách. Vì chúng ta vẫn tâm niệm: “Qua thập giá mới tới vinh quang”.
Hôm nay, nhiều Kitô hữu giữ đạo chỉ mong cầu Chúa cho điều này điều kia, không gặp khốn khó gì. Nhiều Kitô hữu đòi Chúa phải trả công vì họ nghĩ mình đã hy sinh giúp của giúp công cho nhà Chúa, cho tha nhân rồi.
Lạy Chúa, nguyện Xin cho mỗi người chúng con luôn biết chiêm ngắm những đau khổ và cái chết cứu độ của Đức Giêsu, để có thể đón nhận mầu nhiệm những đau khổ của đời mình mà trung thành bước theo Chúa đến cùng. Amen.
#giaophanbaria #gpbr #suyniemhangngay #suyniemloichuahangngay