Bài giảng của Đức TGM Giuse Vũ Văn Thiên
trong Thánh lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa, Bổn mạng Giáo phận Hà Tĩnh
BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC TGM GIUSE VŨ VĂN THIÊN TRONG THÁNH LỄ ĐỨC MARIA MẸ THIÊN CHÚA, BỔN MẠNG GIÁO PHẬN HÀ TĨNH VÀ MỪNG NGÀY RA MẮT CHÍNH THỨC GIÁO PHẬN MỚI HÀ TĨNH, NGÀY KHỞI ĐẦU SỨ VỤ GIÁM MỤC CỦA ĐỨC CHA PHAOLÔ NGUYỄN THÁI HỢP
Kính thưa Cộng đoàn,
Giáo Hội Công giáo Việt Nam vui mừng vì có thêm một Giáo phận mới, đó là Giáo phận Hà Tĩnh, bao gồm hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình. Đây là nguyện vọng từ lâu của các vị chủ chăn và mọi thành phần Dân Chúa Giáo phận Vinh. Vì vậy, đây vừa là niềm vui của Giáo phận con, cũng là niềm vui của Giáo phận Mẹ. Cuộc sinh hạ nào cũng pha lẫn đau đớn và vui mừng. Gia đình Giáo phận Vinh từ trước là một, nay tách ra một phần để làm thành Giáo phận mới. Đó là nỗi đau đớn. Việc thành lập một Giáo phận mới đánh dấu sự trưởng thành và tạo nhiều thuận lợi cho công việc mục vụ, đem lại những hiệu quả truyền giáo. Đó là niềm vui mừng. Việc Đức Cha Phaolô trọng nhậm Giáo phận Hà Tĩnh, vừa cũ vừa mới. Cũ, vì từ hơn 8 năm nay ngài đã làm Giám mục Vinh trong đó có Giáo phận Hà Tĩnh. Mới, vì kể từ nay, ngài là Giám mục tiên khởi của Giáo phận vừa được sinh ra. Vì vậy chúng ta có rât nhiều lý do để chúc mừng Giáo phận Vinh và Giáo phận Hà Tĩnh, chúc mừng Mẹ và chúc mừng Con, đồng thời cầu nguyện cho hai giáo phận được thăng tiến và phát triển.
Trong ngày hân hoan vui mừng này, cộng đoàn phụng vụ chúng ta dâng lễ kính Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, Bổn Mạng của Giáo phận Hà Tĩnh. Như chúng ta biết, trong niên lịch phụng vụ, lễ này được cử hành vào ngày 1-1 dương lịch, tức là ngày đầu năm mới. Giáo Hội tôn vinh Đức Trinh nữ Maria, người phụ nữ đơn sơ khiêm hạ ở thành Nagiarét, là Mẹ Đức Chúa Trời, vì Mẹ đã sinh hạ Đấng Cứu Thế, Ngôi Lời nhập thể. Tước hiệu này vừa diễn tả sự khiêm nhường của Thiên Chúa, vừa cho thấy tình yêu thương bao la của Ngài. Thiên Chúa khiêm nhường, bỏ ngai tòa cao sang để sinh xuống làm người, làm con một người phụ nữ, như Bài đọc II đã khẳng định. Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban chính Con Một mình. Thánh Luca đã kể lại trong Tin Mừng chúng ta vừa nghe: khi những người chăn chiên hối hả chạy đến xem những gì đã xảy ra, họ thấy đúng như lời sứ thần loan báo, đó là “Bà Maria, ông Giuse và Hài Nhi nằm trong máng cỏ. Khi tôn vinh Đức Trinh nữ Maria, Giáo Hội cũng mời gọi mỗi người chúng ta noi gương Đức Mẹ, sống đơn sơ khiêm nhường, phó thác cậy tin nơi Chúa Quan phòng, trong mọi hoàn cảnh.
Qua mầu nhiệp nhập thể của Ngôi Lời, Thiên Chúa thực hiện một cuộc sáng tạo mới, mở ra một tương lai tươi sáng, để rồi con người có thể gặp gỡ Thiên Chúa. Qua việc thiết lập Giáo phận Hà Tĩnh, cộng đoàn dân Chúa nơi đây bước sang một trang sử mới, chắc chắn sẽ có nhiều thuận lợi và cơ hội để thăng tiến đức tin và nỗ lực truyền giáo. Khi tôn nhận Đức Maria Mẹ Thiên Chúa làm Bổn mạng của Giáo phận này, chắc chắn các vị hữu trách muốn phó thác Giáo phận nơi lời cầu bầu hiền mẫu của Đức Mẹ, đồng thời cũng mong muốn Giáo phận này luôn như một người mẹ ấp ủ đoàn con, như gà mẹ ấp ủ con dưới cánh, để quy tụ và dẫn đưa về quê trời. Theo giáo huấn của Công đồng Vatican II, mỗi cộng đoàn Giáo Hội địa phương đều là một phần của Giáo Hội hoàn vũ, nơi đó có trọn vẹn Giáo Hội với bốn đặc tính: duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền. Như thế, Giáo phận Hà Tĩnh của chúng ta cũng phản ánh đầy đủ hình ảnh thân thể huyền nhiệm của Đức Giêsu, gồm nhiều chi thể khác nhau, nhưng cùng chia sẻ một sứ mạng là loan báo Tin Mừng, và cùng chung tình hiệp thông để nối kết với 26 Giáo phận khác trong nước, để cùng vươn xa tới tình hiệp thông với Giáo Hội hoàn vũ.
Lễ Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa cũng là ngày Thế giới cầu nguyện cho hòa bình. Hòa bình là niềm ước vọng của con người, từ khi hiện hữu trên trái đất. Hài Nhi Giêsu giáng sinh tại Belem chính là Hoàng tử Hòa bình. Người đến để thiết lập hòa bình giữa Thiên Chúa và con người. Người cũng kêu gọi con người hãy xây dựng hòa bình khởi đi từ chính tâm hồn cá nhân mỗi người, để đón nhận Chúa và đón nhận anh chị em mình. Một khi tâm hồn được bình an, chúng ta có thể cầu nguyện như Thánh Phanxicô, vị thánh nghèo quê ở Assisie: “Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa”.
Khi tôn vinh Đức Maria trong ngày ra mắt chính thức Giáo phận mới Hà Tĩnh và ngày khởi đầu sứ vụ Giám mục của Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, chúng ta cầu nguyện cho Giáo phận này được bình an. Theo các dữ liệu thống kê, Giáo phận Hà Tĩnh có diện tích 14.091 km2; 278.559 tín hữu Công giáo, trên tổng dân số 2.137.505 người, chiếm 13,03% dân số. Để phục vụ đoàn chiên Hà Tĩnh, có 135 Linh mục, 19 Tu sĩ nam, 188 nữ tu và 56 chủng sinh đang được đào tạo tại Đại chủng viện thánh Phanxicô Xavier. Với con số nhân sự như trên, chúng ta thấy đây là một Giáo phận có nhiều hứa hẹn cho một công cuộc truyền giáo mới, mở ra một trang sử đầy triển vọng, hướng tới tương lai.
Hà Tĩnh cũng là dẻo đất khô cằn, “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa”, lũ lụt thiên tai thường xuyên. Được tôi luyện trong điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu khắt nghiệt, con người nơi đây trở nên kiên cường và mạnh mẽ. Trong bài phỏng vấn Vatican News sau khi được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám mục Hà Tĩnh, Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp đã nhận định: “Trên mảnh đất khô cằn này, suốt bề dày của lịch sử, nhất là thời bao cấp, người dân phải gồng mình lên để sống và để làm chứng cho niềm tin”. Khi được hỏi về những ưu tư trong sứ vụ Giám mục, Đức Cha Phaolô đã cho biết: ưu tư hàng đầu của ngài là giáo dục và tạo việc làm cho giới trẻ. Vị chủ chăn không khỏi đau lòng khi chứng kiến số đông con cái mình phải đi tìm kiếm việc làm ở các thành phố lớn trong nước và ở nước ngoài. Vì lo thoát nghèo và vì mưu sinh, nên phần lớn bạn trẻ chỉ học tốt nghiệp trung học phổ thông. Đây là những bế tắc chưa tìm được giải pháp, vì thế cánh cửa tương lai vẫn chưa thực sự mở ra cho giới trẻ. Chia tay Giáo phận Vinh sau 8 năm gắn bó, vẫn còn đó những giấc mơ chưa tròn, như ngài tâm sự trong thánh lễ chia tay ngày 22-1-2019, đó là Công trình Thánh địa Trại Gáo, Cầu Rầm, trường cho người khiếm thị, trung tâm nuôi dưỡng và chăm sóc người nghèo, người khuyết tật…
Cùng với ưu tư về đời sống văn hóa, nghề nghiệp và đức tin của giới trẻ, Đức Giám mục Hà Tĩnh cũng nói lên những lo lắng về hòa bình và quyền lợi của người dân, nhất là những người nghèo tại mảnh đất khô cằn và hằng năm bão giông lũ lụt. Với cương vị là Chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình, trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam từ 8 năm nay, ngài đã nỗ lực cố gắng nói lên tiếng nói của người nghèo, để bảo về quyền lợi của họ và mong cho họ được đối xử công bằng. Với châm ngôn đời Giám mục “Sự thật và tình yêu”, Đức Cha Phaolô đã thực hiện chức năng ngôn sứ, can đảm dấn thân phục vụ mọi người, chứng minh những giá trị Tin Mừng và giới thiệu giáo huấn của Giáo Hội Công giáo trong lãnh vực xã hội. Người thực hiện chức năng ngôn sứ bao giờ cũng trải qua những thương đau và chống đối, nhưng quyền năng Chúa luôn ở với họ. Những ưu tư của Đức Cha Phaolô cũng là hướng đi của Hội đồng Giám mục Á châu, được thể hiện qua, vị Tân Chủ tịch của Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC), Đức Hồng y Charles Bo. Trong một bài phát biểu mới đây, ngài đã phác họa lộ trình 5 điểm cho Giáo hội tại Châu Á với các mục tiêu: công lý, hoà giải, quyền của người bản địa và đối thoại để đạt được công lý, hoà bình và thịnh vượng cho mọi người (Nguồn: Website của Hội đồng Giám mục VN). Lộ trình này nhằm đưa Giáo Hội Công giáo tại Á châu đẩy mạnh việc hòa giải như một cuộc Tân Phúc âm hoá. Đem giá trị của Tin Mừng chiếu rọi vào các nền văn hóa phong phú như một “bức tranh khảm” muôn màu muôn vẻ của châu lục này.
“Có nơi mô như miền quê ta. Miền đất quanh năm bao mùa nắng gió, thương cha một đời gập ghềnh bờ đê, nắng trũng hai vai mưa thâm mắt cá, cho cây lúa vẫn xanh dưới trời chang chang.Có nơi mô như người quê ta, thương nhau quả cà cùng chia làm ba, yêu nhau em gửi qua câu dân ca, sông La có cạn núi Hồng hết cây, thì em vẫn nỏ hết tình” (Về Hà Tĩnh người ơi – Tg Xuân Thủy). Câu ca này diễn tả nỗi nghèo của miền quê đất cằn gió nóng, đồng thời cũng cho thấy tình người đậm đà gắn bó keo sơn. Tình người nơi đây sẽ được thăng hoa và đậm đà hơn nữa, nếu được thấm nhuần chất men của Tin Mừng. Chúng ta cầu nguyện cho sứ vụ của Đức Cha Phaolô tại mảnh đất này đem lại những hiệu quả tốt đẹp. Cầu nguyện cho Giáo phận Hà Tĩnh sẽ có những mùa gặt bội thu, để rồi “đi mô ta cũng nhớ về Hà Tĩnh”, vì trên mảnh đất khô cằn và nghèo nàn này, đức tin sẽ tỏa sáng, hòa bình, công lý, sự thật và tình yêu sẽ nở hoa và tỏa sắc khoe hương.
TGM Giuse Vũ Văn Thiên