12.11.2024 – Thứ Ba Tuần XXXII Thường Niên
Lời Chúa: Lc 17, 7-10
“Chúng tôi là đầy tớ vô dụng: vì chúng tôi đã làm điều chúng tôi phải làm”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán: “Ai trong các con có người đầy tớ cày bừa hay chăn súc vật ngoài đồng trở về liền bảo nó rằng: “Mau lên, hãy vào bàn dùng bữa”, mà trái lại không bảo nó rằng: “Hãy lo dọn bữa tối cho ta, hãy thắt lưng và hầu hạ ta cho đến khi ta ăn uống đã, sau đó ngươi mới ăn uống”? Chớ thì chủ nhà có phải mang ơn người đầy tớ, vì nó đã làm theo lệnh ông dạy không? Thầy nghĩ rằng không.
“Phần các con cũng vậy, khi các con làm xong mọi điều đã truyền dạy các con, thì các con hãy nói rằng: “Chúng tôi là đầy tớ vô dụng, vì chúng tôi đã làm điều chúng tôi phải làm”. Ðó là lời Chúa.
Suy niệm:
Vào thời xưa, những tù binh bại trận phải làm nô lệ cho phe thắng. Khi nhân phẩm của từng con người chưa được nhận ra thì chuyện mua bán nô lệ là chuyện dễ hiểu (Xh 21, 21). Dân Ítraen cũng có kinh nghiệm về việc bị bắt làm nô lệ ở Ai-cập, và kinh nghiệm được Thiên Chúa giải phóng để trả lại tự do. Những kinh nghiệm này khiến cho chế độ nô lệ ở Ítraen bớt tàn nhẫn. Người chủ không có quyền bạc đãi nô lệ của mình (Xh 21, 26-27). Có những nô lệ còn được trao trách nhiệm quản trị thay cho chủ. Nếu nô lệ là người Do thái thì sau sáu năm phục vụ, năm thứ bảy anh phải được trả tự do (Xh 21, 2). Hơn nữa, sách Lêvi còn nói đến việc chuyển đổi biên chế để một nô lệ Do thái trở thành người làm công trong nhà (25, 39-55).
Tin Mừng hôm nay là một dụ ngôn nói về chuyện một ông chủ. Ông có một đầy tớ, hay đúng hơn ông sở hữu một anh nô lệ (doulos). Có một sự khác biệt lớn giữa nô lệ và người làm công. Anh nô lệ được mua về, và anh phải hoàn toàn lệ thuộc vào chủ. Khác với người làm công, anh nô lệ không được đòi hỏi gì. Người nô lệ phải làm mọi việc chủ bảo làm mà không được đòi lương hay bất cứ ân huệ nào khác. Đức Giêsu mời các môn đệ đặt mình vào hoàn cảnh của ông chủ. Có thể ông chỉ có một anh nô lệ thôi, nên anh vừa phải lo việc đồng áng, vừa phải lo việc cơm nước. Khi anh từ ngoài đồng về, sau cả ngày làm việc, sau khi đã vất vả đi cày hay đi chăn chiên (c. 7), liệu ông chủ có mời anh ngồi vào bàn, ăn cơm tối với mình không? Câu trả lời vào thời đó dĩ nhiên là không. Anh sẽ phải tiếp tục phục vụ chủ bằng cách vào bếp, dọn bữa tối. Khi bữa tối được dọn xong, khi ông chủ ngồi ăn uống thảnh thơi, thì anh nô lệ phải đứng hầu bàn, thắt lưng gọn gàng trong tư thế của người đang làm việc (c. 8). Chỉ khi ông chủ ăn uống xong, bấy giờ mới đến lúc anh ăn uống. “Ông chủ có biết ơn anh nô lệ, vì anh đã làm theo lệnh truyền không?” Câu trả lời vào thời đó dĩ nhiên là không. Ông chủ chẳng phải trả công cho anh nô lệ. Và anh cũng không chờ bất cứ một lời khen hay ân huệ nào từ ông chủ. Anh hồn nhiên làm điều anh phải làm mỗi ngày, thế thôi.
Dụ ngôn này của Đức Giêsu gây sốc cho chúng ta ngày nay, những người vất vả lo việc Chúa, những người ít khi được nghỉ. Chúng ta cũng thuộc về Chúa tương tự như một nô lệ (Cv 4, 29). Chúng ta làm điều phải làm (c. 10), nhưng không như người làm công chờ lương, cũng không đòi tiếng khen, quyền lợi, hay đặc ân nào khác từ chủ. Người tông đồ giống như người đi cày (Lc 9, 62), chăn chiên (Cv 20, 28), hay hầu bàn (Lc 22, 27). Khi chu toàn mọi việc được giao, vẫn nhận mình là đầy tớ vô dụng, không một chút kiêu hãnh, đòi hỏi công lao hay tự hào về thành quả. Thanh thoát với chính những công việc lớn lao mình đã làm, siêu thoát khỏi cái tôi muốn phình to bằng công đức, đó là điều mà Đức Giêsu muốn nhắn nhủ cho những ai làm việc cho Chúa. Dù sao ta không được phép nghĩ Thiên Chúa như một ông chủ tàn nhẫn. Đức Giêsu đã mang lấy thân phận một nô lệ để cứu chúng ta (Ph 2, 7). Ngài đã sống như người hầu bàn cho các môn đệ (Lc 22, 27). Và Ngài sẽ cư xử như một người hầu bàn ăn cho ta khi Ngài đến mà thấy ta vẫn tỉnh thức đợi chờ (Lc 12, 37).
Cầu nguyện:
Lạy Ngôi Lời Thiên Chúa rất đáng mến, xin dạy con biết sống quảng đại, biết phụng sự Chúa cho xứng với uy linh Ngài, biết cho đi mà không tính toán, biết chiến đấu không ngại thương tích, biết làm việc không tìm an nghỉ, biết hiến thân mà không mong chờ phần thưởng nào ngoài việc biết mình đã chu toàn Thánh Ý Chúa. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH
GP. PHÚ CƯỜNG
HIỆP THÔNG LOAN BÁO TIN MỪNG
Với dụ ngôn Người đầy tớ hôm nay, Chúa Giêsu dạy các môn đệ về bài học phục vụ trong khiêm nhường.
Người đầy tớ dầu có cả ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, cày bừa hay chăn súc vật ngoài đồng trở về, không có bàn cơm dọn sẵn để ngồi vào ăn mà phải đi lo dọn bữa tối cho chủ, thắt lưng phục vụ chủ ăn trước rồi mình mới ăn sau đi nữa thì người đầy tớ ấy cũng không hề kêu ca một lời. Và dĩ nhiên, người đầy tớ ấy đâu có trông chờ được trả công của chủ dù chỉ là một lời khen khi anh đã làm việc quần quật.
Chúa Giêsu dạy chúng ta không được kiêu ngạo, không được khoe khoang về những thành quả do công khó của mình mà đòi hỏi Chúa phải trả công. Vì xét cho cùng, tất cả những gì chúng ta “có” đều do Chúa ban, nào là sự sống, sức khỏe, khả năng, vốn liếng, hoàn cảnh… Một khi đã làm xong mọi điều đã truyền dạy, thì hãy nói: “Chúng tôi là đầy tớ vô dụng, vì chúng tôi đã làm điều chúng tôi phải làm” (Lc 17,10). Khi sống khiêm tốn đến mức tự coi mình là đầy tớ, chúng ta sẽ không ngại phục vụ người khác như là bổn phận mình mà không đợi trả công. Từ đó, chúng ta không có suy nghĩ làm để tích đức, để nhận lại quả, hoặc để nên công trạng vì người Pharisêu và các Luật sĩ hay kể công việc lành phúc đức mà họ thực hiện như ăn chay, cầu nguyện, hãm mình, bố thí… Họ nghĩ rằng đương nhiên phải được Chúa thưởng công.
Trong Giáo hội Chúa Kitô, đã có biết bao nhiêu việc bất hòa làm đời sống Giáo hội bị rạn nứt. Một trong những mẫu gương hàn gắn những tổn thương trong Giáo hội là thánh Josaphat, một vị giám mục tử đạo được mừng kính ngày 12/11. Sinh năm 1580 tại Ukraine, trong một Giáo hội theo nghi lễ Xilavônia hợp nhất với Rôma. Từ thơ ấu, Josaphát đã hấp thụ tinh thần cầu nguyện và hăng hái làm việc tông đồ không mỏi mệt từ một linh mục đạo đức. Và rồi ngày đêm, cha Josaphat, người tôi tớ nhiệt thành hăng hái lao mình củng cố sự hợp nhất nội bộ đan viện thánh Basiliô ở Vilna, cùng với những hy sinh phạt xác theo nếp sống đan tu, kêu gọi những anh em ly khai trở về với Giáo hội mẹ. Người ta quen gọi ngài là “Cha của những người khốn khổ” vì ngài chăm lo cho những người nghèo khổ có nơi ăn chốn ở. Với lòng nhiệt tâm tông đồ, năm 1623, Đức cha Josaphát lên đường viếng thăm, ủy lạo và cổ vũ tinh thần hợp nhất của các tín hữu nhưng rồi bị nhóm thù địch ở địa phương hạ sát ngài.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho con có một tinh thần khiêm tốn nhưng không kém phần nhiệt huyết, để Tin mừng Chúa được cao rao cho mọi người. Amen.
#giaophanbaria #gpbr #suyniemhangngay #suyniemloichuahangngay #muathuongnien