12.03.2020 – Thứ Năm tuần II Mùa Chay
Có một vực thẳm
Lời Chúa: Lc 16, 19-31
Một hôm, Ðức Giêsu nói với những người Pharisêu rằng: “Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại có một người nghèo khó tên là Ladarô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu, thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta. Thế rồi người nghèo này chết, và được thiên thần đem vào lòng ông Ápraham. Ông nhà giàu cũng chết, và người ta đem chôn. Dưới âm phủ, đang khi chịu cực hình, ông ta ngước mắt lên, thấy tổ phụ Ápraham ở tận đàng xa, và thấy anh Ladarô trong lòng tổ phụ. Bấy giờ ông ta kêu lên: ‘Lạy tổ phụ Ápraham, xin thương xót con, và sai anh Ladarô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát; vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm!’ Ông Ápraham đáp: ‘Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi; còn Ladarô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bấy giờ, Ladarô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ. Hơn nữa, giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được’. Ông nhà giàu nói: ‘Lạy tổ phụ, vậy thì con xin tổ phụ sai anh Ladarô đến nhà cha con, vì con hiện còn năm người anh em nữa. Xin sai anh đến cảnh cáo họ, kẻo họ lại cũng sa vào chốn cực hình này!’ Ông Ápraham đáp: ‘Chúng đã có ông Môsê và các Ngôn Sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó’. Ông nhà giàu nói: ‘Thưa tổ phụ Ápraham, họ không chịu nghe đâu, nhưng nếu có người từ cõi chết đến với họ, thì họ sẽ ăn năn sám hối’. Ông Ápraham đáp: ‘Ông Môsê và các Ngôn Sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin đâu’.”
Suy niệm :
Tài sản của ba người Mỹ giàu nhất thế giới
còn lớn hơn tài sản của 48 nước kém phát triển.
Bill Gates giàu hơn 100 triệu người Mỹ nghèo nhất.
Chỉ cần 40 tỉ đô la của ông, Liên Hiệp Quốc đủ chi tiêu
cho giáo dục cơ bản, sức khỏe, nước sạch và vệ sinh
cho cả thế giới trong một thời gian dài.
Khi nhìn sự chênh lệch giữa ông nhà giàu và Ladarô,
chúng ta thấy bức tranh hiện thực của thế giới.
Hố sâu ngăn cách giữa giàu nghèo ở đô thị,
giữa đô thị và nông thôn, càng lúc càng lớn.
Có 800 triệu Ladarô đang đói nghèo cùng cực.
Hơn một tỉ Ladarô bệnh tật không được chăm sóc.
Vẫn có bao người chết đói mỗi ngày,
vì không được hưởng gì từ các bàn tiệc rơi xuống.
Ông nhà giàu trong dụ ngôn có thấy, có biết Ladarô,
nhưng thấy mà như không thấy có Ladarô trên đời.
Tiện nghi vật chất đã thành bức tường kín.
Ông sống an toàn mãn nguyện trong khoảng không gian riêng.
Chính ông đã tạo ra một vực thẳm ngăn cách.
Không cần Chúa, cũng chẳng cần biết đến anh em.
Có thể nói vực thẳm đó lớn dần và kéo dài mãi đến đời sau.
Hỏa ngục là sự tự cô lập mình không thể đảo ngược được.
Chẳng ai có thể cho tôi một giọt nước.
Vực thẳm ngăn cách con người ở đời sau
là do chính con người đã tạo ra từ đời này.
Ông nhà giàu bị phạt, không phải vì ông đã bóc lột ai,
nhưng vì ông không bị sốc chút nào
trước sự chênh lệch ghê gớm giữa ông và Ladarô.
Từ sốc mới nẩy sinh thức tỉnh, và dẫn đến hoán cải.
Nhiều nước giàu vẫn trợ giúp các nước nghèo,
nhưng không muốn loại bỏ sự bất bình đẳng.
Các nước nghèo vẫn bị bóc lột về tài nguyên, nhân công,
và bị nô lệ cho những món nợ không sao trả hết.
Ông nhà giàu bị phạt không phải vì ông đã nhận nhiều,
nhưng vì ông đã không san sẻ những gì mình nhận.
Giàu không phải là một tội, của cải tự nó không xấu.
Có bao người giàu tốt như Dakêu, Nicôđêmô, Giuse Arimathia.
Nhưng giàu sang có thể dẫn đến cám dỗ nguy hiểm:
Tích trữ, tham lam, hà tiện, khép kín, tự mãn, hưởng thụ,
bị ám ảnh bởi đồng tiền, bị mê hoặc bởi lợi nhuận.
Chúng ta có thể nghèo của cải, nhưng giàu có về các mặt khác:
giàu kiến thức chuyên môn, giàu thế lực ảnh hưởng,
giàu sức khỏe, giàu tình bạn tình yêu, giàu niềm vui, ơn Chúa.
Hãy tập nhìn xuống để thấy bao người dưới mình.
Chia sẻ là lấp vực thẳm, nâng người khác lên bằng mình.
Ước gì chúng ta để cho Lời Chúa hoán cải,
để thấy trách nhiệm của mình trước những Ladarô
nằm ngay nơi cửa, trong khu xóm…
Chỉ cần bớt chút dư thừa, xa xỉ của chúng ta
cũng đủ làm nhiều người no nê hạnh phúc.
Cầu nguyện :
Lạy Cha, xin cho con ý thức rằng
tấm bánh để dành của con thuộc về người đói,
chiếc áo nằm trong tủ thuộc về người trần trụi,
tiền bạc con cất giấu thuộc về người thiếu thốn.
Lạy Cha, có bao điều con giữ mà chẳng dùng,
có bao điều con lãng phí
bên cạnh những Ladarô túng quẫn,
có bao điều con hưởng lợi
dựa trên nỗi đau của người khác,
có bao điều con định mua sắm dù chẳng có nhu cầu.
Con hiểu rằng nguồn gốc sự bất công
chẳng ở đâu xa.
Nó nằm ngay nơi sự khép kín của lòng con.
Con phải chịu trách nhiệm
về cảnh nghèo trong xã hội.
Lạy Cha chí nhân,
vũ trụ, trái đất và tất cả tài nguyên của nó
là quà tặng Cha cho mọi người có quyền hưởng.
Cha để cho có sự chênh lệch, thiếu hụt,
vì Cha muốn chúng con san sẻ cho nhau.
Thế giới còn nhiều người đói nghèo
là vì chúng con giữ quá điều cần giữ.
Xin dạy chúng con biết cách đầu tư làm giàu,
nhờ sống chia sẻ yêu thương. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
Lời Chúa:
“Ông Áp-ra-ham đáp: ‘Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi; còn La-da-rô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh…”. (Lc 16,25)
Câu chuyện minh họa:
Có một đứa trẻ bị khuyết tật bẩm sinh, hằng ngày đi học, cậu thường bị chúng bạn chế nhạo, bắt nạt, đó là điều khiến cậu trở nên lạnh lùng và khép kín. Một hôm cha cậu nhặt được một con chó sắp chết rét từ trong đống tuyết… con chó được đặt nằm xuống gần chân cậu bé, nó run cầm cập. Cậu bé không thích con chó dơ dáy này, cậu dùng chiếc nạng của mình đuổi nó đi, nó không biết đi đâu, nên nằm ngoài cửa kêu ăng ẳng thảm thiết.
Cha cậu nghe tiếng chó kêu thì biết chuyện. Vì thế, ông đến phòng để trò chuyện với cậu bé. Khi nghe cậu bé kể ở trường cậu thường bị bạn bè bắt nạt, ông nói: “Tại sao những đứa trẻ ấy lại bắt nạt con?”. Cậu bé nói: “Bởi vì chân con có tật, con không thể chơi lại chúng nên chúng mới bắt nạt con”. Người cha lúc đó mới ôn tồn nói: “Chúng khỏe mạnh, còn con yếu, cho nên chúng bắt nạt con. Còn bây giờ thì con rất mạnh, con chó lại rất yếu, vậy tại sao con lại không biết thương cảm nó?”. Nghe xong, cậu bé ngân ngấn nước mắt, một lúc sau cậu ẵm con chó vào đặt cạnh lò sưởi và vuốt ve nó… Sau này cậu bé trở thành vị bác sĩ nổi tiếng nhân hậu, được mọi người yêu thương và kính trọng.
Suy niệm:
Qua câu chuyện trên, chúng ta thấy người cha này thật khéo để dạy con biết sống yêu thương. Đức tính yêu thương làm cho người ta sống triệt để vai trò là người Kitô hữu. Khi con người thiếu vắng tình yêu, thì xã hội không còn sức sống. Người phú hộ trong bài Tin mừng hôm nay đã mắc phải một chứng bệnh đó là vô cảm trước người gặp đau khổ, không tỏ lòng thương xót với Ladarô dù chỉ là một miếng bánh vụn. Ông phú hộ không được vào Nước Trời không phải vì ông có nhiều của cải nhưng vì ông không biết sử dụng của cải ở đời này để mua Nước Trời. Ladarô là người ông gặp hằng ngày thế mà ông lại dửng dưng trước đau khổ của người đồng loại. Nước Trời thật không khó để vào, chỉ cần có tình yêu thì chúng ta sẽ vào được thôi.
Lạy Chúa, xin mở mắt con để thấy người anh em đang đói khổ quanh con; xin mở tim con để con cảm thông với những bất hạnh của người đồng loại; xin mở tay con để trao ban tất cả; và xin mở miệng con để con biết nói lời yêu thương với anh chị em xung quanh con.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH GP. PHÚ CƯỜNG
Trong suốt thời gian của Mùa Chay, chúng ta lại nhắc đến người nghèo, lại nói về bác ái. Có gì đó đánh động cảm xúc chúng ta khi nói về những người nghèo không?
Có ba điều rút ra từ trong dụ ngôn Tin Mừng hôm nay. Thứ nhất, đó là sự đau khổ của những người nghèo, đau khổ cả thể xác lẫn tinh thần. Thứ hai, đó là sự giàu có dư thừa và sự vô tâm, vô cảm của ông phú hộ. Trong tâm trí của ông, dù cho Lazarô có nằm trước cửa nhà với đói rách và đau khổ mỗi ngày, ông vẫn chẳng thèm để ý đến. Và thứ ba, đó là nỗi khổ cực hình ông phú hộ phải nhận trong lửa địa ngục không hề tắt. Đó xem như là hậu quả của sự thờ ơ vô tâm với những người nghèo.
Ngày nay, nhiều gia đình khá giả hơn, nhiều người kiếm được nhiều tiền hơn, tiến thân nhanh hơn và cũng từ đó mà cải thiện nhiều mặt cuộc sống, nhất là về kinh tế. Nhưng nếu chỉ gói gọn về kinh tế để nói lên sự nghèo đói thì không đủ. Ngày nay có nhiều hình thức nghèo hơn chỉ là nghèo về tiền bạc. Cuộc sống khấm khá hơn, có nhiều tiền hơn nhưng chúng ta không quan tâm hoặc giúp đỡ cho những người nghèo bên cạnh mình, đó là chúng ta giẫm đạp lên quá khứ của mình. Khi ta đói, ta nhận được sự giúp đỡ, chia sẻ, nhờ đó mới có ngày hôm nay. Còn như hôm nay chúng ta khá hơn, đầy đủ hơn, mà lại quên giúp người khác, đó phải chăng là sự vô tâm cũng giống như người phú hộ kia? Chúng ta đã từng là người nghèo, nhưng lại không nhớ về quá khứ đó để nhắc nhủ bản thân rằng những người nghèo bây giờ cũng giống như mình ngày xưa. Họ cần được sự giúp đỡ, cần được sự chia sẻ vật chất và tinh thần nơi chúng ta.
Những gì ta làm hôm nay, dù chỉ là một hành động sẻ chia vật chất nhỏ, dù là tâm tình cảm thông và rung cảm trước những hoàn cảnh đau thương là chúng ta đang thực sự loại ra khỏi bản thân mình sự vô tâm vô cảm. Những hành động thiết thực này cũng là những chuẩn bị cho sự sống đời đời của chúng ta. Viễn cảnh trong lửa đời đời không ai muốn nhưng nó sẽ là chọn lựa của chúng ta nếu hôm nay mình cư xử giống như ông phú hộ được nói đến trong đoạn Tin Mừng. Chúng ta sẽ không thể thay đổi điều gì và cũng không thể van xin được lòng thương xót Chúa khi vào nơi lửa không hề tắt ấy.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho trái tim chúng con luôn biết rộng mở và đôi tay chúng con biết sẻ chia những gì chúng con có cho người nghèo, cho những bất hạnh hơn chúng con. Amen.