28.8.2019 – Thánh Augustinô, giám mục, tiến sĩ Hội thánh
Có vẻ công chính
PHÚC ÂM: Mt 23, 27-32
“Các ngươi là con cháu những kẻ đã giết các tiên tri”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: “Khốn cho các ngươi, hỡi những luật sĩ và biệt phái giả hình: vì các ngươi giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ tốt đẹp, nhưng bên trong đầy xương kẻ chết và mọi thứ dơ nhớp. Các ngươi cũng thế, bên ngoài, các ngươi có vẻ là người công chính, nhưng bên trong, các ngươi đầy sự giả hình và gian ác. Khốn cho các ngươi, hỡi những luật sĩ và biệt phái giả hình, các ngươi xây đắp phần mộ các tiên tri, trang hoàng mồ mả những người công chính, và các ngươi nói rằng: ‘Nếu chúng tôi sống thời cha ông chúng tôi, ắt chúng tôi không thông đồng với các ngài trong việc đổ máu các tiên tri’. Vì thế, các ngươi tự chứng thực các ngươi là con cháu những kẻ đã giết các tiên tri. Vậy các ngươi cứ đong cho đầy đấu của cha ông các ngươi”.
Suy niệm :
Ở xứ Paléttin, các ngôi mộ thường được quét vôi màu trắng,
để người Do thái dễ nhận ra và tránh xa.
Đặc biệt trước lễ Vượt qua, mộ được quét vôi lại,
vì có đông đảo khách hành hương tuốn về quê dự lễ.
Ai bất cẩn đụng vào mộ là bị trở nên ô uế trong bảy ngày (Ds 19, 16).
Đối với người Do thái, ngôi mộ là điều nên tránh,
vì bên trong đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô nhơ (c. 27),
tuy bên ngoài có vẻ sạch sẽ tốt đẹp.
Đức Giêsu đã dám ví các kinh sư và người Pharisêu với ngôi mộ,
vì bên ngoài họ có vẻ công chính trước mặt người ta,
nhưng bên trong thì đầy đạo đức giả và gian ác (c. 28).
Có sự tương phản giữa cái có vẻ bên ngoài và cái thực tế bên trong.
Bên ngoài không diễn tả bên trong, nhưng làm hiểu sai cái bên trong.
Tất cả nỗ lực của chúng ta là làm cho bên ngoài và bên trong nên một,
để ai thấy bên ngoài của ta đều biết được điều sâu kín bên trong.
Đức Giêsu còn đề cập đến một sự giả hình khác (cc. 29-32),
đó là việc các người Pharisêu xây mồ, tô mả cho các ngôn sứ thời xưa.
Họ khẳng định mình không can dự vào tội giết các ngôn sứ của cha ông họ.
Tiếc thay, họ lại can dự vào tội giết các ngôn sứ do Đức Giêsu sai đến,
qua đó họ cho thấy mình đúng là người thuộc dòng dõi của cha ông,
Khi đọc toàn bộ chương 23 của Tin Mừng Mátthêu
về những lời phê phán của Đức Giêsu đối với giới lãnh đạo tôn giáo,
chúng ta có thể bị sốc, vì chúng quá nặng nề.
Liệu Đức Giêsu hiền lành có nói nguyên văn những lời như thế không?
Điều cần biết là không phải người Pharisêu nào cũng giả hình.
Có nhiều người thực sự thánh thiện đạo đức,
và Đức Giêsu đã có tương quan tốt với một số người trong nhóm.
Cũng nên nhớ là Ngài không giảng cả chương 23 trong một lần,
nhưng trong nhiều dịp khác nhau, và Mátthêu gom lại thành một chương.
Cuối cùng không nên quên là hầu chắc giọng điệu gay gắt của chương này,
là do có sự căng thẳng giữa Hội Thánh Chúa và Hội đường Do thái.
Vào thời Mátthêu viết Tin Mừng này, có những Kitô hữu bị bách hại,
bị đánh đòn, bị giết và đóng đinh bởi người Do thái (Mt 23, 34).
Bởi đó những lời của Đức Giêsu nhắm vào người Pharisêu ngày xưa,
lại trở thành lời nhắc nhở chúng ta hôm nay,
những người sống trong Hội Thánh và những người lãnh đạo.
Thói giả hình về đạo đức thời nào và ở đâu cũng có.
Nó tạo ra một bầu khí dối trá trong tương quan với Thiên Chúa và tha nhân.
Hội Thánh vẫn muốn cho đọc bài Tin Mừng gây sốc này
vì các Kitô hữu vẫn bị cám dỗ giữ đạo bên ngoài mà không sống đạo.
Thật ra chúng ta chỉ có thể rao giảng Tin Mừng cho con người hôm nay
khi những khoảng cách giữa lời nói và hành động được xóa bỏ,
khi người ta thấy sự thống nhất trong lối sống của chúng ta,
khi mọi mặt nạ được cởi ra, và sự thật được tỏ hiện.
Cầu nguyện :
Lạy Chúa Giêsu,
ánh sáng và bóng tối thì dễ phân biệt,
còn bóng mờ thì khó nhận ra hơn.
Con đã mạnh dạn khước từ bóng tối
nhưng khi nhìn thật sâu vào lòng mình,
con vẫn thấy có nhiều bóng mờ tác động.
Con an tâm ở lại trong bóng mờ,
vì thấy đó chưa phải là một tội.
Nhưng con cũng áy náy
vì biết rằng bóng mờ là nơi
ánh sáng Chúa chưa thấm nhập trọn vẹn.
Con không muốn bóng mờ thành ánh sáng,
vì con vẫn muốn giữ lại
một điều gì đó rất quý đối với con.
Xin giải phóng con khỏi những tình cảm lệch lạc
để con được tự do yêu mến và phụng sự Chúa hơn.
Xin chinh phục những bóng mờ trong lòng con
để con được thuộc trọn về Chúa.
Xin kéo con ra khỏi thái độ lấp lửng, nước đôi,
để dứt khoát đặt Chúa trên mọi sự.
Ước gì con có đủ can đảm để dám nhìn thẳng
vào những bóng mờ trong đời con.
Và ước gì con được trở nên trong suốt
nhờ để ánh sáng Chúa
tràn ngập mọi vùng mờ tối nơi con. Amen.
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
Lời Chúa:
“Khốn cho các ngươi, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình!”. (Mt 23,27).
Câu chuyện minh họa:
Sách Cổ học tinh hoa có chép câu truyện. Tại Hàn Châu, một người bán trái cây đã tìm ra được bí quyết giữ cam lâu ngày mà vỏ cam luôn đỏ hồng; ông bán với giá đắt, thế mà thiên hạ vẫn tranh nhau mua. Có người mua được một trái đem về bóc ra mới vỡ lẽ rằng bên trong chỉ làm một trái cam thối. Người đó bèn đem trả lại cho người bán và mắng nhiếc thậm tệ.
Người bán cam mới cười nói: ‘Tôi làm nghề này đã lâu, tôi bán và người ta mua, không ai than phiền, chỉ có ông mới kêu ca. Thiên hạ giả dối nhiều, chẳng riêng gì tôi, ông thật chẳng chịu nghĩ cho đến nơi. Này thử xem ông đeo hộ phú, hùng dũng như một quan võ, kỳ thực không biết ông có giỏi được như Tô Tần, Ngô Khởi không? Ông đội mũ cao, đóng đai dài, trông giống như một quan văn, nhưng liệu ông có giỏi được như Y Doãn, Cao Dao không? Giặc nổi lên không biết dẹp, dân khổ không biết cứu, quan lại tham nhũng không biết trừng trị, pháp độ hỏng nát không biết sửa đổi, ngồi không ăn lương không biết xấu hổ. Thế mà lúc ngồi công đường, đi xe ngựa, uống rượu ngon, ăn cao lương mỹ vị, oai vệ hách dịch vô cùng, đó bề ngoài chẳng như vàng như ngọc, mà bề trong chẳng như hỏng nát là gì? Ông không chịu xét những hạng người ấy, mà lại đi xét quả cam của tôi.
Suy niệm:
Lời Chúa trong Bài Tin Mừng hôm nay là lời khiển trách thứ bảy của Chúa Giêsu dành cho các biệt phái và kinh sư. Họ như mồ mả tô vôi, chỉ có vẻ đẹp bên ngoài còn bên trong thì đầy những sự thối tha… Không may chúng ta cũng là những người giống như họ, khi chúng ta tham dự thánh lễ mỗi ngày, đọc kinh đều đặn, nghe Lời Chúa mỗi ngày… nhưng tâm hồn chúng ta không đặt vào trọng tâm là thờ phượng Chúa, chúng ta làm như thế chỉ để cho người khác biết sự đạo đức của chúng ta mà thôi. Nếu thế thì uổng công quá! Chúng ta hãy nhìn lại cách sống đạo của mình để điều chỉnh lại cho đúng với điều mà Chúa muốn nơi mỗi người.
Lạy Chúa, xin chỉnh đốn con người con theo thánh ý Chúa và trung thành với giáo huấn của Ngài.
Têrêsa Mai An – Gp. Mỹ Tho
Suy niệm
Tin Mừng hôm nay là đoạn cuối trong bản án Chúa Giêsu dành cho các luật sĩ và biệt phái. Trong tác phẩm Đường hay pháo đài xuất bản tại Sài Gòn năm 1969, tác giả Nguyễn Ngọc Lan đã phân tích thái độ của các luật sĩ và biệt phái giả hình thời Chúa Giêsu như sau:
“Trước tiên, họ giản lược đạo thành lề luật, họ giản lược sự sống thành một bộ xương, họ thần hóa luật đi đường đến mức quên bẵng đi mất rằng còn có con đường và chỉ có con đường mới là quan trọng. Họ giống như viên cảnh sát đứng ở ngã ba đường sốt sắng thi hành nhiệm vụ, đến nỗi quên cả ý nghĩa của con đường. Thỉnh thoảng, chúng ta vẫn bắt gặp những viên cảnh sát như thế: họ tham thổi còi phạt một vụ không đáng gì, rồi quên cả bật đèn xanh cho xe cộ lưu thông; hàng trăm xe lớn nhỏ cứ thế nằm yên đợi cho nhân viên luật pháp thi hành luật lệ; trong thời gian đó, con đường không còn là con đường nữa, chỉ có ông gác đường vẫn là ông gác đường, nhưng không còn đường mà đi thì có ông gác đường, có luật đi đường để mà làm gì. Tiếc thay con đường vẫn còn đó mà đâu còn nữa”.
Như tác giả Nguyễn Ngọc Lan đã nhận định: đối với các luật sĩ và biệt phái thời Chúa Giêsu, đạo không còn là con đường để gặp gỡ, chia sẻ và yêu thương, mà chỉ còn là một thứ pháo đài để canh giữ.
Một cách nào đó, khi cuộc sống của người Kitô hữu không phải là sống đạo, không phải là đi theo con đường của Chúa Giêsu, nhưng chỉ giản lược vào sự canh giữ một pháo đài, thì có lẽ chúng ta cũng đang rơi vào thói giả hình.Chúng ta cũng đang chuốc lấy những lời lên án gắt gao của Chúa Giêsu.
Lời Chúa luôn là tiếng chuông cảnh tỉnh từng ngày cho chúng ta. Đạo của chúng ta như Chúa Giêsu đã sống và đã truyền lại, thiết yếu là đạo: “anh làm gì được cho tôi và tôi làm được gì cho anh”. Đạo vẫn là con đường vô hạn mở ra cho hành động yêu thương của con người.
Lạy Chúa, xin gìn giữ chúng con luôn được tỉnh thức trên con đường yêu thương ấy. Amen.
GKGĐ – Gp. Phú Cường