Thứ sáu 02.11.2018 – Lễ Cầu cho các tín hữu qua đời
Sao Ngài bỏ rơi con?
PHÚC ÂM: Mt 25: 31-46
“Bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người “.
Chúa Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người. Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê. Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái. Bấy giờ Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên phải rằng: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han.” Bấy giờ những người công chính sẽ thưa rằng: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; có bao giờ đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà cho mặc? Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến hỏi han đâu? ” Đức Vua sẽ đáp lại rằng: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.”
Rồi Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên trái rằng: “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm viếng.” Bấy giờ những người ấy cũng sẽ thưa rằng: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói, khát, hoặc là khách lạ, hoặc trần truồng, đau yếu hay ngồi tù, mà không phục vụ Chúa đâu? ” Bấy giờ Người sẽ đáp lại họ rằng: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy.” Thế là họ ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính ra đi để hưởng sự sống muôn đời”. Đó là lời Chúa.
Suy niệm:
Ðoạn Tin Mừng trên đây kể lại cho ta
cuộc đời Ðức Giêsu vào những giây phút cuối.
Ngài đã đón nhận cái chết một cách không dễ dàng
sau nhiều giờ hấp hối trên thập giá.
Ðau đớn đến tột cùng, nhục nhã và cô đơn kinh khủng.
Có vẻ lúc đó Cha lại vắng mặt và làm thinh.
“Lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?”
Ðức Giêsu có cảm tưởng như Cha bỏ rơi mình
vào chính lúc Ngài vâng phục Cha, chấp nhận cái chết.
Chúng ta cần nghe được tiếng kêu xé ruột của Ðức Giêsu.
Ngài kêu bằng tất cả sức lực còn lại của mình.
Ngài kêu một tiếng lớn, rồi tắt lịm.
Chúng ta thích thấy Ðức Giêsu chết bình an hơn,
chết anh hùng hơn và chết lành hơn.
Nhưng Ðấng vô tội, chết thay cho cả nhân loại,
đã chẳng được hưởng chút êm đềm nào từ Thiên Chúa.
Lời cuối của Ngài là một tiếng gọi: Lạy Thiên Chúa của con,
một câu hỏi tại sao mà Ngài không rõ câu trả lời.
Ðức Giêsu đã nhắm mắt trong niềm tin trần trụi.
Tháng 11 được dành để nhớ đến những người đã khuất.
Ðã có thời người ta cho rằng theo đạo là bất hiếu,
vì không lo giỗ chạp, cúng vái, nhang đèn…
Nhưng trong niềm tin của Kitô giáo,
điều người chết cần không phải là đồ ăn hay vàng mã,
mà là cầu nguyện, hy sinh, việc lành và thánh lễ.
Ngọn lửa luyện ngục tuy gây nhiều đau đớn không nguôi,
nhưng có sức tẩy luyện, biến đổi và thánh hóa.
Có thể nói các linh hồn ở luyện ngục có phúc hơn ta,
vì họ biết chắc chắn sớm muộn gì cũng vào thiên đàng.
Chính vì thế họ vui lòng để cho tình yêu Chúa thanh lọc,
và càng lúc càng trở nên hoàn hảo hơn để đến gần bên Chúa.
Chúng ta cần sống mầu nhiệm các thánh thông công.
Các thánh trên trời chuyển cầu cho Hội Thánh dưới thế.
Hội Thánh dưới thế chuyển cầu cho các linh hồn đau khổ.
Tất cả liên đới với nhau như các chi thể của một thân thể.
Trong tháng này Hội Thánh mời chúng ta đi viếng nghĩa trang
để cầu nguyện cho các người thân yêu đã lìa đời.
Những hàng mộ nói với ta về cái chết không sao tránh được.
Dù già hay trẻ, dù khỏe hay đau, dù giàu hay nghèo,
nhưng cuối cùng cái chết vẫn là điểm hẹn.
Cái chết được chia đều cho mọi người.
Nghĩa trang có phải là nơi an nghỉ cuối cùng không?
Con người còn gì khi thân xác nát tan trong lòng đất?
Nhờ Ðức Giêsu phục sinh mà mầu nhiệm cái chết được vén mở.
Cái chết chỉ là nhịp cầu đưa ta vào cõi sống.
Con người sống là để chết, và chết là để sống mãi,
sống một cuộc sống hạnh phúc tuyệt vời hơn nhiều.
Cùng với thánh Phanxicô, xin gọi cái chết là chị – Chị Chết.
Ước gì người Kitô hữu học được nghệ thuật sống
nhờ biết đón lấy cái chết trong niềm hy vọng tin yêu.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
nếu người ta cứ phải sống mãi trên cõi đời này
thì thật là phiền toái.
Nhưng cái chết vẫn làm chúng con đau đớn
vì phải chia tay với những người thân yêu,
vì bao mộng mơ, dự tính còn dang dở.
Xin cho chúng con đừng nhìn cái chết
như một định mệnh nghiệt ngã và phi lý
nhưng như một hành trình trở về nguồn cội yêu thương.
Lạy Chúa Giêsu, trước cái chết thập giá,
Chúa đã run sợ, nhưng không tháo lui,
và Chúa đã chết trong niềm vâng phục tín thác,
để trở nên người đầu tiên bước vào cõi sống viên mãn.
Xin cho chúng con nghe được lời dạy dỗ của cái chết.
Cái chết cho thấy cuộc sống mong manh, ngắn ngủi,
chính vì thế từng giây phút trôi qua thật quý báu.
Cái chết bất ngờ mời gọi chúng con luôn tỉnh thức.
Cái chết nhắc nhở chúng con là khách lữ hành
đang trên đường về quê hương vĩnh cửu.
Sống một đời và chết một lần.
Lạy Chúa, đó là thân phận làm người của chúng con.
Xin dạy chúng con biết cách chết nhờ biết cách sống. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
Lời Chúa:
Quả thật, Ta bảo ngươi: ngay hôm nay, ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta”. (Lc 23,43)
Câu chuyện minh hoạ:
Cứ mỗi độ tháng các linh hồn tôi lại nhớ đến câu chuyện “xin lễ” cười ra nước mắt của một linh mục kể lại. Câu chuyện kể về một bà góa nghèo ở một giáo xứ nọ, một hôm bà lão chống gậy khập khiễng đến gặp cha chánh xứ để xin lễ. Bước vào văn phòng giáo xứ, bà cụ mở lời: Xin cha cho con “xin lễ đời đời.”
Vừa nghe hết câu, cha xứ trợn mắt nhìn bà cụ đang đứng trước mặt mình, ăn mặc sơ sài, dáng dấp già yếu làm cha xứ thoạt nhớ đến hình ảnh bà góa nghèo ở trong Tin Mừng của Thánh Máccô, có điều bà cụ này không đến với vài đồng xu, mà trên tay cầm cả một phong thư dầy cộm và chắc có lẽ đây cũng là cả gia tài mà bà cụ gom góp được bấy lâu nay.
Sau một thoáng xúc động, cha chánh xứ hỏi: “Cụ à, cụ xin lễ đời đời là ý gì vậy?”
Bà cụ thật thà trả lời: “Là khi nào con qua đời, cha làm lễ cho con, bây giờ xin cha giữ tiền trước giùm con”.
Cha xứ cũng thành thật nói: “Sao vậy cụ! Cụ có dư giả gì đâu, xin cụ cứ mang tiền về đi để lo mua thức ăn, thuốc men bổ dưỡng cho cụ.”
Bà cụ mở mắt tròn xoe, và nói: “Thế còn lễ cho con?”.
Cha xứ lại phải cố gắng để trấn an bà: “Lo gì bà! Con cháu sẽ lo cho bà. Bà yên tâm đi.” Bà cụ vẫn cố nài nỉ: “Nhưng lỡ nếu con cháu không lo xin lễ cho con thì thật là khốn khổ cho thân con.”
Lần này cha xứ phải giải thích cặn kẽ hơn: “Bà yên tâm, nếu nhỡ con cháu có quên thì còn có Chúa. Chúa là Cha của chúng ta mà. Nếu con cháu có quên bà cụ thì Chúa sẽ không quên bà đâu. Không ai thương bà bằng Chúa. Chúa thương lo cho bà còn hơn cả bà lo cho chính mình nữa đó. Chúa đã nói rồi mà: có bà mẹ nào nỡ lòng bỏ rơi con mình đã cưu mang đâu, nhưng giả như có bà mẹ nào như thế thì Chúa cũng không bao giờ bỏ rơi bà đâu.”
Bà cụ mở mắt tròn xoe, tay nắm chặt, gật gật đầu như bắt đầu thấm ý.
Cha quản xứ nói tiếp: “Bà cứ nghe tôi đi, bà cụ cầm cái gói tiền này đem về đi. Nhớ để cho Chúa lo. Tôi cũng không bảo đảm đâu. Nếu lỡ tôi cũng quên, cũng sơ sót thì sao? Chỉ có Chúa thương bà cụ là bảo đảm nhất thôi.”
Bà cụ đứng tần ngần một hồi lâu rồi mới chịu cầm lại gói tiền, không quên cám ơn cha rồi ra về. Cha chánh xứ nhìn theo dáng đi tiều tụy của bà cụ mà thấy thương, chợt nghĩ trong lòng: “Không khéo bà cụ lại đem gói tiền tới một nhà thờ khác để “xin lễ đời đời” thì thật là thương cho bà cụ.”
Suy niệm:
Thường khi chúng ta nghĩ Thiên Chúa là một ông chủ khắc khe hơn là một người Cha giàu lòng thương xót, nên thay vì sống phó thác, chúng ta lại sống dựa vào bản thân mình với những việc lành phúc đức, bố thí, xin lễ… Ngày lễ hôm nay nhắc nhở mỗi người chúng ta về thân phận yếu đuối mỏng giòn của con người, và tin rằng Chúa Giêsu đã dùng chính giá máu để cứu chuộc những linh hồn đang trong lửa luyện tội và cho mỗi người chúng ta. Ngày lễ tưởng nhớ và cầu nguyện cho các linh hồn là tưởng nhớ và cầu nguyện cho những bậc sinh thành, ông bà, tổ tiên, những người dạy ta khôn lớn… họ là những người đồng hành với chúng ta trong những lúc vui buồn của cuộc đời. Vì thế, chúng ta là những người còn sống phải biết ơn họ và dùng những hy sinh, thánh lễ cầu nguyện thật nhiều cho họ, để ngày sau chúng ta cùng họp đoàn với các ngài trên thiên quốc.
Lạy Chúa, xin giúp con biết tận dụng cơ hội quý báu khi còn trên trần gian này để cầu nguyện cho các linh hồn qua những hy sinh và thanh luyện bản thân bằng việc hãm mình ép xác, đồng thời chuyên chăm cầu nguyện kết hiệp với Chúa, để mai sau con cũng được hưởng hạnh phúc với Chúa trên thiên đàng.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho