01.11.2018 – Thứ Năm – Lễ các Thánh Nam Nữ
Nước Trời là của họ
PHÚC ÂM: Mt 5, 1-12a
“Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó”.
Khi ấy, Chúa Giêsu thấy đoàn lũ đông đảo, Người đi lên núi, và lúc Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần Người. Bấy giờ Người mở miệng dạy họ rằng:
“Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. – Phúc cho những ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Nước làm cơ nghiệp. – Phúc cho những ai đau buồn, vì họ sẽ được ủi an. – Phúc cho những ai đói khát điều công chính, vì họ sẽ được no thoả. – Phúc cho những ai hay thương xót người, vì họ sẽ được xót thương. – Phúc cho những ai có lòng trong sạch, vì họ sẽ được nhìn xem Thiên Chúa. – Phúc cho những ai ăn ở thuận hoà, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. – Phúc cho những ai bị bách hại vì lẽ công chính, vì Nước Trời là của họ.
“Phúc cho các con khi người ta ghen ghét, bách hại các con, và bởi ghét Thầy, họ vu khống cho các con mọi điều gian ác. Các con hãy vui mừng hân hoan, vì phần thưởng của các con sẽ trọng đại ở trên trời”. Đó là lời Chúa.
Suy niệm:
Nếu chúng ta được lên trời để thăm các thánh,
hẳn chúng ta sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước sự đa dạng.
Các thánh không phải chỉ là những vị được tôn phong,
mà là tất cả những ai đang hưởng hạnh phúc trên trời.
Các thánh thật khác nhau về nhiều mặt:
giới tính, tuổi tác, màu da, tiếng nói, nghề nghiệp,
hoàn cảnh, thời đại, bậc sống, khả năng, tính tình…
Có người không biết viết như thánh nữ Catarina Siêna.
Có người đậu tiến sĩ triết hạng tối ưu như thánh Edith Stein.
Có người làm bao phép lạ phi thường như ngôn sứ Êlia.
Có người sống âm thầm như chị Têrêsa nhỏ.
Nói chung chẳng gì có thể ngăn cản chúng ta nên thánh,
vì Thiên Chúa muốn mọi người nên thánh chẳng trừ ai.
Các mối phúc là con đường nên thánh.
Con đường này chính Ðức Kitô đã đi và mời ta cùng đi.
Ngài mời ta có tâm hồn nghèo khó, hiền lành,
nghĩa là hoàn toàn tín thác vào một mình Thiên Chúa,
có lòng khát khao sự công chính, chỉ mong làm trọn ý Ngài.
Trong tương quan với tha nhân, Ðức Kitô mời ta
có lòng thương xót, biết đau nỗi đau của người khác,
có tâm hồn trong sạch, nghĩa là sống ngay thẳng, chân thành,
có tinh thần xây dựng hòa bình và công bằng xã hội,
nghĩa là chăm lo phát triển toàn diện từng người và mọi người.
Sống các mối phúc trên là chấp nhận mối phúc bị bách hại.
Mỗi vị thánh đều sống nổi bật trong một số mối phúc.
Họ đã nếm phần nào hạnh phúc từ đời này
trước khi hưởng hạnh phúc trọn vẹn bền vững trên trời.
Chúng ta thường nghĩ nên thánh là chuyện cao siêu
dành cho một thiểu số hết sức đặc biệt.
Thật ra mọi Kitô hữu đều được mời gọi nên thánh.
“Các con hãy nên trọn lành như Cha trên trời.”
Chỉ Thiên Chúa mới là nguồn mọi sự thánh thiện.
Ngài mời chúng ta chia sẻ sự thánh thiện của Ngài.
Nên thánh là đáp trả lời mời đó.
Khi chiêm ngắm các thánh, ta có thể hiểu nên thánh là gì.
Nên thánh là để cho tình yêu chi phối toàn bộ cuộc sống,
là ra khỏi cái tôi hẹp hòi của mình
đẻ sống hết tình cho Thiên Chúa và tha nhân.
Nên thánh là luôn lắng nghe tiếng Chúa
và trung thành đáp lại trong giây phút hiện tại.
Nên thánh là yêu mến cuộc sống mà Chúa tặng trao,
là để cho Chúa yêu mình, nắm tay mình,
dắt mình vào thế giới riêng tư của Chúa.
Nên thánh là thuộc trọn về Chúa và về anh em,
là để Chúa dần dần chiếm lấy mọi chỗ của đời mình.
Chúa mời tôi nên thánh với con người và hoàn cảnh riêng.
với sa ngã của quá khứ và mỏng giòn của hiện tại,
với cái dằm vẫn thường xuyên làm tôi nhức nhối.
Chúa muốn tôi nên thánh với mặt mạnh, mặt yếu của tôi.
Ước gì đời tôi vén mở một nét nào đó của Chúa.
Cầu nguyện:
Lạy Cha,
con phó mặc con cho Cha,
xin dùng con tùy sở thích Cha.
Cha dùng con làm chi, con cũng xin cảm ơn.
Con luôn sẵn sàng, con đón nhận tất cả.
Miễn là ý Cha thực hiện nơi con
và nơi mọi loài Cha tạo dựng,
thì, lạy Cha, con không ước muốn chi khác nữa.
Con trao linh hồn con về tay Cha.
Con dâng linh hồn con cho Cha,
lạy Chúa Trời của con,
với tất cả tình yêu của lòng con,
Vì con yêu mến Cha,
vì lòng yêu mến
thúc đẩy con phó dâng mình cho Cha,
thúc đẩy con trao trọn bản thân về tay Cha,
không so đo,
với một lòng tin cậy vô biên,
vì Cha là Cha của con.
(Chân phước Charles de Foucauld)
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
Lời Chúa:
“Phúc thay…” (Mt 5,1).
Câu chuyện minh hoạ:
Ngày xưa, có một bầy yêu tinh tập hợp nhau lại để lên kế hoạch làm hại con người. Một con yêu tinh lên tiếng: “Chúng ta nên giấu cái gì quý giá của con người. Nhưng mà cái đó là cái gì?“
Một con yêu tinh khác lên tiếng: “Chúng ta nên giấu hạnh phúc của con người. Không có nó, ngày đêm con người sẽ phải khổ sở. Nhưng vấn đề là chúng ta sẽ giấu hạnh phúc nơi nào mà con người không thể tìm thấy được.”
Một con yêu tinh cho ý kiến: “Chúng ta sẽ quẳng hạnh phúc lên đỉnh núi cao nhất thế giới.“
Con yêu tinh khác phản đối: “Con người rất khoẻ mạnh, chuyện trèo lên đỉnh núi đối với họ không có gì là khó khăn.”
“Vậy thì chúng ta sẽ đem hạnh phúc ném xuống đáy biển sâu.”
“Không được, con người rất tò mò. Họ sẽ chế tạo ra những con tàu hiện đại để đi xuống tận đáy biển. Rồi tất cả mọi người sẽ biết.”
Một con yêu tinh trẻ có ý kiến: “Hay là chúng ta đem giấu hạnh phúc ở một hành tinh khác.”
Con yêu tinh già phản đối: “Không được, con người rất thông minh. Càng ngày họ càng thám hiểm nhiều hành tinh khác đấy thôi.”
Suy nghĩ hồi lâu, có một con yêu tinh già lụ khụ lên tiếng: “Tôi biết phải giấu hạnh phúc của con người ở đâu rồi. Hãy giấu nó ở chính bên trong con người. Đa số con người đi tìm hạnh phúc ở khắp chốn, khắp nơi, và bao giờ họ cũng thấy người khác hạnh phúc hơn mình; còn bản thân họ thì họ chẳng bao giờ quan tâm. Giấu nó ở đó thì con người không bao giờ tìm thấy hạnh phúc cả !!!“
Suy niệm:
Con người chỉ hạnh phúc khi thoát ra khỏi những vướng bận của bản thân, và ở trong sự tự do. Các môn đệ theo Chúa chấp nhận mất mát, trở nên những người nghèo, không có gì để sở hữu, cũng không còn gì để đảm bảo, kể cả niềm hy vọng, vì các ông đã đặt tất cả nơi Chúa. Theo lẽ tự nhiên không ai chọn cho mình cái nghèo để sống nhưng Thánh Matthêu đã xác định cái nghèo đúng nghĩa mà Chúa muốn nói đến là sự nghèo khó trong tâm hồn. Vì như vậy, chúng ta mới cậy dựa, tin tưởng vào Chúa và đặt Chúa làm tâm điểm đời mình. Chúng ta đừng lầm tưởng nghèo khó với lầm than, vì lầm than như E. Mounier nói: thuyết bần cùng hay thuyết thống khổ không phải là truyền thống Kitô giáo.
Lạy Chúa, Ngài đã sống triệt để Tám mối phúc, và các thánh đã đi con đường đó, xin giúp con biết sống như Chúa, đừng khép lại nơi chính mình, nhưng biết mở ra với những ai cần đến con, đó là hạnh phúc thật mà Chúa muốn con sống.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho