12.05.2025 – Thứ Hai Tuần IV Phục Sinh
Lời Chúa: Ga 10, 1-10
“Ta là cửa chuồng chiên”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: “Thật, Ta bảo thật cùng các ngươi, ai không qua cửa mà vào chuồng chiên, nhưng trèo vào lối khác, thì người ấy là kẻ trộm cướp. Còn ai qua cửa mà vào, thì là kẻ chăn chiên. Kẻ ấy sẽ được người giữ cửa mở cho, và chiên nghe theo tiếng kẻ ấy. Kẻ ấy sẽ gọi đích danh từng con chiên mình và dẫn ra. Khi đã lùa chiên mình ra ngoài, kẻ ấy đi trước, và chiên theo sau, vì chúng quen tiếng kẻ ấy. Chúng sẽ không theo người lạ, trái lại, còn trốn tránh, vì chúng không quen tiếng người lạ”.
Chúa Giêsu phán dụ ngôn này, nhưng họ không hiểu Người muốn nói gì. Bấy giờ Chúa Giêsu nói thêm: “Thật, Ta bảo thật các ngươi: Ta là cửa chuồng chiên. Tất cả những kẻ đã đến trước đều là trộm cướp, và chiên đã không nghe chúng. Ta là cửa, ai qua Ta mà vào, thì sẽ được cứu rỗi, người ấy sẽ ra vào và tìm thấy của nuôi thân. Kẻ trộm có đến thì chỉ đến để ăn trộm, để sát hại và phá huỷ. Còn Ta, Ta đến để cho chúng được sống và được sống dồi dào”. Ðó là lời Chúa.
Suy niệm:
Chúng ta vẫn ở trong mùa Phục sinh, mùa của sự sống tươi mới. Đức Giêsu là người mục tử chăn chiên. Khác với kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá hủy, Ngài đến để chiên có sự sống, và có một cách dồi dào (c. 10).
Hãy nhìn những nét đặc trưng của người mục tử đích thực. Anh đi vào ràn chiên hay chuồng chiên bằng cửa, đường đường chính chính, chứ không lén lút trèo qua tường rào (cc. 1-2). Người giữ cửa quen anh và mở cửa cho anh. Chiên cũng quen anh và quen tiếng của anh. Tiếng của anh là dấu hiệu quan trọng để chiên nhận ra và phân biệt anh với người lạ hay kẻ trộm (cc. 3-5).
Chiên nghe tiếng của anh (c. 3), nhưng không nghe tiếng người khác (c. 8). Anh trìu mến gọi tên từng con, vì anh biết rõ chiên của mình. Khi dẫn chúng ra ngoài chuồng, anh đi trước dẫn đường, chúng yên tâm theo sau chứ không chạy trốn, vì chúng biết mình đang đi theo ai và sẽ được dẫn đến đâu. Rõ ràng có sự hiểu nhau, gần gũi giữa chiên và mục tử.
Nhưng Đức Giêsu không chỉ là Mục tử chăn chiên. Ngài còn tự nhận mình là Cửa cho chiên ra vào (c. 7. 9). Thánh Gioan Kim Khẩu nói: “Khi Ngài đưa ta đến với Cha, Ngài nhận mình là Cửa. Khi Ngài săn sóc ta, Ngài nhận mình là Mục Tử.”
Cửa chuồng chiên nhằm để chiên đi vào và tìm được sự an toàn. Cửa cũng nhằm để chiên đi ra và tìm được đồng cỏ nuôi sống. Chỉ ai qua Cửa Giêsu mà vào mới được cứu độ. Ai ra vào Cửa Giêsu mới tìm thấy đồng cỏ xanh tươi (c. 9). Cửa Giêsu cũng giúp phân biệt mục tử giả và thật. Mục tử giả sẽ không dám đến với chiên qua Cửa Giêsu.
Mong sao cho Giáo Hội có nhiều mục tử gần gũi với chiên, biết gọi tên từng con chiên và đem lại cho chiên hạnh phúc. Và mong sao chiên có khả năng nhận ra tiếng nói của người mục tử.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, Chúa nhận mình là Tấm Bánh, vì Chúa muốn nuôi tâm linh chúng con. Chúa nhận mình là Cây Nho, vì Chúa muốn trao cho chúng con dòng nhựa sống. Chúa nhận mình là Mục tử nhân lành, vì Chúa muốn dẫn chúng con đến nơi đồng cỏ. Chúa nhận mình là Cửa, vì Chúa mở cho chúng con sự phong phú của Nước Trời. Chúa nhận mình là Con Đường, vì Chúa là Đấng duy nhất dẫn chúng con đến với Chúa Cha. Chúa nhận mình là Ánh sáng, vì Chúa có khả năng khuất phục bóng tối trong thế gian này. Chúa nhận mình là Sự Thật, vì Chúa vén mở cho chúng con khuôn mặt của Thiên Chúa. Chúa nhận mình là Sự Sống và là Sự Sống Lại, vì Chúa không để cho chúng con bị cái chết chôn vùi. Lạy Chúa Giêsu, tạ ơn Chúa vì mọi điều Chúa định nghĩa về mình đều hướng đến hạnh phúc cho chúng con, và đều cho chúng con sự sống thâm sâu của Chúa. Xin cho chúng con chấp nhận Chúa là Anpha và Ômêga, là Khởi Nguyên và là Tận Cùng của cuộc đời mỗi người chúng con. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH
GP. PHÚ CƯỜNG
HIỆP THÔNG LOAN BÁO TIN MỪNG
Có bao giờ chúng ta dừng lại và tự hỏi: Liệu mình có đang nhận ra tiếng nói của Người Mục Tử là Đức Giêsu Kitô không? Người có đang dẫn dắt tôi mỗi ngày, có đang hướng lòng tôi đi theo thánh ý của Người không? Đây không chỉ là những câu hỏi mang tính suy tư mà là những lời nhắc nhở quan trọng về đời sống đức tin của mỗi chúng ta hôm nay.
Việc nhận ra tiếng nói của Chúa là điều mà nhiều người đang chật vật tìm kiếm. Cuộc sống hiện đại bủa vây chúng ta bằng muôn vàn tiếng ồn – từ những dòng tin tức dồn dập, những lời khuyên từ người thân, bạn bè, đến cám dỗ của xã hội vật chất và những ý nghĩ rối bời trong tâm trí. Giữa bao nhiêu “tiếng nói” ấy, làm sao để ta phân định được đâu là tiếng Chúa, và đâu là tiếng của thế gian hoặc của chính bản thân mình?
Thế nhưng, nhận ra tiếng nói của Chúa không phải là điều bất khả thi. Ngược lại, đó là điều rất đỗi thân quen nếu chúng ta thực sự mở lòng. Chúa đã, đang và sẽ luôn nói với chúng ta – qua Kinh Thánh, qua Giáo hội, qua những lời khuyên lành, và nhất là qua sự bình an sâu thẳm mà chỉ một mình Chúa có thể ban tặng. Khi ta cầu nguyện cách chân thành và khiêm tốn, sẵn sàng để Chúa dẫn dắt thay vì chỉ xin điều mình muốn, thì câu trả lời của Người sẽ đến – không phải lúc nào cũng bằng lời rõ ràng nhưng thường là bằng một cảm thức chắc chắn, bình an và đầy tin tưởng trong tâm hồn.
Chúa Giêsu đã nói: “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi. Tôi biết chúng và chúng theo tôi” (Ga 10,27). Người biết từng người chúng ta, gọi tên chúng ta, và luôn chờ đợi ta đáp lại bằng đôi tai đức tin. Nhưng để có thể nghe được tiếng Chúa, chúng ta cần phải dành thời gian cho Người – trong thinh lặng, trong cầu nguyện, trong việc suy niệm Lời Chúa mỗi ngày. Chính trong sự tĩnh lặng nội tâm đó, ta mới nhận ra tiếng nói dịu dàng, khích lệ, chữa lành và nâng đỡ của Người Mục Tử nhân lành.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa vẫn không ngừng nói với con mỗi ngày qua mọi biến cố trong cuộc sống. Xin ban cho con một trái tim biết lắng nghe, một tâm hồn cởi mở để nhận ra tiếng nói dịu dàng và trung tín của Chúa. Xin giúp con biết từ bỏ những tiếng ồn ào của thế gian, để sống kết hiệp mật thiết hơn với Chúa mỗi ngày. Nguyện xin tiếng nói của Chúa luôn là ánh sáng soi đường cho con giữa đêm tối trần gian. Amen.