10.04.2025 – Thứ Năm Tuần V Mùa Chay
Lời Chúa: Ga 8, 51-59
“Cha các ngươi là Abraham đã hân hoan vì nghĩ sẽ được thấy ngày của Ta”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu nói với người Do Thái rằng: “Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi: Nếu ai giữ lời Ta, thì muôn đời sẽ không phải chết”. Người Do Thái lại nói: “Bây giờ thì chúng tôi biết rõ ông bị quỷ ám. Abraham đã chết và các tiên tri cũng vậy, thế mà ông lại nói: “Ai giữ lời Ta, thì không bao giờ phải chết”. Chẳng lẽ ông lại lớn hơn cha chúng tôi là Abraham sao? Ngài đã chết, các tiên tri cũng đã chết. Ông cho mình là ai?” Chúa Giêsu trả lời: “Nếu Ta tự tôn vinh chính mình, thì vinh quang của Ta sẽ không giá trị gì. Chính Cha Ta tôn vinh Ta. Người là chính Ðấng các ngươi xưng là Thiên Chúa của các ngươi. Vậy mà các ngươi không biết Người. Còn Ta, Ta biết Người. Nếu Ta nói Ta không biết Người, thì Ta cũng nói dối như các ngươi. Nhưng Ta biết Người, và Ta giữ lời Người. Cha các ngươi là Abraham đã hân hoan, vì nghĩ sẽ được thấy ngày của Ta. Ông đã thấy và đã vui mừng”. Người Do Thái liền nói: “Ông chưa được năm mươi tuổi mà đã trông thấy Abraham rồi sao?” Chúa Giêsu trả lời: “Quả thật, quả thật, Ta nói với các ngươi: Khi Abraham chưa sinh ra, thì Ta đã có rồi”. Bấy giờ họ lượm đá ném Ngài, nhưng Chúa Giêsu ẩn mình đi ra khỏi đền thờ. Ðó là lời Chúa.
Suy niệm:
Bài Tin Mừng hôm nay kết thúc bằng việc Đức Giêsu bị ném đá. Nhưng Ngài đã ẩn mình đi và ra khỏi Đền thờ (c. 59). Ném đá là hình phạt của người Do thái chủ yếu dành cho kẻ phạm thượng. Đức Giêsu đã làm gì để bị coi là mắc tội phạm thượng, nghĩa là tội coi thường quyền tối thượng của Thiên Chúa? Trước hết Đức Giêsu đặt mình lên trên tổ phụ đáng kính Abraham. Ngài biết ông Abraham vui sướng mừng rỡ vì hy vọng được thấy ngày của Ngài, thấy những việc Ngài làm đây (c. 56). Abraham mừng vì chính Đức Giêsu, chứ không phải cá nhân mình, mới là Đấng đem phúc lành cho mọi dân tộc trên thế giới. Dù chưa tới năm mươi tuổi, Đức Giêsu dám coi mình là có trước ông Abraham. “Trước khi có Abraham, thì tôi, Tôi Hằng Hữu” (c. 58).
Ta là Đấng Hằng Hữu là câu trả lời của Thiên Chúa cho ông Môsê khi ông hỏi tên của Ngài bên bụi cây bốc cháy (Xh 3, 14). Đức Giêsu cũng muốn trả lời câu hỏi về mình (c. 53) bằng lối nói đó. Vì trước khi được sinh ra ở đời làm người, thì Ngài đã hiện hữu rồi. Ngài là một với Ngôi Lời vĩnh cửu của Thiên Chúa (Ga 1, 14-18), bởi đó Ngài có trước Abraham, người đã sống trước Ngài gần hai ngàn năm. Chính khẳng định bị coi là phạm thượng này đã khiến Ngài bị ném đá. Đức Giêsu thường bị coi là ngạo mạn, tự tôn vì những lời như vậy. Thật ra Ngài chẳng tự tôn vinh mình. Chúa Cha mới là Đấng tôn vinh Ngài qua cái chết tủi nhục (c. 54). Đức Giêsu cũng chẳng coi thường Thiên Chúa bao giờ. Ngài gọi Thiên Chúa là Cha một cách thân thương, và nhìn nhận: “Chúa Cha cao trọng hơn Thầy” (Ga 14, 28). Có một sự phân biệt rất rõ giữa Chúa Cha và Đức Giêsu: Chúa Cha là người sai đi; Đức Giêsu là Con, là người được sai đi. Đức Giêsu chỉ làm điều Ngài thấy Cha làm (Ga 5, 19-20; 8, 28-29), và nói điều Ngài nghe Cha nói (Ga 8, 26. 40; 12, 49-50). Triệt để vâng phục và tùy thuộc là nét đặc trưng của Đức Giêsu.
Trong Tin Mừng Gioan, bao lần ta gặp cụm từ không tự mình. Đức Giêsu không tự mình nói, cũng chẳng tự mình làm. Ngài đòi chúng ta tuân giữ lời Ngài (c. 51) chỉ vì chính Ngài cũng đã tuân giữ lời của Thiên Chúa (c. 55). Trong tuần lễ này, tại nhà thờ các ảnh tượng có thể được che lại. Khi bị ném đá, Đức Giêsu đã tránh đi vì giờ của Ngài chưa đến. Đức Giêsu vẫn cương trực nói điều phải nói và làm điều phải làm. Chúng ta xin có được sự cương trực đó khi phải làm chứng cho Chúa.
Cầu nguyện:
Lạy Thiên Chúa, đây lời tôi cầu nguyện: Xin tận diệt, tận diệt trong tim tôi mọi biển lận tầm thường. Xin cho tôi sức mạnh thản nhiên để gánh chịu mọi buồn vui. Xin cho tôi sức mạnh hiên ngang để đem tình yêu gánh vác việc đời. Xin cho tôi sức mạnh ngoan cường để chẳng bao giờ khinh rẻ người nghèo khó, hay cúi đầu khuất phục trước ngạo mạn, quyền uy. Xin cho tôi sức mạnh dẻo dai để nâng tâm hồn vươn lên khỏi ti tiện hằng ngày. Và cho tôi sức mạnh tràn trề để âu yếm dâng mình theo ý Người muốn.
(Thơ R. Tagore, Đỗ Khánh Hoan dịch)
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH
GP. PHÚ CƯỜNG
HIỆP THÔNG LOAN BÁO TIN MỪNG
Trong thế giới hôm nay, nhiều người giàu có mong muốn kéo dài tuổi thọ, thậm chí khao khát được sống mãi. Họ sẵn sàng chi ra số tiền khổng lồ để mua những loại thuốc đắt đỏ, sử dụng thực phẩm quý hiếm hay thậm chí thử nghiệm phương pháp cấp đông cơ thể với hy vọng một ngày nào đó có thể hồi sinh. Tuy nhiên, dù khoa học có tiến bộ đến đâu, con người cũng không thể tránh khỏi cái chết. Đó là quy luật tất yếu của kiếp nhân sinh.
Trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta một phương thuốc để đạt được sự sống đời đời: “Ai giữ lời Ta thì muôn đời sẽ không phải chết” (Ga 8,51). Cái chết mà Chúa nói đến không phải là cái chết thể lý, mà là cái chết thiêng liêng – sự xa cách vĩnh viễn khỏi Thiên Chúa. Ngay từ thời Cựu ước, Thiên Chúa đã nhiều lần bày tỏ chính mình cho nhân loại qua các tổ phụ và ngôn sứ. Đến thời Tân ước, Ngôi Hai Thiên Chúa đã nhập thể, đến ở giữa chúng ta để mang Lời hằng sống cho nhân loại. Giữ Lời Chúa có nghĩa là sống theo những gì Chúa dạy trong Kinh thánh và những giáo huấn của Hội thánh. Khi trung thành với thánh ý Chúa trong cuộc sống này, chúng ta chắc chắn sẽ được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu trong nước trời.
Nhưng liệu chúng ta có luôn trung thành với Lời Chúa? Thánh Augustinô từng thốt lên: “Điều tôi muốn thì tôi không làm, điều tôi không muốn nhưng tôi lại làm” (x. Rm 7,19). Ai trong chúng ta cũng khao khát sự sống đời đời, nhưng không ít lần lại chọn con đường đi ngược với mong muốn ấy. Vì chạy theo tiền bạc, có người sẵn sàng gian lận trong công việc, tham nhũng của công, thậm chí làm tổn hại đến người khác. Vì ham mê danh vọng, có người bất chấp mọi thủ đoạn để đạt được mục đích. Vì lòng tham và ích kỷ, có người không ngần ngại gây ra chiến tranh, hủy hoại sự sống của đồng loại. Những hành động này không chỉ làm lu mờ phẩm giá con người mà còn kéo chúng ta xa rời ân sủng Thiên Chúa.
Trước những yếu đuối và bất toàn của bản thân, Chúa Giêsu không lên án chúng ta, nhưng Người mời gọi chúng ta sám hối và trở về. Mùa Chay là thời gian thuận tiện để mỗi người nhìn lại chính mình, thành tâm ăn năn những lỗi lầm đã phạm và quyết tâm từ bỏ tội lỗi. Chúa không cần những lời biện minh, cũng không mong chúng ta chìm đắm trong mặc cảm tội lỗi, điều Người mong đợi là một con tim biết hoán cải, biết quay về với sự thật và ánh sáng của Người.
Lạy Chúa, ước gì chúng con luôn biết lắng nghe và mau mắn thực thi ý Chúa. Xin ban cho chúng con lòng can đảm để từ bỏ những gì ngăn cản chúng con đến với Chúa, và xin dẫn dắt chúng con trên con đường tiến về sự sống đời đời. Amen.