14.03.2025 – Thứ Sáu Tuần I Mùa Chay
Lời Chúa: Mt 5, 20-26
“Hãy đi làm hoà với người anh em ngươi trước đã”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Nếu các con không công chính hơn các luật sĩ và biệt phái, thì các con chẳng được vào Nước Trời đâu. Các con đã nghe dạy người xưa rằng: Không được giết người. Ai giết người, sẽ bị luận phạt nơi toà án. Còn Ta, Ta bảo các con: Bất cứ ai phẫn nộ với anh em mình, thì sẽ bị toà án luận phạt. Ai bảo anh em là “ngốc”, thì bị phạt trước công nghị. Ai rủa anh em là “khùng”, thì sẽ bị vạ lửa địa ngục. Nếu con đang dâng của lễ nơi bàn thờ mà sực nhớ người anh em đang có điều bất bình với con, thì con hãy để của lễ lại trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em con trước đã, rồi hãy trở lại dâng của lễ. Hãy liệu làm hoà với kẻ thù ngay lúc còn đi dọc đường với nó, kẻo kẻ thù sẽ đưa con ra trước mặt quan toà, quan tòa lại trao con cho tên lính canh và con sẽ bị tống ngục. Ta bảo thật cho con biết: Con sẽ không thoát khỏi nơi ấy cho đến khi trả hết đồng bạc cuối cùng!” Ðó là lời Chúa.
Suy niệm:
Ngày 5-2-2009, trong một cuộc gặp gỡ thường niên có tính tôn giáo, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chia sẻ với các tham dự viên: “Dù chúng ta chọn niềm tin nào, hãy nhớ rằng chẳng có tôn giáo nào lấy căm thù làm giáo lý chủ yếu cho mình… Chẳng có Thiên Chúa nào lại dung túng chuyện cướp đi mạng sống của một người vô tội.” Trên núi Sinai, ông Môsê đã nhận được giới răn “Ngươi chớ giết người.” Đức Giêsu cho thấy uy quyền của mình trong việc giải thích giới răn ấy. “Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết…” Ngài đã đẩy giới răn này đi xa hơn nhiều, vào tận trái tim con người: “Ai giận anh em mình thì đáng bị đưa ra tòa” (c. 22). Tình cảm nóng giận có thể dẫn đến nhiều chuyện không hay. Nó khiến người ta dùng lời nói mà lăng mạ, làm nhục người khác. Giận mất khôn, nóng giận thậm chí có thể đưa đến chỗ giết người. Nhưng Đức Giêsu không muốn loại trừ thứ nóng giận chính đáng, như ta thấy có nơi Ngài (x. Mc 3,5; Mt 23,17).
Mùa Chay là thời gian dành cho việc làm hòa với người anh em. Đây là công việc vừa quan trọng, vừa cấp bách. Quan trọng đến nỗi đòi ta để của lễ lại trước bàn thờ và đi làm hòa với người anh em đó, rồi mới trở lại dâng của lễ. Tương quan với Thiên Chúa cần được diễn ra trong bầu khí hòa thuận. Chúa chỉ nhận lễ vật khi trái tim ta bình yên. Điều đáng lưu ý là chúng ta phải đi làm hòa với các anh em đang có điều bất bình với ta, phải đi bước trước làm hòa dù ta chẳng phải là người gây chuyện. Nhưng cũng phải làm hòa với cả thù địch của mình (c. 25). Trên đường bị đưa đến cửa công, cần mau mau dàn xếp cho ổn thỏa. Cần trả ngay món nợ chưa thanh toán, kẻo bị kết án và tống ngục. Làm sao thời gian Mùa Chay vừa là thời gian ta làm hòa với Chúa, vừa là thời gian ta làm hòa với một người đang sống gần bên. Đó là thời gian người con cả thôi đứng ngoài cổng, nhưng vào nhà để chung vui với cha và ôm lấy người em.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, lúc đầu chúng con chỉ muốn cầm tay nhau để làm thành một vòng tròn khép kín. Sau đó chúng con hiểu rằng cần phải buông tay nhau để nhận những người bạn mới, để vòng tròn được mở rộng đến vô cùng và trái tim được lớn lên mãi. Lạy Chúa, chúng con biết rằng cần phải nối vòng tay lớn xuyên qua các đại dương và lục địa. vòng tay người nối với người, vòng tay con người nối với Tạo Hóa. Chúng con thích Chúa đứng chung một vòng tròn với tất cả loài người chúng con, nắm lấy tay chúng con và đưa chúng con lên cao. Ước gì việc Chúa giang tay trên thập giá giúp chúng con biết cầm lấy tay nhau và nhận nhau là anh em.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH
GP. PHÚ CƯỜNG
HIỆP THÔNG LOAN BÁO TIN MỪNG
“Anh hãy mau mau dàn xếp với đối phương, khi còn đang trên đường đi với người ấy tới cửa công, kẻo người ấy nộp anh cho quan toà, quan tòa lại giao anh cho thuộc hạ, và anh sẽ bị tống ngục. Thầy bảo thật cho anh biết: anh sẽ không ra khỏi đó, trước khi trả hết đồng xu cuối cùng” (Mt 5,26).
Liệu Chúa Giêsu có đang đưa ra một lời khuyên pháp lý nhằm tránh bị truy tố trong một vụ kiện? Chắc chắn là không. Chúa Giêsu không chỉ nói về công lý theo nghĩa pháp lý, mà Người đang mặc khải một chân lý thiêng liêng: Người là Đấng xét xử công minh, và chúng ta được mời gọi sống tinh thần thương xót, ngay cả với những người chúng ta coi là “kẻ thù”.
Việc tha thứ cho người khác là một đòi hỏi thiết yếu trong đời sống Kitô hữu. Chúng ta không thể từ chối tha thứ, bởi chính Chúa đã dạy: “Nếu anh em không tha thứ cho người khác, thì Cha của anh em cũng sẽ không tha thứ lỗi lầm của anh em” (Mt 6,15). Nhưng Chúa Giêsu không dừng lại ở sự tha thứ, Người còn mời gọi chúng ta đi xa hơn nữa – đó là sự hòa giải.
Trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu không chỉ khuyên chúng ta tha thứ mà còn chủ động dàn xếp với kẻ thù, biến kẻ buộc tội mình thành bạn hữu. Nghĩa là tha thứ không chỉ là một hành động nội tâm, mà còn phải được thể hiện qua những nỗ lực cụ thể để xây dựng lại tình huynh đệ và tình yêu thương.
Hòa giải không đơn thuần là việc quên đi những tổn thương quá khứ, mà còn là chủ động hàn gắn các mối quan hệ. Để làm được điều đó, chúng ta cần:
– Gạt bỏ mọi oán hận, nhìn nhận nhau bằng ánh mắt yêu thương.
– Chủ động đối thoại, tìm kiếm sự hiểu biết lẫn nhau.
– Tái thiết mối quan hệ dựa trên sự chân thành và thiện chí.
Điều này đòi hỏi sự khiêm nhường, lòng bao dung và cả sự can đảm, vì không phải lúc nào đối phương cũng dễ dàng đón nhận thiện chí của chúng ta. Nhưng nếu chúng ta thực hiện điều này với tinh thần của Chúa Giêsu, thì tình yêu sẽ có sức mạnh biến đổi mọi sự.
Chúa Giêsu nhấn mạnh rằng nếu chúng ta không làm mọi cách để hòa giải và tái thiết mối quan hệ với người khác – kể cả với kẻ thù – thì chúng ta sẽ phải chịu trách nhiệm về điều đó trước mặt Thiên Chúa.
Thiên Chúa giàu lòng thương xót, nhưng nếu chúng ta từ chối trao ban lòng thương xót ấy cho người khác, thì chúng ta cũng đang tự khước từ lòng thương xót của Ngài. Chúng ta sẽ phải trả hết “đồng xu cuối cùng” – nghĩa là gánh chịu hậu quả của sự cứng lòng, bởi không có tình yêu thương thì không thể bước vào vương quốc Thiên Chúa.
Chúng ta có thể nhìn vào tình yêu của Chúa để học cách tha thứ và hòa giải. Thiên Chúa đã tha thứ cho chúng ta một cách trọn vẹn và vô điều kiện, ngay cả khi chúng ta chưa thực sự ăn năn đủ. Ngài đã chủ động đến với chúng ta, giang tay trên thập giá để hòa giải chúng ta với Chúa Cha.
Nếu chúng ta ý thức rằng mình đã nhận được một lòng thương xót bao la như thế, thì chúng ta cũng phải mở lòng ra để trao ban tình yêu thương ấy cho người khác.
Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa vì đã yêu thương và tha thứ cho chúng con một cách hoàn hảo, dù chúng con chưa bao giờ xứng đáng. Xin ban cho chúng con một trái tim giống như Chúa, biết tha thứ thật sự và chủ động tìm kiếm sự hòa giải. Xin ban cho chúng con sức mạnh, sự khôn ngoan và lòng can đảm để xây dựng những mối tương quan yêu thương với mọi người, ngay cả những ai đã làm tổn thương chúng con. Amen.