09.7.2021 – Thứ Sáu tuần XIV Thường Niên
Lời Chúa: Mt 10, 16-23
Hôm ấy, Đức Giêsu nói với các Tông Đồ rằng: “Này, Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói. Vậy anh em phải khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu. Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ. Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết. Khi người ta nộp anh em, thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì: thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em. Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì Danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng ai bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát. Khi người ta bách hại anh em trong thành này, thì hãy trốn sang thành khác. Thầy bảo thật anh em: anh em chưa đi hết các thành của Israel, thì Con Người đã đến.”
Suy niệm:
Tháng 8 năm 2008, tại vùng Odisha (tên cũ: Orissa) ở đông bắc Ấn độ,
có một người theo chủ nghĩa dân tộc thuộc Ấn giáo, bị bắn chết.
Một tờ báo địa phương đã qui tội cho các Kitô hữu.
Lập tức một làn sóng bạo động nổi lên từ những người Ấn giáo cực đoan.
Kết quả là hàng chục người chết, hàng ngàn người bị thương,
50 nhà thờ bị đốt, 4000 nhà người Kitô hữu bị phá hủy,
hàng chục ngàn người không cửa không nhà, phải sống trong các trại cứu trợ.
Nhiều Kitô hữu thuộc giai cấp thấp nhất trong xã hội Ấn độ,
giai cấp của những người Dalit, những kẻ bị coi là tiện dân.
Người Dalit đã bỏ Ấn giáo để theo Kitô giáo,
và họ đã lấy lại được nhân phẩm, cùng những quyền lợi về kinh tế xã hội.
Họ được giáo dục tử tế, nên giai cấp thống trị không lợi dụng họ được nữa.
Chính vì thế mà họ bị phân biệt đối xử và bị bách hại.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu đã tiên báo về các bách hại đó.
Những gì Ngài phải chịu thì các môn đệ cũng sẽ phải chịu,
vì tôi tớ không hơn chủ, môn đệ không hơn thầy.
Hãy để ý đến những động từ nói lên nỗi thống khổ của các Kitô hữu:
bị nộp, bị đánh đập, bị điệu ra nơi hội đường và trước mặt vua quan,
bị tra hỏi, bị thù ghét và cuối cùng là bị giết, có khi bởi người nhà (c. 21).
Những điều này Đức Giêsu đều đã trải qua.
Mọi sự họ chịu đều “vì Đức Giêsu”, “vì Danh Đức Giêsu” (c. 18. 22).
Nơi tòa án, có sự hiện diện gần gũi của Thiên Chúa Ba Ngôi.
“Chính Thần Khí của Chúa Cha sẽ nói trong anh em” (c. 20),
để giúp anh em can đảm tuyên xưng niềm tin vào Đức Giêsu, Con Cha.
Bởi đó người Kitô hữu ra tòa mà lòng rất bình an, chẳng lo gì (c. 19).
Họ được Thiên Chúa dạy điều phải nói và Thần Khí nói qua miệng họ.
Với sự nâng đỡ đặc biệt ấy, họ có thể bền chí đến cùng và sẽ được cứu độ.
Các Kitô hữu sẽ còn bị bách hại đến tận thế.
Họ không phải là những người thích tỏ ra mình anh hùng, đòi tử đạo.
Nhưng họ là những người khiêm tốn, khôn ngoan,
biết trốn đi thành khác khi bị bắt bớ ở thành này (c. 23).
Chịu bách hại là điều nằm trong ơn gọi của người Kitô hữu,
là cái giá phải trả để sống mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô.
Ngay cả ở những quốc gia Tây phương tự hào là có tự do tôn giáo,
vẫn có những kiểu bách hại ngấm ngầm và tinh vi,
khác với kiểu đòi bước qua thánh giá thời vua Minh Mạng, Tự Đức.
Sống là Kitô hữu như Đức Kitô muốn đòi ta phải lội ngược dòng.
Lội ngược dòng bao giờ cũng khó và làm người khác bực bội, sợ hãi.
Làm sao để các bạn trẻ Công giáo dám sống theo những giá trị của Giêsu ?
Làm sao để các gia đình Công giáo không bị thói đời lôi cuốn ?
Cầu nguyện:
Giữa một thế giới mê đắm bạc tiền,
xin được sống nhẹ nhàng thanh thoát.
Giữa một thế giới lọc lừa dối trá,
xin được sống chân thật đơn sơ.
Giữa một thế giới trụy lạc đam mê,
xin được sống hồn nhiên thanh khiết.
Giữa một thế giới hận thù, tuyệt vọng, dửng dưng,
xin được chia sẻ yêu thương, an bình và hy vọng.
Lạy Chúa Giêsu mến thương,
xin dạy chúng con biết cách làm chứng cho Chúa giữa cuộc đời.
Xin giúp chúng con tìm ra những cách mới để người ta tin và yêu Chúa.
Ước gì hơn hai tỷ người Kitô hữu
vẫn giữ được vị mặn của muối và sức biến đổi của men,
để chúng con làm cho thế giới này mặn mà tình người,
và làm cho trần gian trở thành tấm bánh thơm ngon.
Xin cho Thiên Chúa Cha được tôn vinh
qua những việc tốt đẹp chúng con làm cho những người bé nhỏ.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
Lời Chúa:
“Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát”. (Mt 10,22).
Câu chuyện minh họa:
Một hiệp sĩ dũng cảm tên là Hildebrand bị một bạn đồng nghiệp tên là Brunô nhục mạ nặng nề. Hildebrand thề sẽ trả thù đích đáng món nợ này. Ông suy nghĩ và chuẩn bị kỹ lưỡng chương trình hành động. Cuối cùng, ông chọn địa điểm và ngày giờ thuận lợi. Ông thức dậy nửa đêm, một mình võ trang đầy đủ đi đến nơi thanh vắng mà ông biết là Brunô sẽ đi ngang qua. Trên đường đi, ông gặp thấy 1 nhà nguyện nhỏ mở cửa. Ông vào đó để chờ ngày sáng và trong khi chờ đợi, ông tiêu khiển bằng cách nhìn các bức tranh dưới ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn dầu nơi cung thánh. Ở đây có 3 bức tranh: bức thứ nhất vẽ Đấng Cứu Thế mặc áo choàng đỏ, đầu đội mũ gai, phía dưới có ghi bằng tiếng La-tinh câu này: “Bị lăng nhục, Người không đáp trả lại lăng nhục.” Bức thứ 2 nhắc lại cảnh đau buồn khi bị đánh đòn, với hàng chữ: “Khi chịu những khổ đau như thế, Người không hề đe doạ.” Và cuối cùng, bức tranh thứ 3 trình bày Đức Giêsu trên cây thập giá, phía dưới ghi: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm.” Nhìn liên tiếp 3 bức tranh như thế, tâm hồn Hildebrand bị xúc động mạnh. Ông quỳ gối xuống và bắt đầu cầu nguyện. Dần dần cơn thù hận giảm đi, rồi biến mất. Ông còn ngồi lại đó chờ kẻ thù của ông đến để tha thứ tận tình và để làm hoà với nhau!”
Suy niệm:
Khi chúng ta cảm nghiệm sự hiền lành của Chúa, chúng ta sẽ tìm được sự bình an thực sự. Cuộc đời của Chúa Giêsu khi đi rao giảng gặp biết bao chống đối, nhưng Ngài vẫn hiền lành, không tỏ ra khó chịu, không cảm thấy thất vọng. Các thánh nhân cũng đã khao khát làm chứng cho Ngài, sống cuộc sống như Ngài và chết như Ngài. Còn chúng ta là Kitô hữu đang trên hành trình bước theo Ngài, chúng ta có can đảm vượt qua những chông gai, chống đối, thử thách không? nhất là nhận được sự bất lợi, chống đối của những người thân trong gia đình? Nếu chúng ta xem những bất lợi đó là cơ hội làm chứng cho Chúa, thì chúng ta sẽ cảm nghiệm niềm vui sâu xa vì được trở nên giống Chúa.
Lạy Chúa, xin cho con được nên một với Chúa, để những công việc con làm đều phù hợp với thánh ý Ngài. Nhờ đó, con thêm vững mạnh hơn trong việc loan báo Tin mừng Nước Chúa.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH GP. PHÚ CƯỜNG
SUY NIỆM
Hình ảnh chiên và sói hay rắn và bồ câu mang ý nghĩa trái ngược nhau. Chiên thì hiền lành, còn sói thì hung dữ; rắn mệnh danh là khôn ranh, xảo quyệt, còn bồ câu thì đơn sơ, hiền lành.
Đức Giêsu dùng những hình ảnh ấy để khuyên dạy các môn đệ trong cung cách ứng xử của kẻ được sai đi làm chứng cho Tin mừng. “Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói”. Một cuộc mạo hiểm của những môn đệ được sai đi! Dẫu biết có khó khăn, thử thách; biết sẽ gặp sự dữ hơn sự lành; biết sẽ phải hy sinh và thậm chí phải hy sinh mạng sống… nhưng người môn đệ vẫn sẵn sàng lên đường.
Và lời căn dặn của Chúa Giêsu: “vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét” nên “anh em phải coi chừng” và hãy “khôn ngoan như con rắn và đơn sơ như bồ câu”. Trong sứ vụ, người môn đệ Chúa phải khôn ngoan, cũng đừng lo lắng phải “đối đáp làm sao với kẻ bách hại mình” bởi vì luôn có Thần khí của Chúa ở cùng.
Kinh nghiệm trải qua trong lịch sử Giáo hội, biết bao vị chứng nhân được Thánh Thần soi sáng, đã khôn ngoan trong cách ứng xử để bảo vệ Giáo hội, làm chứng cho chân lý và loan báo Tin mừng cho cả kẻ thù của mình. Hơn hết, điều quan trọng là các vị đã trung thành với Chúa cho đến hơi thở cuối cùng.
Trong bối cảnh khó khăn hôm nay, mỗi Kitô hữu cũng được mời gọi trong cung cách ứng xử của người mang danh Chúa Kitô “hãy khôn ngoan” và trung thành với sứ mạng được trao phó.
Ước gì chúng ta hãy theo gương thánh cả Giuse: luôn khôn ngoan trong mọi sự; âm thầm thực thi Lời Chúa và luôn chu toàn sứ vụ Chúa trao một cách hoàn hảo nhất với khả năng của mình.
Xin thánh cả Giuse cầu cho chúng con. Amen.