VẤN ĐỀ PHÁ THAI VÀ HIẾM MUỘN[1]
Mục lục
2 – Lập trường của Giáo Hội Công Giáo
1 – Các loại can thiệp y học chữa trị bệnh hiếm muộn
III- NGUY CƠ PHÁ ĐỔ NỀN TẢNG HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH
Và lúc đang thực hiện bài viết này, một người quen từ Giáo Xứ Thới Thạnh, giáo phận Cần Thơ[3] điện thoại cho biết vừa mới theo Cha Tuấn dòng Phanxicô, cha Hưng và các chị Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn đi chôn xác thai nhi thu lại từ các thùng rác bệnh viện về…một việc thiện mà nhiều nhóm tình nguyện Bảo vệ sự sống khác đang làm mỗi ngày trên quê hương yêu dấu Việt Nam này. Nếu đọc tiếp phần tin kia trên báo Dân Trí, độc giả sẽ thấy rõ ý đồ của tác giả không phải là để ngăn ngừa việc phá thai mà chỉ để quảng cáo cho những “địa chỉ và những cách phá thai an toàn hơn”.WHĐ (06.7.2021) – Chỉ cần lướt qua một ít mẫu tin đăng trên mạng, chúng ta nhận ra ngay mối liên hệ giữa hai vấn đề xem ra mâu thuẫn với nhau này: Cuống cuồng phá thai rồi lại sốt ruột chữa vô sinh. Vô sinh – Biến chứng của nạo phá thai. Vừa vui vì nạo phá thai giảm, lập tức choáng vì vô sinh tăng. Và để rõ vấn đề hơn, chúng ta hãy đọc thêm chi tiết một trích đoạn của báo Dân Trí: “Chưa kịp mừng vì VN đã thoát khỏi danh sách một trong những quốc gia hàng đầu về tỉ lệ nạo phá thai cao, thì đã lại giật mình vì tỉ lệ vô sinh ngày càng cao. Hai vấn đề lớn trong chăm sóc sức khỏe liên quan chặt chẽ với nhau, và đang là thách thức cho ngành sản khoa hiện nay. Hậu quả của phá thai nhiều lần ấy không thể hiện ngay. Và phải vài năm sau, khi mà những vị thành niên của 5 – 7 năm trước giờ thành những phụ nữ bước vào độ tuổi sinh sản, thực hiện trách nhiệm làm vợ, sau đó làm mẹ. Họ giật mình vì năm xưa cuống cuồng đi phá thai, nay sốt ruột đi chữa vô sinh. Tại Khoa Hỗ Trợ Sinh Sản, BV Phụ Sản T.Ư, cô gái Nguyễn Thanh Vân (ở Hà Nội) mới 22 tuổi, lập gia đình 1 năm đã xin được thụ tinh ống nghiệm – hy vọng cuối cùng dành cho cặp vợ chồng hiếm muộn. Chị em thấy cô gái trẻ tuổi như vậy hỏi tại sao đã phải cầu đến phương án cuối cùng ấy? Cô chỉ nuốt nước mắt, vì không làm sao lấy lại được thời gian quá tự do, phóng khoáng quá khứ của mình! Ông Nguyễn Văn Tân – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số kế hoạch hóa gia đình, tại Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế ứng phó với xu hướng giảm sinh ngày 27.3 ở Hà Nội đưa ra 2 thông tin cho thấy rõ xu hướng vô sinh đang thực sự tăng lên. Nghiên cứu năm 2011 của Học viện Quân y 103 trên hơn 9.300 cặp vợ chồng cho thấy tỉ lệ vô sinh chung là 3,2%. Còn nghiên cứu của BV Phụ sản T.Ư và khoa Sản, ĐH Y Hà Nội trên 3.000 trường hợp công bố năm 2012: Khoảng 7,7% cặp vợ chồng vô sinh. Đặc biệt là vô sinh thứ phát, tức là gặp khó khăn ở lần sau mang thai, chứ không phải lần đầu tiên. Nguyên nhân của tình trạng gia tăng vô sinh này, được chỉ ra chính là hậu quả của viêm nhiễm đường sinh sản, của phá thai.”[2]
Thế nên, là Kitô hữu, chúng ta vừa cần phải tỉnh táo theo dõi, tiếp cận các vấn đề luân lý quan trọng này một cách khoa học, vừa phải nắm vững Giáo Huấn của Giáo Hội để có thể lãnh trách nhiệm lương tâm về những quyết định của riêng mình trong ánh sáng Đức Tin. Đó cũng là ước mong của nội dung bài viết khiêm tốn này.
I – VẤN ĐỀ PHÁ THAI
Có thể nói bản năng tìm kiếm và khát vọng hạnh phúc, cái nhìn văn hoá và một số phong tục tập quán liên quan đến đời sống hôn nhân đã thúc đẩy con người của mọi thời đại đến với hành vi phá thai. Thêm vào đó, các loại tệ nạn xã hội như cưỡng hiếp, ngoại tình, hoang thai, đĩ điếm cũng đã luôn góp phần làm gia tăng số nạn nhân trẻ thơ vô tội bị trục phá hay bị bỏ vất vưởng vô thừa nhận. Và tệ hại hơn, ngày nay, người ta đang tìm cách phổ biến nạn phá thai bằng cách lý giải về thực tại, về căn tính khách quan và về phẩm giá của phôi thai nhằm mục đích hợp pháp hoá tội ác tày trời này cũng như để tìm cách bảo vệ cái gọi là “phẩm chất của cuộc sống” theo xu hướng hưởng thụ ích kỷ của xã hội định hướng theo nền kinh tế thị trường.
Tổng Cục Dân Số Kế Hoạch Hóa Gia Đình của Việt Nam đã thẳng thắn nhìn nhận rằng tỉ lệ phá thai ở Việt Nam từng có thời gian ở mức 100/100, tức là cứ 100 trẻ ra đời thì cũng có 100 ca phá thai. Thậm chí ở khu vực thành thị năm 2003, tỉ lệ phá thai lên tới 190%, năm 2006 là 140%. Với tình trạng này, Việt Nam đã được coi là một trong những nước có tỉ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới. Từ năm 2007 đến nay, tỉ lệ này đã giảm xuống còn khoảng 54 – 60 %. Tuy nhiên, tỉ lệ phá thai vị thành niên chính thức hiện vẫn chiếm tới 20%. Tỉ lệ thực của tệ trạng này chắc còn cao hơn nhiều, vì đây chỉ là con số thống kê được thực hiện tại các Bệnh Viện thuộc khu vực nhà nước, chưa tính đến số ca phá thai vị thành niên tại các Phòng Khám Tư Nhân mở ra ngày càng nhiều, nơi mà các em vị thành niên thường tìm đến, vì nghĩ rằng sẽ “được phá thai an toàn” hơn! Không ít các Bác Sĩ sản phụ ở Hà Nội đã phải than phiền rằng có những cháu học sinh, sinh viên chưa quá 20 tuổi đời đã có số lần tìm đến giải quyết hậu quả hơn số ngón tay trên bàn tay.[4] Và, dĩ nhiên, tệ nạn xã hội này không chỉ là của riêng xã hội Việt Nam mà là vấn đề chung của toàn thế giới. Được biết, Ngày Dân Số Thế Giới năm nay đã phải chọn chủ đề “Mang Thai Vị Thành Niên” nhằm gây ý thức về nguy cơ ngày càng phổ biến này.
Mặc dù từ xa xưa, việc phá thai luôn bị lên án như một tội ác. Lời Thề Hippocrates có khoản cấm phá thai. Sách Điđakê (Thế kỷ I) cũng dạy: “Anh em không được gây ra việc phá thai. Anh em không được giết các trẻ sơ sinh” (Did II, 2). Tuy nhiên, người ta dễ dàng nhận ra xu hướng ngày càng giảm nhẹ hình phạt đối với hành vi phá thai hoặc xem phá thai như một biện pháp cần phải thông qua vì lợi ích của cá nhân cũng như của cộng đồng. Phải chăng đây là một trong những triệu chứng đáng lo ngại của cuộc khủng hoảng đạo đức về giá trị sự sống con người? Hiện nay, hầu hết các xã hội dân chủ đa nguyên chọn hướng giảm nhẹ, hủy bỏ hình phạt hay cho phép phá thai trong một số trường hợp nào đó được Luật Pháp quy định với nhiều lý do biện minh như:
– Để giảm bớt những vụ phá thai lén lút rất nguy hiểm cho tính mạng người mẹ.
– Cần phải khoan hồng đối với một điều xấu nhỏ để tránh một điều xấu lớn hơn.
– Hợp thức hoá việc phá thai là đề cao quyền tự quyết của người phụ nữ.
Trong Thông điệp Tin Mừng Sự Sống, Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã phải lên tiếng báo động: “Sự chấp nhận phá thai nơi tâm thức con người, nơi các phong tục và chính trong pháp luật là dấu chỉ tỏ tường về một cơn khủng hoảng rất nguy hiểm trong ý thức luân lý, ngày càng đánh mất khả năng phân biệt giữa sự thiện và sự ác, ngay cả trong những lãnh vực liên quan đến quyền cơ bản là quyền sống. Trước tình hình nghiêm trọng như thế, hơn bao giờ hết, cần thiết phải can đảm nhìn thẳng vào sự thật và gọi đích danh các sự việc bằng tên của chúng, không nhường bước cho những thỏa hiệp vì dễ dãi hoặc cho sự cám dỗ tự lừa dối chính mình.”[5]
1 – Các loại hình phá thai
Phôi thai dưới 3 tháng tuổi thường bị trục bỏ bằng phương pháp hút thai với một ống Plastic, dung tích 50 ml, đưa vào cổ tử cung. Phôi thai trên 3 tháng tuổi bị nạo bỏ bằng dụng cụ phẫu thuật nên thường gọi là nạo thai. Một phương pháp khác là giết chết bào thai bằng hóa chất và sau 12 đến 24 giờ, sẽ thực hiện việc đưa bào thai ra ngoài.
Nhiều hình thức phá thai khác được che dấu dưới các dạng ngừa thai, điều hòa sinh sản hay điều hòa kinh nguyệt. Thực vậy, vòng tránh thai hay nhiều loại thuốc ngừa thai vẫn có tác dụng “phá thai”, vì chúng cũng bao gồm khả năng hủy diệt trứng đã thụ tinh hay ngăn cản sự làm tổ của trứng thụ tinh bằng cách gây viêm ở niêm mạc tử cung hoặc gây ra sự thiếu hụt một số men Carbonic Anhydrase cần thiết cho sự làm tổ của trứng thụ tinh. Thuốc cũng làm tăng hoặc giảm nhu động của vòi trứng khiến cho trứng thụ tinh di chuyển đến buồng tử cung vào thời điểm không thích hợp cho việc làm tổ – hoặc quá trễ hoặc quá sớm – làm ngăn cản sự làm tổ.[6]
2 – Lập trường của Giáo Hội Công Giáo
2.1 Khái niệm biệt phân về tính luân lý của nhiều dạng hành vi phá thai
Trước tiên, chúng ta cần phải thông qua một số khái niệm biệt phân về tính luân lý của nhiều dạng hành vi phá thai:
2.1.1 Phá thai trị liệu
Phá thai trị liệu là phá thai gián tiếp, nghĩa là để cứu chữa người mẹ đành phải chấp nhận trục bỏ một phôi thai như một hiệu quả phụ của một quá trình hành động hợp pháp chứ không cố ý nhắm tới như một mục đích. Trên phương diện luân lý, có thể áp dụng nguyên tắc song hiệu vào các trường hợp cụ thể sau đây:
– Mang thai ngoài tử cung (Ectopic Pregnancy) thường gây tử vong cho cả mẹ lẫn con.
– Sản kinh hoặc sản giật (eclampsia): thường khiến toàn cơ thể bị co giật sau đó chuyển qua hôn mê, tác động trên người phụ nữ ở cuối thai kỳ hoặc ở thời kỳ đầu sau khi sanh và là một mối đe doạ cho tính mạng của mẹ lẫn con. Triệu chứng là huyết áp cao, nước tiểu có proteine, mắt cá chân bị phù. Có thể phòng ngừa bằng xét nghiệm tiền sanh định kỳ.
– Do mang thai, một số bệnh cũ tái phát trầm trọng hơn có khả năng gây nguy hiểm trực tiếp cho tính mạng thai phụ.
– Ung thư tử cung.
2.1.2. Phá thai trực tiếp
Phá thai trực tiếp là hành vi phá thai cố ý được nhắm tới như một cứu cánh hoặc một phương tiện giúp đạt tới cứu cánh. Đó là các dạng phá thai kế hoạch, phá thai ưu sinh, phá thai do cưỡng dâm.
– Phá thai kế hoạch là phá thai cố ý nhằm mục đích bảo đảm số con theo đúng qui định của nhà nước hay theo ý muốn của chính bản thân.
– Phá thai ưu sinh là phá thai cố ý nhằm mục đích tránh không cho chào đời một thai nhi dị tật hay mắc các chứng bệnh di truyền bẩm sinh nghiêm trọng như mù, giang mai, ngốc nghếch, HIV… Nhiều người gọi phá thai ưu sinh là phá thai trị liệu hay phá thai phòng ngừa bệnh di truyền. Tuy nhiên, cả hai trường hợp đều không đúng với thực tế, vì phá thai ở đây không giúp trị liệu gì cả và nếu phòng bệnh thì nên tránh mang thai hơn là giết chết thai nhi. Huấn Quyền Giáo Hội Công Giáo dạy rõ: “Không một người nào, kể cả cha hoặc mẹ của đứa trẻ, có thể thay thế cho em, ngay cả khi nó chỉ là một bào thai, để chọn, nhân danh nó, cái quyết định không để cho nó được sống.”[7] Những lý lẽ tình cảm như thương hại cho tương lai bất hạnh của trẻ dị tật hay sự ghét bỏ của các thành phần khác trong gia đình không đủ để biện minh cho hành vi giết người. Hơn nữa, thật là một mâu thuẫn lớn, khi luật pháp hiện hành xem ra rất quan tâm bảo vệ người tàn tật, tâm thần hoặc thể lý, lại cho phép giết chết những bào thai dị tật!?[8]
– Phá thai do cưỡng dâm thường được Luật Pháp dân sự chấp nhận, vì xét về mặt tâm lý, sự sống của thai nhi không phải là kết quả của tình yêu, mà là của tủi nhục, của cưỡng bức, của sợ hãi: người ta thường coi thai nhi đó là đứa con của tội lỗi. Tuy nhiên, kẻ mang tội chính là người cha vô trách nhiệm, còn đứa bé thì hoàn toàn vô tội. Dành cho em bản án tử hình chắc chắn là một việc làm hết sức tàn bạo và bất công.
Như vậy, tất cả các dạng phá thai trực tiếp trên đây đều là hành vi cố sát cố ý hủy diệt sự sống con người vô phương tự vệ còn trong bụng mẹ, nên, dù xuất phát từ động lực nào đi nữa, xét về mặt khách quan luôn là một tội ác. Hơn nữa, mục đích không thể biện minh cho phương tiện: phá thai trực tiếp là xấu tự bản chất, vì nó cố ý hủy diệt sự sống con người vô tội và vô phương tự vệ: bản chất của hành vi “giết người” này sẽ không thể thay đổi, dù là giết chết công khai hay giết chết cách chùng lén. Tích cực cho phép hay ra lệnh buộc phải phá thai là một hành động tuyệt đối không thể chấp nhận được về mặt đạo đức đối với lương tâm cá nhân và đối với lương tâm xã hội.[9] Lập trường của Huấn Quyền thật rõ ràng: “Luật cho phép và ủng hộ phá thai và làm chết êm dịu đi ngược lại không những lợi ích cá nhân mà còn ngược lại công ích, và do đó, nên thiếu tính hợp pháp thực sự.”[10] “Như vậy luật phá thai và làm chết êm dịu là những tội ác mà không luật nhân loại nào có thể cho rằng hợp pháp được. Những luật loại này không những không hề có giá trị bắt buộc đối với lương tâm mà chúng còn đòi buộc cách nghiêm trọng và chính xác là phải chống lại chúng, do sự phản đối của lương tâm.”[11]
2.2 Những quan điểm sai lầm
Tiếp cận vấn đề “cách phòng tránh thai dành cho cả nam lẫn nữ” trên mạng, chúng ta đọc thấy những chỉ dẫn khá rõ ràng, chi tiết và không tránh né gì về tác dụng, hậu quả của các phương pháp và các loại thuốc hay các cách tránh, ngừa, phá thai đang được áp dụng tại bệnh viện Việt Nam.[12] Xem ra đối với đại đa số, “quyền ngừa-phá thai” bằng bất cứ cách nào và với giá nào là một quyền hợp pháp và có thể biện minh. Một cách hết sức giản lược và hàm hồ, nhiều người nhắm mắt “nghĩ” rằng phôi thai chưa phải là người mà chỉ là một “sự vật” hay chỉ là “người trong tiềm năng”, ngầm hiểu phôi thai chưa là người. Một cách khoa học hơn, dựa trên tiến trình thụ tinh, nhiều người chủ trương rằng thành quả của một sự thụ thai, ít ra là cho đến một số ngày nào đó, vẫn chưa có thể được coi như là sự sống của con người cá vị. Có người chỉ chấp nhận phôi thai là người từ ngày 14 trở đi, nghĩa là từ lúc các tế bào mới bắt đầu “biệt hoá” để thành một “cá nhân” thực sự. Theo J. Harris, Giám đốc của Institute of Medecine Law and Bioethics của Đại học Manchester và Liverpool, “con người đúng nghĩa” phải có đủ khả năng đánh giá sự hiện hữu của chính mình, nên, theo ông, phôi thai chưa thể là người và bệnh nhân trầm trọng không còn là người nữa. Ông cho rằng cuộc sống con người bao gồm nhiều chặng để hình thành nhân vị của mình – từ lúc là hợp tử, phôi, thai, trẻ sơ sinh, đến người lớn, trưởng thành… và cần phải đánh giá hành động của con người về mặt đạo đức dựa trên sự phân biệt này.[13]
Trả lời cho những quan điểm sai lầm này, Huấn Thị Hồng Ân Sự Sống xác quyết: “Ngay từ khi trứng thụ tinh, một cuộc sống mới bắt đầu, mà là cuộc sống mới của một con người mới, nó có thể tự mình phát triển. Nó sẽ không bao giờ trở thành người, nếu nó không phải là ngươi ngay từ lúc đó. Điều hiển nhiên muôn thuở đó đã được khoa di truyền học hiện đại xác nhận[14]…Khoa này nhìn nhận rằng nơi hợp tử, có được nhờ sự thụ tinh, đã thành hình chân tính sinh học của một con người cá biệt mới” (HASS I.1).
Với óc thực dụng, một số người khác cho rằng việc giết chết các thai nhi dị tật là cần thiết nhằm tránh gánh nặng quá tải cho gia đình cũng như cho xã hội và nên dành quyền này cho người mẹ ngay từ lúc phát hiện dị tật qua chẩn đoán tiền sản. Mac Intyre cho rằng đó là đòi hỏi của nguyên tắc “chọn điều ít xấu hơn”. Theo ông, khi gặp trường hợp dị tật rõ ràng của thai nhi trong chẩn đoán, cách tốt nhất là bác sĩ nên khuyên người mẹ phá thai nhằm tránh nỗi thất vọng về tình cảm và sự tốn kém kinh tế của gia đình sau này.[15] Harry David Aiken thì lập luận rằng chỉ những “hữu-thể-người toàn vẹn” mới thực sự là người và có quyền sống. Vì chỉ là những hữu thể không đầy đủ, các phôi thai dị tật sẽ không bao giờ làm người và việc ngưng sự-sống-không-phải-là-người của chúng sẽ là một việc làm bắt buộc của lòng thương xót.[16]
Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã gợi lên toàn cảnh vấn đề này trong TMSS: “Nhiều tầng lớp người lớn trong dư luận quần chúng biện minh cho một số tội ác chống lại sự sống, nhân danh những quyền tự do cá nhân, và khởi đi từ giả định trước, họ cho rằng không những họ được miễn tố mà còn được nhà nước cho phép, để thực hiện những việc ấy, trong sự tự do tuyệt đối và hơn thế, còn được các dịch vụ y tế can thiệp miễn phí”[17]; và hơn nữa, “để tiếp tay giúp cho việc thực hiện phá thai được phổ biến rộng rãi, người ta đã đầu tư và tiếp tục đầu tư những số tiền đáng kể nhằm cập nhật việc bào chế các loại thuốc có thể giết chết phôi thai ngay trong bụng mẹ mà không cần nhờ đến bác sĩ. Về điểm này, chính sự nghiên cứu khoa học xem ra gần như chỉ chuyên tâm sản xuất những dược phẩm mỗi ngày một đơn giản và hữu hiệu hơn trong việc chống lại sự sống và đồng thời, có khả năng tránh cho sự phá thai mọi hình thức kiểm soát và trách nhiệm xã hội.”[18]
2.3. Trách nhiệm của cá nhân và của tập thể
Đời sống của thai nhi được Tạo Hoá phú trao cách đặc biệt và trực tiếp cho trách nhiệm của người mẹ. Tuy nhiên, không thể trút hết trách nhiệm của việc phá thai lên đầu người mẹ, vì có nhiều thành phần tòng phạm khác. Có thể đó là lỗi của người cha, vì đã trực tiếp xúi giục người mẹ phải phá thai hoặc đã gián tiếp góp phần vào tội ác, khi bỏ mặc người mẹ đơn độc đối phó với những sức ép của tâm lý, xã hội, kinh tế. Trách nhiệm đó cũng có thể là của thân nhân, bạn bè hay những cơ quan tư vấn đã khuyến khích hay tạo điều kiện hay gây sức ép khiến người mẹ phải đan tâm giết chết thai nhi. Bên cạnh trách nhiệm các cá nhân, còn phải kể đến trách nhiệm của tập thể như cơ quan lập pháp và truyền thông, những Ủy Ban kế hoạch hóa gia đình đã chính thức tạo ra và phổ biến não trạng ngừa thai, phá thai.[19]
Do đó, Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã cực lực lên án cơ cấu tội lỗi của nền văn minh sự chết đang chống lại sự sống con người: “…Để quyết định về cái chết của đứa con chưa sinh ra, bên cạnh bà mẹ thường có những người khác. Trước hết là người cha của đứa con. Người ta cũng không thể lờ đi trước những xúi giục đôi khi đến từ phạm vi gia đình rộng lớn hơn và từ bạn bè. Thường người phụ nữ phải chịu những áp lực mạnh đến nỗi về mặt tâm lý họ cảm thấy bị bắt ép phải đành chịu phá thai…Các thầy thuốc và nhân viên y tế đều có trách nhiệm khi họ đem phục vụ cho cái chết những khả năng chuyên môn đã đạt được để thăng tiến sự sống…Nhưng trách nhiệm cũng quy vào cho những nhà lập pháp vì đã xúc tiến và phê chuẩn các đạo luật ủng hộ cho việc phá thai…”[20]
Điều bi thảm hơn là tại nhiều quốc gia, phá thai hay giết sơ sinh đang được sử dụng như một công cụ phục vụ kế hoạch hóa gia đình.[21] Ngay trong các cuộc họp quốc tế về Dân số như tại Cairo, việc phá thai được chính thức đưa ra như giải pháp cấp thiết và chính đáng giúp giải quyết vấn đề dân số thế giới. Theo Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, não trạng chống sinh sản đã nảy sinh từ sự thổi phồng nỗi lo sợ về cái mà người ta gọi là một cuộc khủng hoảng dân số thế giới. Ngài ghi nhận trong Tông Huấn Gia Đình: “Chẳng hạn, người ta hãy nghĩ đến một thứ hoảng hốt gây nên do những cuộc nghiên cứu của các nhà sinh thái học và tương lai học về vấn đề dân số; những nghiên cứu đôi khi phóng đại quá đáng về nguy cơ việc gia tăng dân số đang đè nặng trên phẩm chất sự sống.”[22]
2.4. Lương tâm Kitô hữu và trách nhiệm đón nhận sự sống sắp sinh ra
Trước tệ nạn phá thai đang lan tràn khắp nơi, việc đầu tiên Giáo Hội phải làm là giúp người Kitô hữu củng cố Đức Tin để ý thức và xác tín hơn về phẩm giá đích thực của Sự Sống Con Người: “Tin Mừng về phẩm giá con người và Tin Mừng Sự Sống là một Tin Mừng duy nhất và bất khả phân chia” (TMSS 2). Khủng hoảng về luân lý đạo đức vẫn xuất phát từ khủng hoảng Đức Tin, như Thông Điệp Tin Mừng Sự Sống xác quyết: “Sự thiếu vắng ý thức về Thiên Chúa và về con người không thể không dẫn tới chủ nghĩa duy vật thực dụng khiến cho chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa duy ích và chủ nghĩa khoái lạc lan rộng. Ở đây nữa, ta nhận thấy giá trị vẫn còn đó của lời Thánh Tông đồ: “Thay vì Thiên Chúa thật, họ đã theo những thần giả; họ đã tôn thờ những loài thụ tạo, thay vì chính Đấng tạo Hóa…Bởi thế, Thiên Chúa đã để mặc họ buông theo dục tình đồi bại” (Rm 1, 25-26). Chính vì thế, các giá trị của hữu thể bị thay thế bằng giá trị của những cái người ta sở hữu. Mục đích duy nhất đáng kễ bây giờ chỉ còn là đi tìm tiện nghi vật chất cho riêng mình. Cái gọi là “phẩm chất sự sống” chỉ còn được hiểu thiết yếu là hiệu quả kinh tế, tiêu thụ phóng túng, sắc đẹp, hưởng thụ đời sống thể lý, mà quên mất những chiều kích sâu xa của cuộc sinh tồn, của những lãnh vực tương giao, tinh thần và tôn giáo”[23]. Phải chăng do khủng hoảng Đức Tin, vẫn còn nhiều Kitô hữu sẵn sàng tích cực tham gia thực hiện hay cộng tác vào việc phá thai.
Tiếp đến, Giáo Hội cần giúp người Kitô hữu bước ra khỏi sự lười biếng và thụ động để can đảm dấn thân lãnh trách nhiệm xây dựng nền văn minh sự sống…, qua việc huấn luyện lương tâm luân lý nhằm giúp họ biết tôn trọng sự sống và duy trì những tương quan đúng đắn với các nhân vị nhờ nỗ lực tái khám phá Sự Thật Mạc Khải về Thiên Chúa và con người.[24] Chính trong cái nhìn Đức tin, người Kitô hữu sẽ nhận ra rõ hơn rằng phá thai quả là một tội vô cùng lớn lao, vì đó không chỉ giết chết những mạng người vô tội mà còn hủy diệt sự sống của con cái TC.
Đức Gioan Phaolô II, trong Thông Điệp Tin Mừng Về Sự Sống, đã lên tiếng báo động về hiểm hoạ của một loại bạo lực mới chống lại sự sống của hàng triệu sinh linh vừa mới tượng thai. Loại bạo lực này mang những đặc trưng mới mẻ so với quá khứ và khơi dậy nhiều vấn đề đặc biệt nghiêm trọng: một mặt, đó là loại bạo lực vô cùng man rợ, vì nó nhằm đánh thẳng vào sự sống con người đang ở dạng hoàn toàn vô phương tự vệ; mặt khác, nó lại thường xảy ra ngay bên trong những quan hệ ruột thịt gia đình và, với sự hỗ trợ của Luật Pháp, nó còn khiến lương tâm con người thành mù quáng không nhận ra tính chất “tội ác”. Do đó, hiểm hoạ đến từ lãnh vực công nghệ sinh học không chỉ đáng sợ do con số “nạn nhân” bị hủy diệt, nhưng còn đáng sợ hơn về tầm mức xúc phạm đến nhân phẩm và gây nên những xáo trộn trầm trọng về mặt luân lý đạo đức.
II – VẤN ĐỀ HIẾM MUỘN
Hiếm muộn thường được nhìn theo hai quan điểm. Quan điểm “thánh thiêng” cho rằng hiếm muộn là sự trừng phạt của thần linh, mang giá trị của một “nỗi ô nhục” cần phải khẩn cầu thần linh thương giải thoát. Một quan điểm khác – quan điểm “dân sự” -, coi hiếm muộn như “một dị tật” gây ra do sai sót của một cơ phận sinh lý bị bệnh hay do một chức năng thể lý bị lệch lạc, nên có thể được chẩn đoán và chữa trị bằng y học. Và như chúng ta đã thấy qua phần trình bày vấn đề phá thai trên đây, ngoài những nguyên nhân thể lý bẩm sinh, đa số các lý do gây nên tình trạng hiếm muộn hiện nay trên thế giới đến từ việc nạo phá thai, từ những viên thuốc hay những phương pháp ngừa thai, vòng tránh thai, từ những bệnh truyền nhiễm đường sinh dục… Hơn nữa, do thiếu một nền tảng giáo dục tính dục lành mạnh, nạn nghiện ngập, tình trạng căng thẳng tâm sinh lý hay xuống dốc về mặt luân lý đạo đức của nền văn minh buông thả theo xu hướng sống vội và hưởng thụ đang tác hại trực tiếp trên khả năng sinh sản. Tuy nhiên, bài viết này không nhằm đề cập đến lãnh vực chữa trị thuộc bình diện y khoa, nhưng muốn nêu lên tính luân lý của những phương pháp chữa trị đó dựa trên ánh sáng mạc khải và Giáo Huấn của Giáo Hội nhằm giúp người Kitô hữu hôm nay có được những quyết định phù hợp với Đức Tin.
Trước tiên, cần xác tín rằng, mặc dù rất bén nhạy với nỗi đau của những cặp vợ chồng không thể có con hay sợ sinh ra một đứa con khuyết tật, Luân lý Kitô-giáo vẫn luôn đòi buộc họ phải chấp nhận giới hạn thụ tạo của chính mình.[25] Bởi lẽ, hôn nhân không trao cho vợ chồng quyền có con mà chỉ trao cho họ quyền “sử dụng” các hành vi liên quan đến chức năng sinh sản: đòi hỏi “quyền triệt để có con” sẽ trái với phẩm giá và bản chất của đứa trẻ. Đứa trẻ không phải là một món nợ còn thiếu và không thể bị coi như một vật sở hữu: con cái là một ân huệ “nhưng không” và lớn nhất của hôn nhân, là dấu chứng sống động của sự dâng hiến hổ tương của cha mẹ. Với danh hiệu đó, đứa con có quyền là hoa trái phát sinh từ hành vi đặc biệt của tình yêu vợ chồng giữa cha mẹ nó và cũng có quyền được tôn trọng như một nhân vị ngay từ lúc mới thụ thai.[26] Hơn nữa, trong thân phận thụ tạo, con người chỉ có quyền xoa dịu niềm đau của đời mình một cách “nhân bản”, chứ không có quyền “chạy trốn” nó với bất cứ giá nào. Luân lý kitô-giáo tích cực ủng hộ mọi tiến bộ, nhưng với điều kiện những tiến bộ đó phải thực sự phục vụ con người toàn diện. Ước muốn có con cái là điều tốt lành và dĩ nhiên luôn chính đáng. Mỗi cặp vợ chồng hiếm muộn luôn có quyền hay bổn phận chọn cách chữa trị, nhưng với điều kiện là cách chữa trị đó phải xứng hợp với nhân phẩm.
Đức Piô XII kêu gọi mọi người phải hiểu và nhận định đúng đắn về nỗi đau khổ của những cặp vợ chồng không thể có con hay sợ sinh con khuyết tật.[27] Dù do nguyên nhân nào đi nữa, nỗi đau của họ vẫn là một thử thách nặng nề. Giáo Hội khuyến khích và kêu gọi các nhà nghiên cứu dấn thân tìm kiếm những phương cách chữa trị bệnh hiếm muộn với sự tôn trọng đầy đủ phẩm giá của con người trong lãnh vực tạo sinh. Trên bình diện đức tin, Giáo Hội luôn lưu tâm đến họ và kêu mời họ hãy tìm khám phá trong hoàn cảnh đau khổ của mình một cơ hội được thông phần đặc biệt vào thập giá Đức Kitô, nguồn mạch của mọi sức sống thiêng liêng. Giáo Hội nhắc nhở cho họ rằng ngay cả khi không thể tạo sinh, đời sống vợ chồng không vì thế mà mất đi giá trị của nó. Bởi vì, “việc có con” vẫn có thể được thực hiện trên bình diện cao cả hơn qua tình mẫu tử thiêng liêng và đời sống bác ái. Tình trạng hiếm muộn có thể tạo dịp cho hai vợ chồng chọn thực hiện được nhiều phương thức phục vụ sự sống như nhận con nuôi, tham gia công việc giáo dục, tương trợ các gia đình gặp khó khăn khác, giúp đỡ các trẻ em nghèo hay khuyết tật…[28]
1 – Các loại can thiệp y học chữa trị bệnh hiếm muộn
Ngày nay, ngoài giao hợp tự nhiên nam-nữ và ngoài việc can thiệp bằng vi giải phẫu giúp điều chỉnh các chức năng sinh sản, nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, y học đã có thể tạo ra sự thụ thai cho người bằng cách truyền tinh nhân tạo (insémination artificielle) và thụ tinh nhân tạo (fécondation artificielle).[29]
1.1 Các phương pháp chữa vô sinh thông dụng
Phương pháp truyền tinh nhân tạo cốt giúp đưa tinh trùng của người nam vào âm đạo của người nữ bằng một ống tiêm nhân tạo. Truyền tinh nhân tạo có thể là đồng hợp (homologue), khi tinh trùng được sử dụng là của chính người chồng; dị hợp (hétérologue), khi tinh trùng được sử dụng là của một người khác không phải là chồng; hỗn hợp (combinée), khi tinh trùng được sử dụng là một hỗn hợp pha trộn tinh trùng của chồng với tinh trùng của người khác..[30]
Thụ tinh nhân tạo là phương pháp cho trứng thụ tinh trong ống nghiệm thành phôi và sau đó, đặt phôi vào tử cung của người muốn mang thai.[31] Thụ tinh nhân tạo có thể là đồng hợp khi trứng của người vợ được thụ tinh trong ống nghiệm với tinh trùng của chính người chồng, rồi sau đó đưa vào tử cung người vợ để mang thai và sinh con; dị hợp khi phôi thai thụ tinh trong ống nghiệm được hình thành từ những hợp tử do hai người khác nhau và được cung cấp ngoài hôn nhân, thường được dự trữ trong ngân hàng tinh trùng.
Mang thai mướn hiện đang được những phụ nữ muốn có con, muốn được làm mẹ, nhưng lại không có thì giờ mang thai hoặc sợ mang thai và sợ sinh con sử dụng để đạt được ý nguyện của mình: Các bác sĩ sẽ cho trứng của người phụ nữ muốn có con được thụ tinh trong ống nghiệm với tinh trùng của người mình thích, rồi sau đó đưa đặt vào tử cung người “mang thai mướn”, để họ mang thai và sinh con thay cho mình.
2 – Lập trường của Giáo Hội
Tạo sinh nhân tạo được xem là một trong những thành tựu rực rỡ của y học hiện đại. Giải Nobel Y Học năm 2010 đã dành cho bác sĩ Robert Edwards là cha đẻ của phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm – IVF. Tuy nhiên, nó cũng gây ra không ít vấn nạn cho lương tâm con người. ĐGM Ignacio Carrasco de Paula, người đứng đầu Viện Hàn Lâm Giáo Hoàng Vì Sự Sống phát biểu với hãng tin ANSA:” Không có Edwards, đã không có một thị trường trong đó hàng triệu trứng thụ tinh bị bán…và đã không có một lượng lớn tủ đông chất đầy những phôi thai trên thế giới”.[32] Nỗi lo về sự lan tràn của căn bịnh thế kỷ HIV-AIDS và nhiều căn bịnh hiểm nghèo khác thường lây lan qua đường sinh dục khiến cho, ở nhiều nơi, người ta đã cẩn thận hơn trong việc kiểm tra tinh dịch của người hiến tinh: tinh dịch được làm lạnh và được cất giữ ít nhất trong 6 tháng là thời gian cần thiết để loại bỏ các chứng bịnh truyền nhiễm. Tuy nhiên, việc buôn bán tinh dịch khá béo bở nên khó kiểm soát được tất cả các nguồn cung cấp.[33]
Đáng quan ngại hơn, việc tạo sinh nhân tạo đang đặt ra một số vấn nạn lương tâm thuộc lãnh vực mục vụ gia đình. Bởi vì, nó trực tiếp phá đổ cơ chế Hôn Nhân và gia đình theo truyền thống: nó đang khiến cho nhiều trẻ thơ phải chịu cảnh mồ côi “bẩm sinh” và khiến cho nguy cơ hôn nhân cận huyết ngày càng lớn. Tạo sinh nhân tạo quả thật là con dao hai lưỡi. Một đàng, nó muốn tạo điều kiện cho gia đình hạnh phúc hơn, nhưng đàng khác, nó cũng đang gây ra nhiều vấn nạn sâu xa xúc phạm đến nhân phẩm và cơ chế gia đình.
Vì thế, Giáo Hội đã và sẽ không bao giờ xem tạo sinh nhân tạo là hợp pháp về mặt luân lý. Tông Huấn Gia Đình xác quyết: “Việc có con là kết quả và là dấu chỉ của tình yêu vợ chồng, là lời chứng sống động cho sự trao hiến trọn vẹn cho nhau giữa đôi bạn…Vì thế, khi hai vợ chồng trao hiến cho nhau thì cũng trao ban một hữu thể thực hữu vượt khỏi họ, tức là đứa con, dấu chỉ thường xuyên của sự hiệp nhất vợ chồng và là tổng hợp sống động và không thể phân chia của tư cách làm cha làm mẹ của họ.”[34]
Do tầm quan trọng của gia đình đối với sự sống con người, Giáo Hội kêu gọi các xã hội dân sự phải tôn trọng, thừa nhận và bảo vệ quyền sống bất khả xâm phạm của mọi người cũng như bảo vệ sự bền vững của cơ chế hôn nhân và gia đình là những giá trị cơ bản giúp con người phát triển toàn diện và là những yếu tố cấu thành của xã hội dân sự và của luật pháp. Việc áp dụng những khả năng kỹ thuật công nghệ mới vào lãnh vực y học đòi buộc phải có sự can thiệp của chính quyền và các nhà làm luật. Lương tâm và sự tự chế của nhà nghiên cứu khoa học không đủ để bảo đảm an toàn cho con người và cho công ích thoát khỏi nguy cơ của bạo lực khoa học kỹ thuật và của xu hướng ưu sinh đang xúc phạm nghiêm trọng đến quyền bình đẳng, phẩm giá và các quyền cơ bản khác của con người. Dựa trên những quyền cơ bản này, Giáo Hội lên tiếng kêu gọi cần phải đưa ra những quy định căn bản sau đây về mặt luật pháp:
– Phải triệt để nghiêm cấm việc trực tiếp loại bỏ những kẻ vô tội và mọi can thiệp trên phôi thai người như vật thí nghiệm.
– Phải triệt để nghiêm cấm các ngân hàng phôi thai người, việc truyền tinh những người đã chết và việc mang thai mướn nhằm bảo vệ cơ chế hôn nhân và gia đình.
2.1. Truyền tinh nhân tạo đồng hợp
Do bản chất đặc thù của đời sống vợ chồng cũng như do tính chất đặc biệt của hành vi giao hợp, việc vợ chồng phải là một hành vi hoàn toàn riêng tư và biểu lộ một sự hiến dâng hổ tương khiến đôi phối ngẫu trở nên một thân xác. Ngoài việc lấy tinh trùng qua thủ dâm là một việc làm trái tự nhiên, truyền tinh nhân tạo đồng hợp, nếu được dùng để thay thế việc giao hợp tự nhiên, là không được phép, vì cố tình tách biệt hai ý nghĩa của việc vợ chồng là giao hợp và tạo sinh và làm mất ý nghĩa trọn vẹn của sự dâng hiến hỗ tương và của tình yêu chân thực.[35] Thế nên, Huấn Thị Hồng Ân Sự Sống lưu ý rằng mọi can thiệp y khoa trong việc chữa bịnh hiếm muộn cần phải tôn trọng phẩm giá con người, nghĩa là chỉ nhằm giúp thực hiện việc vợ chồng bằng cách giúp thực hiện công việc đó cách bình thường và thuận lợi. Ngược lại, nếu kỹ thuật can thiệp y khoa được dùng để thay thế việc vợ chồng, nhắm đạt đến một sự tạo sinh không phải là kết quả của việc vợ chồng, đó sẽ làm một xúc phạm tới phẩm giá và các quyền bất khả nhượng của vợ chồng và của đứa trẻ sắp sinh ra, vì, trong trường hợp này, kỹ thuật y khoa đã tự dành cho mình chức năng “tạo sinh.[36]
2.2. Truyền tinh nhân tạo dị hợp
Truyền tinh nhân tạo dị hợp là việc làm phản đạo đức. Tính chất vô luân của truyền tinh nhân tạo dị hợp nằm ở chỗ tìm cách tạo sinh con người ngoài hôn nhân, nghĩa là ngoài môi trường bảo đảm lợi ích của đứa bé và của đôi vợ chồng. Đức PIÔ XII dạy: “Chỉ có đôi vợ chồng có quyền hỗ tương trên chính thân xác của họ để sinh ra những mầm sống mới, đó là quyền tuyệt đối, bất khả nhượng.”[37] Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin cũng xác định: “Truyền tinh nhân tạo dị hợp tạo ra sự ngăn cách giữa việc làm cha mẹ do truyền thống, làm cha mẹ do cưu mang và trách nhiệm giáo dục con cái.”[38] Trên thực tế, truyền tinh nhân tạo dị hợp tạo ra nhiều vấn đề nghiêm trọng khiến cho đời sống gia đình gặp nhiều khủng hoảng khó có thể chu toàn việc giáo dục con cái. Bởi vì ai sẽ bù đắp được tình phụ tử cho những đứa con bất hạnh “mồ côi cha bẩm sinh”, suốt đời phải sống với người mẹ độc thân, “goá bụa” hay với ” hai người mẹ” đồng tính luyến ái?
2.3. Thụ tinh nhân tạo đồng hợp
Theo Giáo Huấn Giáo Hội, thụ tinh nhân tạo đồng hợp không thể được đánh giá cách tích cực về mặt đạo đức. Lý do là vì thụ tinh nhân tạo đồng hợp được thực hiện ngoài sự kết hợp thân xác của vợ chồng và nhờ đến sự giúp đỡ kỹ thuật của người thứ ba. Như thế, thụ tinh nhân tạo đồng hợp đặt sự sống và chân tính của phôi thai trong tay các bác sĩ và các nhà sinh học; nó thiết lập sự thống trị của kỹ thuật trên nguồn gốc và trên vận mạng con người và, do đó, tự nó nghịch lại với phẩm giá và sự bình đẳng giữa người với người. Thực vậy, việc thụ tinh trong ống nghiệm là kết quả của kỹ thuật chứ không phải là đích điểm và hoa trái của việc giao hợp vợ chồng qua đó hai vợ chồng trở thành những cộng tác viên của Thiên Chúa trong việc thông ban sự sống cho một nhân vị mới.[39]
Theo Đức PIÔ XII, chỉ có thể chấp nhận một sự can thiệp nhân tạo với mục đích giúp cho việc vợ chồng đạt được sự hoàn hợp tự nhiên trong hành vi vợ chồng. Những trợ giúp đó có thể là những phẫu thuật khai thông những tắc nghẽn nơi vòi Fallope trong cơ thể phụ nữ hoặc sử dụng thuốc với mục đích kích thích cơ thể sản sinh ra những chất sinh học cần thiết cho việc tạo sinh.[40] GIFT và LTOT là hai phương pháp khoa học phát minh nhằm các mục đích trên: GIFT (gamete intra-fallopian transfert) là phương pháp kích thích quá trình rụng trứng và giúp đưa trứng vào trong vòi Fallope, nơi đã có sẵn tinh dịch để chúng có thể kết hợp; LTOT (low tubal ovum transfert) được sử dụng khi nguyên nhân hiếm muộn đến từ việc trứng rụng không thoát được khỏi buồng trứng hoặc do thời điểm trứng rụng không thích hợp với qui trình thụ thai: phương pháp nhân tạo này nhằm giúp đặt trứng rụng vào chỗ cuối của một trong các vòi Fallope để tạo điều kiện tốt nhất cho việc thụ tinh trong một cuộc giao hợp bình thường. [41]
Tuy không chấp nhận tính cách đạo đức của việc thụ tinh trong ống nghiệm, Giáo Hội vẫn kêu gọi đón nhận mọi đứa trẻ sinh ra từ đó như là một ân ban sống động của Thiên Chúa nhân từ và tất cả các trẻ được sinh ra trên đời đều có quyền được thương yêu và giáo dục đầy đủ.
2.4. Thụ tinh nhân tạo dị hợp
Cũng như đối với truyền tinh nhân tạo dị hợp, Giáo Hội đã nhiều lần lên án thụ tinh nhân tạo dị hợp, vì đây quả là một vi phạm nghiêm trọng đến cơ chế hôn nhân và gia đình, đến cam kết hỗ tương giữa vợ chồng, đến tính duy nhất là đặc tính thiết yếu của hôn nhân và đến ơn gọi làm cha mẹ, khi tạo sự gián đoạn giữa tư cách cha me thật do di truyền (parenté génétique) với cha mẹ do cưu mang (parenté gestationnelle) cũng như với trách nhiệm giáo dục con cái. Thụ tinh nhân tạo dị hợp xúc phạm tới quyền làm người của đứa trẻ, khi cố tình tước đoạt khỏi nó mối liên hệ nguồn gốc tức là cha hoặc mẹ thật, mối quan hệ cha mẹ-con cái, khiến cho đứa trẻ gặp khó khăn trong việc truy tìm căn tính đích thực của mình. Thụ tinh nhân tạo dị hợp là điều trái phép và không thể biện minh được, xét về mặt đạo đức, vì nó mang nguy cơ gây ra những biến chất nghiêm trọng và không thể tránh khỏi cho những tương quan giữa các phần tử trong gia đình, dẫn tới những xáo trộn sâu xa trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Ao ước có một đứa con, khắc phục tình trạng hiếm muộn là những ước muốn chính đáng, nhưng không thể chọn thụ tinh nhân tạo dị hợp, vì nó đi ngược với đặc tính khách quan và bất khả nhượng của hôn nhân.[42]
2.5. Mang thai mướn
Theo quan điểm của Giáo Hội, việc mang thai mướn không những nghịch với duy nhất tính của hôn nhân và với phẩm giá của việc tạo sinh người, nhưng còn là một thiếu sót nghiêm trọng đối với trách nhiệm làm mẹ và tình mẫu tử. Việc làm này cũng xúc phạm đến phẩm giá và quyền của đứa con: đó là quyền được thai nghén, được cưu mang, được sinh ra và được giáo dục bởi chính cha mẹ mình.
III- NGUY CƠ PHÁ ĐỔ NỀN TẢNG HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH
Qua phân tích và đáng giá hai vấn đề nóng bỏng phá thai và hiếm muộn trên đây, chúng ta nhận ra rằng khi sống trong cơ chế thị trường theo xu hướng toàn cầu hóa hôm nay, tự do cá nhân mỗi người đang được đặt trước vô vàn lựa chọn và quyết định liên quan trực tiếp đến trách nhiệm lương tâm của chính mình. Và nguy cơ phá đổ nền tảng gia đình không nằm ở đâu xa mà nằm ngay trong chính quan niệm sai lầm về tự do của con người: Nó đã manh nha xuất hiện ngay từ đầu đời nhân loại qua hình ảnh con rắn tìm đến cám dỗ Evà và Adong “tự do chọn ăn Trái Cấm” chống lại Thiên Chúa ngay giữa rừng cây đầy dẩy những trái ngọt và ngay giữa cuộc sống hết sức sung túc của Vườn Địa Đàng.
Phải chăng nhờ tiến bộ vượt bậc của Khoa học Kỹ Thuật, nhân loại hôm nay cũng lại được sống cuộc sống sung túc và đầy đủ của thời Địa Đàng xưa và cũng đang đối mặt với “cám dỗ tự do chọn ăn trái cấm” muôn thuở ấy trong một xã hội hết sức sung túc nhờ phát triển công nghiệp và công nghệ sinh học. Thật vậy, những thay đổi về cách làm ăn sinh sống, phương tiện giao thông, truyền thông đã đặt để Hôn Nhân & Gia Đình vào trong những hoàn cảnh thuận lợi và nguy cơ mới. Một mặt, con người hôm nay có được ý thức sống động và tôn trọng hơn đối với tự do cá nhân, có được những tương quan bình đẳng hơn giữa các thành phần xã hội nam nữ, vợ chồng, có những phương tiện gặp gỡ, học hỏi, tham khảo dồi dào hơn, có những phương tiện y học bảo đảm hơn cho sức khỏe sinh sản, có được những phương tiện sinh sống, làm việc và giải trí tốt hơn, có “chất lượng cuộc sống” cao hơn.
Nhưng mặt khác, theo Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, “bóng tối nơi gia đình ngày nay”[43] cũng đang trở nên dày đặc hơn do vô vàn nguy cơ không những đến từ áp lực nặng nề của cơ chế xã hội hay của khoa học kỹ thuật hiện đại mà còn đến từ những xu hướng hưởng thụ, phi nhân, tục hóa ẩn khuất nơi sâu kín của lòng con người. Thực vậy, tiến bộ Khoa Học Kỹ Thuật đã và đang tạo điều kiện cho những can thiệp ngày càng sâu hơn vào lãnh vực “sự sống con người” biến con người trở thành “vật thí nghiệm” hay “những bạo chúa” nắm quyền sinh sát đối với sự sống, đẩy con người tới chỗ tự cho phép mình “chống lại sự sống” bằng việc ngừa thai, phá thai, triệt sản… Một xã hội ngày càng đầy đủ tiện nghi và có nhiều điều để hưởng thụ hơn là mảnh đất phát triển của chủ nghĩa duy lợi, tôn vinh “lợi lộc” như giá trị độc tôn, khiến con người đánh mất dần chiều kích tâm linh: nghèo thì “sợ không đủ cơm áo để nuôi thêm con”, giàu thì “lo không có thì giờ để hưởng thụ”. Sự sống không còn được xem như là một ân phúc, mà như một mối nguy cần phải tránh xa. Con người đánh mất dần “lòng quảng đại” trong việc “phục vụ sự sống”. Thêm vào đó, cá nhân chủ nghĩa chủ trương “chỉ tôi là kẻ duy nhất có quyền hưởng thụ” nên sẵn sàng sử dụng kẻ khác như “đồ vật” nhằm thoả mãn ý muốn ích kỷ của bản thân và loại trừ “kẻ khác” bằng bất cứ “giá nào” với phương châm “có thể” là “được phép” dẫn tới ly dị, phá thai, đồng tính luyến ái, tạo sinh nhân tạo, mang thai hộ…
Căn nguyên của những hiện tượng tiêu cực ấy thường là sự suy đồi trong quan niệm và trong kinh nghiệm về thứ tự do vô trách nhiệm tách rời khỏi sự thật mạc khải về con người. Chính tình trạng “vắng bóng Thiên Chúa” đang khiến cho đời sống con người ngày càng trở nên bấp bênh và vô nghĩa. Vì thế, Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II xác nhận lập trường của Giáo Hội: “Cũng như cách đây một thế kỷ, chính giai cấp công nhân bị áp bức trong những quyền lợi căn bản và Giáo Hội đã bảo vệ họ bằng cách mạnh dạn tuyên bố những quyền thánh thiêng của con người lao động, thì ngày nay, khi một lớp người khác bị áp bức trong những quyền lợi căn bản về sự sống, Giáo Hội cũng cảm thấy mình phải can đảm như thế để lên tiếng nói thay cho người không có tiếng nói. Giáo Hội luôn luôn nhắc lại tiếng kêu trong Tin Mừng là phải bảo vệ những người nghèo khổ trên thế giới, những người bị đe doạ, bị khinh bỉ, những người không được cho hưởng quyền con người.”[44]
LỜI KẾT
Tin Mừng Về Sự Sống liên quan đến vấn đề Phá Thai và Hiếm muộn không chỉ dành riêng cho những người có tín ngưỡng, nhưng được dành cho tất cả mọi người có lương tri. Bởi lẽ, tất cả những ai khát vọng chân lý và ưu tư tới vận mệnh nhân loại đều nhận ra trách nhiệm lương tâm phải tôn trọng, bảo vệ và thăng tiến sự sống. Tuy nhiên, đối với người Kitô hữu, những trách nhiệm lương tâm nặng nề và đầy khó khăn này luôn tiếp nhận từ kho tàng Đức Tin một ánh sáng rạng ngời soi sáng và một sức mạnh nâng đỡ phi thường của ân sủng.[45] Là công dân của thời đại mới, chúng ta không chối bỏ những cống hiến to lớn của khoa học kỹ thuật trong công cuộc khám phá vũ trụ và chân tướng con người: hàng loạt ứng dụng thực tiễn kỳ diệu đã tạo điều kiện cho con người gia tăng quyền làm chủ trên thiên nhiên và những tiến bộ vượt bậc về mặt sinh học đã giúp con người cải thiện đời sống, hầu như tới mức có thể làm chủ được chính vận mạng của mình.[46] Tuy nhiên, chúng ta luôn luôn cần biết phải “tỉnh thức, cầu nguyện” để nhận định, đánh giá và sử dụng các phát minh khoa học kỹ thuật đúng với Thánh Ý Thiên Chúa. Ủy Ban Thế Giới Về Môi Trường Và Phát Triển trong bản Báo Cáo Brundtland đã công nhận rằng tương lai nhân loại này đang tiến đi trên con đường “thỏa hiệp” giữa tiến bộ và nguy cơ : do thiển cận, con người đang đi tìm sự phú túc cách mù quáng và thành quả kinh tế hôm nay không thể phủ lấp hết các thiệt hại của ngày mai.[47] Trong tập Dự báo về thế kỷ 21, một tác giả cũng đã xót xa viết: “Con người hiện đại đang hưởng thụ một nền văn minh vật chất cao chưa từng có trong lịch sử, đồng thời cũng đang bị dày vò bởi những nỗi thống khổ mà loài người chưa từng gặp phải.”[48] René Dumont cũng đã nhận định: “Loài người đang phải đối phó với một loạt các hiểm họa lớn lao chưa từng có, vì lần đầu tiên trong lịch sử, con người đang phải đặt lại vấn đề tồn vong của chính mình.”[49]
Nếu Huấn Quyền ngày càng phải lưu tâm đến vấn đề thăng tiến con người toàn diện, nhất là kể từ thời Đức Lêô XIII[50], là vì Giáo Hội cảm thấy có trách nhiệm cần phải đáp ứng những nhu cầu mới của các dân tộc nảy sinh từ cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật và xã hội. Thực vậy, Giáo Hội ngày càng nhận ra những ảnh hưởng lớn lao – tích cực cũng như tiêu cực – mà khoa học kỹ thuật cũng như các cơ cấu xã hội, chính trị và kinh tế hiện đại có thể tác động trên đời sống con người. Những khám phá và những đổi thay thuộc phạm vi khoa học kỹ thuật này đã dẫn đến những đổi thay bắt buộc trong cách tổ chức công ăn việc làm và đời sống con người – cá nhân cũng như tập thể – và dĩ nhiên cũng làm nảy sinh một nếp sống mới, một não trạng mới. Hơn bao giờ hết, Giáo Hội ý thức rằng, sống trong một thế giới ngày càng tiến bộ và đang đạt tới những khả năng mới mẻ, cần phải kỹ càng hướng dẫn và đào tạo người Kitô hữu sâu xa hơn về mặt Đức tin để có thể gánh vác những trách nhiệm mới cũng như để tránh những nguy cơ mới trong xã hội mới. Khác với xưa kia, công cuộc Tân Phúc Âm Hóa của ngàn năm thứ Ba đòi hỏi nơi người Kitô hữu một sự dấn thân nhập cuộc sâu hơn vào đời sống xã hội bằng một cái nhìn mới về thế giới và về con người. Và sự dấn thân nhập cuộc này, dĩ nhiên, cần được trang bị bằng những hiểu biết mới, những kiến thức mới, những phương thức tiếp cận mới và luôn cần được cập nhật hoá để đáp ứng với những nhu cầu mới cũng như những thách đố mới của thời đại. [51]
Thực vậy, Giáo Huấn Xã Hội của Giáo Hội không làm gì khác hơn là quan tâm đến con người, tìm cách giúp con người tái khám phá căn tính và phẩm giá đích thực của mình trong ánh sáng Mạc Khải để quyết tâm gìn giữ và bảo vệ nó. Giáo Hội luôn xác tín rằng công tác phục vụ con người đích thực mà Giáo Hội hằng đeo đuổi không hề bắt rễ trong những ảo tưởng của các ý thức hệ, nhưng được khơi nguồn từ sự tôn trọng hành vi tác tạo và cứu độ của Thiên Chúa, Đấng đã dựng nên con người giống hình ảnh Ngài và đã sai Đức Giêsu Kitô đến cứu chuộc họ, sau khi họ sa ngã phạm tội. Chính phẩm giá của một nhân loại đã được Thiên Chúa tác tạo và yêu thương là động lực sâu xa khiến người Kitô hữu chân chính qua các thời đại sẵn sàng dâng hiến hết nghị lực để thực thi bác ái.
Do đó, chiến lược lâu dài mà Giáo Hội cần phải theo đuổi trong cuộc chiến đấu chống lại nền văn hoá sự chết là đào tạo những người Kitô hữu biết sẵn sàng “ủng hộ sự sống” Hơn nữa, trong môi trường xã hội ngày càng đa nguyên về tư tưởng, văn hoá và tôn giáo, một môi trường mà tự do cá nhân được tôn trọng một cách hầu như tuyệt đối, mục tiêu cuối cùng trong công tác đào tạo con người mà Giáo Hội phải hướng đến là việc huấn luyện một lương tâm Kitô hữu trưởng thành, chín chắn và đúng đắn. Và đó cũng chính là mục tiêu mà Đức Gioan Phaolô II đã muốn xác định qua lời giới thiệu Thông Điệp Bách Chu Niên của Ngài:
“Để kiến tạo một xã hội công bình hơn và xứng đáng với con người hơn, một sự dấn thân qui mô trên bình diện chính trị, kinh tế, xã hội và văn hoá quả là cần thiết. Nhưng như thế chưa đủ. Sự dấn thân có tính chất quyết định phải xuất phát từ chính cõi lòng con người, đụng chạm đến chỗ thâm sâu nhất của lương tâm con người, là nơi mà con người tự mình quyết định. Chỉ với mức độ như thế, con người mới có thể tiến hành một cuộc thay đổi sâu xa và tích cực nơi chính bản thân mình và đó là bước khởi đầu vững chắc để góp phần làm biến đổi và cải tạo xã hội.”[52]
Linh mục Antôn Nguyễn Văn Tuyến, GP Huế
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 78 (Tháng 9 & 10 năm 2013)
[1] Tổng hợp và cập nhật các bài viết liên quan đến Phá Thai và Hiếm Muộn trong tập TÂN ĐẠO ĐỨC SINH HỌC của ĐHY TETTAMANZI, Piemme 2000
[2] X. Dân Trí Chúa Nhật 28/4/2013 16: 34. Những số liệu liên quan đến những vấn đề nóng bỏng này sẽ được trích lấy từ những trang mạng của Báo Chí Việt Nam nhằm chứng minh rằng đây là những nan đề thực sự của xã hội Việt Nam hôm nay.
[3] Giáo xứ Thới Thạnh thuộc giáo phận Cần Thơ do cha Trương Thành Công làm Quản xứ. Cha Phanxicô Lê Đăng Tuấn đang phụ trách mấy trung tâm dành cho người tâm thần cách Nhà Thờ Thánh Phaolô của Giáo Xứ Thới Thạnh chừng 10 km và cha Hưng chuyên giúp các chị em hoàn lương. Hai Cha Tuấn và Hưng hiện cọng tác với các chị Nữ Tử Bác Ái lượm và chôn xác thai nhi tại sân sau của Ngôi Nhà dành cho anh em Tâm Thần. Các ngài đang tìm một nơi làm nghĩa địa chôn xác thai nhi “ổn định” hơn mà vẫn chưa có.
[4] Xem Web Dân Trí Chúa Nhật 28/4/2013 16: 34
[5] TMSS 58.
[6] Xem LÊ VĂN ĐIỂN, Sản phụ khoa, tr. 1217-1267.
[7] BGLĐT, Tuyên ngôn về việc phá thai 14.
[8] Chứng tá “vượt qua số phận” hết sức sống động của Dick Vujicic, một thanh niên khuyết tật Úc Đại Lợi và nhiều người khuyết tật khác trên quê hương Việt Nam cho thấy rõ giết thai nhi khuyết tật là một tội ác và bất công.
[9] CEI, La Commurità Cristiana 15.
[10] TMSS 72.
[11] TMSS 73.
[12] Phương pháp phòng tránh thai được PGS.TS Vũ Thị Nhung, Chủ tịch Hội phụ sản TP HCM, nguyên giám đốc Bệnh viện Hùng Vương giới thiệu tại buổi nói chuyện chuyên đề Nụ Hoa Tính Dục do Hội quán các bà mẹ tổ chức tại TP HCM.X. Dân trí Chúa Nhật 28/4/2013 16: 34
[13] Xem J.HARRIS, Etica ed embrioni, trong “Bioetica”, 1(1998), tr. 28.
[14] “Nhờ thụ tinh, cá thể mới mang đặc tính của cả cha lẫn mẹ. Giới tính di truyền được quyết định ngay từ khi thụ tinh: Nếu noãn kết hợp với tinh trùng mang nhiễm sắc thể Y, sẽ sinh con trai; với tinh trùng mang nhiễm sắc thể X, sẽ sinh con gái. Sự xâm nhập của tinh trùng vào noãn đã kích động noãn mà kết quả là hàng loạt hiện tượng sinh học tiếp nối nhau xảy ra trong noãn. Sự thụ tinh đã khơi mào cho hàng loạt quá trình gián phân liên tiếp xảy ra.” Gs ĐỖ KÍNH, Phôi Thai Học Người, Nxb Y Học, Hà Nội 1998, tr. 47.
[15] M.N. MAC INTYRE, Professional responsability in prenatal genetic evaluation, in “Birth Defects”, Orig. Art. Series 8 (1972), p. 35.
[16] X.TETTAMANZI, La Communità cristiana e l’aborto, Bari 1975, pp 251 ss.
[17] TMSS 4.
[18] TMSS 13.
[19] Xem TMSS 58-59.
[20] TMSS 59.
[21] Xem HỘI ĐỒNG GIÁO HOÀNG VỀ GIA ĐÌNH, Những chuyển biến về dân số, những chiều kích luân lý và mục vụ, 25-3-1994.
[22] GĐ 30.
[23] TMSS 23.
[24] Xem TMSS 95-97.
[25] X. HASS II/8
[26] X. HASS II/8
[27] Xem PIÔ XII, Diễn văn trước những người tham dự Đại Hội Thế Giới lần II ở Napoli về khả năng thụ thai và hiếm muộn của con người (19-05-1956): AAS 48 (1957) 471-473.
[28] GĐ 14.
[29] Trong cuộc Hội Thảo khoa học chuyên đề về vô sinh do trường ĐH Y Dược Tp HCM và Công Ty N. V. Organon tổ chức ngày 1-11-2000 tại Tp HCM, thạc sĩ Vương thị Ngọc Lan và Hồ Mạnh Tường cho biết về tình hình thụ tinh trong ống nghiệm ở Việt Nam như sau: Tại Tp HCM, sau ba năm triển khai, tính đến sáng 1-11-2000, đã có 135 trẻ được sinh ra từ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Tỉ lệ thành công ngày càng được nâng cao: tỉ lệ mang thai lâm sàng là 37,8% (147 ca có thai / 389 trường hợp chọc hút trứng). Từ 5-1999 đến 5-2000, cũng đã có 12 / 31 ca có thai thành công cho phụ nữ lớn tuổi cần phải xin trứng, đạt 38,7%. Đặc biệt có 2 ca 50 tuổi và vô sinh đã 12 và 13 năm cũng đang có thai 27 tuần tuổi và 30 tuần tuổi. Tỉ lệ thành công của phương pháp ICSI (tiêm tinh trùng vào bào tương trứng) là 37% (ở Bỉ là 35,9%). Tại Hà Nội, nhờ sự đầu tư của Bộ Y Tế và Quỹ Dân Số Liên Hiệp Quốc, Khu Thụ Tinh Trong Ống Nghiệm thứ hai của Việt Nam đã bắt đầu hoạt động tại Viện Bảo Vệ Bà Mẹ-Sơ Sinh Hà Nội. Dưới sự hướng dẫn của chuyên gia của Nice (Pháp) và của Từ Dũ, cuối tháng 10-2000, thạc sĩ Nguyễn Hữu Tiến và Bs Huỳnh Thanh Liêm đã tiến hành chọc hút trứng và cấy phôi cho những ca đầu tiên. Mới đây, trong cuộc hội thảo về chữa bệnh hiếm muộn do Bộ Y Tế CSVN và Quỹ Dân Số LHQ phối hợp tổ chức ngày 23 và 24/01/2002 tại Đà Nẵng, Bà Trần thị Phương Mai, Phó Giám Đốc sở bảo vệ bà mẹ và trẻ em cho biết năm 2001, tại VN, đã có trên 500 hài nhi ra đời do kết quả thụ tinh trong ống nghiệm. Bà cũng cho biết rằng trên khắp VN có chừng 1 triệu đôi vợ chồng hiếm muộn, nhưng hiện chỉ có 5 % tìm phương chữa trị; mỗi trường hợp thụ thai trong ống nghiệm tại VN tốn từ 10 triệu đến 43 triệu đồng. Việt Báo Online 27/01/2002.
[30] Xem B. HARING, Medicina e manipolazione, tr. 283.
[31] FIVET: fécondation in vitro et transfert.
[32] VATICAN CHỈ TRÍCH GIẢI NOBEL Y HỌC CHO NGƯỜI TIÊN PHONG THỤ THAI ỐNG NGHIỆM (IVF) (CathNews/Apic 05.10) Viện Hàn Lâm Giáo Hoàng Vì Sự Sống đã chỉ trích việc trao giải Nobel Y Học cho người tiên phong IVF, Robert Edwards. Tờ Herald Sun đưa tin: ĐGM Ignacio Carrasco de Paula, người đứng đầu Viện phát biểu thay vatican về những vấn đề đạo đức học y khoa, nói:” Tôi thấy sự lựa chọn ông Robert Edwards là hoàn toàn không đúng”. Ngài nói với hãng tin ANSA:” Không có Edwards, đã không có một thị trường trong đó hàng triệu trứng thụ tinh bị bán…và đã không có một lượng lớn tủ đông chất đầy những phôi thai trên thế giới”. Bản tin nói Ngài phát biểu với tư cách cá nhân. “Trong những trường hợp tốt nhất, chúng được chuyển vào tử cung,nhưng thường là có khả năng kết thúc bị bỏ đi hoặc chết, vốn là một vấn nạn mà người đoạt giải Nobel mới nầy không chịu trách nhiệm”. Trong thông báo đầu tiên mùa trao giải hằng năm. ủy ban Nobel ca ngợi công trình của người Anh 85 tuổi nầy như “một cột mốc trong sự phát triển của y học hiện đại”. Tin nêu tên đứa bé ống nghiệm đầu tiên, Louise Brown, chúc mừng: “Đây là tin ấn tượng. Tôi và Mẹ vui mừng khi thấy một trong những người tiên phong IVF được công nhận như ông xứng đáng”.
[33] Tại Pháp, năm 1991, đã có đến 20 Trung Tâm Trữ Tinh (TTTT) và có lượng người hiến tinh đông nhất thế giới. Hằng năm có chừng 3000 cặp vợ chồng hiếm muộn đến xin được chữa trị bằng tạo sinh nhân tạo và đến nay đã có trên 15.000 trẻ em đã chào đời. Điều đáng lo ngại là tính cách nhân đạo ban đầu của dịch vụ này đã chuyển dần thành “mua bán”. Nhiều TTTT với mục đích thương mại tư nhân đã được thành lập và nơi những trung tâm này, thường người ta cung cấp tinh dịch tươi thay vì được đông lạnh, nên nguy cơ lây bịnh và giá thành ngày càng cao, chừng 300-400 Frs cho mỗi lần bán. Những tiêu chuẩn về phía người bán thường là tự nguyện, giấu tên, đã từng làm cha, dưới 55 tuổi và được sự đồng ý của vợ. Tại Mỹ, có rất nhiều Ngân Hàng Tinh Dịch (NHTD). Nỗi tiếng nhất là Xytex Corporation: tại đây, có những containers cất giữ những Ống chứa tinh dịch đông lạnh ngâm trong Azote lỏng; ngoài ra còn có những sổ sách ghi rõ lý lịch của người bán đôi khi gồm cả tôn giáo và các thông số về thể hình. Hằng năm, có chừng 250 phụ nữ đến mua tinh dịch tại Sperm Bank of Cali. Tại Thành phố Cảng Leiden ở Hà Lan, cũng có một NHTD. Các bà mẹ tương lai ở đây – thường là những phụ nữ độc thân hoặc đồng tính luyến ái – chỉ mất vài phút để lựa chọn. Xem TRỊNH QUÂN, Thụ thai nhân tạo, con dao hai lưỡi, trong KTNN số 79 (1-3-1992) 84-87.
[34] Xem HÂSS II, 6. Xem TBGLĐT, Tuyên bố về một số vấn đề liên quan đến đạo đức của việc vợ chồng, số 9: AAS 68 (1976) 86; Xem VMHV 51; Sắc lệnh của Bộ Thánh Vụ (2-8-1929): AAS 21 (1929) 490; PIÔ XII, Diễn văn trước những người tham dự Hiệp Hội Tiết Niệu Học Ý lần thứ XXVI, (8-10-1953: AAS 45 (1953) 678.
[35] Xem TBGLĐT, Tuyên bố về một số vấn đề liên quan đến đạo đức của việc vợ chồng, số 9: AAS 68 (1976) 86; Xem VMHV 51; Sắc lệnh của Bộ Thánh Vụ (2-8-1929): AAS 21 (1929) 490; PIÔ XII, Diễn văn trước những người tham dự Hiệp Hội Tiết Niệu Học Ý lần thứ XXVI, (8-10-1953: AAS 45 (1953) 678.
[36] Xem HASS II/7
[37] PIÔ XII, Allocuzione ai partecipanti al IV Congresso Internazionale dei Medici Cattolici, Sđd, 559.
[38] TBGLĐT, Il rispetto della vita umana nascente e la dignità della procreazione, n. II, 2, Sđd.
[39] GĐ 14.
[40] Xem PERICO, Problemi di etica sanitaria, Ancora, Milano 1987, tr. 340; D. TETTAMANZI, Bioetica. Nuove frontiere per l’uomo, Piemme, Casale Monferrato 1990, tr. 182.
[41] Xem PERICO, Sđd, tr. 340.
[42] Xem PIÔ XII, Diễn Văn trước những người tham dự Đại Hội Thế Giới lần thứ IV Các Thầy Thuốc Công Giáo (29-11-1949):AAS 41(1949) 559;LÊÔ XIII, Thông Điệp Arcanum Divinae Sapientiae: AAS 12 (1879-1880) 288-391; PIÔ XI, Thông Điệp Casti Connubii: AAS 22 (1930) 546-547; VAT. II, VMHV 48; Gioan Phaolô II, Tông Huấn GĐ 19: AAS 74 (1982) 101-102.
[43] Xem GĐ 4-7 và 30-32
[44] TMSS 5
[45] Thông Điệp Tin Mừng về Sự Sống, số 101
[46] Xem J. CARLES, L’origine de l’homme dans l’évolution de la vie, Edouard Privat, éditeur 1967, tr.11.
[47] Xem G. B. GUZZETTI & E. GENTILI, Cristianesimo ed ecologia, Ed. Ancora Milano, 1989, tt. 47-52.
[48] Xem Dự Báo Thế Kỷ 21, tr. 583.
[49] L. R. BROWN (sous la direction de), L’état de la planète 1989, Paris 1989, tr. XIII.
[50] KTHGD 38.
[51] BCN 54.
[52] G.P. II. Audience générale du 1er Mai 1991