15.05.2025 – Thứ Năm Tuần IV Phục Sinh
Lời Chúa: Ga 13, 16-20
“Ai đón nhận kẻ Thầy sai, là đón nhận Thầy”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Sau khi đã rửa chân các môn đệ, Chúa Giêsu phán với các ông: “Thật, Thầy bảo thật các con: Tôi tớ không trọng hơn chủ, kẻ được sai không trọng hơn đấng đã sai mình. Nếu các con biết điều đó mà thực hành thì có phúc. Thầy không nói về tất cả các con, vì Thầy biết những kẻ Thầy đã chọn, nhưng lời Thánh Kinh sau đây phải được ứng nghiệm: Chính kẻ ăn bánh của Ta sẽ giơ gót lên đạp Ta. Thầy nói điều đó với các con ngay từ bây giờ, trước khi sự việc xảy đến, để một khi xảy đến, các con tin rằng: Thầy là ai. Thật, Thầy bảo thật các con: Ai đón nhận kẻ Thầy sai, là đón nhận Thầy, và ai đón nhận Thầy là đón nhận Ðấng đã sai Thầy”. Ðó là lời Chúa.
Suy niệm:
Có ai ngờ ba ngày trước khi qua đời, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đi thăm các tù nhân như ngài đã từng làm nhiều lần trong tư cách giáo hoàng. Cứ vào Thứ Năm Tuần Thánh, ngài lại đi rửa chân cho những tù nhân, những người khuyết tật hay tỵ nạn, cho cả những phụ nữ và những người không Công giáo. Vào chiều Thứ Năm Tuần Thánh ngày 17 tháng 4 năm 2025, ngài đã đi thăm 70 tù nhân ở nhà tù Regina Coeli gần Rôma. Ngài chỉ tiếc là trong lần cuối cùng này, ngài không còn đủ sức rửa chân cho họ nữa. Làm sao một cụ già 88 tuổi, sống nhờ thở oxy liều cao, có thể làm được chuyện đó? Dù sao, ngài vẫn muốn đến với những người đã vấp ngã, đã có một quá khứ đáng buồn và đang chịu hình phạt. Ngài muốn cúi xuống chân của họ, để cho họ thấy rằng họ vẫn có một phẩm giá đáng quý, phẩm giá của một con người, bất chấp tội của họ.
Cử chỉ rửa chân và hôn chân mang nhiều ý nghĩa. Nó tượng trưng cho tình thương, sự trân trọng, và nhất là sự phục vụ khiêm tốn. “Anh em cũng phải rửa chân cho nhau” (Ga 13,14). Khi cúi xuống rửa chân cho một phụ nữ Hồi giáo, Đức Phanxicô đã vâng lời Thầy Giêsu và coi người phụ nữ ấy như chị em trong nhóm của mình. Chắc chắn Đức Phanxicô đã chiêm niệm nhiều lần cảnh tượng Thầy Giêsu rửa chân cho các môn đệ. Điều này đã in nơi ngài một dấu ấn không phai, và đã định hướng cho toàn bộ cuộc sống của ngài. Khi nhìn Thầy Giêsu chạm tay vào chân môn đệ để rửa với sự trân trọng và yêu thương, chắc Đức Phanxicô đã đọc được thứ ngôn ngữ không lời đó.
Kinh nghiệm được Thầy rửa chân chẳng thể nào quên. Thầy muốn các môn đệ tiếp tục làm điều Thầy đã làm: “Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13,15). Thầy Giêsu nhắc các môn đệ về vị thế của họ. Họ là người tôi tớ, người được sai, còn Thầy là chủ, là người sai họ đi (c. 16). Nếu Thầy dám cúi xuống, thì trò cũng phải làm. Bởi đó, việc rửa chân cho nhau là một đòi buộc của Thầy (c. 14). “Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành, thì thật phúc cho anh em!” (c. 17). Đức Giêsu đã biến hành vi rửa chân thành mối phúc. Con người tìm hạnh phúc nơi việc được phục vụ, được tôn vinh. Còn Thầy Giêsu dạy ta tìm hạnh phúc nơi việc cúi xuống khiêm hạ. Nhiều Kitô hữu đã nếm được thứ hạnh phúc này, trong đó có Mẹ Têrêsa, cha Đamiêng, Đức Cha Cassaigne… Họ đã tình nguyện dâng đời mình cho những người cùng khổ.
Hôm nay, Đức Giêsu vẫn hiện diện nơi những người cần được rửa vết thương, vết thương thể chất và tinh thần. Và hôm nay, Ngài vẫn ở nơi những người đang cúi xuống, âm thầm, nhẹ nhàng, băng bó các vết thương của thế giới.
Cầu nguyện:
Lạy Thầy Giêsu, Khi Thầy rửa chân cho các môn đệ, chúng con hiểu rằng Thầy đã làm một cuộc cách mạng lớn. Thầy dạy chúng con một bài học rất ấn tượng khi Thầy bưng chậu nước, bất ngờ đến với các môn đệ trong bữa ăn, khi Thầy cúi xuống, dùng bàn tay của mình để rửa chân rồi lau chân cho họ. Chắc Thầy đã nhìn thật sâu vào mắt của từng môn đệ và gọi tên từng người. Giây phút được rửa chân là giây phút ngỡ ngàng và linh thánh.
Lạy Thầy Giêsu, Thế giới chúng con đang sống rất thấm bài học của Thầy. Chúng con vẫn xâu xé nhau chỉ vì chức tước và những đặc quyền, đặc lợi. Ai cũng sợ phải xóa mình, quên mình. Ai cũng muốn vun vén cho cái tôi, bất chấp lương tri và lẽ phải. Khi nhìn Thầy rửa chân, chúng con hiểu mình phải thay đổi cách cư xử. Không phải là ban bố như một ân nhân, nhưng khiêm hạ như một tôi tớ. Từ khi Thầy cúi xuống rửa chân cho anh Giuđa, kẻ sắp nộp Thầy, chúng con thấy chẳng ai là không xứng đáng cho chúng con phục vụ.
Lạy Thầy Giêsu, Thầy để lại cho chúng con một di chúc bằng hành động. Thầy đã nêu gương cho chúng con noi theo, để rửa chân chẳng còn là chuyện nhục nhã, nhưng là mối phúc. Xin cho chúng con thấy Thầy vẫn cúi xuống trên đời từng người chúng con, để nhờ đó chúng con có thể cúi xuống trên đời những ai khổ đau, bất hạnh. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH
GP. PHÚ CƯỜNG
HIỆP THÔNG LOAN BÁO TIN MỪNG
Chúa Giêsu đã dùng một hình ảnh hết sức quen thuộc đối với đời sống người Do Thái – hình ảnh cây nho – để dạy các môn đệ ngày xưa, cũng như mỗi người chúng ta hôm nay, một bài học quý giá về sự liên đới và kết hiệp với Người.
Người nói: “Cành nho tự nó không thể sinh trái được, nếu không dính liền với cây nho; các con cũng vậy, nếu không ở trong Thầy” (Ga 15,4). Cũng như cành nho chỉ có thể sống được khi hút nhựa sống từ thân cây, đời sống người Kitô hữu cũng chỉ có thể sinh hoa trái khi kết hiệp mật thiết với Chúa. Sống không chỉ là để tồn tại mà là để trổ sinh hoa trái tốt lành. Và muốn như thế, cành nho không thể tách rời khỏi thân cây. Động từ “ở lại trong Thầy” được lặp lại đến sáu lần trong đoạn Tin mừng vỏn vẹn tám câu – như một lời mời gọi tha thiết: hãy ở lại để gắn bó với Chúa, hãy gắn bó để nhận được nguồn sống và hãy nhận nguồn sống để trổ sinh hoa trái thiêng liêng.
Đời sống con người chỉ có giá trị đích thực khi ở lại trong Chúa. Không có Kitô hữu nào có thể “giữ đạo tại tâm” mà lại sống tách rời khỏi Chúa Giêsu – không tham dự thánh lễ, không cầu nguyện, không đến với bí tích Thánh Thể, không gắn bó với cộng đoàn Giáo hội. Một đức tin cô lập là một đức tin dần héo úa.
Không chỉ dừng lại ở việc gắn kết, cành nho còn cần được cắt tỉa để có thể sinh hoa trái tốt tươi. Nếu không được cắt tỉa, cành sẽ chỉ hút nhựa để nuôi lá, sống vô ích và gây hại cho cây. Đó chính là hình ảnh cái tôi ích kỷ, tự mãn, kiêu căng trong mỗi người chúng ta – cần được uốn nắn, sửa chữa, thanh luyện. Những lúc Chúa cắt tỉa, ta có thể thấy đau, thấy mất mát nhưng đó là sự đau đớn cần thiết để lớn lên trong ân sủng. Việc cắt tỉa không nhằm loại bỏ nhưng để giúp chúng ta sống sâu hơn trong ơn cứu độ của Chúa Kitô.
Ngay từ thời Giáo hội sơ khai, cộng đoàn các tín hữu cũng đã trải qua những lần được “cắt tỉa”. Công đồng Giêrusalem là minh chứng sống động: Giáo hội phải đối diện với những khác biệt, tranh luận và phân rẽ – để rồi được thanh luyện, mở rộng mà vẫn giữ vững nền tảng đức tin. Thánh Phaolô là một điển hình cho sức sống được phục hồi và trổ sinh sau khi được cắt tỉa: từ một người bách hại Hội thánh trở thành tông đồ nhiệt thành. Ngài từng bị cô lập, bị nghi ngờ nhưng nhờ ơn Chúa, ngài đã kiên vững bước đi trong ơn gọi, hiến trọn đời mình để rao giảng Tin mừng.
Lạy Chúa, xin giúp con luôn biết ở lại trong Chúa vì không có Chúa, cuộc đời con sẽ chênh vênh, khô cằn và vô nghĩa. Xin giúp con can đảm đón nhận những cắt tỉa cần thiết để con được lớn lên trong tình yêu Chúa và trở nên môn đệ nhiệt thành – vì chính Chúa Kitô đang sống trong con. Amen.