16.08.2023 – Thứ Tư Tuần XIX Thường Niên
Lời Chúa: Mt 18,15-20
Khi ấy, Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Nếu anh em của con phạm tội, hãy đi sửa dạy nó, riêng giữa con và nó thôi. Nếu nó nghe con, thì con đã lợi được người anh em của con. Nếu nó không nghe, hãy đem theo một hoặc hai người nữa, để mọi việc được giải quyết nhờ lời hai hoặc ba nhân chứng. Nếu nó không nghe họ, hãy trình với cộng đoàn; và nếu nó cũng không nghe cộng đoàn, con hãy kể nó như người ngoại hay như người thu thuế. Quả thật, Thầy nói với các con: những gì các con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc, và những gì các con tháo cởi dưới đất, trên trời cũng tháo cởi. Thầy cũng nói với các con: nếu hai người trong các con ở dưới đất mà hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho họ điều đó. Vì ở đâu có hai hoặc ba người họp nhau nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa họ”.
Suy niệm:
Trong Giáo hội ngay từ thuở ban đầu, đã có những người sai lỗi. Nếu đó chỉ là những sai lỗi nhỏ giữa các cá nhân trong cộng đoàn thì cần tha thứ cho nhau (Lc 17, 3-4). Nhưng nếu đó là những sai lỗi nghiêm trọng đụng chạm đến cộng đoàn, vô tình hay cố ý sống ngược với giáo huấn căn bản của Đức Giêsu, thì cộng đoàn không thể nhắm mắt làm ngơ mà không sửa sai cho người anh em phạm lỗi. Bài Tin Mừng hôm nay phản ánh cách sửa lỗi trong cộng đoàn thánh Mátthêu. Người phạm lỗi nặng ở đây vẫn được gọi là người anh em (c. 15). Tiến trình sửa sai huynh đệ này diễn ra từ từ, từng bước một. Bước này thất bại mới chuyển qua bước kế tiếp.
Bước một là cuộc gặp gỡ kín đáo giữa người sửa lỗi và người phạm lỗi. Mục đích là để giúp người phạm lỗi biết lắng nghe lời góp ý chân tình, nhận ra lỗi của mình và thay đổi cuộc sống cho phù hợp. Bước hai diễn ra khi bước một thất bại, khi người phạm lỗi không chịu nghe. Người sửa lỗi sẽ đem theo hai, ba người nữa để tăng sức thuyết phục. Nếu người phạm lỗi vẫn khăng khăng không nghe, thì bước kế tiếp là phải đưa chuyện này ra trước Giáo hội địa phương (c. 17). Bước cuối cùng chỉ xảy ra khi người anh em ấy vẫn ngoan cố, không muốn nghe tiếng nói của cộng đoàn Giáo hội, nghĩa là tự đặt mình ra ngoài sự hiệp thông với cộng đoàn tín hữu, thì Giáo hội đành lòng không nhận anh ấy như phần tử của Giáo hội nữa.
Có thể ngày nay Giáo hội có những cách sửa lỗi khác, nhưng những nét dưới đây vẫn giữ nguyên giá trị: coi người phạm lỗi như anh em và không muốn mất người ấy, kiên trì đối thoại, cố gắng để người anh em ấy nghe ra và nhận lỗi, kín đáo giữ thanh danh cho người ấy, đi từng bước trước khi quyết định. Ngay cả khi Giáo hội đã đưa ra quyết định cuối cùng, thì việc trở lại với cộng đoàn vẫn luôn mở ngỏ, nếu người ấy muốn làm hòa. Đức Giêsu phục sinh đã cho Giáo hội dưới quyền thánh Phêrô được quyền tháo cởi và ràng buộc (Mt 16, 19b; Ga 20, 23) khi phải đưa ra các quyết định về những phần tử của mình (c. 18). Sự hiện diện của những nhóm nhỏ trong cộng đoàn là điều có từ xưa. Tuy nhóm chỉ có hai người, nhưng nếu họ đồng lòng xin một ơn nào đó, thì Cha trên trời sẽ ban cho (c. 19). Có nhóm hai hay ba người hội họp với nhau nhân danh Đức Giêsu, thì Ngài có mặt ở trong cuộc gặp gỡ đó, và Ngài ở giữa họ (c. 20). Đức Giêsu là Đấng Emmanuen, là Thiên Chúa ở cùng chúng ta (Mt 1, 23). Đức Giêsu phục sinh cũng hứa ở với các môn đệ cho đến tận thế (Mt 28, 20). Chính vì thế Ngài hiện diện một cách kín đáo, thầm lặng nơi những cuộc hội họp nhỏ bé nhất giữa các tín hữu. Thiên Chúa đã đi với dân Ngài trong hoang địa. Hôm nay Chúa Giêsu vẫn đồng hành với chúng ta khi ta để cho Ngài quy tụ. Ngài vẫn hiện diện ở nơi nhóm bạn có chung một niềm tin và tình yêu.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, cuộc đời chúng con diễn ra quanh những chiếc bàn, làm bằng những chất liệu khác nhau, kiểu dáng khác nhau, đặt ở những chỗ khác nhau. Nơi bàn học, Ngài mở trí tuệ chúng con trước những chân trời mới, và dạy chúng con học đạo làm người. Nơi bàn ăn, Ngài nuôi dưỡng thân xác chúng con để chúng con có sức phục vụ tha nhân. Nơi bàn làm việc, Ngài cho chúng con được cộng tác với Ngài trong việc xây dựng thế giới đại đồng huynh đệ. Nơi bàn thờ, Ngài cho chúng con được hiệp thông với Ngài, và hiệp nhất với nhau qua một tấm bánh thánh. Lạy Chúa, giờ đây chúng con ngồi quanh chiếc bàn này, để gặp gỡ, chia sẻ, để bàn bạc, thảo luận, để cùng nhau tìm ý Chúa và đem ra thực hành. Xin thánh hóa những chiếc bàn chúng con sử dụng để tất cả trở nên con đường đưa chúng con đến hưởng bàn tiệc thiên quốc. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH
GP. PHÚ CƯỜNG
Lời Chúa hôm nay dạy cho chúng ta cách sửa lỗi cho nhau theo tinh thần Phúc âm. Châm ngôn có câu: “nhân vô thập toàn” để diễn tả về sự bất toàn của kiếp nhân sinh. Vậy nên, chúng ta không thể tránh khỏi những sai lầm. Chính nhờ những sai lầm mà chúng ta khiêm tốn biết mình giới hạn và biết người nào thật sự thương mến ta.
Việc sửa lỗi cho nhau theo tinh thần Phúc âm hôm nay được diễn tả xuyên suốt trên tiến trình tiệm tiến và trên nền tảng đức bác ái. Đầu tiên, việc gặp gỡ riêng tư để góp ý và sửa lỗi: “một mình anh với nó mà thôi” là cần thiết. Tiếp đến, chứng nhân là yếu tố quan trọng và cần thiết cho việc thuyết phục người khác sửa lỗi. “Đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân”. Mức độ nghiêm trọng hơn là nhờ đến cộng đoàn: “thưa Hội thánh”, vì nhờ có cộng đoàn cảm thông và nâng đỡ mà người khác có động lực sám hối. Hơn thế nữa, khi “kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế”, Lời Chúa muốn nhắc nhở chúng ta rằng mức độ sửa lỗi quan trọng nhất là xem họ như đối tượng của tình thương. Bởi với Chúa Giêsu, “người ngoại” và “người thu thuế” là những đối tượng Người đặc biệt lưu tâm và ưu tiên trong sứ mạng loan báo Tin mừng. Sau cùng, Chúa mời gọi chúng ta ý thức Thiên Chúa là Đấng giàu lòng xót thương, ghét tội nhưng không ghét người có tội. Thế nên, mọi quyết định của chúng ta với họ dù là “cầm buộc” hay “tháo cởi” hoặc “hợp lời cầu xin bất cứ điều gì” hãy nhớ Lời Chúa Giêsu dạy cầu nguyện: “nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em” (Mt 6,15; Mc 11,26).
Lạy Chúa, xin tha tội chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con; xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen.
#giaophanbaria #gpbr #suyniemhangngay #suyniemloichuahangngay #muathuongnien