10.08.2023 – Thứ Năm Tuần XVIII Thường Niên
Lời Chúa: Mt 16, 13-23
Khi Ðức Giêsu đến vùng kế cận thành Xêdarê Philípphê, Người hỏi các môn đệ rằng: “Người ta nói Con Người là ai?” Các ông thưa: “Kẻ thì nói là ông Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Êlia, có người lại cho là ông Giêrêmia hay một trong các vị ngôn sứ”. Ðức Giêsu lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Simon Phêrô thưa: “Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Ðức Giêsu nói với ông: “Này anh Simon con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Ðấng ngự trên trời. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Ðá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy”. Rồi Người cấm ngặt các môn đệ không được nói cho ai biết Người là Ðấng Kitô. Từ lúc đó, Ðức Giêsu Kitô bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết: Người phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại. Ông Phêrô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!” Nhưng Ðức Giêsu quay lại bảo ông Phêrô: “Xatan, lui ra đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người”.
Suy niệm:
Chúng ta đã quen cầu nguyện cho Đức giáo hoàng với bài hát: “Này con là đá, trên viên đá này Ta xây Giáo hội…” Theo Tin Mừng Gioan, ngay từ lần đầu gặp gỡ (Ga 1, 42), Đức Giêsu đã đặt cho anh Simon một tên mới: Kêpha, nghĩa là Đá. Trong bài Tin Mừng bằng tiếng Hy Lạp, Đức Giêsu nói với Simon: “Anh là Petros (Phêrô), và trên petra (đá) này, Thầy sẽ xây Giáo Hội Thầy.” Rất có thể Ngài đã nói với Simon bằng tiếng Do Thái thời của Ngài như sau: “Anh là Kêpha, và trên kêpha này Thầy sẽ xây Giáo Hội của Thầy.” Người Do Thái hầu như không có thói quen đặt tên con là Đá, Kêpha. Khi đặt cho Simon cái tên lạ, Đức Giêsu đã muốn trao sứ mạng cho anh. Anh sẽ là nền cho ngôi nhà mới của Thầy, do tay Thầy xây dựng (c. 18).
Ngôi nhà ấy chính là Giáo hội, là cộng đoàn giao ước mới do Thầy lập nên. Chúng ta rất ngạc nhiên vì Đức Giêsu muốn đặt nền trên Kêpha (Phêrô), một con người bình thường, một ngư phủ ít học. Làm sao Giáo hội có thể xây nền trên một con người yếu đuối như thế? Kêpha vững như bàn thạch không nhờ sức riêng, nhưng nhờ ơn Chúa. Quyền lực của Tử thần, của Ác thần không thắng được cộng đoàn này. Bất chấp những tấn công trong ngoài từ hai mươi thế kỷ qua, Giáo hội vẫn đứng vững trên nền đá Phêrô, anh ngư phủ vùng Galilê, đơn giản vì Chúa phục sinh vẫn luôn ở với Giáo hội (Mt 28, 20), và vẫn tiếp tục xây dựng Giáo hội của Ngài trong sự thăng trầm của lịch sử. Nhưng Phêrô cũng có những yếu đuối của mình. Khi Thầy Giêsu loan báo về con đường khổ nạn và cái chết sắp đến, Phêrô không thể chấp nhận được con đường hẹp này. Dù đã được Cha mặc khải để biết Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, nhưng Phêrô lại chưa thể hình dung được một đấng Kitô thất bại ê chề. “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy” (c. 22). Nếu Thầy là Con Thiên Chúa, thì Cha chẳng để Thầy phải chịu như vậy. Trong phút chốc, từ Đá Tảng vững chắc (kêpha, petra) Phêrô trở thành viên đá làm cho Thầy vấp phạm (scandalon), trở thành cơn cám dỗ lớn cho Thầy đến từ Satan (c. 23).
Đức Giêsu đã phản ứng mạnh mẽ đối với anh môn đệ mà Ngài tin tưởng. “Lui đi sau Thầy!”: Ngài nói giống như lần bị cám dỗ bởi Satan (Mt 4, 10). Ngài muốn Phêrô trở lại vị trí đi sau của người môn đệ. Cần có thời gian Phêrô mới hiểu được con đường Thầy đã đi. và tự nguyện đón lấy cái chết thập giá mà chính Thầy đã chịu. Cám dỗ tránh con đường hẹp của khổ đau, nhục nhã, thất bại, khó nghèo là cám dỗ muôn thuở mà Thầy Giêsu và anh Phêrô đã trải qua, cũng là cám dỗ muôn thuở của Giáo hội mọi thời. Làm thế nào để chúng ta nghĩ như Thiên Chúa, chứ không như thế gian, chọn sự ngu dại của Thập Giá hơn là sự khôn ngoan người đời (x. 1 Cr 1, 25)?
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, Xin nhìn đến Hội Thánh của Chúa trên khắp hoàn cầu, Hội Thánh Chúa đã lập bằng rất nhiều tình yêu. Xin nhìn đến những nơi thiếu nhà thờ, cần chủ chăn, những đồng lúa chín vàng chờ người gặt. Xin nhìn đến những thánh đường vắng bóng giáo dân, những chủng viện và tập viện phải đóng cửa vì thiếu ơn gọi. Xin thương những kitô hữu đang bị bách hại ở nhiều nơi, và bao người trẻ mất đức tin, mất niềm hy vọng vào Chúa. Lạy Chúa Giêsu, Hội Thánh sau hai ngàn năm đã lớn mạnh hơn nhiều, nhưng vẫn bị đe dọa bởi bao sóng gió bên ngoài và bên trong. Xin cho Hội Thánh biết không ngừng canh tân nhờ Thánh Thần, để có thể đồng hành và đối thoại với con người hôm nay. Xin cho các kitô hữu sống thánh thiện như Cha trên trời. để những khiếm khuyết của chúng con khỏi làm cớ cho nhiều người bỏ Chúa. Cuối cùng, xin Chúa cho Hội Thánh chúng con những vị thánh mới, tươi tắn, khiêm hạ và nhân từ như Chúa, để cuộc sống ngát hương của họ khiến Hội Thánh đáng tin hơn, và chinh phục được những tâm hồn chưa biết Chúa.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH
GP. PHÚ CƯỜNG
Đoạn Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu dạy cho các môn đệ ngày xưa, cũng như cho chúng ta ngày nay một chân lý bất biến theo không gian và thời, đó là phải bước qua đau khổ, phải biết hy sinh, chết đi trong yêu thương và phục vụ thì mới sinh nhiều hoa trái và mới bước vào được vinh quang.
Đức Giêsu dùng hình ảnh hạt lúa rất gần gũi và thiết thực đó để diễn tả một chân lý: Nếu hạt lúa gieo xuống đất mà không chết đi thì nó không thể nào sinh được nhiều hạt khác. Thật vậy, Đức Giêsu mượn hình ảnh này để áp dụng cho chính bản thân Người: Trong ba năm hoạt động công khai, Chúa Giêsu đã rao giảng Tin mừng, làm phép lạ và chữa lành bệnh tật hồn xác cho con người. Ngài đã quy tụ nhóm mười hai để tiếp nối công cuộc cứu thế của Người nơi trần gian. Người đã hoàn tất công trình cứu độ qua cuộc thương khó, tử nạn và phục sinh. Chúa Giêsu đã chết để nhân loại được sống. Người đã hy sinh mạng sống cho muôn người vì yêu thương.
Noi gương Chúa Giêsu để lại, trải dài qua dòng lịch sử của Giáo hội, đã có biết bao vị anh hùng bước theo Người, bất chấp tất cả những hiểm nguy, kể cả phải hy sinh mạng sống mình vì lợi ích cho tha nhân như: thánh Maximilianô Kolbe, thánh Laurensô… Các thánh tử đạo Việt Nam của chúng ta cũng can đảm bước vào lối đường của “hạt lúa chết đi để sinh nhiều hạt khác”. Các ngài đã coi thường mạng sống để sẵn sàng hy sinh vì danh Đức Giêsu, nhờ đó, Giáo hội Việt Nam được sinh ra, lớn lên và phát triển như ngày hôm nay. Thật vậy, “máu các thánh tử đạo là hạt giống sinh ra các tín hữu”.
Mỗi chúng ta cũng là môn đệ của Chúa Giêsu, là những người đi theo và phục vụ Chúa. Vì thế, chúng ta không có một con đường nào khác ngoài con đường Đức Giêsu đã đi qua và các thánh tử đạo đã bước theo.
Chúng ta cần chết đi cho cái tôi ích kỷ của mình để sống yêu thương quảng đại hơn.
Chúng ta cần chết đi cho những thú vui đam mê bất chính, để sống hết mình cho Chúa và Giáo hội.
Chúng ta cần chết đi cho lối sống hèn nhát để can đảm làm chứng cho sự thật và công lý.
Chúng ta cần chết đi cho sự ươn lười để hiến thân phục vụ tha nhân.
Lạy Chúa Giêsu, Đấng có lời ban sự sống đời đời, xin giúp chúng con, trong cuộc sống hằng ngày, luôn biết thực thi điều Ngài dạy là hy sinh, hãm mình, tẩy trừ đi những tính hư, tật xấu, biết sống quảng đại sẵn lòng chịu thiệt thòi vì lợi ích của tha nhân. Xin cũng giúp chúng con luôn hướng về mục đích cuối cùng của cuộc đời, đó là phần rỗi của chính mình, cũng như của mọi người, hầu luôn sống trong yêu thương và phục vụ. Amen.
#giaophanbaria #gpbr #suyniemhangngay #suyniemloichuahangngay #muathuongnien