31.7.2021 – Thứ Bảy Tuần XVII Thường Niên
Lời Chúa: Mt 13, 36-43
Khi ấy, các môn đệ lại gần Người và thưa rằng: “Xin Thầy giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe.” Người đáp: “Kẻ gieo hạt giống tốt là Con Người. Ruộng là thế gian. Hạt giống tốt, đó là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái Ác Thần. Kẻ thù đã gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên thần. Vậy, như người ta nhặt cỏ lùng rồi lấy lửa đốt đi thế nào, thì đến ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy. Con Người sẽ sai các thiên thần của Người tập trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu và mọi kẻ làm điều ác, mà tống ra khỏi Nước của Người, rồi quăng chúng vào lò lửa; ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng. Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của Cha họ. Ai có tai thì nghe.”
Suy niệm:
“Chẳng phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng của ông sao?
Thế thì cỏ lùng ở đâu mà ra vậy?” (Mt 13, 27).
Có lẽ một số Kitô hữu trong Hội Thánh sơ khai đã đặt câu hỏi tương tự
khi họ thấy có những phần tử xấu trong cộng đoàn của mình.
“Ông có muốn chúng tôi nhổ đi không?”
Ông có muốn chúng tôi trục xuất họ ra khỏi cộng đoàn không?
Có người tưởng rằng một Hội Thánh phải gồm toàn những thánh nhân.
Hội Thánh không có chỗ cho tội nhân, cho con cái Ác Thần (c. 38).
Lời từ chối của ông chủ ruộng cho thấy sự nhẫn nại của Thiên Chúa.
“Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa.
Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt” (Mt 13, 28-29).
Thiên Chúa chấp nhận cỏ lùng mọc chung với lúa,
con cái Nước Trời sống chung với con cái Ác Thần cho đến tận thế.
Nhẫn nại và bao dung là dấu hiệu của sự thánh thiện đích thực,
sự thánh thiện này biết chờ đợi, biết tôn trọng tự do của con người.
Đôi khi chúng ta cũng có thái độ nóng nảy của Giacôbê và Gioan,
khi đòi đốt cả làng người Samari khi họ không chịu đón Chúa (Lc 9, 54).
Chúng ta vẫn sống trong một thế giới vàng thau lẫn lộn.
Có khi không phân biệt được lúa với cỏ lùng,
vì trong cái tốt vẫn ẩn hiện bóng dáng của cái bất toàn,
và trong cái xấu thi thoảng cũng lóe lên những tia sáng của chân lý.
Một người tốt có thể trở nên cỏ lùng.
Một người xấu có thể trở nên gié lúa trĩu hạt.
Chúng ta chưa thể nói gì về một con người khi người ấy chưa nhắm mắt,
và khi chưa nghe lời phán xử cuối cùng của Thiên Chúa.
Người đầu tiên được bảo đảm vào Nước Trời lại là một tên gian phi.
Nhiều vị thánh hôm nay là những người trước đây đã làm điều gian ác.
Nếu tôi tự đặt câu hỏi: Tôi là lúa hay cỏ lùng?
Tôi sẽ thấy lúng túng khi tìm câu trả lời.
Nơi trái tim tôi, tôi thấy có sự giằng co giữa chọn Chúa và Ác Thần.
Có lúc tôi thấy mình như đã thuộc trọn về Chúa,
có lúc lại thấy thế gian và xác thịt như hoàn toàn thống trị mình.
Ngay trong điều tốt tôi làm, vẫn có điều gì không tuyệt đối trong suốt.
Tôi hiểu rằng cỏ lùng vẫn có chỗ trong thửa ruộng của lòng tôi.
Thiên Chúa vẫn chấp nhận tôi như thế đó.
Nếu Ngài nghiêm phạt tôi thì tôi đâu còn sống đến nay.
Dụ ngôn trên nhắc chúng ta không được tiếm quyền xét xử của Thiên Chúa,
không đòi xóa sạch sự dữ trong một sớm một chiều.
Nhưng chúng ta lại không được để mặc cho sự dữ thao túng.
Chúng ta dám hy sinh mạng sống để xây dựng một thế giới công bình.
Đức Giêsu đã bị sự dữ nuốt chửng, nhưng cuối cùng Ngài đã chiến thắng.
Cuộc đời Kitô hữu là một nỗ lực không ngừng để nhổ cỏ lùng nơi mình,
và khao khát vươn tới sự thánh thiện của chính Thiên Chúa.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
nếu ngày mai Chúa quang lâm,
chắc chúng con sẽ vô cùng lúng túng.
Thế giới này còn bao điều khiếm khuyết, dở dang,
còn bao điều nằm ngoài vòng tay của Chúa.
Chúa đâu muốn đến để hủy diệt,
Chúa đâu muốn mất một người nào…
Xin cho chúng con biết cộng tác với Chúa
xây dựng một thế giới yêu thương và công bằng,
vui tươi và hạnh phúc,
để ngày Chúa đến thực là một ngày vui trọn vẹn
cho mọi người và cho cả vũ trụ.
Xin nuôi dưỡng nơi chúng con
niềm tin vững vàng
và niềm hy vọng nồng cháy,
để tất cả những gì chúng con làm
đều nhằm chuẩn bị cho ngày Chúa trở lại.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
Lời Chúa:
Nhà vua lấy làm buồn nhưng đã trót thề, lại thề trước khách dự tiệc, nên truyền lệnh ban cho cô”. (Mt 14,9)
Câu chuyện minh họa:
Khi thấy hai con trai của mình đã lớn, người cha bảo chúng đi học nghề để tự lực cánh sinh. Ba cha con thu xếp rồi lên đường đến một ngôi làng nọ. Người anh chọn nghề thợ rèn rồi vui sống với nghề nghiệp của mình. Người cha và đứa em tiếp tục đi đến một ngôi làng khác. Một hôm, hai cha con đi ngang một cánh đồng và thấy một con bò đang gặp cỏ, người chăn ở đâu không thấy mà làng mạc thì xa. Đứa con nói với cha: “Con thích làm nghề ăn trộm vì công việc nhẹ nhàng mà thu hoạch lại lớn”. Người cha nhăn mặt nhưng vẫn gật đầu nói “Con hãy đợi cha ở ven rừng. Cha cần vào làng có công việc”.
Người cha vừa đi khuất thì người con đã vội lùa đàn bò về nhà trọ. Khi người cha về đến nhà hai cha con bắt tay vào việc làm thịt bò. Nhưng trước khi thưởng thức món thịt bò, người cha nói:
– “Ta hãy đoán xem ai trong chúng ta sẽ béo lên vì thịt bò này”.
Hai cha con phải mất nhiều ngày mới ăn hết thịt bò. Trong khi người cha cứ ăn thì người con cứ đứng lên ngồi xuống không yên, chốc chốc anh lại ra ngoài xem có ai theo dõi mình không. Sau một tuần lễ, hai cha con kiểm tra xem ai béo hơn ai. Quả thật, người cha đã lên cân thấy rõ, còn người con ngày một gầy thêm. Lúc bấy giờ người cha mới giải thích: “Con biết không, thịt bò con ăn là thịt bò ăn trộm, còn thịt bò cha ăn là thịt bò cha đã bỏ tiền ra mua hẳn hoi. Trong khi con ở ven rừng nhìn ngắm con bò thì cha đã vào làng thương lượng với chủ bò để mua nó. Con thấy chưa, của ăn trộm chẳng bao giờ để ta ăn ngon ngủ yên được”.
Suy niệm:
Trong cuộc sống có rất nhiều chọn lựa. Người ta có thể chọn lựa việc tốt để làm, có thể chọn việc xấu để đạt được mục đích gì đó, và cũng có khi là họ muốn làm việc tốt nhưng vì sự yếu đuối nên họ đã không thể làm việc tốt được. Và những chọn lựa đó, chúng ta sử dụng sao cho đúng và hợp lý.
Hêrôđê đã phân định rõ ràng việc làm sai trái của mình, và nghe những lời giải thích của Gioan Tẩy giả, nhưng chỉ vì một lời thề và vì danh dự mà ông đã hành động sai trái. Ông đã dùng tự do của mình không đúng lúc và không hợp lý. Còn Gioan đã sử dụng tự do của mình để nói lên công lý dù biết rằng điều đó có thể mất mạng, nhưng ông vẫn can đảm lên tiếng. Xét cho cùng, Hêrôđê sẽ phải ray rứt và áy náy vì đã làm một điều trái với lương tâm, còn Gioan Tẩy Giả dù là một tử tội nhưng lòng ông vẫn bình an vì Gioan đã làm theo đúng lương tâm mình.
Là những Kitô hữu, Chúa mời gọi chúng ta hãy luôn can đảm làm chứng cho sự thật, cho sứ mạng và cho lời mời gọi của Chúa.
Vì thế, mang danh Kitô hữu, chúng ta có can đảm làm chứng cho Chúa để chống lại những bất công không?
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết sử dụng tự do của mình để làm chứng cho sự thật trong môi trường sống của chúng con.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH GP. PHÚ CƯỜNG
SUY NIỆM
Lời loan báo cảnh tỉnh của Gioan Tiền Hô đến với vua Hêrôđê là dấu chỉ Thiên Chúa luôn mời gọi con người ta sám hối. Và sẽ không bao giờ là muộn màng cho một con người biết cải hóa. Nhưng ở đời, con người ta dễ bị lôi cuốn hướng về điều xấu một cách dễ dàng. Điều này cũng nói đến cách Hêrôđê hành xử dẫn tới cái chết của Gioan, vị tiên tri được nhiều người mến mộ. Ông tưởng rằng khi dẹp được Gioan thì ông sẽ sống bình an với những sai trái cùng sự ích kỷ cho bản thân mình một cách bất chấp. Nhưng ông đã lầm, lời lên án của Gioan tiếp tục theo nhắc bảo ông vì đó là tiếng lương tâm là tiếng mà Thiên Chúa gieo vào lòng mỗi người để giúp người ta làm lành lánh dữ. Cho nên con người ta sẽ không bao giờ có thể sống sai trái mà không bất an.
Cách duy nhất để có được bình an đó là sống hướng về đời sống vĩnh cửu. Thánh Ignatio Loyola mà chúng ta mừng kính hôm nay là người sáng lập nên dòng Tên (Jesus). Đang trên đà danh vọng của một sĩ quan quân đội Tây Ban Nha, một lần Ignatio bị thương ở chân phải dưỡng bệnh. Trong nhà thương, Ignatio định tìm tiểu thuyết đọc để giết thời giờ mà không thấy, ngài vô tình cầm lên cuốn sách về cuộc đời Ðức Kitô và hạnh các thánh. Được đánh động lương tâm, từ đó khởi đầu một hành trình trở về với Ðức Kitô.
Là một con người được thôi thúc với việc chăm lo phần hồn của anh chị em mình, thánh Ignatio tập trung vào đời sống tâm linh, linh thao giúp các Kitô hữu. Ngài đã từng nhắc nhở một người bạn của mình: “Lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn nào có ích gì”. Lời này đã giúp cải hóa người bạn trở nên một Jesus Hữu như ngài để đưa các linh hồn về với Chúa.
Lạy Chúa, xin cho chúng con khi bắt tay vào làm việc gì, luôn biết phân biệt phải trái, hướng đến sự tốt lành thánh thiện ngay cả trong suy nghĩ tới hành động, để như châm ngôn của thánh Ignatio khi lập dòng Tên: “Ad majorem Dei gloriam – để Thiên Chúa được vinh danh hơn”. Amen.
#giaophanbaria #gpbr #suyniemhangngay #suyniemloichuahangngay #MuaThuongNien