11.10.2019 – Thứ sáu tuần XXVII Thường niên
Ngón tay Thiên Chúa
PHÚC ÂM: Lc 11, 15-26
“Nếu Ta nhờ ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, ắt là nước Thiên Chúa đã đến giữa các ngươi rồi”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, (lúc Chúa Giêsu trừ quỷ), thì có mấy người trong dân chúng nói rằng: “Ông ta nhờ tướng quỷ Bêelgiêbút mà trừ quỷ”. Mấy kẻ khác muốn thử Người, nên xin Người một dấu lạ từ trời xuống.
Nhưng Người biết ý của họ, liền phán: “Nước nào tự chia rẽ, sẽ diệt vong, và nhà cửa sẽ sụp đổ chồng chất lên nhau. Vậy nếu Satan cũng tự chia rẽ, thì nước nó làm sao đứng vững được? Bởi các ngươi bảo Ta nhờ Bêelgiêbút mà trừ quỷ, vậy nếu Ta nhờ Bêelgiêbút mà trừ quỷ, thì con cái các ngươi nhờ ai mà trừ? Bởi đó chính con cái các ngươi sẽ xét xử các ngươi. Nhưng nếu Ta nhờ ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, ắt là nước Thiên Chúa đã đến giữa các ngươi rồi.
“Khi có người khoẻ mạnh và võ trang đầy đủ canh giữ nhà mình, thì của cải người đó được an toàn. Nhưng nếu có người mạnh hơn xông đến đánh bại hắn, thì sẽ tước hết khí giới hắn tin tưởng, và làm tiêu tán hết những gì đã tước đoạt. Ai không thuận với Ta là nghịch cùng Ta, và ai không thu góp với Ta là phân tán.
“Khi thần ô uế ra khỏi người nào, thì nó đi dông dài những nơi khô ráo, tìm chỗ nghỉ ngơi, nhưng không tìm được, nên nó nói rằng: ‘Ta sẽ trở lại nhà ta, nơi ta đã ra đi’. Khi đến nơi, nó thấy nhà đó đã được quét sạch và sắp đặt ngăn nắp. Bấy giờ nó đi rủ bảy tà thần khác hung ác hơn nó, chúng vào cư ngụ ở đó. Và tình trạng sau cùng của người ấy trở nên tệ hại hơn trước”.
Suy niệm:
Nếu đời người là một cuộc chiến đấu không ngừng
thì Đức Giêsu khi sống ở đời, cũng không tránh khỏi cuộc chiến ấy.
Cha sai Ngài đến để khai mở Nước Thiên Chúa trên trần gian.
Để làm việc đó, Nước của Xatan cần bị triệt tiêu.
Cuộc đối đầu giữa Đức Giêsu và Xatan là điều không tránh khỏi.
Ngay trước khi bắt đầu sứ vụ,
Đức Giêsu đã phải đối diện với những mồi chài khôn khéo của Xatan.
Và Ngài đã thắng, đã bắt Xatan phải xéo đi cho khuất mắt (Mt 4, 10).
Khi làm việc Cha giao, khi gần gũi với con người,
Đức Giêsu thấy rất rõ sự hiện diện đầy quyền lực của tên tướng quỷ.
Xatan và Nước của nó chi phối và tác động trên con người.
Đức Giêsu là Đấng giải phóng con người khỏi nô lệ bởi Xatan.
Một công việc không ai chối cãi được của Ngài là trừ quỷ.
Nhưng có nhiều cách giải thích chuyện trừ quỷ của Ngài.
Có người coi Đức Giêsu đã trừ quỷ dựa vào thế lực của Bêendêbun.
Bêendêbun là một vị thần xứ Canaan, ở đây được coi là Xatan.
Không thể nào tướng quỷ lại giúp Ngài diệt các quỷ nhỏ của hắn.
Nếu thế Nước của Xatan chẳng thể nào tồn tại đến nay (c. 18).
Đức Giêsu khẳng định mình dùng ngón tay Thiên Chúa để trừ quỷ (c. 20).
Chỉ cần chút quyền năng Thiên Chúa cũng đủ để xua đuổi ác thần,
và khai mở Nước Thiên Chúa giữa lòng thế giới.
Chúng ta thường quên Xatan là nhân vật có thật và hùng mạnh,
có vũ trang đầy đủ để canh giữ lâu đài của hắn cho an toàn (c. 21).
Nhưng Đức Giêsu chính là người hùng mạnh hơn và thắng được hắn.
Ngài có khả năng tước vũ khí và phân chia chiến lợi phẩm (cc. 21-22).
Cuộc chiến của Đức Giêsu chống lại Ác thần vẫn còn kéo dài đến tận thế.
Có những lúc chúng ta tưởng Xatan là kẻ hùng mạnh hơn,
và dường như thế giới nằm dưới móng vuốt của hắn.
Nhưng chiến thắng cuối cùng thuộc về Đức Giêsu, khi Ngài quang lâm.
Chúng ta không đứng ngoài cuộc chiến giữa Đức Giêsu với Xatan.
Chúng ta cùng chiến đấu với Giêsu cho một thế giới không còn tội ác,
một thế giới không còn bạo lực, bất công, thất vọng, muộn phiền,
một thế giới không còn khổ đau, bệnh tật, đói nghèo, mất hướng.
Đứng hẳn về phía Giêsu, đi với Giêsu, thu góp với Giêsu:
đó là chọn lựa của người Kitô hữu (c. 23).
Ngay cả khi đã trục xuất được quỷ dữ khỏi đời mình,
và khi ngôi nhà đời mình đã được quét tước, dọn dẹp hẳn hoi,
ta cũng phải hết sức cảnh giác, vì có nguy cơ quỷ trở lại.
Sự trở lại này có thể còn kinh khủng hơn trước (c. 26).
Có vẻ quỷ thích ở lại với con người hơn là lang thang nơi hoang mạc,
nên căn nhà tâm hồn của chúng ta cần được bảo vệ bằng lũy hào Lời Chúa.
Xin Đức Giêsu dạy chúng ta biết cách nhận diện kẻ thù,
biết cách đuổi Xatan ra khỏi đời mình và ngăn không cho nó trở lại.
Cầu nguyện:
Lạy Cha từ ái,
đây là niềm tin của con.
Con tin Cha là Tình yêu,
và mọi sự Cha làm đều vì yêu chúng con.
Cả những khi Cha mạnh tay cắt tỉa,
cả những khi Cha thinh lặng hay vắng mặt,
cả những khi Cha như chịu thua sức mạnh của ác nhân,
con vẫn tin Cha là Cha toàn năng nhân ái.
Con tin Cha không chịu thua con về lòng quảng đại,
chẳng để con thiệt thòi khi dám sống cho Cha.
Con tin rằng nơi lòng những người cứng cỏi nhất
cũng có một đốm lửa của sự thiện,
được vùi sâu dưới những lớp tro.
Chỉ một ngọn gió của tình yêu chân thành
cũng đủ làm đốm lửa ấy bừng lên rạng rỡ.
Con tin rằng chẳng có giọt nước mắt nào vô ích,
thế giới vẫn tồn tại nhờ hy sinh thầm lặng của bao người.
Con tin rằng chiến thắng cuối cùng thuộc về Ánh sáng.
Sự Sống và Tình yêu sẽ chiếm ngự địa cầu.
Con tin rằng dòng lịch sử của loài người và vũ trụ
đang chuyển mình tiến về với Cha,
qua trung gian tuyệt vời của Chúa Giêsu
và sức tác động mãnh liệt của Thánh Thần.
Con tin rằng dần dần mỗi người sẽ gặp nhau,
vượt qua mọi tranh chấp, bất đồng,
mọi dị biệt, thành kiến,
để cùng nắm tay nhau đi qua sa mạc cuộc đời
mà về nhà Cha là nơi hạnh phúc viên mãn.
Lạy Cha, đó là niềm tin của con.
Xin Cha cho con dám sống niềm tin ấy. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
Lời Chúa:
“Khi một người mạnh được vũ trang đầy đủ canh giữ lâu đài của mình, thì của cải người ấy được an toàn”. (Lc 11,21)
Câu chuyện minh họa:
Một học viên của trường Tendai – trường phái Triết học Phật giáo – đến viếng GASAN như một đệ tử với thầy. Ít năm sau, khi anh ta ra đi, Gasan cảnh cáo:
– Suy cứu chân lý thì cũng hữu ích như là cách góp nhặt lời giảng dạy cụ thể. Nhưng hãy nhớ rằng: ánh sáng chân lý của anh vẫn có thể tắt mất, trừ phi anh thiền định không ngừng.
Cũng vậy đối với tất cả những ai trong chúng ta không luôn sống trong ơn Chúa và trong sự cầu nguyện.”
Suy niệm:
Vũ khí giúp người Kitô hữu trở nên vững mạnh là việc cầu nguyện. Chúa Giêsu là Đấng giải phóng con người khỏi những bệnh tật thể xác và tinh thần. Không chỉ dừng lại ở đó, Chúa Giêsu còn giải thoát con người khỏi sự khép kín của lòng mình nữa. Ngài muốn chúng ta mở lòng ra với anh chị em, chạm đến những nỗi đau của tha nhân và mang tình thương đến cho mọi người xung quanh. Chúng ta có một Đấng là sức mạnh, Đấng chiến thắng sự dữ và đẩy lui mọi cám dỗ, hãy chạy đến với Ngài.
Lạy Chúa, xin cho con biết nương tựa vào sức mạnh của Chúa để mỗi ngày con thêm vững mạnh hơn trong tình yêu mến Chúa, để những thế lực của sự dữ không chế ngự được con.
Têrêsa Mai An – Gp. Mỹ Tho
Suy niệm
Chúa Giêsu được Chúa Cha sai đến cứu chuộc con người khỏi lệ thuộc Satan. Quyền năng của Người làm cho ma quỷ phải khiếp sợ, sợ mất ảnh hưởng, sợ không còn đất dung thân. Theo như kinh nghiệm, bất kể việc gì chúng ta làm, dù là việc lành thánh, thể nào cũng lại có nhiều khuynh hướng nhìn sự việc theo những cách khác nhau.
Chúa Giêsu cũng không tránh khỏi những lời ong tiếng ve dù rằng Người giúp trừ quỷ cho dân chúng. Có người giải thích chuyện trừ quỷ của Chúa Giêsu đã dựa vào thế lực của ma quỷ ở đây được coi là Bêendêbul – là một vị thần xứ Canaan. Tuy nhiên, Chúa Giêsu rất kiên nhẫn với họ, Người giúp khai sáng lối nhìn thiển cận của dân chúng rằng:“Nước nào tự chia rẽ, sẽ diệt vong, và nhà cửa sẽ sụp đổ chồng chất lên nhau. Vậy nếu Satan cũng tự chia rẽ, thì nước nó làm sao đứng vững được?”.
Chúa Giêsu cho dân chúng biết cuộc chiến đấu chống lại Satan là một cuộc chiến đấu dai dẳng, không được coi thường. Ngay cả khi ngôi nhà tâm hồn mình đã được dọn dẹp sạch sẽ thì chúng ta cũng phải hết sức cảnh giác, luôn giữ cho đời mình trong sạch vì có nguy cơ quỷ trở lại.
Mẫu gương thánh Giáo hoàng Gioan XXIII, tên là Angelo Giuseppe Roncalli sinh ngày 25/11/1881, là một trong những Giáo hoàng được yêu mến nhất thế kỷ XX. Từ lúc còn thiếu thời, Đức Gioan XXIII đã có tình yêu lớn lao đối với Đức Mẹ, nhất là Đức Mẹ hằng cứu giúp. Đức Gioan XXIII khẳng định rằng kinh Mân Côi là biện pháp nhằm khắc phục thời đại rối ren mà ngài được chọn để dẫn dắt Giáo Hội. Ngày 11/10/1962, ngài đã triệu tập Công đồng Vatican II, mở cánh cửa Giáo Hội ra với thế giới bên ngoài, và đem một sinh khí mới vào sự sống Giáo Hội, một sự kiện được cho là “…ngay cả mặt trăng cũng tỏa sáng”. Bằng mọi cách, ngài đã đặt nền tảng cho một thái độ mới, mở ra một Giáo Hội đối thoại và hợp tác.
Đức Gioan XXIII rất thực tế sống tinh thần phó thác và chỉ lo hoàn tất bổn phận hằng ngày của mình khi thực thi Mười Điều răn. Tuy lo lắng rất nhiều cho tương lai Giáo Hội vì quá nhiều khó khăn, Đức Gioan XXIII vẫn thường cầu nguyện trước giờ đi ngủ: “Lạy Chúa, Giáo Hội là của Chúa, con chỉ là tôi tớ, mạnh yếu thành đạt là trách nhiệm của Chúa. Con đã làm bổn phận con, giờ này đến giờ con đi ngủ, xin Chúa ban phúc lành cho con”.
Lạy Chúa, để giữ cho đời sáng tươi, xin cho chúng con biết thường xuyên dâng lên Chúa những lời nguyện tắt, để giúp cho chúng con luôn ý thức sống dưới sự hiện diện của Chúa. Amen.
GKGĐ – Gp. Phú Cường