10.10.2019 – Thứ năm Tuần 27 Thường niên
Hãy xin thì sẽ được
PHÚC ÂM: Lc 11, 5-13
“Các con hãy xin thì sẽ được”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Nếu ai trong các con có người bạn, giữa đêm khuya đến nói với người ấy rằng: ‘Anh ơi, xin cho tôi vay ba chiếc bánh, vì tôi có anh bạn đi đường ghé lại nhà tôi, mà tôi không có gì thết đãi anh ấy’. Và từ trong nhà có tiếng người ấy đáp: ‘Xin đừng quấy rầy tôi, vì cửa đã đóng, các con tôi và tôi đã lên giường nằm rồi, tôi không thể chỗi dậy lấy bánh cho anh được’. Thầy bảo các con, dù người đó không dậy vì tình bạn để lấy bánh cho người bạn, người đó cũng sẽ dậy, ít nữa là vì sự quấy rầy của người kia mà cho anh ta tất cả những gì anh ta cần.
“Và Thầy bảo các con: Các con hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì sẽ được, ai tìm thì sẽ gặp, ai gõ thì sẽ mở cho. Người cha nào trong các con có đứa con xin bánh mà lại cho nó hòn đá ư? Hay nó xin cá lại cho nó con rắn thay vì cá sao? Hay nó xin quả trứng, lại cho nó con bọ cạp ư? Vậy nếu các con là những kẻ gian ác, còn biết cho con cái mình những của tốt, phương chi Cha các con trên trời sẽ ban Thánh Thần cho những kẻ xin Người”.
Suy niệm:
Một thách đố lớn đối với đức tin của người Kitô hữu
đó là sự thinh lặng của Thiên Chúa.
Gặp cơn cùng khốn, con người cầu cứu Ngài
nhưng không nghe thấy tiếng đáp lại.
Người lành bị trù dập, kẻ vô tội bị hàm oan,
nỗi đau khổ thể xác tinh thần vây bọc lấy đời người.
Con người quằn quại, rên xiết, gào thét, nổi loạn.
“Chúng tôi tố cáo Thiên Chúa vì Ngài vắng mặt.”
Ngài không được quyền vắng mặt và thinh lặng.
Nếu Ngài là Thiên Chúa quyền năng,
Ngài phải tiêu diệt sự dữ và kẻ dữ.
Nếu Ngài là Cha yêu thương,
Ngài không thể quay lưng trước nỗi khổ của con người.
Có nhiều người đã lý luận như thế và kết luận:
“Vì có đau khổ, nên không có Thiên Chúa.”
Có lúc người ta tưởng đau khổ là một vấn đề
có thể đem ra mổ xẻ, giải quyết.
Nhưng rồi người ta thấy đó là một mầu nhiệm.
Chỉ ai tin mới đến gần được mầu nhiệm ấy,
và đón nhận nó trong bình an.
Ðức Giêsu đã không trình bày con đường diệt đau khổ,
nhưng Ngài mang lấy đau khổ vào thân.
Trên thập giá, Ngài nghe được sự thinh lặng của Thiên Chúa,
và thấy được sự vắng mặt của Người.
“Lạy Thiên Chúa của tôi, tại sao Ngài bỏ tôi?”
Như ta, Ngài cũng bước đi trong bóng tối của lòng tin,
dù bị thử thách, vẫn một niềm tín thác:
“Lạy Cha, con phó linh hồn con trong tay Cha.”
Thiên Chúa vẫn là Ðấng toàn năng và yêu thương,
nhưng Ngài hành động không giống điều ta nghĩ.
Ngài không đưa Ðức Giêsu xuống khỏi thập giá
nhưng đưa Con của Ngài ra khỏi nấm mồ,
điều đó khó hơn nhiều.
Hôm nay Ðức Giêsu mời chúng ta cứ xin, cứ tìm, cứ gõ
và tin chắc sẽ được, sẽ thấy, sẽ mở cho.
Chúng ta tin Thiên Chúa là Cha nhân hậu,
Ngài chỉ ban cho ta những điều tốt lành,
những điều có lợi thực sự cho ta,
những điều làm ta trưởng thành và triển nở,
những điều đưa ta gặp hạnh phúc đích thực,
thứ hạnh phúc không chỉ hạn hẹp ở đời này.
Chúng ta tin Thiên Chúa là Cha nhân hậu,
nhưng Ngài không nuông chiều con cái,
Ngài dám cắt tỉa để chúng ta sai trái hơn.
Bạn hãy cứ cầu xin
nhưng hãy để cho Ngài định liệu,
vì Ngài biết rõ điều gì là tốt hơn cho bạn
trong hoàn cảnh này, ở đây, bây giờ.
Cần cầu nguyện nhiều, bạn mới biết điều bạn phải xin,
vì những điều chúng ta xin còn mang nhiều cặn bẩn.
Lắm khi chúng ta xin rắn mà không hay.
Cũng có khi ta tưởng Chúa cho chúng ta bọ cạp.
Cần có đức tin mới nhận ra rằng
Chúa đã nhận lời mình rồi,
nhưng theo một kiểu khác với kiểu ta muốn.
Cần đợi đến một lúc nào đó bạn mới thấy
mọi biến cố trong đời đều là quà tặng yêu thương.
Cầu nguyện:
Con tạ ơn Cha vì những ơn Cha ban cho con,
những ơn con thấy được,
và những ơn con không nhận là ơn.
Con biết rằng
con đã nhận được nhiều ơn hơn con tưởng,
biết bao ơn mà con nghĩ là chuyện tự nhiên.
Con thường đau khổ
vì những gì Cha không ban cho con,
và quên rằng đời con được bao bọc bằng ân sủng.
Tạ ơn Cha vì những gì Cha cương quyết không ban
bởi lẽ điều đó có hại cho con,
hay vì Cha muốn ban cho con một ơn lớn hơn.
Xin cho con vững tin vào tình yêu Cha
dù con không hiểu hết những gì Cha làm cho đời con.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
Lời Chúa:
“Hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho”. (Lc 11,10)
Câu chuyện minh họa:
Nhà thần bí Hồi giáo tên là Farid, đến kinh đô Delhi để xin hoàng đế Akbar ban cho dân làng một ân huệ. Farid đến cung điện và gặp lúc Akbar đang đắm mình cầu nguyện.
Khi hoàng đế cầu nguyện xong, Farid hỏi: “Nhà vua vừa cầu nguyện như thế nào?”
Nhà vua đáp: “Ta cầu xin Đấng nhân từ ban cho ta sự thành công, giàu có và được sống lâu.
Vừa nghe xong, Farid liền quay lưng lại và bỏ đi. Vừa đi ông vừa nói: “Ta đến gặp một vị vua. Thế mà ta lại gặp một kẻ ăn xin, không khác gì những hạng người khác!”.
Suy niệm:
Theo lẽ thường, chúng ta chỉ biết cầu nguyện là cầu xin cho mình được điều này điều nọ hay liệt kê một số ước muốn. Nhưng chúng ta quên rằng chúng ta là con cái Chúa, chúng ta có bổn phận thờ lạy và tôn vinh danh Chúa, chứ không phải bắt Chúa phải đáp ứng những đòi hỏi của con người. Khi cầu nguyện, chúng ta thường rơi vào tình trạng chán nản khi cầu xin mà không được nhận lời. Những lúc ấy chúng ta cần kiên nhẫn hơn thay vì chán nản, có khi những điều chúng ta cầu xin không mang lại lợi ích cho phần rỗi linh hồn hay những điều chúng ta cầu xin chưa tới lúc Chúa thực hiện. Vì thế, chúng ta cần kiên trì và trung thành trong việc cầu nguyện và tin chắc rằng Chúa sẽ không bỏ rơi những con cái của Ngài bao giờ.
Lạy Chúa, xin cho con vững tin vào tình yêu của Ngài vì Ngài biết rõ con cái Ngài đang cần gì.
Têrêsa Mai An – Gp. Mỹ Tho
Suy niệm
Cầu nguyện thiết thực với đời sống Kitô hữu chúng ta. Làm sao gọi là Kitô hữu mà lại không cầu nguyện. Thế mà việc này lại là thực tế và nó phản ánh thái độ đức tin của chúng ta. Chúng ta xin mọi thứ, những cái cho nhu cầu của mình. Như một người thiếu thốn, chúng ta chạy khắp nơi. Chúng ta khấn xin Chúa, Đức Mẹ, thánh Giuse, thánh Antôn làm phép lạ, các thánh, chúng ta kêu xin đủ các thần thánh trên trời. Qua việc đó cho thấy, rõ ràng chúng ta yếu sức, cần Đấng bàu cử, cần tới ơn Chúa. Tuy nhiên, có khi chúng ta lại tin quá mơ hồ, hoặc có khi lại quá cuồng tín, hoặc một thái cực khác là quá dễ tin. Nên mới có việc chúng ta dễ rơi tình trạng mê tín, giải thích phép lạ một cách mơ hồ, tin vào những phép lạ mà không cần tới Chúa hay giáo huấn của Giáo Hội. Cuồng tín hay dễ tin đều là trạng thái tôn giáo cực đoan, dễ lầm lạc và lệch lạc.
Chúa Giêsu dạy chúng ta kinh Lạy Cha làm chuẩn mực cho lời cầu nguyện. Chúa còn làm gương cho chúng ta về việc cầu nguyện – một việc làm không thể thiếu trong việc thờ phượng Thiên Chúa. Tại sao chúng ta phải cầu nguyện? Chúa Giêsu cầu nguyện hầu tìm thánh ý Thiên Chúa trong mọi lúc. Không một vị thánh nào mà không cầu nguyện để biết thánh ý Thiên Chúa muốn mình phải sống thế nào. Tìm thánh ý Thiên Chúa qua cầu nguyện là một dấu chỉ để chúng ta không lạc đường.
Chúa cũng dạy chúng ta kiên trì trong cầu nguyện. Có những việc không phải tự nhiên hay tức thì chúng ta nhận ra thánh ý Thiên Chúa. Những xô bồ của trần gian làm tâm hồn chúng ta lao xao,nhưng cám dỗ của ma quỷ làm chúng ta lầm tưởng đó là tiếng nói của Chúa. Kiên trì cầu nguyện và chịu sự hướng dẫn của Thánh Thần chúng ta mới nhận ra thánh ý Thiên Chúa trên cuộc đời. Kiên trì để cho ơn Chúa ở lại với chúng ta. Cầu nguyện để cho ý Chúa thể hiện trong cuộc đời mình. Ai nói rằng mình cầu nguyện mà chỉ làm theo ý riêng mình và tìm vinh quang cho mình thì ắt là họ đang cầu nguyện với chính họ. Ai cầu nguyện mà để cho thánh ý Thiên Chúa hướng dẫn, thì mới dễ dàng chấp nhận những hy sinh, để thành toàn trong ơn Chúa.
Lạy Chúa, Chúa muốn chúng con cầu nguyện, Chúa cũng muốn chúng con cầu nguyện cách kiên nhẫn,xin cho chúng con biết kiên trì cầu nguyện và để thánh ý Chúa làm chủ trên cuộc đời chúng con. Amen.
GKGĐ – Gp. Phú Cường