Suy niệm Lời Chúa Lễ Chúa Hiển Linh A
BA VUA THỜ LẠY CHÚA
Fernandez
1 Niềm vui tìm thấy Chúa Giêsu. Thờ lạy Bí tích Thánh Thể.
Này đây Chúa thống trị ngự đến, nắm trong tay quyền vương đế toàn năng. Hôm nay Hội Thánh mừng kính Chúa Giêsu tỏ mình ra cho toàn thế giới. Hiển linh nghĩa là “tỏ mình ra”, và Ba Vua đại diện cho mọi dân tộc thuộc mọi ngôn ngữ và quốc gia, theo tiếng gọi của Chúa đã lên đường thờ lạy Đức Giêsu. Từ Tác-sít và hải đảo xa xăm, hàng vương giả sẽ về triều cống. Cả những vua Ả-rập, Xơ-va, cũng đều tới tiến dâng lễ vật. Mọi quân vương phủ phục trước bệ rồng, muôn quan nước thảy đều phụng sự.
Nghe nhà vua nói thế, họ ra đi. Bấy giờ ngôi sao họ đã thấy phương Đông, lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại. Trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng. Ho không lấy làm ngạc nhiên vì được dẫn tới một ngôi làng, cũng chẳng kinh ngạc khi thấy ngôi sao dừng lại trên một căn nhà bé nhỏ đơn sơ. Họ mừng rỡ. Niềm vui của họ cứ chực trào ra. Niềm vui của các đạo sĩ thật vô cùng lớn lao khi các ông từ phương xa đến gặp một vị Vua và được dẫn tới một ngôi nhà nhỏ trong một thôn làng ! Ở đây có biết bao điều cho chúng ta học hỏi ! Trên hết chúng ta nhận thức rằng mọi cuộc khám phá để tìm ra con đường dẫn tới Đức Giêsu đều ngập tràn niềm vui.
Có lẽ chúng ta đang gặp nguy cơ không nhận thức đầy đủ Chúa hiện diện gần gũi trong cuộc đời mình như thế nào, bởi vì Thiên Chúa bày tỏ mình cho chúng ta dưới dáng vẻ một tấm bánh nhỏ nhoi, vì Người không mạc khải mình trong vinh quang, vì Người không bộc lộ mình ra hiển nhiên đến mức buộc chúng ta phải nhìn nhận, vì Người lẻn vào cuộc đời chúng ta như một bóng hình, thay vì tỏ rõ uy quyền lẫy lừng vượt trên mọi sự... Có biết bao linh hồn bị nỗi hoài nghi làm cho khốn khổ chỉ vì Chúa không tỏ mình ra theo cách họ mong đợi !
Nhiều người dân sống ở Bêlem nhìn thấy nơi Đức Giêsu chỉ là một trẻ thơ như bao trẻ thơ khác. Còn Ba Vua thì biết nhìn ra Người là một Hài Nhi, Đấng mà kể từ giây phút ấy phải được thờ lạy mãi mãi. Lòng tin đã cho họ một đặc quyền độc nhất vô nhị: họ là những người đầu tiên trong số các dân ngoại đến thờ lạy Thiên Chúa trong lúc thế giới còn chưa biết đến Người. Những con người đến từ phương xa này thật hạnh phúc biết bao, vì họ được chiêm ngắm Đấng Mêsia ngay sau khi Người đến trong thế gian !
Chúng ta phải chú ý, vì Chúa cũng tỏ mình ra nơi những sự kiện bình thường mỗi ngày. Ước gì chúng ta biết làm thế nào khôi phục nguồn sáng nội tâm này, nguồn sáng xuyên thủng lớp vỏ bọc đơn điệu là chuỗi ngày sống đều đều buồn tẻ, và tìm thấy Chúa Giêsu trong cuộc sống thường, ngày của chúng ta !
Ho vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình thờ lạy Người.
Chúng ta cũng quỳ gối trước mặt Chúa Giêsu, Thiên Chúa ẩn mình trong xác phàm. Một lần nữa chúng ta thưa với Người rằng chúng ta không muốn quay lưng lại với tiếng gọi thánh thiêng của Người, rằng chúng ta sẽ không bao giờ lìa xa Người, rằng chúng ta sẽ gạt bỏ tất cả những gì trên đường đi có thể cản trở lòng trung thành của chúng ta đối với người và thành tâm ước muốn vâng nghe những gợi ý của Người.
Họ đã thờ lạy Người. Ho biết rằng Người là Đấng Mêsia, Thiên Chúa làm người. Công đồng Trentô trích dẫn trình thuật các Đạo sĩ đến thờ lạy Chúa để dạy chúng ta về tâm tình thờ kính phải có đôi với Đức Kitô trong Bí tích Thánh Thể. Đức Giêu hiện diện nơi Nhà tạm cũng chính là Đức Giêsu mà các Đạo sĩ thấy đang nằm trong cánh tay Đức Maria. Có lẽ chúng ta nên xem lại cách thức thờ phượng Chúa mỗi khi Người được đặt trong Mặt nhật hay được cất giữ trong Nhà tạm. Chúng ta phải quỳ gối tôn sùng và cung kính như thế nào khi dâng Thánh lễ, hay đi qua những nơi chầu Thánh Thể ?
2 Lễ vật của Ba Vua. Lễ vật của chúng ta.
Các Đạo sĩ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến. Họ tiến dâng các tế vật quý giá nhất đối với người Đông phương; các lễ vật tốt nhất chỉ dành cho Thiên Chúa. Ho dâng cho Người vàng, một biểu tượng của hoàng tộc. Người Kitô hữu chúng ta cũng muốn Người hiện diện trong mọi hoạt động nhân loại, muốn Người thi hành vương quyền công lý, thánh thiện và bình an trên mọi linh hồn. Chúng ta cũng dâng lên Người thứ vàng quý giá mà chúng ta nhận được khi chúng ta rũ bỏ trong tinh thần mọi thứ tiền bạc và của cải vật chất. Chúng ta đừng quên rằng những điều này tốt, vì là của Chúa ban. Nhưng Chúa đã quy định rằng chúng ta nên hưởng dùng chúng, thay vì để lòng mình gắn chặt vào chúng, bằng cách sử dụng chúng để phục vụ lợi ích của toàn thể nhân loại.
Chúng ta dâng cho Người trầm hương, trầm hương được đốt trên bàn thờ hằng đêm như một biểu tượng của niềm hy vọng đặt vào Chúa Cứu Thế. Trầm hương là lòng khát khao sống một cuộc đời cao thượng tỏa ra “hương thơm của Đức Kitô” (2Cr 2,15). Làm cho lời nói và hành động của mình thấm đượm hương thơm của Người chính là gieo vãi sự cảm thông và tình bạn. Chúng ta sẽ đồng hành bên nhau để không một ai lạc lõng, hay cảm thấy bị bỏ rơi…
Mùi thơm của trầm hương là do các hạt bụi trầm nhỏ li ti cháy trong than hồng. Hương thơm dịu dàng của Đức Kitô được nhận ra giữa nhân loại cũng giống như thế không phải giữa một đám lửa cháy bùng, nhưng nơi vỉ than hồng cháy mãi là các nhân đức như công bình, trung thành, thông cảm và vui tươi.
Cùng với Ba Vua, chúng ta cũng dâng lên Người mộc dược, bởi vì Thiên Chúa Nhập Thể sẽ mặc vào mình những yếu đuối của chúng ta và gánh chịu những khổ đau của chúng ta. Mộc dược là tinh thần hy sinh không thể thiếu trong cuộc đời Kitô hữu. Mộc dược nhắc chúng ta nhớ đến cuộc Thương Khó của Chúa. Trên Thập Giá, Người được cho uống rượu pha với nhựa đắng (x Mt 15,33). Và xác Người được tẩm liệm bằng chính mộc dược trước khi chôn cất (x. Ga 19,39). Nhưng đừng nghĩ rằng suy niệm về nhu cầu hy sinh và hãm mình là thêm một chi tiết buồn thảm vào ngày lễ vui mừng hôm nay.
Hãm mình không phải là bi quan hay chua chát. Trái lại, hãm mình liên hệ rất gần gũi với niềm vui, lòng mến, với việc làm cho cuộc sống tha nhân dễ chịu hơn. Thông thường, hãm mình không hàm chứa những sự hy sinh lớn lao, vì ít khi xảy ra các tình huống đòi hỏi phải bỏ mình nhiều. Hãm mình được hình thành từ những sự chế ngự nho nhỏ chẳng hạn như mỉm cười với kẻ làm mình phiền lòng, từ chối các ước muốn không cần thiết của bản thân, tập quen lắng nghe người khác, tận dụng tối đa thời giờ Chúa ban cho… và còn biết bao điều nhỏ nhặt khác nữa. Chúng ta tìm thấy cơ hội hãm mình trong những vấn đề, những khó khăn và những lo toan có vẻ tầm thường, chúng xuất hiện trong suốt ngày sống cho dù chúng ta không chủ tâm tìm kiếm.
Chúng ta dâng lễ vật lên Chúa hằng ngày, vì trong Thánh lễ và khi Rước lễ chúng ta có thể gặp Người. Khi linh mục dâng của lễ, chúng ta cũng có thể đặt vào đó của lễ của chúng ta, được làm nên từ những điều nhỏ bé, và sẽ được Chúa Giêsu chấp nhận. Nếu chúng ta làm những điều nhỏ nhặt và dâng lên Chúa với một ý hướng ngay thẳng, chúng sẽ mang một giá trị còn lớn hơn cả vàng, nhũ hương hay mộc dược, vì chúng được kết hợp với hy tế của Đức Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng tự hiến mình trên bàn thờ.
3 Chúa tỏ mình ra cho toàn thể nhân loại. Việc tông đồ.
Tác giả Tin Mừng thuật lại cho chúng ta: sau đó các Đạo sĩ nghe theo lời sứ thần đã đi lối khác mà về xứ mình. Chắc hẳn họ mang trong lòng niềm vui khôn tả cho đến phút cuối đời, vì đã được được thấy Hài Nhi và mẹ Người ! Nơi các ngài, chúng ta thấy hàng ngàn tâm hồn từ khắp nơi trên thế giới lên đường thờ lạy Chúa. Hai mươi thế kỷ đã trôi qua kể từ cuộc bái triều đầu tiên ấy, và đoàn người ngoại giáo đông đúc vẫn tiếp tục lên đường tìm đến Đức Kitô.
Qua dịp lễ này, Hội Thánh công bố Đức Giêsu tỏ mình ra cho toàn thể nhân loại mọi thời, dù thuộc chủng tộc hay quốc gia nào. Người đã thiết lập một Giao Ước Mới bằng Máu của Người, quy tụ và hiệp nhất người Do thái và người ngoại giáo thành một dân tộc… và sẽ thiết lập Dân mọi của Thiên Chúa.
Lễ Hiển Linh thúc giục mọi tín hữu cùng chia sẻ những nỗi ưu tư và lao nhọc của Hội Thánh để cầu nguyện và hoạt động sao cho toàn thế giới có thể họp thành Dân Thiên Chúa, Thân Thể của Chúa và Đền Thờ của Chúa Thánh Thần.
Chúng ta có thể nằm trong số những người, sống trong thế giới giữa những hoạt động trần thế, đã nhìn thấy ánh sao là lời kêu gọi của Thiên Chúa, mang trong lòng ánh sáng nội tâm ấy, kết quả của việc cầu nguyện với Chúa Giêsu mỗi ngày. Vì vậy, chúng ta nhận thấy nhu cầu phải giúp đỡ những ai còn đang do dự hay chưa biết, để họ được thanh tẩy và đến gần Chúa hơn. Hiển Linh là lễ của lòng tin và làm chứng đức tin. Người đã tin và người đang trên đường tìm kiếm đức tin đều cùng chia sẻ lễ này như nhau. Ho tham gia vào đó, cảm tạ Chúa vì được ơn đức tin, giống như các Đạo Sĩ, với đầy lòng biết ơn, đã quỳ gối sụp lạy Hài Nhi Giêsu. Toàn thể Hội Thánh, với ý thức mỗi ngày một rõ hơn về sứ mạng to lớn của mình, đều tham gia vào lễ này. Còn có biết bao người còn được đưa tới đức tin ! Còn có biết bao người cần được trở lại với niềm tin mà họ đã đánh mất. Đôi khi điều này còn khó khăn hơn cả việc tiếp nhận niềm tin lần đầu. Tuy nhiên, vì nhận thức được ân sủng cao cả là Thiên Chúa Nhập Thể. Hội Thánh không thể ngơi nghỉ, không bao giờ dừng lại. Hội Thánh phải liên tục dò tìm con đường dẫn tới Bêlem cho mọi người thuộc mọi thời. Lễ Hiển Linh là sự thách đố Thiên Chúa dành cho con người.
Lễ Hiển Linh nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta sẽ sử dụng mọi phương thế có trong tầm tay để đưa bạn bè, thân thuộc và đồng nghiệp đến gần Đức Giêsu. Điều này có thể khởi sự từ việc cho một người mượn một cuốn giáo lý sâu sắc, khích lệ người khác để thúc đẩy họ tiến lên, trao đổi mới bằng hữu về nhu cầu đào tạo tâm linh.
Khi kết thúc buổi cầu nguyện hôm nay, chúng ta đừng cầu xin các đạo sĩ thánh thiện này ban cho chúng ta vàng, nhũ hương hay mộc dược. Nhưng hãy xin các ngài chỉ cho chúng ta con đường dẫn tới Đức Kitô, nhờ đó mỗi ngày chúng ta có thể dâng cho Người vàng, nhũ hương và mộc dược của chúng ta. Chúng ta cũng hãy cầu xin Mẹ Thiên Chúa cũng là Mẹ chúng ta, giúp chúng ta dọn một con đường hướng tới tình yêu trọn hảo: Lạy Trái Tim Vô Cùng Dịu Ngọt của Đức Maria, xin hãy dọn sẵn một lối đi an toàn ! Trái tim ngọt ngào của Mẹ biết đâu là lối đi an toàn nhất dẫn tới Chúa Kitô.
Ba Vua đã có ngôi sao dẫn đường. Chúng ta có Đức Maria, Ngôi Sao Biển, Ngôi Sao phương Đông.