Phỏng vấn của Báo Quan sát viên Roma về Mạng lưới Cầu nguyện
***
Tất cả mọi thứ liên quan đến đời sống hàng ngày của con người đều được quan tâm bởi cộng đoàn Giáo hội và nằm trong việc chăm sóc mục vụ của các mục tử, bắt đầu từ Đức Thánh Cha. Không có đề tài, hiện thực cuộc sống, dự án, hy vọng hay đau khổ nào mà lại không được các Kitô hữu thực hiện ngang qua việc cầu nguyện. Việc cầu nguyện này được biết đến với hàng ngàn thành viên của Mạng lưới Cầu nguyện Toàn cầu của Đức Giáo hoàng. Mỗi tháng, họ cầu nguyện theo ý chỉ mà Đức Giáo hoàng giao phó cho họ.
Ý chỉ cầu nguyện được làm nên như thế nào?
Chúng là thành quả của một quá trình dài của việc phân định trong Giáo hội, từ các quốc gia khác nhau trên thế giới và với những đề xuất đến từ các thánh Bộ, dòng tu và những việc phục vụ của Tòa Thánh. Vào cuối quá trình này, kéo dài vài tháng, Đức Giáo hoàng với những đề nghị nhận được, ngài dành giờ để cầu nguyện và phân định những thách thức của nhân loại và sứ mệnh của Giáo hội. Sau đó, ngài giao phó mười hai ý chỉ cầu nguyện cho tất cả các tín hữu.
Đâu là những điều mới trong các ý chỉ cầu nguyện của năm tới?
Đó là tiếng vang về những thách đố đối với thế giới mà Giáo hoàng đã trình bày với các thành viên ngoại giao đoàn của Toà thánh hồi đầu tháng Giêng. Trong bài phát biểu, ngài mời “hãy trở thành cầu nối giữa các dân tộc và những người xây dựng hòa bình”, ngài nhắc nhớ về những nguy cơ của khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa, khi đề cập đến nhiều quốc gia khác nhau trong cuộc xung đột và cũng nói về cuộc chạy đua vũ trang và vũ khí hủy diệt hàng loạt. Đó cũng là ý chỉ đầu tiên của ngài để cầu nguyện cho năm 2020, một chân trời mở ra cho cả năm. Trong một thế giới bị chia rẽ và phân mảnh, thật tuyệt khi các Kitô hữu, cùng với tín hữu của các truyền thống tôn giáo khác, và với mọi người thiện chí, thúc đẩy tình huynh đệ của con người thông qua hòa bình và chung sống.
Đức Giáo hoàng Phanxicô có giao phó những ưu tiên nào cho Mạng lưới cầu nguyện không?
Có một thách đố khác của nhân loại mà Đức Giáo hoàng nói với các nhà ngoại giao, đó là bối cảnh người tị nạn và người di cư và tầm mức quan trọng của nó mặc dù cũng có những giới hạn; ngài cũng nói về thoả thuận “Hiệp ước toàn cầu về sứ mạng” gần đây liên quan đến tệ nạn buôn người và các loại bạo lực khác. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhiều lần cầu nguyện và hành động chống lại nạn buôn người.
Đây có phải là một chủ đề rất bận tâm của Đức Giáo hoàng?
Đây là một thảm kịch mà Đức Giáo hoàng đã mang trong lòng và cầu nguyện trong một thời gian dài. Trong chuyến bay trở về từ Ireland, vào tháng 7 năm 2018, ngài đã nói về nạn buôn người với tất cả sự kinh hoàng. Không lâu sau đó, trong một cuộc gặp, ngài yêu cầu tôi đặt điều này vào Mạng lưới Cầu nguyện để cầu nguyện cho những người nam, người nữ và trẻ em đang sống trong những tình trạng nô lệ này. Đây là những gì chúng tôi đang làm trong tháng 2 này, cùng phối hợp với cơ quan lo về người di cư và tị nạn của Bộ Phát triển Con người Toàn diện, với Talitha Kum và các tổ chức khác. Một trong những ý cầu nguyện trong năm sau, ngài sẽ một lần nữa mời chúng ta lắng nghe tiếng khóc của những người di cư, tiếng khóc của tất cả những người là nạn nhân của tội phạm buôn người.
Các quan hệ quốc tế cũng là đối tượng của ý cầu nguyện?
Cũng với ngoại giao đoàn của Toà thánh, Đức Giáo hoàng nhắc lại rằng sau rất nhiều năm, lần đầu tiên tất cả các giám mục Trung Quốc đã hiệp thông trọn vẹn với người kế vị thánh Phêrô và với Giáo hội hoàn vũ. Đến năm 2020, trong một ý cầu nguyện, ngài mời chúng ta cầu nguyện “để Giáo hội tại Trung Quốc có thể kiên trì trung thành với Tin Mừng và phát triển trong sự hiệp nhất”.
Có điểm nào liên quan đến sinh thái và thụ tạo không?
Chúng ta biết Đức Giáo hoàng Phanxicô quan tâm đến tương quan với ngôi nhà chung của chúng ta, với vấn đề biến đổi khí hậu, với những khía cạnh về môi trường, xã hội và kinh tế đến mức nào. Ngài đã nói chuyện với ngoại giao đoàn về thách đố này và đặc biệt với Thượng Hội đồng Giám mục về Amazon sắp đến. Đức Phanxicô liên tục nhắc nhở về trách nhiệm trong mô hình sản xuất và tiêu dùng của chúng ta, và ngài thức tỉnh về sự dửng dưng và thờ ơ của chúng ta, bởi vì hậu quả của chúng rất nghiêm trọng. Do đó, ngài thường mời chúng ta vận động ngang qua việc cầu nguyện và hoạt động, cầu nguyện trong hoạt động, như ngài sẽ làm trong tháng 7, đó là mời các chính trị gia, các nhà khoa học và kinh tế làm việc cùng nhau “để bảo vệ các biển và đại dương”, mà hiện giờ đang chất đầy rác thải nhựa, gây hậu quả nghiêm trọng cho hệ sinh thái biển. Sau khi kêu gọi chúng ta bảo vệ biển và đại dương, vào năm 2020 Đức Giáo hoàng sẽ mời chúng ta cầu nguyện và hành động vì các thủy thủ, ngư dân và gia đình của họ, là những người đầu tiên phải gánh chịu hậu quả của thảm họa môi trường.
Còn về ý cầu nguyện cho những người bị lùi về phía sau xã hội và khó tìm công ăn việc làm thì sao?
Sự thay đổi về xã hội cũng làm thay đổi công ăn việc làm của chúng ta. Đây là những thay đổi nhanh chóng cần phải được đồng hành vì lợi ích của tất cả. Do đó, Đức Giáo hoàng khuyến khích chúng ta cầu nguyện để “sự tiến bộ của robot và trí tuệ nhân tạo sẽ luôn phục vụ con người”. Tất cả những thay đổi trong xã hội và trong thế giới chúng ta, với những thách thức của chúng, có thể làm chúng ta suy yếu và mất phương hướng. Có một ý cầu nguyện của Đức Giáo hoàng liên quan đến những người đau khổ, để “họ có thể tìm thấy những con đường của cuộc sống, và để cho mình được đụng chạm bởi Trái tim của Chúa Giêsu”. Và một ý cầu nguyện khác gần gũi với những người bị trôi dạt đến cái chết do các loại nghiện ngập khác nhau: lạm dụng ma túy hoặc rượu, sử dụng không lành mạnh những công nghệ mới hoặc những hình ảnh khiêu dâm trực tuyến, cùng với tất cả các hậu quả của chúng. Đức Phanxicô xin cầu nguyện cho “tất cả mọi người chịu ảnh hưởng của nghiện ngập đều được giúp đỡ và đồng hành”.
Như thế, có phải các ý cầu nguyện là đáp lại những chất vấn của vị Giáo hoàng đương đại?
Đối diện với những thách đố của thế giới, Giáo hội được huy động ngang qua việc cầu nguyện, phục vụ và liên đới. Thúc đẩy một xã hội công bằng và nhân văn hơn là một phần không thể thiếu trong việc loan báo Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta biết có nhiều tổ chức Giáo hội, hiệp hội, phong trào, dòng tu đang tham gia vào việc thúc đẩy công bằng, giáo dục và y tế, và phục vụ những người nghèo nhất. Các phó tế là những dấu chỉ trong thế giới về sự hiệp thông của Giáo hội. Họ là những người phục vụ các công việc bác ái, đặc biệt gần gũi những người đang đau khổ. Năm 2020, Đức Thánh Cha sẽ cầu nguyện cho các phó tế, để họ có thể trở nên một dấu chỉ sống động cho toàn thể Giáo hội. Thêm vào đó, thách thức về sứ mạng của Giáo hội cũng được gánh vác bởi giáo dân, để nhờ phép rửa, họ có thể tham dự nhiều hơn vào các cơ chế trách nhiệm của Giáo hội” và “cách riêng, phụ nữ đóng vai trò đặc biệt”. Chúng ta biết rằng đây là chủ đề được Đức Thánh Cha quan tâm từ lâu. Nhiệm vụ này của Giáo hội, phục vụ trong những thách đố của thế giới hôm nay, không thể thực hiện được nếu không có mối tương quan cá vị và sâu xa với Chúa Giêsu Kitô. Do đó, Đức Thánh Cha cũng sẽ mời gọi chúng ta cầu nguyện để mối tương quan cá vị của chúng ta với Chúa “có thể được nuôi dưỡng bởi Lời Chúa và bằng đời sống cầu nguyện”.
Cha có nhận được những phản hồi về việc phổ biến Click to Pray và video hàng tháng không?
Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha hôm 20/1, trước khi lên đường tham dự Đại hội Giới trẻ Thế giới ở Panama, Đức Thánh Cha Phanxicô đã mở tài khoản cầu nguyện cá nhân của ngài trong Click to Pray và mời những người trẻ cùng làm. Click To Pray là chương trình cầu nguyện chính thức của Đại hội Giới trẻ Thế giới (gồm có ứng dụng trên điện thoại, website, mạng xã hội). Chỉ trong vài ngày, số người và số người trẻ cầu nguyện cho sứ mạng của Giáo hội đã tăng gấp đôi. Hiện tại, có hơn 1,8 triệu người đang sử dụng. Video hàng tháng của Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, và hiện có mười hai ngôn ngữ. Trong những tháng gần đây, chúng tôi đã thêm tiếng Việt, tiếng Ba Lan, tiếng Swahili và tiếng Kinyarwanda.
Tại đây chúng tôi kết thúc bài phỏng vấn. Và để quý vị nếu muốn có thể tham gia vào Mạng lưới Cầu nguyện Toàn cầu của Đức Thánh Cha, sau đây chúng tôi xin gởi đến quý vị một vài thông tin liên quan đến chương trình này tại Việt Nam.
Mạng lưới Cầu nguyện của Đức Thánh Cha hiện do cha Phêrô Trần Vinh Danh, SJ., chịu trách nhiệm điều phối, cùng với một nhóm các tình nguyện viên Bạn Đường Linh Thao làm việc để chuyển ý cầu nguyện mỗi ngày sang tiếng Việt và thiết kế trên những hình ảnh đồ hoạ. Ý cầu nguyện được đăng mỗi ngày với tên gọi “Tông đồ Cầu nguyện” tại website và Facebook của Dòng Tên (dongten.net và facebook.com/dongten) và tại website của một số giáo phận như TGP Sài Gòn, GP Hưng Hoá… Đồng thời, video ý cầu nguyện hằng tháng cũng được nhóm Bạn Đường Linh Thao cùng Vatican News hợp tác làm phụ đề.
(Văn Yên chuyển ngữ)