Tóm tắt và học hỏi sứ điệp
ngày Thế giới Truyền giáo 2019 của Đức Thánh Cha Phanxicô
“Được Rửa Tội và Được Sai Đi:
Hội Thánh Chúa Kitô thi hành sứ mạng trong thế giới”
DẪN NHẬP (số 1)
Lời mời gọi làm sống lại ý thức và dấn thân truyền giáo:
“Hướng đến Tháng Mười 2019, tôi xin toàn thể Hội Thánh làm sống lại sự ý thức và dấn thân truyền giáo của Hội Thánh khi chúng ta kỷ niệm một trăm năm Tông Thư Maxium Illud của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XV.”
Đức Thánh Cha đánh giá Tông Thư này đã có một tầm nhìn rất xa mang tính tiên tri về nhiệm vụ đổi mới dấn thân truyền giáo của Hội Thánh, tạo sức đẩy mới cho Tin Mừng và đem ơn cứu độ của Chúa Kitô, Đấng đã chết và Phục Sinh cho thế giới hôm nay.
NỘI DUNG (số 2-11)
Nội dung chính Sứ điệp Truyền Giáo năm nay có thể được chi làm ba phần:
- Phần một: Khám phá chiều kích truyền giáo của lòng tin vào Chúa Giêsu Kitô qua Phép Rửa (số 2-7);
- Phần hai: Thượng Hội Đồng Giám Mục Đặc Biệt về các Giáo Hội vùng Amazon (số 8-9);
- Phần ba: Truyền Giáo trong Giáo Hội với Đức Mẹ là Mẹ Giáo Hội (số 10-11);
PHẦN MỘT: Khám phá chiều kích truyền giáo của lòng tin vào Chúa Giêsu Kitô qua Phép Rửa (số 2-7)
Đức tin là một ân ban nhưng không của Thiên Chúa. Nó khiến cho người lãnh nhận tiếp tục trao ban cho người khác. Nó cũng khiến cho tín hữu trở thành con người truyền giáo. Tuy nhiên, mọi nhà truyền giáo cần tránh những nguy cơ sai lạc và cần có phương pháp đúng đắn.
Truyền Giáo là Tin và Trao Ban Niềm Tin vào Chúa Giêsu Kitô
Tháng Truyền Giáo Ngoại Thường 10/2019 giúp chúng ta khám phá truyền giáo là đón nhận Niền Tin vào Đức Kitô qua Bí tích Rửa Tội và loan truyền Niềm Tin ấy cùng với Đức Cậy và Đức Mến.
Chiều kích truyền giáo của lòng tin (số 2)
“Cử hành Tháng Truyền Giáo Ngoại Thường này sẽ giúp chúng ta trước hết tái khám phá chiều kích truyền giáo của lòng tin của chúng ta vào Đức Giêsu Kitô, một lòng tin đã được Thiên Chúa thương ban cho chúng ta trong Phép Rửa… Chúng ta được cho không món quà này và chúng ta cũng đem nó cho không người khác (x. Mt 10:8), không loại trừ một ai.”
Động lực truyền giáo được thúc đẩy bởi đức Tin, đức Cậy, đức Mến (số 3)
“Lòng tin vào Đức Giêsu Kitô giúp chúng ta nhìn mọi sự trong viễn cảnh đúng của chúng, khi chúng ta nhìn thế giới bằng con mắt và trái tim của Thiên Chúa. Đức cậy mở lòng chúng ta ra những chân trời vĩnh cửu của sự sống thần linh mà chúng ta được thông phần vào. Đức ái mà chúng ta được nếm cảm trước trong các bí tích và tình yêu thương huynh đệ, thúc đẩy chúng ta đi đến mọi chân trời góc biển (x. Mk 5:4; Mt 28:19; Cv 1:8; Rm 10:18).”
Xác định căn tính của người truyền giáo
Sứ mạng truyền giáo bắt nguồn từ Bí tích Rửa Tội. Do đó, căn tính của nhà truyền giáo được xác định vì họ là con Chúa nên họ muốn trao ban niềm tin cho người khác.
Sứ mạng truyền giáo khơi nguồn từ Phép Rửa (số 4)
“Sứ mạng truyền giáo này chạm tới bản thân chúng ta: Tôi là một sứ mạng, luôn luôn; bạn là một sứ mạng, luôn luôn; mỗi người nam người nữ đã chịu Phép Rửa là một sứ mạng.”
Sự sống thần linh (số 5)
“Từ thuở đời đời Người đã tiền định cho mỗi con cái của Người được dự phần vào sự sống thần linh vĩnh cửu của Người (x. Ep 1:3-6). Phép Rửa tái sinh chúng ta theo hình ảnh Thiên Chúa và giống như Thiên Chúa, và làm chúng ta thành những chi thể của Thân Thể Chúa Kitô, tức là Hội Thánh.”
Ơn làm con Chúa (số 6)
“Sứ vụ Chúa Giêsu Phục Sinh truyền cho các môn đệ vào ngày Phục Sinh là yếu tố nội tại trong Phép Rửa: Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em, đầy tràn Thánh Thần, để thế gian được giao hoà (x. Ga 20:19-23; Mt 28:16-20). Sứ mạng này là phần thiết yếu của căn tính Kitô hữu chúng ta; nó làm chúng ta có trách nhiệm giúp mọi người thể hiện ơn gọi của họ là làm nghĩa tử của Chúa Cha, nhận ra nhân phẩm của mỗi người và quí trọng giá trị nội tại của sự sống con người, từ lúc thụ thai tới lúc chết.”
Những nguy cơ sai lạc và phương pháp truyền giáo
Đức Giáo Hoàng cảnh báo về những nguy cơ sai lạc như chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa cá nhân hay truyền giáo vì lợi ích kinh tế. Đồng thời ngài cũng đưa ra phương pháp truyền giáo là đối thoại với các nền văn hóa và tôn giáo.
Tránh những nguy cơ xấu khi truyền giáo (số 7a)
“Nhắc lại lời Đức Thánh Cha Bênêđictô XV kêu gọi chấm dứt mọi hình thức chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa chủng tộc, hay sự xuất hiện của việc rao giảng Tin Mừng nhằm đạt được các lợi kích kinh tế và quân sự của các cường quốc thực dân.”
Phương pháp truyền giáo cụ thể (số 7b)
Hôm nay cũng vậy, Hội Thánh cần những người nam người nữ, mà vì đã lãnh nhận phép rửa, họ quảng đại đáp lại tiếng gọi bỏ lại nhà cửa, gia đình, xứ sở, ngôn ngữ và giáo hội địa phương của họ, để được sai đến với các dân tộc khác, đến với một thế giới chưa được biến đổi nhờ các bí tích của Đức Giêsu Kitô và Hội Thánh Người. Bằng việc rao giảng Lời Chúa, làm chứng cho Tin Mừng và cử hành sự sống của Thần Khí, họ kêu gọi người ta hoán cải, họ làm phép rửa và cống hiến ơn cứu độ của Đức Kitô, với sự tôn trọng tự do của mỗi người và đối thoại với các nền văn hoá và tôn giáo của các dân tộc mà họ được gửi đến
PHẦN HAI: Truyền giáo ở vùng Amazon và châu Mỹ Latinh (số 8-9)
Sẽ mở Thượng Hội Đồng Giám Mục Đặc Biệt về các Giáo Hội vùng Amazon vào tháng 10 năm 2019 và rút kinh nghiệm truyền giáo ở vùng Châu Mỹ Latinh.
Vấn đề truyền giáo ở vùng Amazon (số 8)
Vùng Amazon đang bị tàn phá nặng nề về văn hoá và môi sinh. Thượng Hội Đồng Giám Mục Đặc Biệt về các vùng Amazon vào tháng 10 này sẽ sẽ là một “Hiện Xuống mới” để phá vỡ những chật hẹp của thế giới.
“Dịp kỷ niệm một trăm năm này với việc cử hành Thượng Hội Đồng Đặc Biệt về các Giáo Hội vùng Amazôn Một lễ Hiện Xuống mới đang mở rộng cửa cho Hội Thánh, để không một dân tộc nào bị đóng kín trong chính mình và không dân tộc nào bị cắt đứt khỏi sự hiệp thông phổ quát của đức tin.”
Bài học đức tin của Châu Mỹ Latinh (số 9)
“Việc chấp nhận đức tin Kitô giáo có nghĩa là gì đối với Châu Mỹ La-tinh? Đối với họ, nó có nghĩa là biết và đón tiếp Đức Kitô, vị Thiên Chúa vô danh mà các tổ tiên của họ từng tìm kiếm mà không biết, trong các truyền thống tôn giáo phong phú của họ. Họ đã lãnh nhận Chúa Thánh Thần, Đấng đã đến để làm cho các nền văn hoá của họ sinh hoa kết quả, bằng cách thanh luyện các nền văn hoá ấy và phát triển nhiều hạt giống mà Lời Nhập Thể đã gieo nơi họ, nhờ đó dẫn họ đi trên những con đường của Tin Mừng.”
III. PHẦN BA: Truyền Giáo trong Giáo Hội với Đức Mẹ là Mẹ Giáo Hội (số 11)
Đức Thánh Cha phó dâng sứ mạng truyền giáo cho Đức Mẹ và mời gọi Hội Thánh phát triển về các Hiệp hội Giáo hoàng truyền giáo và ban phép lành cho mọi tín hữu.
“Chúng ta phó thác sứ mạng của Hội Thánh cho Đức Maria Mẹ chúng ta.”
Các Hội Giáo Hoàng Truyền giáo (số 11)
“Tôi muốn kết thúc sứ điệp này với vài lời về các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo, đã từng được đề nghị trong Maximum Illud như là một nguồn tài nguyên truyền giáo. Các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo phục vụ tính phổ quát của Hội Thánh như là một mạng lưới toàn cầu để hỗ trợ Đức Giáo Hoàng trong cam kết truyền giáo của ngài bằng cầu nguyện, linh hồn của việc truyền giáo, và bằng các việc quyên góp bác ái từ các Kitô hữu trên khắp thế giới. (Hội Giáo Hoàng Truyền Bá Đức Tin), trong việc đào tạo hàng giáo sĩ địa phương (Hội Giáo Hoàng Thánh Phêrô Tông Đồ), trong việc gây ý thức truyền giáo giữa các nhi đồng (Hội Giáo Hoàng Thiếu Nhi Truyền Giáo), và trong việc khích lệ chiều kích truyền giáo của đức tin Kitô giáo (Hiệp Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo).”
KẾT: Phép lành Tòa Thánh (số 12)
Đức Thánh Cha ban phép lành cho mọi tín hữu:
“Tôi thân ái gửi phép lành của tôi đến mọi người nam người nữ truyền giáo, và đến tất cả những ai, nhờ Phép Rửa, đang bằng cách này hay cách khác tham gia vào việc truyền giáo của Hội Thánh.”
***
Học hỏi Sứ điệp Truyền Giáo 2019
- Tại sao đức tin là món quà quý giá nhất trên đời?
- Theo bạn có những cách thế nào để trao ban đức tin?
- Ai có nhiệm vụ truyền giáo?
- Động lực nào khiến bạn truyền giáo?
- Những nguy cơ sai lạc nào khi đi truyền giáo?
- Nêu những phương pháp truyền giáo mà bạn biết?
- Bạn biết gì về môi sinh và văn hoá vùng Amazon? Họ đang cần điều gì?
- Bạn rút ra bài học gì từ kinh nghiệm đức tin của Châu Mỹ Latinh?
- Bạn sống tinh thần truyền giáo với Mẹ Maria như thế nào?
- Trong Sứ điệp Truyền Giáo năm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô nêu lên các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo nào? Bạn biết gì về những Hội này?
Ủy ban loan báo Tin mừng – TGP Sài Gòn
#gpbr #giaophanbaria #btggpbr #truyengiao #khanhnhattruyengiao #ngaythegioitruyengiao