CHÚA CHẠNH LÒNG THƯƠNG
VÌ NGƯỜI CHÚA THƯƠNG KHÔNG BIẾT
WHĐ – Nhớ lại, cách đây chừng 10 năm, Ban Mục vụ Giới trẻ Tổng Giáo phận Sài Gòn có ra một tuyển tập: ‘Du Ca Tình Yêu’, trong đó có bài hát ‘Người yêu tôi – Người tôi yêu’ một cuộc tình mang tính tự sự giữa Thiên Chúa và con người với chất chứa của ca từ: “Người tôi yêu thương không biết tôi, vẫn hay thờ ơ hay dửng dưng, người đang thỏa thuê cuộc vui. Người tôi yêu thương hay trách than, kiếp sau đừng mang thân nhân thế, thất vọng lạc xa mất người yêu dấu”. Tựa như bao tháng ngày khắc khoải đi tìm, thánh Augustinô đã thốt lên: Lạy Chúa, Chúa ở trong con mà con cứ đi tìm Chúa ở bên ngoài’ (x.Tự Thuật). Chúa trở nên tội nghiệp, ái biệt ly khổ khi người Chúa yêu đã không biết yêu lại Chúa cho cân xứng. Và quả thực, ngày hôm nay Chúa sẽ vẫn mãi chạnh lòng thương, vì người Chúa yêu thương là rất nhiều người Công giáo chúng ta vẫn đang đi tìm Chúa ở bên ngoài:
Chúa chạnh lòng thương vì người thương của Chúacuồng quay tối ngày với vất vả lầm than không chỉ vì miếng cơm manh áo; nhưng còn thương vì đói kém tâm linh, đói lời của Chúa, đói những cái biết về Chúa, về Đạo… Vì“Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh nhưng còn bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra”(Mt 4,4), nên khi dân chúng say mê lắng nghe lời Chúa cả đến ba ngày, Ngài đâu để thiệt. Ba ngày ròng mà chẳng thấy đói như nói với chúng ta nhiều điều. Cũng vậy, Chúa thương vì người thương của Chúa ngày nay sống với chủ nghĩa cá nhân makeno, thiếu sự thiện chí, cộng tác, quảng đại như em bé cùng các tông đồ đã vâng nghe Chúa hướng dẫn để rồi, một phép lạ cả thể đã xảy ra cho dân chúng mặc sức thỏa thuê. (Mc 6,34-44; Ga 6, 1-15). Quả như thánh vịnh 126 nói về: ‘Bạn có thức khuya hay dậy sớm, Khó nhọc làm ăn cũng hoài công. Còn kẻ được Chúa thương dầu có ngủ, Người vẫn ban cho đủ tiêu dùng’ (Tv 126, 2).
Chúa chạnh lòng thương vì người thương của Chúavẫn chỉ loay hoay với cái đẳng cấp của thân xác thuần túy, điều mà có lần Đức TGM Nguyễn Năng chia sẻ:Đó là những chuyện ăn-mặc phải sang chảnh, xe cộ phải siêu độc, đồ đạc công nghệ phải sành điệu. Mà càng cố ra vẻ đẳng cấp như thế, vô tình lại càng bộc lộ cái hạ cấp, chẳng đáng giá đồng tiền bát gạo. Trong khi Nicôđêmô, dù đã có đủ bộ đẳng cấp trong vị thế, uy quyền (thủ lãnh-bậc thầy của người Do-thái) nhưng vẫn lên đường đi tìm một đẳng cấp cao thượng vĩnh cửu hơn, được ‘giác ngộ’ bởi Vị Tôn Sư đến từ trời cao (Ga 3,1-15). Cuộc gặp gỡ mang ơn cứu độ này như muốn thông diễn cho kinh nghiệm tuyệt vời của thánh Toma Aquino: Tìm Chúa là cuộc tìm mạo hiểm nhất, yêu Chúa là tình yêu thi vị nhất, và gặp được Chúa là thành công lớn nhất trong mọi thành công.
Chúa chạnh lòng thươngvì người thương của Chúađã không biết trao gửi cái ách nặng, gánh khổ cuộc đời cho Chúa để tâm hồn được nghỉ ngơi bồi dưỡng (Mt 11,28-30)? Khi người thương của Chúa chỉ đọc kinh đi thờ đi lễ có ý cầu cho mình bình an mạnh khỏe, ăn lên làm ra, gặp thầy gặp thuốc…; khi người thương đi khấn lòng Chúa thương xót để cầu cho hết bệnh hết đen mà Chúa lại chẳng ra tay sẽ bị ‘xit’ ra ngay khỏi cuộc tình. Vì: ‘Chúa tể của họ là cái bụng, và họ đặt vinh danh của họ trong những điều ô nhục; họ chỉ ưa chuộng những cái trên cõi đời này’ (Pl 3, 17-4,1). Điều đó cũng phản ánh một thực trạng đáng buồn trong tình yêu hôn nhân gia đình ngày nay. Đang khi ấy chúng ta cần đi lễ, cần nại đến lòng thương xót Chúa chỉ vì tình yêu siêu vời: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người, thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16) mới là cùng đích của hành vi thờ kính mến yêu…
Chúa chạnh lòng thươngvì người thương của Chúakhông như người thanh niên trong trang Tin mừng, đã tự nguyện tiến lại, quỳ xuống mà hỏi Đức Giê-su: “Tôi phải làm gì để được sự sống đời đời?” (Mc 10, 17-27). Và Chúa đã đem lòng ngưỡng mộ khi biết anh đã tuân giữ 10 Điều Răn Đức Chúa Trời rất tốt từ thủa nhỏ; thì người Chúa thương lại làm một điều ngược lại: lúc còn trẻ khỏe ngang nhiên nói: bàn tay ta làm nên tất cả, có sức người sỏi đá cũng thành cơm, chứ Chúa Mẹ nào mà thương trợ giúp. Chúa có cho tôi đồng tiền bát gạo nào đâu? Nhưng khi gia nua kiệt sức, khi đùng một cái ngã bệnh, hay khi bóng dáng của thần chết cận kề sắp vẫy gọi mới bắt đầu yêu cuồng sống vội Chúa, mới thảng thốt trở về, bám víu lấy duy Đấng có thể ban tặng sự sống vĩnh cửu bằng hành động sám hối và kêu lên với Người đã hết lòng yêu thương mời gọi. Yêu như thế tội nghiệp cho cả hai.
Chúa chạnh lòng thương với người thương của Chúakhông như người Do-thái: sau khi được mách nước, họ đã đọc kinh Sherma sớm-chiều, để nhắc nhở nhau trung thành với Đức Chúa:“Nghe đây, hỡi Ítraen, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, với tất cả trái tim, linh hồn, trí tuệ, sức lực ngươi” (Đnl 6,4). Đồng thời, chúng ta sẽ thấy bất ngờ khi biết được rằng: người Do-thái tài giỏi, thống lãnh thế giới trên mọi mặt trận vì họ: siêng cầu nguyện năng đọc Lời Chúa, tin vào một Thiên Chúa duy nhất và lấy Kinh Thánh là kim chỉ nam cho định hướng của mình. Trong khi người Công giáo Việt Nam chúng ta chỉ thích bận tối mắt tối mũi để khoe cho mọi người được biết: Nhà bao việc-Việc bận như cỏ bờ, đâu rỗi hơi mà như người Do-thái? Chính vì thế, thói quen đọc kinh gia đình lại càng trở nên khó khăn, xa xỉ và lạc điệu trong thời ‘công nghiệp hóa, cá nhân hóa’… Nay, Covid hóa là dịp thuận tiện để ai nấy tìm lại những nét đẹp vốn có mà gia đình Công giáo đang bị mai một và đánh mất.
Chúa chạnh lòng thương vì người thương của Chúathích yêu thứ Đạo Tại Tâm. Khi yêu ai họ vận dụng hết lý trí-ý chí và con tim để tìm gặp, ở bên và nhìn sâu vào trong mắt nhau; họ sánh ví là thiên thần từ trên cao của lòng nhau:Yêu nhau mấy núi cũng leo, mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua…; trong khi khá nhiều người lại chỉ cần yêu Chúa trong tâm trí, không cần ở cùng, không cần mắt thấy tai nghe hay sờ chạm… Đang khi ấy, Thiên Chúa lại không yêu thương con người bằng cách từ trên cao nhìn xuống, không cứu chuộc con người bằng cách từ trên cao vớt con người lên, thay vì cứu con người khỏi đau thì lại đau với con người” vẫn mãi là huyền nhiệm một Thiên Chúa ở cùng…(x. KẺ ĐI TÌM, Nguyễn Tầm Thường).
Ước mong sao mỗi người chúng ta hãy có sự hiểu biết về Chúa để yêu Chúa nhiều hơn cho ‘Người yêu tôi-Người tôi yêu’ và tin rằng: Chính Người là nơi tựa nương sống vui tuyệt vời. Bước đường tha hương thắp lên nụ cười. Với Người đời tôi luôn chứa chan hạnh phúc, trong tình yêu suốt đời (ĐK)
Lm. Giuse Phạm Văn Quang