CHÚA NHẬT 1 MÙA VỌNG NĂM C
NGẨNG ĐẦU LÊN
Lm. Phêrô Trần Thanh Sơn
***
Chưa ai trong chúng ta có kinh nghiệm về cái chết, chúng ta cũng chẳng biết cái cảm giác chết nó như thế nào, và cũng chẳng biết cái gì xảy ra sau cái chết. Thế nhưng ai trong chúng ta cũng sợ chết. Tương tự như vậy, chưa có một người nào thấy ngày tận thế. Vậy mà ai cũng sợ cái ngày gọi là tận thế. Chúng ta cứ thử nhớ lại thời điểm chuẩn bị bước vào năm 2000 thì sẽ rõ. Lúc đó, chẳng biết từ đâu có tin đồn là sẽ có tối 3 ngày 3 đêm, ai cũng sợ, mà có lẽ cũng chẳng biết là mình sợ điều gì. Thế mà mọi người vẫn rủ nhau đi mua nến, rồi đưa đến xin các cha làm phép.
Tuy nhiên, lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy rằng: ngày tận cùng của thế giới, cũng như ngày tận cùng của đời của mỗi người không thật sự đáng sợ như chúng ta nghĩ. Trái lại, nó còn là ngày của niềm vui, ngày của ơn cứu rỗi, bởi vì đó là ngày mà sự công chính và tình thương của Thiên Chúa được tỏ lộ, như lời Chúa Giêsu: “Khi những điều đó bắt đầu xảy đến, chúng con hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi chúng con đã gần đến”.
- Ngày của công lý và tình thương:
Thiên Chúa là tình yêu và là nguồn mọi sự thiện hảo, bất cứ ở đâu có Thiên Chúa, ở đó sẽ có niềm vui. Chính vì thế, cho dù đang bị ngoại bang thống trị, tương lai của dân tộc chẳng có gì là sáng sủa, nhưng được sự soi sáng của Thiên Chúa, ngôn sứ Giêrêmia đã thấy một ánh sáng ở cuối con đường hầm. Nhân danh Thiên Chúa, ông loan báo cho dân: “Đã đến ngày Ta sẽ thực hiện tin mừng Ta đã loan báo về nhà Israel và nhà Giuđa… Ta sẽ làm nẩy sinh cho Davít một chồi công chính, Ngài sẽ xét xử và thi hành công lý trong xứ sở. Trong những ngày đó, Giuđa sẽ được cứu thoát, Giêrusalem sẽ sống yên ổn”. Như vậy, cho dù trước mắt vẫn còn những đàn áp, bất công, nhưng vị ngôn sứ đã thấy trước được niềm vui vào ngày của Thiên Chúa. Vào ngày “chồi công chính” từ nhà Đavít xuất hiện thì sự công chính sẽ được tỏ lộ, người lành sẽ được ban thưởng. Lúc đó, tất cả những ai trung thành sẽ được cứu thoát và hân hoan hưởng niềm vui ơn cứu độ. Cảm nghiệm được niềm vui vào ngày của Thiên Chúa, tác giả Thánh vịnh đã cất tiếng ngợi khen Người: “Chúa là Đấng hiền lành và chính trực, vì thế Chúa dẫn đưa người tội lỗi vào chính lộ. Chúa dẫn đưa kẻ khiêm tốn đi trong công lý, và dạy bảo họ đi trong con đường Chúa”. Và rồi Vịnh gia kết luận: “Mọi đường lối Chúa đều từ bi và trung tín”. Cùng chung một suy nghĩ đó, sau này thánh Phaolô trong thư gởi tín hữu Roma cũng đã khẳng định: “Với những ai yêu mến Thiên Chúa, thì Người đồng công cộng tác biến mọi sự nên lành” (Rm 8, 28).
Tin mừng mà ngôn sứ Giêrêmia loan báo, quả thực, đã được thực hiện khi Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể làm người cách đây hơn 2000 năm, và sẽ được hoàn tất vào ngày Ngài tái lâm, như lời báo trước của Chúa Giêsu trong bài Tin mừng: “Lúc đó, người ta sẽ thấy trên đám mây, Con Người hiện đến đầy quyền năng và uy nghi cao cả. Khi những điều đó bắt đầu xảy đến, chúng con hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi chúng con đã gần đến”.
Tuy nhiên, để ngày Chúa Giêsu trở lại thực sự là ngày của vui mừng, hân hoan, thì ngay từ bây giờ, từng người chúng ta cần ở trong tư thế tỉnh thức và chuẩn bị sẵn sàng.
- Sẵn sàng:
Chúng ta cần chuẩn bị và sẵn sàng bởi vì chúng ta không biết ngày nào là ngày của Thiên Chúa. Hơn nữa, ngay trước khi ngày đó đến, còn có nhiều thử thách tai ương xảy ra “Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao: dưới đất các dân tộc buồn sầu lo lắng vì biển gầm sóng vỗ. Người ta sợ hãi kinh hồn chờ đợi những gì sẽ xảy đến trong vũ trụ, vì các tầng trời sẽ rung chuyển”. Do đó, để có thể đứng thẳng và ngẩng đầu lên trong ngày đó, Chúa Giêsu lưu ý chúng ta: “Chúng con hãy giữ mình, kẻo lòng chúng con ra nặng nề, vì chè chén say sưa và lo lắng việc đời mà ngày đó thình lình đến với chúng con”.
Tuy nhiên, với kinh nghiệm của bản thân mình, chắc hẳn từng người chúng ta cũng nhận ra rằng: nếu biết trước để giữ mình một ngày, một tháng, hay một năm cũng còn có thể được, nhưng nếu cứ kéo dài chẳng biết tới lúc nào, thì quả là việc không đơn giản, tự sức chúng ta không thể làm nổi (x. Rm 7, 19. 24). Thấy rõ sự yếu đuối của chúng ta, Chúa Giêsu đã đưa ra cho chúng ta một phương thế: “Vậy chúng con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn”.
Tỉnh thức theo nghĩa của bài Tin Mừng hôm nay là luôn luôn ý thức được mục đích cuộc đời mình. Chúng ta cần biết mình sống để làm gì và đâu là hạnh phúc đích thực của chúng ta. Đồng thời, sự tỉnh thức còn mời gọi chúng ta sống sao cho xứng với phẩm giá cao cả của mình, bởi vì chúng ta được dựng nên theo hình ảnh và là con cái Thiên Chúa. Chỉ khi sống tỉnh thức như thế, chúng ta mới có thể đạt được hạnh phúc vĩnh cửu.
Lời mời gọi tỉnh thức và sẵn sàng còn là lời mời gọi chúng ta sống tinh thần yêu thương của Tin Mừng. Tình yêu thương này trước hết phải được bắt đầu từ những người gần gũi chúng ta nhất: đó là tình yêu thương giữa cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh chị em với nhau. Thật vậy, nếu chúng ta không thể yêu thương cha mẹ anh chị em trong gia đình là những người chúng ta thấy được và là những người đã có công sinh thành dưỡng dục chúng ta thì việc chúng ta nói chúng ta yêu thương Thiên Chúa, yêu thương mọi người chỉ là lời nói dối.
Không chỉ khép kín trong gia đình, tinh thần yêu thương của Tin mừng còn mời gọi chúng ta mở rộng vòng tay, mở rộng con tim hướng đến tất cả mọi người đang sống quanh ta, như lời nhắc bảo của thánh Phaolô mà chúng ta vừa nghe trong bài đọc hai: “Xin Chúa gia tăng và ban cho anh em tràn đầy lòng thương yêu mọi người như chúng tôi đối với anh em, để lòng anh em được bền vững trên đường thánh thiện, không gì đáng trách trước mặt Thiên Chúa là Cha chúng ta, trong ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta ngự đến”
Kế đó, tình yêu theo đòi hỏi của Tin mừng, còn đòi chúng ta lưu ý không chỉ là tránh gây nên những bất lợi cho tha nhân, mà còn là làm những gì họ cần. Trong đoạn Tin Mừng về ngày phán xử cuối cùng (x. Mt 25,31-46), chúng ta thấy Thiên Chúa đặc biệt phán xét về những thiếu sót, những điều mà ta không làm cho tha nhân khi họ cần chúng ta làm. Chúng ta thường tưởng rằng mình không làm điều gì bất lợi cho tha nhân thì có nghĩa là mình vô tội, mình công chính. Nhưng thực ra khi mình không làm những việc mình phải làm hoặc có thể làm cho tha nhân, thì mình đã trở thành kẻ có tội và đáng bị kết án rồi. Cụ thể như khi đứng trước một bất công, giả như chúng ta lên tiếng thì bất công ấy đó không xảy ra, hoặc sự công bằng đó được trả lại cho người bị bất công, nhưng chúng ta đã không lên tiếng chỉ vì sợ phiền hà, hay chỉ vì một nỗi sợ hãi mơ hồ nào đó. Chính những điều đó chứng tỏ rằng chúng ta không có đủ tình thương đối với tha nhân. Do đó, chúng ta không xứng đáng với hạnh phúc vĩnh cửu.
Chớ gì với sức mạnh của Thánh Thể, ngay từ những ngày đầu Mùa Vọng này, từng người chúng ta can đảm từ bỏ nếp sống cũ, luôn sống trong ánh sáng công chính của Đức Kitô. Đồng thời cũng luôn mở rộng con tim và đôi tay để sẵn sàng làm cho tha nhân, những gì mình có thể làm được. Nhờ đó, vào ngày Con Người đến, tất cả chúng ta đều có thể “đứng dậy và ngẩng đầu lên” để ra nghinh đón Người. Amen.