Chúa Nhật 26 Thường Niên
“Ở NHÀ”, VÀI LỜI NHẮN NHỦ
Chú giải của Fiches Dominicales
***
ĐỨC GIÊSU GỞI ĐẾN CỘNG ĐOÀN CÁC MÔN ĐỆ
VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI
- Đi theo Con Người
Chúng ta vẫn “ở nhà” tức tại Caphácnaum, nơi đây mang một ý nghĩa tượng trưng, nghĩa là nơi Đức Giêsu dạy dỗ riêng cho các môn đệ. Đức Giêsu dừng chân ở đây trên đường lên Giêrusalem. Người sẽ chịu cuộc tử nạn mà trước đây Người loan báo hai lần tại thành này.
– Đặt trong bối cảnh trên đường lên Giêrusalem, chúng ta sẽ rất dễ hiểu những lời Đức Giêsu. Trong “Tin Mừng theo thánh Maccô, B. Standaert nhận xét như sau: “Việc Maccô ghép giáo huấn luân lý của ông vào cuộc khổ nạn của Đức Kitô thật đáng suy nghĩ. Thay vì lên lớp dạy luân lý, hoặc trích dẫn luật lệ trong Kinh Thánh này nọ, ông không nhìn nhận nền tảng đời sống luân lý Kitô giáo nào khác ngoài việc noi gương bắt chước Đức Kitô. Những trình thuật lớn loan báo số phận của Con Người thật ra không phải là những lời khuyến khích, nhưng khởi đi từ thân phận Đức Kitô, ta có thể hiểu ra những việc làm cần thiết mà người Kitô hữu phải tuân giữ. Ta sẽ không còn ngạc nhiên thấy đời sống thực hành này là quyết liệt, không khoan nhượng. Thập giá hiện diện không những trong việc đảo lộn thân phận, làm cho người lớn nhất trở nên kẻ phục vụ mọi người, mà còn trong khả năng dám chặt tay, chặt chân, móc mắt bỏ đi, nếu những chi thể này làm cớ sa ngã”. (Cerf, tr. 78-79)
Những lời Chúa nói được Maccô thuật lại còn vượt ra ngoài phạm vi các môn đệ, để nhắm đến các cộng đoàn Kitô hữu. Điều này có thể làm cho óc suy luận kiểu Tây phương của ta kinh ngạc và lạc hướng. Điều quan trọng trong các những lời Đức Giêsu nói, không phải là những đề tài, mà là những từ đặt trong ngoặc kép, “nhân danh” Đức Giêsu, trong phần đầu đoạn Tin Mừng này, “kẻ bé mọn”và “làm cớ sa ngã” trong phần cuối.
- Dẹp bỏ tinh thần bè phái.
Giáo huấn đầu tiên của Đức Giêsu phát xuất từ phản ứng bè phái của Gioan, con ông Giêbêđê, có biệt danh là “con của sấm sét” (3,17). “Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy, mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta”. Đức Giêsu không đồng ý, Người cảnh giác các môn đệ về nguy cơ muốn chiếm độc quyền về đức tin và Thánh Linh J. Hervieux cắt nghĩa: “Đức Giêsu không chấp thuận cho Hội Thánh của Người có “tinh thần kín cổng cao tường” “tinh thần pháo đài”. Lệnh của Chúa là phải mở rộng vòng tay đón tiếp hết thảy những ai không ló ra thù nghịch với mình. “Ai không chống lại chúng ta, ủng hộ chúng ta”. Chắc hẳn những lời này rất quan trọng đối với một Hội Thánh như cộng đoàn của Maccô, vì lú c đó cuộc bách hại thúc đẩy họ co cụm lại, sống kín cổng cao tường” (Lvangile de Marc”, Centurion, trang 137-138).
Chúa còn đẩy ý tưởng đó đi xa hơn, nên nêu thí dụ “ly nước lã” Một cử chỉ nhỏ bé nhất được thi hành giúp các môn đệ Người “vì lẽ anh em thuộc về Đấng Kitô” có giá trị trước mặt Chúa: “người đó sẽ không mất phần thưởng đâu”.
- Dám liều chọn lựa hy sinh.
Giọng điệu còn trở nên nghiêm trọng hơn với một chuỗi dài câu được liên kết bằng ‘từ mấu chốt’: “làm cớ sa ngã”.
Trước hết, một lời cảnh cáo nghiêm khắc cho những người dựng lên chướng ngại vật, làm cho những “kẻ bé mọn” (tức là những tín hữu mà đức tin còn non yếu) bị vấp ngã. Ta còn nhờ thánh Phaolô đã cống hiến một phần lớn thư của Người bàn về nguy cơ làm cớ sa ngã. Khi giải thích cho những Kitô hữu đang hoang mang ở Côrintô rằng họ đã được giải phóng khỏi những luật lệ Do thái giáo, thánh tông đồ liền dặn thêm: “Nhưng hãy coi chừng kẻo sự tự do của anh em nên dịp cho những người yếu đuối sa ngã… Thế là sự hiểu biết của bạn làm hư mất một người yếu đuối, một người anh em mà Đức Kitô đã chịu chết để cứu chuộc” (1 Cor 8, 9-12).
Hôm nay từ miệng Đức Giêsu, chúng ta cũng đón nhận giáo huấn đó. Vào lúc, Đấng Mêsia-Tôi Tớ, đi lên Giêrusalem để trao nộp mạng sống vì yêu thương, Người long trọng tuyên bố: Trong cộng đoàn các môn đệ, phải hết sức tôn trọng người nhỏ bé nhất trong số các anh em của Người.
Kế đó là ba lời cảnh giác đối với ba chi thể của ta, vì chúng có thể lôi kéo người môn đệ sa ngã: “Nếu tay anh… Nếu chân anh… Nếu mắt anh…”
- Quesnel tự hỏi: “Sao chỉ có ba chi thể đó? Chắc hẳn vì chúng tiêu biểu cho những gì loài người thường vi phạm, đó là trộm cướp, bạo lực, ước muốn xấu” (Mc 7, 21-22).
Ngoài ra, tay mắt và chân là thứ mà ta có từng đôi, mà nếu mất đi một thì cũng không đến nỗi tàn phế. Việc hài tên chúng lần lượt từng cái một là một kiểu nói hùng biện có tác dụng mạnh đối với người nghe.
Thật ra cách nói khoa trương cũng không phải là không có trong những câu có hình thức mâu thuẫn này. Hội Thánh không bao giờ giải thích theo nghĩa đen; ngôn ngữ thì đầy hình ảnh và có tác dụng là nhờ những câu đối lập nhau.Géhenne là thung lũng sâu khó xuống được, nằm ở phía dưới thành Giêrusalem, là nơi người ta đốt những rác rưởi, đồ phế thải, nên ở đó luôn xông lên mùi nồng nặc kinh khủng, như vậy, Géhenne đối lập với sự sống hay Nước Thiên Chúa. Mọi người cần tránh xa nó, vì đó là nơi tiêu huỷ tận diệt. Trái lại, sự sống và Nước Thiên Chúa là một thách thức đáng cho ta tận dụng mọi nỗ lực để đạt tới. Tất cả những gì làm ta tách xa sự sống và Nước Thiên Chúa đều xấu xa. Sự sống và Nước Thiên Chúa ấy đáng cho ta quyết tâm lựa chọn, dù có phải thiệt mất một phần thân thể. (Comment lire un évanglie Marc, Seuil, trang 170).
BÀI ĐỌC THÊM
- Rừng cấm
Mọi câu lạc bộ ưu tuyển, dòng tộc, giáo phái hoặc ghettô, dù chúng thuộc dòng tu hay triều, thường gây ra và nuôi dưỡng những cơn ganh tị. Mọi cộng đoàn hoặc nhóm khép kín, co cụm, đều ra sức bám víu vào những đặc quyền, đặc lợi đã có.
Sách Dân số cung cấp cho ta một thí dụ điển hình. Khi Giosuê ganh tị, bực tức thấy có hai người nói tiên tri, mặc dầu họ không được uỷ quyền, cũng không được “thụ phong”. Họ là những tay săn trộm trong rừng cấm.
Đây cũng là một cơn ghen thực sự mà Gioan, đại diện cho Nhóm Mười Hai, mắc phải. Hãnh diện vì thuộc về nhóm tông đồ tuyển chọn và được quyền xua trừ các thần dữ nhân danh Giêsu, các ông thấy đặc quyền của mình bị đe dọa bởi ‘một người không đi theo Đức Giêsu mà làm được các phép lạ’. Các ông giận dữ, chống đối, tố cáo, đòi lên án. Khốn cho tên cạnh tranh bất lương!
Phản ứng và câu trả lời của Môsê cũng như của Đức Glêsu, tuy rất vắn gọn, nhưng mang cùng một ý nghĩa và một giáo huấn trong sáng có thể đưa đến những kết quả khôn lường. Các anh la lối tức giận vì thấy một điều thiện, một điều tốt được thực hiện bởi một người không công khai, chính thức thuộc về nhóm “ưu tuyển”, hoặc thuộc về cộng đoàn của Đức Kitô sao? Trái lại, nào các anh không nên vui mừng vì thấy Thần Khí Chúa tỏ mình, và thấy thần dữ bị xua trừ sao? Các anh lấy quyền gì để hạn chế Thiên Chúa can thiệp; tự mình đặt ra những biên giới, những điều kiện bắt Thiên Chúa phải tuân theo? Các anh nghĩ rằng Thiên Chúa của Aùpraham, của Isaac, của Giacóp và của Đức Giêsu, Đấng Thiên Sai, là tư hữu độc quyền của một dân tộc, một Giáo Hội, một đường lối tu đức, hoặc một đường lối mục vụ sao?
Trong lúc họp nhau cử hành Thánh Thể, ta ý tứ đừng tạo ra một “nhóm người sạch”, và hãy áp dụng cho ta lời Thánh Vịnh: sai có thể nhận ra những lầm lỗi của mình? Lạy Chúa, xin thanh tẩy con khỏi những tội con không hay biết. Xin gìn giữ tôi tớ Người khỏi tính kiêu căng: xin cho nó đừng bao giờ chiếm giữ lòng con”.
- Cạm bẫy của ngôn từ “xin” và “cho”
(Points de repère en pastorale sacramentelle”, Document – Episcopat, số 10-11, juin 94, introduction, trang 2 -3).
Chúng ta thường bị mắc kẹt bởi cách dùng ngôn từ: cho và xin. Ta tự nghĩ mình, và chỉ có mình, là những người cho, vì mình có các bí tích, như thể chúng ta tạo ra và phân phát các ơn lành do bí tích ban. Nhưng phải nhìn nhận rằng cả chúng ta cũng chỉ là những người xin khi lãnh nhân hoặc ban các bí tích. Vì lý do thần học, có một điều ta không dám nêu lên trong lãnh vực mục vụ bí tích, đó là Chúa Thánh Linh đã hoạt động trong tâm hồn con người trước chúng ta, và rằng Nước Thiên Chúa luôn vượt ra ngoài ranh giới của Giáo Hội hữu hình. Nhờ hoạt động của mình, Thánh Linh thực hiện tác vụ ngôn sứ nơi những người nhận lãnh, để mạc khải cho ta công trình Thiên Chúa thực hiện nơi họ.
(..) Nói cách khác, chúng ta cần học hỏi nơi những người đến với ta hoặc ta đến gặp họ: đó là học để biết nhìn họ với con mắt khác, để tìm ra một điểm gặp gỡ khác, chứ không chỉ qua các bí tích. Phải chấp nhận để Thánh Linh được tự do nói với ta qua họ, về Thiên Chúa và về cách khám phá ra Người.
Vì những lý do này, mục vụ bí tích không chỉ là mục vụ đức tin hoặc khai mở đức tin. Nó còn là mục vụ tình thương vô vị lợi, biết đón tiếp và biết lắng nghe. Chúng ta có thể cải hoá bản thân mình nhờ điều mà những người này nói với ta về cuộc sống của họ, hoặc nhờ những câu họ hỏi về Thiên Chúa, về Hội Thánh, nhất là khi lòng họ bị tổn thương, oán giận hoặc những ước muốn mơ hồ.
Đón tiếp luôn đi đôi với cố gắng để nhận định những mong muốn thầm kín thường được che giấu bởi một đòi hỏi trực tiếp.
- Tự do của Thiên Chúa
(Các Giám mục Pháp, trong “Lettre aux catholiques de France”, Cerf, trang 76-77).
Kinh nghiệm về việc Phúc âm hoá ngày nay giúp ta có nhận xét sơ khởi này: ngày nay trong xã hội chúng ta, có một số nơi đang mong đợi điều gì đó từ Hội Thánh, và họ có thể bày sự mong đợi đó khi tiếp xúc với Hội Thánh bằng cách này hay cách khác: hoặc đến xin lãnh bí tích rửa tội, hôn phối; hoặc vào lúc, những biến cố vui mừng hay thử thách xảy ra trong đời họ; hoặc do tình cờ họ gặp một cộng đoàn Kitô hữu, một nhóm nào hoặc cũng có thể họ gặp một phong trào có tổ chức, giới thiệu cho họ con đường khai tâm dẫn tới Tin Mừng, tuỳ theo hoàn cảnh sinh sống của họ.
Ta không công nhận rằng: những gặp gỡ như vậy thường chất vấn ta và đẩy lùi kiểu lô-gíc truyền giáo đã in sâu trong tâm trí ta đó sao? Bởi vì theo lô-gíc thương mại, hoặc lô-gíc chức năng, chúng ta tưởng rằng muốn truyền giáo, Giáo hội cần phải giữ một thứ luật cung cầu, nghĩa là Giáo Hội ở phía người cung, còn những kẻ khác, những người mong đợi, ở phía người cầu.
Trong hoàn cảnh thực tế cũng như trong kinh nghiệm thực tiễn mà Giáo Hội có qua sự gặp gở những người này, điều gì đã thực sự xảy ra và con đường dẫn tới đức tin đã diễn tiến như thế nào?
Không được phép coi những người mong đợi này như những khách hàng của Giáo Hội luôn sẵn sàng tiêu thụ điều mà chúng ta bày ra, theo kiểu lô-gíc thương mại. Trước hết, ta nên nhở, họ là những người nam hoặc nữ, do lòng mong đợi và sự tìm kiếm, họ làm chứng cho sự tự do của Thiên Chúa và công việc của Chúa Thánh Linh, Đấng có thể khơi dậy nơi mọi người ước muốn vượt lên trên những gì họ đang sống. Bằng cách thế, đôi khi gây sửng sốt, họ nhắc nhở ta rằng địa chỉ hàng đầu cho Phúc âm hoá chính là cuộc sống con người, rằng sẽ không có Phúc âm hoá nếu không có đối mặt thực sự giữa Tin Mừng Đức Kitô, mạc khải của Thiên Chúa và sự mong đọi thẳm sâu nơi mỗi người.
Nhưng đối lại, khi hiểu được mong đợi của con người và đáp lại lòng mong đợi ấy, Giáo Hội có trách nhiệm phải bày tỏ cho thấy, Giáo Hội không chỉ muốn đáp lại những mong đợi tức thời của họ, mà còn có sứ mạng đã lãnh nhận từ Đức Giêsu, sứ mạng đó là trình bày và mở đường dẫn họ đến với Người.
Trong nhiều cộng đoàn và các nhóm khác nhau, Giáo Hội được mời gọi không những phải đón tiếp rộng rãi và vô vị lợi rnà còn phải tỉnh thức tích cực, để nhận ra những dấu chỉ bất ngờ của Chúa qua vô số những đòi hỏi của con người thời nay, đồng thời cũng hiểu rằng những đòi hỏi này kêu gọi có một cuộc khai tâm kéo dài dẫn đến mầu nhiệm Đức Kitô, Lời Người, các bí tích và sự sống mới mà Người là nguồn mạch”.