CHÚA NHẬT 23 THƯỜNG NIÊN – NĂM B
NGƯỜI CHỮA HỌ KHỎI CÂM ĐIẾC
Lm Giuse Đinh lập Liễm
***
Trên thế giới ngày nay còn nhiều người bị câm điếc. Những người câm thường hay bị điếc. Người bị câm điếc thường phải chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống, họ bị coi như sống bên lề xã hội nên họ cảm thấy lẻ loi cô đơn. Trong bài Tin mừng hôm nay, thánh Marcô thuật lại việc Đức Giêsu chữa lành cho người bị câm điếc để đem lại đức tin và niềm vui cho anh ta. Sự chữa lành đó thuộc thể lý, nhưng qua đó, Đức Giêsu muốn nói đến bệnh câm điếc thiêng liêng mà mọi người kẻ ít người nhiều đều mắc phải.
Người bị câm điếc thiêng liêng là những nngười không biết mở tai ra mà đón nhận Lời Chúa mà cũng không biết mở miệng ra mà tôn vinh danh Chúa. Những người bị câm điếc thể lý thì ai cũng biết kể cả đương sự, còn những người bị câm điếc thiêng liêng thì không ai biết và ngay chính đương sự nhiều khi cũng không biết. Đó là những người thiếu đức tin, họ sống trong mù tối không biết gì đến Lời Chúa.
Chúng ta cầu xin Chúa mở tai và mở miệng lưỡi linh hồn chúng ta để biết lắng nghe và đón nhận Lời Chúa. Đồng thời cũng biết đón nhận và chia sẻ cho người khác trong sự quảng đại, hy sinh và tình thương mến chân thành. Chúng ta hãy kêu lên:”Lạy Chúa, xin làm cho con nghe được, và xin làm cho con nói được”.
B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA
+ Bài đọc 1 : Is 35,4-7a
Dân Do thái đang phải sống kiếp lưu đầy khổ sở tại Babylon, nhiều lúc nản lòng vì tương lai còn mù mịt. Nhưng thời gian thử thách sắp kết thúc. Isaia loan báo tin vui cho họ bằng những hình ảnh của miền Đông phương nhằm khơi dậy niềm hy vọng của họ.
Những hình hình cụ thể như người điếc nghe được, người què đi được, người câm nói được nhắc nhở cho họ biết : những khả năng tự nhiên ấy của họ đã bị tước đoạt, nay Thiên Chúa phục hồi cho họ để cho họ có thể nghe và nói được trong tình trạng tự do.
Những hình ảnh tiên báo của tiên tri Isaia cho người Do thái sẽ được thực hiện đầy đủ do Đức Giêsu Kitô trong bài Tin mừng hôm nay.
+ Bài đọc 2 : Gc 2,1-5
Một số cộng đoàn Kitô hữu thời đó có thói quen dành chỗ ưu tiên cho người giầu mà lại bỏ quên người nghèo. Thánh Giacôbê phản ứng mạnh mẽ vì thói quen ấy đi ngược với tinh thần của Đức Kitô. Phẩm giá của người nghèo bị chà đạp, trong khi chính họ là những người được Thiên Chúa ưu ái tuyển chọn.
Tính thiên vị luôn gây phẫn uất và chia rẽ. Đây là một quan niệm sai lầm vì dưới cái nhìn của đức tin sự giầu có đích thực chỉ đến từ Thiên Chúa bằng kho tàng ân sủng tràn đầy nơi các tín hữu.
+ Bài Tin mừng : Mc 7,31-37
Bài Tin mừng thuật lại chuyện Đức Giêsu chữa lành người vừa điếc vừa câm (ngọng) tại vùng đất dân ngoại. Khi kể lại câu chuyện này, thánh Marcô lấy lại đề tài cổ điển móc nối sự câm điếc với sự thiếu đức tin và việc chữa lành bệnh với thời Thiên sai.
Phép lạ này có giá trị biểu trưng. Thay vì chỉ cần ý muốn để chữa bệnh một cách đơn giản, Đức Giêsu lại dùng những hành động có vẻ lạ kỳ như lấy ngón tay thấm nước miếng và chạm đến lưỡi của người bệnh. Những hành động ấy có ý thêm đức tin cho người bệnh và sau này trong bí tích Rửa tội theo lễ nghi cũ, Linh mục cũng đưa tay sờ vào miệng và tai người thụ tẩy mà đọc “Epphata” : hãy mở ra.
Người điếc và ngọng trong Tin mừng hôm nay tiêu biểu cho tất cả mọi người điếc câm thiêng liêng mà Đức Giêsu sẽ chữa cho khỏi những nết xấu và tội lỗi. Giáo hội cũng muốn dùng bài Tin mừng hôm nay để nhắc nhở cho các tín hữu phải biết lắng nghe tiếng Chúa và phổ biến Lời Chúa cho người khác.
C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA Những ai bị câm điếc ?
I. BỆNH CÂM ĐIẾC THỂ LÝ
1. Một ân ban của Thiên Chúa.
Thiên Chúa dựng nên con người giống hình ảnh Ngài. Ngài ban cho họ có linh hồn và thân xác. Thân xác con người là một sinh vật hoàn hảo nhất, có đầy đủ ngũ quan. Trong ngũ quan ấy, ta thấy tai và miệng là hai cơ quan rất quan trọng dùng để nghe và nói.
Ai không nghe được hoặc nghe không rõ thì thường trở thành trò cười cho người khác, bởi vì không hiểàu đúng ý của người nói, cho nên trả lời hoặc phản ứng thường sai lệch. Người ta gọi những người ấy thuộc hạng “Ôâng nói gà bà nói vịt”(Tục ngữ) . Bởi vậy, người khiếm thính thường rút lui vào sự im lặng và cô đơn.
Nó là khả năng giúp con người giao tiếp và là phương tiện chủ yếu được dùng trong giao tiếp hằng ngày. Người kém khả năng này cũng dễ thành trò cười cho thiên hạ. Vì vậy nghe được và nói được là hồng ân rất lớn Chúa ban cho con người. Chúng ta phải sử dụng hai khả năng ấy cho phù hợp với thánh ý Chúa.
2. Nguyên nhân bệnh câm điếc thể lý.
Thường thường những người mới sinh ra đã bị câm thì cũng bị điếc. Người bị câm và điếc thiệt thòi rất nhiều và mất nhiều hạnh phúc trong cuộc đời. Ngoài trường hợp câm điếc bẩm sinh, người ta có thể bị câm điếc vì một bệnh tật hay một tai nạn nào đó.
Theo một vài trường hợp thì điếc còn khó chịu hơn đui. Người điếc biết mình không nghe được, nên trong đám đông khi có người tức tối hét vào tai, cố nói cho người ấy nghe, người ấy càng cảm thấy thất vọng hơn. Vì thế mới có lời kinh của người điếc :
“Lạy Chúa, nỗi đau khổ mà người điếc phải gánh chịu là đa số thiên hạ xem họ như những người làm phiền người khác. Người ta thường thiện cảm với người mù, người què, nhưng lại thường nổi xung và bực bội với người điếc. Kết quả là người điếc thường phải trốn lánh bạn bè và càng ngày càng trở nên khép kín”(William Barclay).
3. Tâm lý người bị câm điếc.
Người câm điếc gặp khó khăn khi muốn trình bầy hay diễn đạt bằng lời nói cho người khác hiểu ý mình, nhưng họ lại cảm thấy ngại ngùng giống như có một sợi dây vô hình trói buộc, làm cho họ không thể nói ra. Tình trạng bất hạnh ấy dễ làm người ta mặc cảm. Không nói được mà cũng chẳng nghe được, tự thân đã khiến người bị tật khó hiểu thế giới bên ngoài, và thế giới bên ngoài càng khó hiểu người bị tật ấy.
Do đó, người bị tật tự nhiên cảm thấy mình lẻ loi như đứng bên lề xã hội, họ có khunh hướng muốn rút lui và sống trong cô đơn. Vì thế, những người bị tật ấy cần những người lành mạnh có thái độ thông cảm, tôn trọng và yêu thương thành thật.
4. Đức Giêsu chữa người câm điếc.
Hôm nay chúng ta thấy Đức Giêsu không chữa bệnh đơn giản như mọi khi, nghĩa là chỉ đặt tay hay dùng một lời nói để chữa bệnh : Ta muốn ngươi được khỏi bệnh ! Đức Giêsu lại đưa anh chàng ra khỏi đám đông, xỏ ngón tay vào tai người câm điếc, bôi bọt vào lưỡi anh ta và ngước mắt lên trời rên lên :”Epphata” : Hãy mở ra !
Về cử chỉ xỏ tay vào tai, bôi nước bọt vào lưỡi là cốt để khêu gợi đức tin là điều rất cần để Chúa ban ơn, mà bệnh nhân còn thiếu. Anh này điếc nên không nghe được, chỉ còn làm thế nào cho anh ta hiểu. Xỏ tay vào tai và đụng vào lưỡi để cho anh ta hiểu rằng : đó là những kết quả anh mong đợi.
Phép lạ không chú trọng chữa lành thể chất của anh chàng vừa câm vừa điếc. Đúng hơn phép lạ chú trọng đến việc mở tai cho người ấy để anh ta có thể nghe Lời Chúa, và cởi trói cái lưỡi của anh để anh có thể tuyên xưng đức tin vào Đức Giêsu. Một người có thể nghe tốt, nhưng lại không nghe lời Chúa. Một người có thể nói sõi nhưng không thể tuyên xưng đức tin.
II. BỆNH CÂM ĐIẾC THIÊNG LIÊNG
Khi chữa bệnh cho người câm điếc, Đức Giêsu nhằm đem lại cho người ấy khả năng nghe và nói được, nhưng Ngài còn muốn đi xa hơn, nghĩa là chữa bệnh câm điếc tinh thần hay thiêng liêng của con người. Câm và điếc thể chất thì ai cũng biết, còn bệnh câm điếc thiêng liêng thì chỉ có Chúa biết, và đôi khi đương sự cũng biết. Chúng ta cần bàn tới bệnh câm điếc thiêng liêng mà ai trong chúng ta cũng mắc phải không nhiều thì ít.
Nhiều người rất thính tai thể chất, nhưng lại điếc về tinh thần hay tâm linh. Họ rất thính tai khi nghe những gì liên quan tới danh vọng, tiền tài, sắc dục… nhưng lại trở nên giống như điếc khi nghe những điều hay lẽ phải, những chân lý đem lại sức mạnh tinh thần hay tâm linh, giúp họ sống yêu thương nhiều hơn. Nhiều người nói năng rất hoạt bát về đủ mọi đề tài… nhưng lại hành xử như người câm, hoặc cảm thấy rất ngượng nghịu, mắc cỡ khi phải nói lên lời hay lẽ phải, những lời chân thành yêu thương, những lời làm mát lòng người khác, những lời đem lại bình an, hòa thuận, những lời giúp mọi người hiểu ra đường ngay lẽ thật.
III. ĐỂ KHỎI BỊ CÂM ĐIẾC
1. Bài học cho chúng ta.
Đức Giêsu làm phép lạ này như đặt ngón tay vào tai, bôi nước miếng vào lưỡi và phán :”Epphata” nghĩa là hãy mở ra tức thì tai anh mở ra, lưỡi anh được tháo gỡ và nói được, cũng là bài học cho các môn đệ và chúng ta. Người môn đệ Chúa phải là người cởi mở, vừa đón nhận, vừa thông truyền Lời Chúa. Phải mở tai để nghe Lời Chúa và mở miệng để tuyên xưng đức tin, như lời tiên tri Isaia từng nói :”Đức Giavê đã cho tôi lưỡi của môn sinh, để tôi biết nâng đỡ người cùng khổ. Và sáng sáng, Người lay tỉnh tai tôi cho tôi biết nghe như những môn sinh”(Is 50,4).
2. Biết lắng nghe và chia sẻ.
Chúng ta phải phá bỏ bức tường câm điếc đã làm chúng ta xa cách tha nhân, không còn hiểu nhau, không còn thông cảm và thương yêu nhau, coi nhau như kẻ thù. Trái lại, phải xây lại nhịp cầu thông cảm và yêu thương mà chính Đức Giêsu đã ban cho chúng ta khi chịu phép Rửa tội. Trong ngày đó, chúng ta được cởi mở khỏi xiềng xích tội lỗi và được đàm đạo với Chúa như với người bạn chí thiết.
Truyện : Bức tường Bá Linh.
Ngày 13/08/1961, người ta xây một bức tường chưa từng thấy trong lịch sử loài người : cao 8 mét, dài 700 cây số ngăn đôi một gia đình, một thành phố, một dân tộc, một nước Đức, không ai được qua lại với nhau, coi nhau như kẻ thù ghê gớm. Ai vượt qua bức tường đó hoặc bị bắt hoặc bị bắn chết. Mãi đến 28 năm sau, ngày 13/11/1989 bức tường đó bị phá đổ, chấm dứt hận thù chia rẽ. Gia đình, dân tộc được đoàn tụ vơi nhau, nước Đức được thống nhất, thế giới chấm dứt chiến tranh lạnh, trở thành đồng minh đồng chí với nhau (Vũ khắc Nghiêm, Xây nhà trên đá, năm B, tr 175).
Chúa ban cho người câm điếc có thể nghe được và nói được để anh có thể dùng hai khả năng ấy để chia sẻ với mọi người. Đây là hai ân ban của Chúa. Chúng ta cũng phải dùng ân ban ấy cho đúng, bởi vì trong chúng ta, nhiều người có đôi tai tốt nhưng không biết lắng nghe, nhiều người có cái lưỡi tốt nhưng không biết nói những lời đáng nói. Cho nên chúng ta cần phải được Chúa chữa trị để biết chia sẻ cho nhau.
Trong cuộc sống hằng ngày, nhiều khi chúng ta lại cố tình tạo ra sự câm điếc khi chúng ta không bao giờ biết đến anh em, chỉ biết sống ích kỷ, co cụm lại nơi bản thân mình, không để ý đến ai. Do đó, chúng ta trở nên cố chấp trước những lời khuyên bảo của người khác để làm những điều xằng bậy mà không biết hổ thẹn. Những người như thế Được người đời tặng cho cái danh hiệu là :”Điếc không sợ súng”. Câu tục ngữ ấy có nghĩa là vì ngu dốt, thiếu kinh nghiệm không hiểu biết nên chủ quan làm liều làm bừa bãi, không sợ sai lầm nguy hiểm.
Chúa cũng ban cho chúng ta cái lưỡi tốt để nói năng, chúng ta cũng phải biết dùng nó để chia sẻ với nhau vì lời nói là phương tiện chia sẻ với nhau hữu hiệu, có thể đem lại niềm vui và hạnh phúc cho người khác. Dùng lưỡi mà chia sẻ với nhau là một điều tốt, nhưng phải chia sẻ với nhau một cách thành thực chứ không dối trá, bởi vì người ta nói :”Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo”, (Tục ngữ) có nghĩa là lưỡi không có xương nên uốn lắt léo thế nào cũng được. Nghĩa bóng của câu này thường được dùng để chỉ người ăn nói trước sau bất nhất, lúc thế này, lúc thế khác.
Ngoài ra, những người ác độc có những lời lẽ rất ngon lành, tốt đẹp nhưng lại hàm ý nghĩa xấu trong đó.Vì thế người ta nói :”Lưỡi mềm độc quá đuôi ong”(Tục ngữ), có nghĩa là lưỡi mềm là lưỡi không cứng rắn như đá, không sắc nhọn như dao, lý ưhg không có gì đáng sợ vì không làm đau đớn thương tổn được người ta. Aáy vậy mà lưỡi độc quá đuôi ong, châm vào thịt đau buốt và sưng vù lên. Lưỡi nói xấu ai thì người ấy mất bạn bè, mất danh giá; lưỡi vu khống ai thì người ấy bị tù tội, mất cơ nghiệp, có thể mất cả tính mạng (Văn Hòe, Tục ngữ lược giải, 1957, tr 152).
Trái lại, khi chia sẻ với nhau hãy cố gắng dùng những lời lẽ tốt đẹp mà cư xử với nhau, đem lại cho nhau một niềm vui như người đời thường khuyên :
Lời nói không mất tiền mua,
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.
3.Xin Chúa ban thêm đức tin.
Khi Đức Giêsu chữa anh điếc nói ngọng này, Ngài khêu gợi đức tin nơi anh. Chắc chắn là anh ta kém đức tin vì Đức Giêsu phải đem anh riêng ra làm những cử chỉ khêu gợi lên trong lòng anh đức tin rất cần thiết để ban ơn khỏi bệnh cho anh. Khi đức tin đã nhóm lên trong lòng, Ngài mới làm phép lạ cho anh khỏi bệnh. Điểm chúng ta muốn nói là sở dĩ anh kém đức tin vì anh điếc, không nghe được Lời Chúa. Ngày nay nhiều thanh thiếu niên kém đức tin hoặc đã mất đức tin vì anh điếc hay giả điếc, không nghe Lời Chúa.
Đa số chúng ta đều cho rằng mù thì tệ hại hơn điếc. Thế nhưng cô Helen Keller vừa bị mù lẫn điếc thì cho rằng bị điếc còn khốn hơn bị mù nhiều. Nếu chúng ta bị điếc không nghe được, thì quả là phần lớn những cánh cửa trong cuộc đời ta đã bị khép chặt lại , chẳng hạn : mở rađiô thì chả hiểu gì, xem truyền hình thì cũng chả thú vị gì mà còn phát chán, và hầu như không thể trò chuyện với ai được cả. Vì thế, sau một thời gian chúng ta sẽ cảm thấy cô đơn như bị bỏ rơi.
Bài Tin mừng hôm nay khuyên chúng ta nên tạo điều kiện thuận lợi cho Chúa Giêsu để Ngài mở miệng lưỡi chúng ta về mặt thiêng liêng, để Ngài đặt ngón tay của Ngài khai mở đôi tai điếc của chúng ta. Nói cụ thể hơn, Tin mừng hôm nay mời gọi chúng ta hãy làm lại những gì chúng ta có thói quen hay làm, tức là bỏ ra ít phút mỗi ngày để cầu nguyện, để Chúa Giêsu thực hiện nơi chúng ta điều Ngài đã làm cho người câm điếc ấy, nghĩa là Tin mừng mời gọi chúng ta hãy để Chúa Giêsu chữa lành bệnh câm điếc của chúng ta.
Truyện : Thánh Giêrônimô
Hồi ấy, Giêrônimô (342-420) là một văn hào lỗi lạc về văn chương cổ điển và không biết gì về Thiên Chúa. Ngài say mê đọc các tác phẩm của Cicéron. Một hôm, ngài nghe tiếng Chúa hỏi :
– Giêrônimô, con là môn đệ của ai ?
– Thưa, con là môn đệ của Chúa.
– Không phải, con là môn đệ của Cicéron.
Từ đó, Giêrônimô giác ngộ và quyết chí học hỏi Lời Chúa. Ngài được ơn Epphata. Ngài qua thánh địa vào ẩn tu trong hang đá Belem để phiên dịch Thánh Kinh, để suy niệm Lời Chúa, sống trong khung cảnh Chúa đã sống. Ngài đã nói :”Ai không hiểu biết Thánh Kinh là không biết Chúa Giêsu”. Bản dịch Vulgata (Phổ thông) của Ngài đã được công đồng Triđentinô (thế kỷ 16) nhìn nhận là phù hợp với đức tin và được coi là bản dịch chính thức của Hội thánh.