CHÚA NHẬT 22 THƯỜNG NIÊN – NĂM B
CÁI TÂM
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
***
Buổi trưa, tại sân ga của một thành phố lớn, một người phụ nữ tầm ngoài 30 tuổi đang mướt mồ hôi để vác lên vai túi hành lý lỉnh kỉnh của mình. Trên khuôn mặt của người phụ nữ ấy hằn lên sự vất vả, cực nhọc của một người lao động từ xa đến tỉnh này. Chị đang đưa ánh mắt dường như vô vọng của mình khắp sân ga như để tìm kiếm một thứ gì đấy nhưng sau đấy lại tỏ vẻ thất vọng. Trông chị rất đáng thương.
Trên sân ga, người qua lại tấp nập. Ai đi qua người phụ nữ ấy đều ném về phía chị những cái nhìn ái ngại và thương cảm. Không ai có ý định dừng lại để giúp đỡ chị. Đặc biệt là những người ăn mặc sang trọng, họ đều đi qua chị với tốc độ rất nhanh, dường như là họ nghĩ nếu đi chậm lại thì chắc chắn người đàn bà đó cũng kéo họ lại để lạy lục, nhờ vả việc gì đó.
– “ Anh để ý đấy nhé, không biết chừng chị ta sẽ nài nỉ xin tiền hoặc sẽ hồ hởi kết bạn với mình để bị chị ta tra tấn trên suốt chuyến đi bằng những câu chuyện vừa dài vừa vô duyên, hoặc như chị ta sẽ mượn mình chiếc khăn mùi xoa để lau mồ hôi mà lau xong thì mình không dám xin lại hay như mượn bình nước uống rồi tu ừng ực thì vài ngụm đã hết veo. Đúng là người nhà quê”- Một người phụ nữ ăn mặc trông có vẻ sang trọng bĩm môm đánh thượt một cái và nói với người đàn ông cũng có vẻ sang trọng bên cạnh mình.
– Xin chào.. xin….
Quả nhiên người phụ nữ tiến lại gần đám đông đang đứng đợi tàu. Nhưng dường như không đợi chị nói hết câu, mọi người đều xua tay và lắc đầu và nhanh chóng lảng ra chỗ khác. Không nản chí, người phụ nữ này lại men theo các cánh cửa sổ của các toa tàu rồi nhảy hẳn lên các toa chưa đến giờ xuất phát. Đi đến toa nào chị cũng mang một khuôn mặt như muốn cầu cứu, trông thật đáng thương và câu duy nhất thốt ra từ miệng người phụ nữ đáng thương này là: “Xin mọi người giúp đỡ cho tôi”
Những người ngồi trên tàu tỏ ra rất khó chịu với người phụ nữ này. Có người thì xua tay ra hiệu xua đuổi, có người vừa thấy bóng dáng chị ở đầu toa vội lấy tờ báo che mặt giả vở ngủ. Trên khuôn mặt của người đàn bà ấy lộ rõ vẻ thất vọng, chán nản. “Mình đâu phải là thằng ăn trộm mà sao mọi người lại xử sự như thế nhỉ?” – Người phụ nữ xót xa nghĩ.
Chị ta lại đi qua các toa tàu nhưng không ai muốn nghe chị trình bày hoàn cảnh của mình. Đúng lúc đó, chị nhìn thấy một chàng trai có dáng vẻ rất thư sinh đang ngồi đọc báo. Chàng trai đang đọc báo rất chăm chú và dường như cậu ta không để ý đến mọi thứ xung quanh. Nhẹ nhàng đi về phía chàng thanh niên, người phụ nữ cất tiếng nói.
– Xin lỗi cậu, cậu có thể giúp đỡ tôi được không?
Chàng trai bỏ tờ báo xuống, nhìn quanh một lúc rồi nhìn người phụ nữ nông thôn nọ:
– Xin lỗi, chị đang hỏi tôi ạ?
Người phụ nữ gật đầu.
– Xin anh giúp đỡ tôi với, tôi lên thành phố để tìm người bà con, nhưng tìm không ra, tiền bạc lại bị kẻ gian móc hết rồi. Muốn về quê nhưng không biết làm thế nào, cậu có thể mua giúp một tấm vé để tôi về quê không?
Sau khi nghe xong người phụ nữ đáng thương nói xong, nét mặt chàng thanh niên trông rất lưỡng lự. Dường như anh ta vừa muốn giúp, vừa lại không muốn giúp người đàn bà đáng thương đó. Sau một thời gian im lặng, chàng trai bèn đưa tay vào túi quần của mình, khó khăn lắm mới móc ra được một đống tiền lẻ, ngại ngùng đưa cho người phụ nữ.
– Chị cầm lấy đi. Tôi… tôi chỉ còn có chừng này, không biết đủ hay không. Tôi cũng vừa mua vé để về quê nên không còn nhiều. Tôi lên thành phố này để kiếm việc, hy vọng tìm được một công việc kiếm được kha khá, nhưng khi lên thành phố, với tấm bằng trung cấp trong tay thì tôi không thể tìm ra được một việc gì để làm. Chị cầm tạm vậy.
Người phụ nữ rưng rưng cầm lấy những đồng tiền lẻ của chàng trai, khó khăn lắm chị mới thốt lên được hai tiếng “Cám ơn”.
Vừa quay gót đi về phía cuối toa thì chị nghe tiếng gọi với theo của chàng thanh niên nọ. Cậu ta hớt hải đi về phía chị và nói:
– Như thế này vậy, chị cùng quê với em, hay chị lấy tấm vé của em đi vậy.
– Thế còn cậu thì sao? Người phụ nữ ngạc nhiên hỏi.
– Số tiền em vừa đưa cho chị có thể mua đủ tấm vé xuống ga thứ ba xuất phát từ ga này, như vậy cách nhà em cũng không xa lắm, em có thể đi bộ mà. Chị cứ cầm lấy vé đi, em là con trai, thế nào mà chẳng được. Còn phụ nữ như chị thì không thể đi bộ về nhà trong đêm tối được. Thôi, chúc chị thuận buồm xuôi gió. Nào, đưa cho em đống tiền lẻ nào!
Nói xong, không kịp để người phụ nữ phản ứng gì, chàng trai vội cầm lại số tiền lẻ trong tay người phụ nữ và đưa lại cho chị tấm vé của mình. Sau đấy anh vội vàng đi ra khỏi tàu và đến quầy bán vé.
Rất nhanh sau đó, chàng thanh niên lại lên tàu. Người phụ nữ tiến lại gần phía chàng trai và cất tiếng hỏi:
– Sao cậu lại làm như thế, cậu không hối hận à?
Chàng trai lắc đầu
– Không, chị ạ.
Trong ánh mắt của người phụ nữ đáng thương nọ ánh lên một niềm vui khôn xiết. Chị cầm tay chàng trai và nói:
– Anh bạn trẻ, xuống đây với tôi một lát.
Người phụ nữ kéo chàng trai ra khỏi nhà ga, vẫy một chiếc taxi, tự động mở cửa xe và quay lại nhìn chàng trai:
– Cậu lên xe đi. Hôm nay cậu chính thức là nhân viên của tôi.
Hoá ra, người phụ nữ này là con gái của một ông chủ tập đoàn sản xuất đồ chơi nổi tiếng. Để đi tìm một người trợ lý đáng để tin cậy, chị đã phải hoá trang và đứng ở sân ga suốt 3 ngày qua.
Chị nói rằng: “Các bạn cho rằng tôi thật ngốc nghếch khi phải làm khổ mình như thế, nhưng thật ra nó thật sự xứng đáng. Khi đứng ở sân ga trong 3 ngày đó, tôi mới nhận ra rằng: Tìm được một người thực sự tốt trong cuộc sống xô bồ này quả là khó.
Có thể, chàng thanh niên đó không có trình độ, hiểu biết nhiều như những người tốt nghiệp đại học hoặc cao hơn nữa. Nhưng điều đáng quý nhất và đáng trân trọng nhất là cậu ấy có cái ‘tâm’. Có cái ‘tâm’ trong cuộc sống thì mới có cái ‘tâm’ trong công việc được. Đấy là thứ mà công ty tôi cần”.
Các bạn thấy đấy, một tấm vé để đổi lấy cả một sự nghiệp sáng lạn. Có thể nhiều người nghĩ đây chỉ là việc ngẫu nhiên, nhưng thực ra trong sự ngẫu nhiên đó lại có tính tất yếu của nó. Rất nhiều người đã có mặt ở trên sân ga, nhưng chỉ có chàng trai đó mới nhận được niềm hạnh phúc bất ngờ như vậy. Không phải ngẫu nhiên mà anh ta có được một cơ hội tốt đẹp đến như thế mà điều quan trọng là anh đã biết chia sẻ chữ ‘tâm’ của mình cho mọi người xung quanh.
Đây là một câu chuyện hoàn toàn có thật mà tôi đã nghe được từ giám đốc của tôi.(nguồn: saigonecho.com).
Đọc câu chuyện trên nghe vọng lại lời thơ của thi hào Nguyễn Du: “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Trong trường đời, trái tim lại quan trọng hơn cái đầu. Sống ở đời và giao tiếp với người đời, “được việc” mà thôi chưa đủ, còn phải “được người” nữa. Nền văn minh mang lại hạnh phúc cho con người không phải là văn minh của khoa học kỹ thuật mà là văn minh của tình thương.
Tâm nghĩa là trái tim, biểu tượng của tình yêu. Chữ Hán tượng hình nên nét bút vẽ ra hình trái tim. Có lẽ từ xa xưa, có ai đó cỡ thần y Hoa Đà, Biển Thước đã phẫu thuật cơ thể con người, thấy tỏ tường trái tim nên mới viết, mới vẽ được bức tranh chữ đẹp như vậy.
Trang Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay kể lại cuộc tranh luận giữa Ðức Giêsu và nhóm biệt phái về vấn đề sạch và dơ.
Nhóm biệt phái bám sát mặt chữ những quy định của luật lệ về sự phân biệt cái gì sạch cái gì dơ và về những đòi buộc phải rửa tay chân chén dĩa…
Ðức Giêsu nói đó chỉ mới là sạch dơ bề ngoài, không quan trọng bằng sạch dơ trong tâm hồn. Luật lệ chỉ là hình thức để diễn tả tấm lòng. Cái tâm mới quan trọng. Bởi vì dơ hay sạch là do tự cõi lòng. Nếu lòng dạ xấu xa thì cho dù hình thức bên ngoài có đẹp đẽ mấy cũng chỉ là giả hình. Đức Giêsu cho thấy cái ô uế thực sự không đến từ đụng chạm hay ăn uống. Cái ô uế đáng sợ nằm ngay trong cái tâm mỗi người. Nó không từ ngoài vào, nhưng từ bên trong ra.
Đức Giêsu kể ra 12 ý định xấu xa bắt nguồn từ cõi lòng: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác xảo trá, trác táng, ganh tị, phỉ báng, kêu ngạo, ngông cuồng.Tất cả những điều xấu xa đó đều từ bên trong xuất ra và làm cho con người ra ô uế.
Hàng ngày xem Tivi, thấy quảng cáo rất nhiều sản phẩm: các loại xà bông mới, các loại dầu gội mới, nhiều loại nước hoa… Tất cả đều nhằm chăm sóc cho làm da, mái tóc, cơ thể… nhưng đều là bề ngoài. Ngày nay, người ta cũng để ý nhiều hơn đến chất lượng của những thức ăn và thức uống… Mọi thứ phải đáp ứng đúng tiêu chuẩn thực phẩm an toàn và bổ dưỡng. Tuy nhiên, tất cả chỉ là những thứ từ bên ngoài được đưa vào trong cơ thể con người.Nhưng xem ra, người ta rất ít lo chăm sóc cái bề trong, cái tâm của con người, như lương tâm, lòng nhân ái, ý thức về tội. Người ta có thể hy sinh, khổ luyện hàng tháng, hàng năm để giữ vẻ đẹp thân xác, nhưng có mấy ai chịu hãm mình kiêng khem để tạo vẻ đẹp tâm hồn.
Trong trường học, người ta để ý huấn luyện cái đầu hơn là trái tim. Người ta cho rằng cái đầu mới biết suy nghĩ. Bởi đó người ta lo đào tạo nên những đứa trẻ giỏi hơn là những đứa trẻ tốt. Tương lai là công việc và nghề nghiệp hơn là tấm lòng. Kết quả của lối giáo dục như thế là nền văn minh khoa học kỹ thuật ngày nay, rất hiệu quả nhưng cũng rất lạnh lùng, ích kỷ và tàn nhẫn.
“Thế giới tri thức đã thình lình tái khám phá ra rằng, con người là nơi chổ của sự xung đột. Marx đã tìm thấy sự xung đột trong xã hội, Kierkegaard tìm thấy trong linh hồn, Heidegger tìm thấy trong con người, và những tâm lý gia tìm thấy trong tâm trí” (x. Bình an trong tâm hồn, trg 47, ĐGM Fulton J. Sheen).
Đối với Đức Giêsu cái tâm mới là yếu tố quyết định. Từ cái tâm tốt mới có những hành vi yêu thương cao thượng.Từ cái tâm xấu sẽ phát sinh ra tội lỗi thấp hèn.
Tâm nói lên nhân cách của một con người.
Tâm xấu xa sản sinh ra những suy nghĩ xấu, chọn lựa xấu, lời nói xấu, hành động xấu.Tâm lệch lạc thì cuộc sống nghiêng ngã đảo điên.Tâm gian dối thì cuộc sống bất an.Tâm ghen ghét thì cuộc sống hận thù.Tâm đố kỵ thì cuộc sống mất vui.Tâm tham lam thì cuộc sống dối trá …
Tâm tốt lành luôn nở hoa nhân đức.Tâm nở hoa yêu thương nên không có bóng dáng hận thù nào. Tâm nở hoa bác ái nên luôn quan tâm giúp đỡ người khác. Tâm nở hoa phục vụ nên nhiệt thành làm việc thiện nguyện vô vị lợi.Tâm nở hoa khiêm nhường nên luôn biết nhìn nhận sự yếu đuối của mình.Tâm nở hoa tha thứ nên không cầm giữ bất cứ một xúc phạm nào người khác gây ra cho mình. Tâm nở hoa hòa bình nên chỉ biết kiến tạo sự hiệp nhất, vun trồng tình thuận hòa. Tâm nở hoa xây dựng nên không khi nào phá đổ các công trình chân thiện mỹ của những người thành tâm thiện chí. Tâm nở hoa công chính nên can đảm khước từ những gì đi ngược với công bình bác ái, không tham lam những của bất chính.Tâm nở hoa chân thật nên dứt khoát loại bỏ các thứ dối trá, gian tà. Tâm nở hoa ánh sáng nên cố gắng bước ra khỏi bóng tối của tội lỗi, không ẩn mình trong cám dỗ của ma quỷ, không để chúng giam hãm, nô lệ hóa mình.Tâm nở hoa cao thượng nên biết nâng mình lên trên mọi ti tiện tầm thường, không tính toán nhỏ nhen, không cư xử theo lối tiểu nhân.Tâm nở hoa vui mừng nên biết đem lại niềm vui an ủi cho những kẻ buồn sầu, tủi phận, khóc than cho định mệnh nghiệt ngã, cho tương lai đen tối, cho đường đời thử thách.Tâm nở hoa hạnh phúc nên luôn sống bình an và chan chứa niềm vui.
Sự thánh thiện hệ tại nơi cái tâm. Lời dạy của Đức Giêsu mời gọi chúng ta phải tu tâm dưỡng tánh để luôn có một tâm hồn ngay thẳng, thành thật, tôn trọng công lý, yêu thương mọi người. Khi đã có cái tâm tốt những việc làm sẽ tự nhiên đẹp lòng Chúa.
************************************
CAO CẢ VÀ BI ĐÁT
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
***
Thánh với phàm, thiêng với tục là những phạm trù tôn giáo mà mọi thời và mọi nơi đều biết đến.
Cái thánh thiêng là cái cao cả siêu việt, khác lạ, đáng kính và nhiều khi đáng sợ.
Cái phàm tục là cái thông thường, cái tầm thường, nhiều khi còn có thể đáng khinh và bị coi là ô uế dơ dáy.
Trong các tôn giáo sơ khai, cái thánh thiêng hiện diện ở khắp nơi trong mọi sự từ núi cao đến sông dài, từ đền thờ tới gốc đa, gốc đề, từ tượng thần đến cái bình vôi, từ cá sấu đến các tinh tú.
Trái lại, ngày nay trong thế giới tục hoá, mọi sự đều được giải thiêng, chẳng có gì thánh thiêng ngoài khoa học thực nghiệm duy lý với các định luật, các công thức.
Trong tiếng Do thái,Thánh có nghĩa là tách biệt. Cái linh thiêng là cái gì tách biệt khỏi cái thường ngày, tách khỏi cái tầm thường thông tục.Cái thánh thiêng là cái gì khác lạ cao xa, ở bên ngoài, ở bên kia, ở bên trên cái thông thường. Do đó,Thiên Chúa được gọi là Đấng Thánh, bởi vì Người cao cả, siêu việt tuyệt đối khác lạ. Người là Đấng siêu việt. Đấng cao cả, linh thiêng phải ngự ở những nơi linh thiêng cao cả. Đó là những ngọn núi thánh, những Đền thờ, những nơi tách biệt khỏi chốn phàm trần. Những người được tuyển chọn để phục vụ Đấng Thánh cũng phải là những người tách biệt khỏi người phàm. Hàng Tư tế trong dân Do thái chỉ được chọn từ chi tộc Lêvi. Họ phải là những người không tỳ vết, không tật nguyền, phải giữ những luật lệ khắt khe hơn người thường.Tất cả những gì dành riêng cho Đấng Thánh, những gì được coi như thuộc về Người, đều là những cái thánh: núi thánh, đền thánh, nơi thánh, ngày thánh, đồ vật thánh. Phạm đến những cái đó là phạm đến chính Đấng Thánh.
Quan niệm linh thánh như vậy muốn tách biệt cái thánh thiêng ra khỏi cái phàm tục.Từ đó người ta đẩy xa Đấng Thánh ra khỏi cuộc đời và ngày càng đóng khung Người vào trong phạm vi của núi thánh, Đền thờ, nơi thánh, nơi cực thánh. Không gian của Người ngày càng bị thu hẹp lại.
Dân Israel được gọi là Dân Thánh, dân riêng của Chúa, thuộc về Chúa. Họ tự coi mình là sở hữu Thiên Chúa: Người là của riêng họ, thuộc về họ. Dân Israel chờ đợi một vị thiên sai ngự đến trong cung thánh đền thiêng.
Trong một thế giới mà cái thánh thiêng và cái phàm tục được xác định rạch ròi tỉ mỉ như thế, chúng ta mới thấy việc Đức Giêsu, Ngôi Hai Thiên Chúa, Đấng Thánh làm người, một người phàm ở giữa những người phàm gặp phải sự chống đối quyết liệt.
Ngay từ giây phút nhập thể, Đức Giêsu đã không đến trong Đền thờ mà lại đến trong căn nhà nhỏ bé ở Nazareth. Thiên Chúa làm người trong lòng một thôn nữ vô danh đối với người Do thái. Rồi khi chào đời, Người đã lấy chuồng bò lừa làm nhà ở, lấy máng cỏ làm nôi, lấy những kẻ mục đồng vốn bị người Do thái coi là uế tạp làm bầu bạn.Trong suốt cuộc đời, Đức Giêsu sống như một người tầm thường giữa những người nghèo khổ, đồng hành ăn uống với những người bị coi là tội lỗi, thâu nhận người thu thuế làm môn đệ.
Trang Tin mừng hôm nay kể về một sự kiện trong chuỗi những chống đối quyết liệt đó. Các Biệt phái Kinh sư trách các môn đệ Đức Giêsu không rửa tay trước khi ăn. Rửa tay trước khi ăn, đối với người Do thái là một quốc tục, một thánh lệ. Các người Pharisiêu và Kinh sư nói riêng và dân Do thái nói chung, thường rất khắt khe với tục lệ này. Họ cho đó là một nghi thức truyền thống quan trọng phải tuân giữ triệt để, chứng tỏ mình thanh sạch trước mặt mọi người. Vì thế, họ chất vấn Đức Giêsu: Sao các môn đệ của ông không theo truyền thống của tiền nhân, cứ để tay mà dùng bữa?
Đức Giêsu đã cho biết thế nào là sạch thế nào là dơ, thế nào là thánh thiêng, thế nào là phàm tục. Của ăn được nấu chín là sạch. Cái làm cho dơ đó là lòng người. Cõi lòng mới là nguồn gốc của việc lành hay dữ, tốt hay xấu, sạch hay dơ.
Có câu chuyện trong sách Tông đồ công vụ (10,11-16). Vào trước giờ ăn trưa, Thánh Phêrô cầu nguyện và xuất thần: “Ông thấy trời mở ra và một vật gì sà xuống, trông như một tấm khăn lớn buộc bốn góc, đang được thả xuống, trong đó có mọi giống vật bốn chân, rắn rết và mọi thứ chim trời. Có tiếng phán bảo ông: Phêrô, đứng dậy làm thịt mà ăn! Phêrô thưa: lạy Chúa, không thể được, vì không bao giờ con ăn những gì ô uế và không thanh sạch. Có tiếng phán với ông lần thứ hai: những gì Thiên Chúa tuyên bố là thanh sạch, ngươi đừng gọi là ô uế. Việc đó xảy đến ba lần, và lập tức vật ấy được đưa lên trời.”. Như vậy những gì Thiên Chúa sáng tạo đều là sạch, con người không thể coi là nhơ bẩn.
Đức Giêsu bác bỏ hoàn toàn quan niệm về sạch dơ của người Do thái. Đối với Người, không có gì bên ngoài lại làm cho con người ra dơ trước mặt Thiên Chúa. Cái gì dơ, cái gì tội lỗi chính là từ trong lòng người mà phát xuất ra. Đó là: tà dâm, trộm cắp giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác xảo trá, trác táng, ganh tị, kêu ngạo, ngông cuồng.Tất cả những điều xấu xa đó đều từ bên trong xuất ra và làm cho con người ra ô uế.
Người đời đã phải than thở rằng : “Sông sâu còn có kẻ dò, lòng người nham hiểm ai đo cho tường”; “Lòng người thăm thẳm mù khơi, không bờ không bến biết nơi nào dò”. Tục ngữ có câu: “Khẩu Phật tâm xà” hay “ Miệng thơn thớt dạ ớt ngâm” để diễn tả hạng người mang mặt nạ che dấu lòng dạ ác độc bên trong, loại người mà “Bề ngoài thơn thớt nói cười, mà trong nham hiểm giết người không dao”.
Một trong những đặc trưng của kỹ thuật hiện đại là kỹ thuật làm đồ giả. Chân giả, tay giả, tóc giả, lông mi giả, hoa giả, trái cây giả…. Những thứ giả ấy đi vào cả những sinh hoạt thiêng liêng như mâm ngũ quả, hoa nến nhang đèn đều giả… Mức độ “giả” còn tinh vi nên lắm khi cái giả xem ra còn đẹp hơn cái thật, khó mà phân biệt được thực hư, tốt xấu. Nhưng tệ nhất vẫn là thứ “Giả nhân giả nghĩa”, thứ “giả hình” mà Chúa đã nặng lời khiển trách (Mt 23,13-29). Thánh Gioan đã lật tẩy: “Ai nói rằng mình biết Thiên Chúa mà không tuân giữ các điều răn của Người, đó là kẻ nói dối” (1Ga 2,4); “Ai bảo mình yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối. Vì ai không yêu người anh em mà mình trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (Ga 4,20).
Cõi lòng hay thế giới nội tâm làm cho con người nên cao cả nhưng nó cũng làm nên sự bi đát. Cao cả và bi đát đan xen trong lòng người như ánh sáng và bóng tối.
Con người nên cao cả là nhờ thế giới nội tâm với tư duy, cảm xúc, phân tích, đúc kết, kinh nghiệm… Nhờ có thế giới nội tâm mới có khoa học, có sáng tạo văn hoá nghệ thuật. Cũng chính cái thế giới nội tâm này làm cho con người trở nên bi đát. Bề ngoài và bề trong liên quan với nhau và tác động lẫn nhau, nhưng về mặt luân lý đạo đức, bề trong mới là phần quyết định. Chỉ có con người mới có giả hình, lừa đảo, gian dối, mưu mô, thủ đoạn. Đức Giêsu đã nhận xét: “ Không phải những gì từ bên ngoài vào làm cho người ta ra ô uế, nhưng từ trong lòng mới xuất phát những cái làm cho người ta ra ô uế” (Mt 15,19).
Đức Giêsu nhấn mạnh sự thanh tẩy từ bên trong. Người chẳng phản đối chuyện rửa tay. Người chỉ phê bình thói hình thức bên ngoài. Điều quan trọng là rửa cõi lòng. Cái ô uế thực sự đáng sợ không đến từ việc đụng chạm hay ăn uống mà nó lại nằm trong lòng người. Nó không từ ngoài vào mà từ bên trong ra.
Đối với Đức Giêsu, yếu tố quan trọng để xác định giá trị đạo đức hay luân lý là trạng thái nội tâm chứ không phải những việc làm bên ngoài. Ý hướng bên trong là yếu tố quyết định việc làm bên ngoài có gía trị hay không. Đức Giêsu luôn sống tình thương với mọi người, luôn “chạnh lòng thương”.Tình thương chính là sự thánh thiện. Tình thương là thanh sạch. Đấng Thánh hôm nay có tên gọi là Tình Thương.Tình thương là chia sẽ, là hiệp nhất. Sự thánh thiện của Đức Giêsu luôn rộng mở lan toả hương thơm tình thương, thanh sạch.
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp có viết trong cuốn “Giọt máu” một câu rất sâu sắc “Văn chương phải bất chấp hết. Ngập trong bùn, sục tung lên, thoát thành bướm và hoa. Đấy là chí thánh”.Tác giả hiểu ý nghĩa của từ chí thánh theo đúng những gì là phàm tục, thế gian là cõi hồng trần bụi bặm. Cái chí thánh chính là dìm mình, hoà vào trong bùn lầy, trong tội lỗi để làm cho từ vũng bùn lầy, từ vực thẳm tội lỗi ấy nở hoa, rực lên sự thánh thiện. Tôn giáo nhắm trực tiếp vào nội tâm con người, vì thế có lẽ nó còn hữu hiện hơn xã hội rất nhiều trong việc chế ngự cái xấu, cổ vũ cái tốt. Bởi vì tôn giáo chân chính nào cũng đều kêu gọi, động viên, giáo dục con người làm lành lánh dữ, vươn lên làm chủ phần hạ đẳng nơi mình để thăng hoa phần cao thượng trong sáng. Người ta có thể không sợ dư luận hay luật pháp (vì còn có thể che dấu luồn lách), nhưng một khi đã tin vào Ðấng Linh Thiêng và nếu đó là một niềm tin sống động, người ta khó có thể không sợ sự phán xét của lương tâm và nhất là của Ðấng họ thờ kính.
Thường thì khi vừa sinh ra, người ta có cái tâm hồn hậu nhưng cái trí dại khờ. Càng lớn lên, trí càng khôn ngoan nhưng tâm càng vẩn đục. Đi cho trọn đường trần là trí học biết được càng nhiều càng tốt những khôn ngoan mà tâm vẫn giữ được cái hồn hậu của tuổi ấu thơ.
Đối với người Kitô hữu, nếu như xã hội mong muốn và chờ đợi chúng ta sống đạo đức một, thì chính Chúa còn đòi buộc chúng ta phải “thánh thiện” trăm ngàn lần hơn:”Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Ðấng hoàn thiện” (Mt 5,48); “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian…Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mắt thiên hạ, để họ nhìn thấy công việc tốt đẹp anh em làm mà tôn vinh Cha của anh em, Ðấng ngự trên trời” (Mt 5,14.16).
Con người sống ở đời cần có một tấm lòng, một trái tim yêu thương chân thành. Thiên Chúa đã ra lệnh truyền cho con người: “ Hãy tạo cho mình một trái tim mới” (Ed 18,31). Người còn phán: “Ta sẽ thanh tẩy các ngươi, Ta sẽ ban cho các ngươi môt trái tim mới” (Ed 36,25). Một trái tim mới biết yêu thương hay một tấm lòng để người ta sống tốt đẹp với nhau.
Tình thương của Chúa Giêsu là tình thương cứu thế, muốn thanh tẩy con người tội lỗi, rửa sạch tâm hồn và trao ban sự sống mới.
Trong đời sống tâm linh, người Kitô hữu cần phải tu dưỡng cái tâm, phải có tâm ngay lành, luôn tôn trọng sự công bằng, yêu thương mọi người. Cần có một tấm lòng, tâm tốt thì mọi việc làm sẽ đẹp lòng Chúa.
Người Kitô hữu mỗi ngày đến nhà thờ dự tiệc Thánh Thể. Đưa tay đón nhận Bánh Thánh là đón nhận tình thương và thanh sạch của Chúa.Bàn tay đón nhận Bánh Thánh cũng là bàn tay bác ái yêu thương góp phần thánh hoá trần gian.