Một người Ả rập kia có con ngựa rất đẹp. Người láng giềng tìm đủ mọi cách để mua con ngựa, nhưng chủ nhân vẫn một mực từ chối. Người láng giềng liền nghĩ ra một mưu kế để chiếm đoạt con ngựa.
Biết người chủ ngựa thường hay đi qua sa mạc, người láng giềng cải trang thành một người hành khất nằm rét run bên vệ đường. Chủ ngựa là người tốt bụng, thấy người hành khất liền cảm thương, đề nghị đưa ông ta lên ngựa đem về quán trọ săn sóc.
Con người tốt bụng kia xuống ngựa, đưa người hành khất lên ngựa. Nhưng khi vừa lên lưng ngựa, người hành khất hiện nguyên hình tên bất lương. Hắn giật giây cương, thúc ngựa phi nước đại.
Người chủ ngựa đáng thương chỉ còn biết đuổi theo nói với tên bất lương : “Ngươi đã ăn cắp con ngựa của ta. Ta sẵn sàng bỏ qua. Nhưng ta chỉ xin ngươi một điều : là đừng bao giờ kể cho ai nghe mưu mẹo này của ngươi. Kẻo một ngày nào đó, có người hoạn nạn thật sự bên vệ đường, sẽ không có ai dám dừng lại để cứu giúp người ấy nữa !”.
Cuộc sống con người trong xã hội như một sợi giây chuyền liên đới. Vì thế, một hành động xấu, một lỗi lầm hay một khuyết điểm của cá nhân, có thể ảnh hưởng đến đời sống tập thể hay cộng đoàn. Mưu mẹo của tên ăn cắp ngựa trong câu chuyện trên sẽ làm giảm sút niềm tin trong cuộc sống. Cũng thế, trong một cộng đoàn đức tin, những lỗi lầm cá nhân cũng ảnh hưởng không nhỏ tới đức tin của cộng đoàn. Vì thế, trong bài Tin Mừng theo thánh Matthêu hôm nay, Chúa Giêsu dạy ta cách sửa lỗi cho nhau để xây dựng một cộng đoàn hiệp nhất, yêu thương và tràn đầy niềm tin.
Một cộng đoàn hiệp nhất.
Chúa Giêsu đã làm nổi bật ý nghĩa của đời sống cộng đoàn khi nói : “Nếu anh em ngươi lỗi phạm …”. Chúa Giêsu muốn ám chỉ các môn đệ của Ngài chính là một “cộng đoàn anh em”, mang những nét tiêu biểu cho một cộng đoàn đức tin.
Chúa Giêsu đã tuyển chọn và kêu gọi các môn đệ đi theo Chúa, sống với Chúa và với nhau như một cộng đoàn anh em.
– Các môn đệ luôn quây quần bên Chúa, đi theo Chúa trên mọi nẻo đường rao giảng Tin Mừng.
– Trong những lúc thành công hay thất bại của Chúa : những lúc được tung hô hay cả những lúc bị chống đối, những khi vui buồn, sướng khổ, thầy trò luôn bên cạnh nhau, chia sẻ cho nhau từng miếng ăn, từng giấc ngủ …
– Ngay sau cuộc tử nạn của Chúa, các môn đệ vẫn tiếp tục tụ họp lại với nhau như một cộng đoàn. Khi từ cõi chết sống lại, Chúa Giêsu phục sinh trước hết đã tìm đến với cộng đoàn các anh em mình (Mt 28, 16-20; Mc 16, 14-18; Lc 24, 36-49).
Qua “Kinh Lạy Cha”, Chúa Giêsu dạy cho các môn đệ biết họ có người Cha tốt lành trên trời (Mt 6, 7-15). Vì thế, họ là anh em với nhau : một cộng đoàn anh em hiệp nhất có người Cha chung trên trời.
Chúa Giêsu còn cầu nguyện để các môn đệ trở thành một cộng đoàn hiệp nhất nên một : “Để tất cả nên một, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, để họ cũng ở trong Chúng Ta” (Ga 18, 21).
Một cộng đoàn yêu thương.
Chúa Giêsu cũng còn mong muốn các môn đệ trở thành một cộng đoàn yêu thương nhau. Sự yêu thương đó biểu lộ qua cách sửa lỗi cho nhau.
Con người ai cũng có lầm lỗi, và những sai lỗi của cá nhân luôn ảnh hưởng đến đời sống cộng đoàn. Chúng ta không nên có thái độ khắt khe, thậm chí xét nét hay kết án những anh chị em sai lỗi. Chúng ta cũng không nên có thái độ thờ ơ, lãnh đạm với những khuyết điểm của anh chị em mình, vì ngại khó hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm.
Chúng ta hãy mặc lấy tinh thần yêu thương của Chúa để xây dựng nhau trở thành người tốt, và nhờ vậy, cộng đoàn cũng sẽ trở nên tốt hơn.
Việc sửa lỗi cho anh em phải đi qua ba bước :
Bước thứ nhất : gặp gỡ riêng với người phạm lỗi và giúp họ nhận ra lỗi lầm của mình để sửa đổi. Cuộc gặp gỡ này phải được thực hiện trong thân tình và kín đáo, để bảo vệ danh dự của người phạm lỗi.
Bước thứ hai : nếu bước một không thành công, ta hãy đến với người phạm lỗi cùng với một hoặc hai người nữa. Sự hiện diện của các nhân chứng sẽ bảo đảm cho tính khách quan và mang yếu tố cộng đoàn.
Bước thứ ba : nếu người anh em phạm lỗi cũng không nghe và không sửa lỗi, ta sẽ đưa sự việc ra trước cộng đoàn để có sự giúp đỡ của tập thể.
Cuối cùng, nếu người ấy cũng không chấp nhận lời khuyên của cộng đoàn, khi ấy, người đó tự tách lìa ra khỏi đời sống cộng đoàn.
Nơi cộng đoàn gia đình hay giáo xứ, tình yêu thương chính là nền tảng để cộng đoàn được đứng vững. Chúng ta hãy góp phần thắp lên ngọn lửa yêu thương, xây dựng cộng đoàn chúng ta thành một cộng đoàn tràn đầy tình yêu thương.
Một cộng đoàn đức tin.
Chúa còn mong ước các môn đệ họp nhau lại thành một cộng đoàn đức tin : “Ở đâu có hai hoặc ba người tụ họp nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa những người ấy”.
Tất cả mọi người sẽ được liên kết nên một trong bầu khí cầu nguyện. Hay nói cách khác, cầu nguyện chính là “hơi thở của đời sống đức tin”. Ngày nào chúng ta thôi cầu nguyện, ngày đó, đời sống đức tin sẽ bị sa sút.
Điều quan trong hơn, bầu khí cầu nguyện của cộng đoàn còn tạo nên đời sống đức tin vững mạnh nữa. Vì thế, lời cầu nguyện của cộng đoàn sẽ kéo nhiều ơn lành của Thiên Chúa xuống cho mọi người và tạo nên một cộng đoàn đức tin luôn được nâng đỡ và củng cố trong mọi hoàn cảnh như Chúa quả quyết: “Nếu hai người trong các con ở dưới đất mà hiệp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho các con điều đó”.
Chúng ta hãy xin Chúa biến cộng đoàn chúng ta thành cộng đoàn của niềm tin, khi mọi người chúng ta luôn biết họp nhau mỗi ngày dâng lời cầu nguyện và siêng năng tham dự thánh lễ thật sốt sắng.