Đức Thánh Cha Phanxicô đang làm phép các cành ô liu và các lá cọ được dùng trong Thánh Lễ Lá sáng Chúa Nhật 24 tháng Ba tại trước quảng trường Thánh Phêrô.
Hiện diện trong thánh lễ có khoảng 250,000 khách hành hương và các tín hữu tại Rôma. Đây là lễ Lá đầu tiên của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Vatican trong cương vị Giáo Hoàng.
Chúa Nhật Lễ Lá cũng là ngày Quốc Tế Giới Trẻ cấp giáo phận và trong ngày hôm nay Đức Thánh Cha đã đưa ra quyết định quan trọng của ngài là sẽ kế tục sáng kiến ngày Quốc Tế Giới Trẻ đã được hai vị tiền nhiệm của ngài là Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 thực hiện trong 28 năm qua.
Trong bài giảng Thánh Lễ Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh đến ba chủ đề chính là “Niềm Vui, Thánh Giá, và Tuổi Trẻ”. Ngài nói:
1. Niềm Vui
Chúa Giêsu vào Giê-ru-sa-lem. Đám đông các môn đệ tháp tùng người trong bầu khí lễ hội, họ trải áo trước mặt Người, kháo nhau về những điều kỳ diệu mà Người đã thực hiện, với những lời tán tụng cao rao: “Chúc tụng Đức Vua Đấng Nhân Danh Chúa mà đến. Bình an trên cõi trời cao, vinh quang trên các tầng trời “(Lc 19:38).
Đám đông nhảy mừng, ngợi khen, chúc tụng, an vui trong một bầu khí hoan lạc. Chúa Giêsu đã làm dấy lên những niềm hy vọng lớn, đặc biệt trong trái tim của những người đơn sơ, khiêm nhường, những người nghèo, bị lãng quên, những người chẳng đáng kể gì trong con mắt của thế giới. Người hiểu những đau khổ của kiếp người, Người đã thể hiện ra thiên nhan lòng thương xót Chúa, Người đã cúi xuống để chữa lành cơ thể và tâm hồn. Bây giờ Người đang tiến vào thành thánh! Đây là Giêsu. Đây là trái tim nhìn đến tất cả chúng ta, tận tường mọi bệnh tật và tội lỗi của chúng ta. Tình yêu của Chúa Giêsu cao cả nhường nào. Người vào Giê-ru-sa-lem với tình yêu này và đang nhìn đến tất cả chúng ta.
Đó là một cảnh huy hoàng, vui mừng và hoan lạc chứa chan ánh sáng tình yêu của Chúa Giêsu, ánh sáng của thánh tâm Người.
Vào lúc bắt đầu Thánh Lễ này, chúng ta đã lặp lại tất cả những điều này. Chúng ta đã phất cao những nhành lá, những nhánh ô-liu của chúng ta trong khi hát vang “Chúc tụng Đức Vua Đấng Nhân Danh Chúa mà đến” (Ca Nhập Lễ). Chúng ta cũng chào đón Chúa Giêsu, chúng ta cũng bày tỏ niềm vui của chúng ta được tháp tùng Người, niềm vui biết rằng Người đang gần gũi chúng ta, hiện diện trong chúng ta và giữa chúng ta như một người bạn thân, một người anh em, và cũng là một vị vua: nghĩa là, như một ngọn hải đăng soi sáng đời ta. Chúa Giêsu là Thiên Chúa, nhưng Người tự hạ mình để sánh bước với chúng ta. Người là người bạn của chúng ta, người anh em của chúng ta. Người soi sáng chúng ta trên cuộc hành trình. Và vì thế hôm nay chúng ta chào đón Người. Và như thế từ đầu tiên đến với tâm trí chúng ta là “niềm vui!” Đừng là những người nam nữ buồn sầu: một Kitô hữu không bao giờ được buồn! Không bao giờ buông mình trong chán nản! Niềm vui của chúng ta không phải là nỗi hân hoan vì có nhiều của cải, nhưng vì đã gặp được một Nhân Vật là Chúa Giêsu, niềm vui của chúng ta bùng lên khi biết rằng chúng ta không bao giờ đơn côi, ngay cả trong những thời khắc khó khăn, ngay cả khi hành trình đời ta vấp phải những vấn nạn và thử thách xem chừng không vượt qua nổi, và chồng chất hết khó khăn này đến thử thách khác! Chính là tại thời điểm này mà kẻ thù xông đến, ma quỷ hiện ra, ngụy trang dưới dạng thiên thần buông lời quỷ quyệt quyến rũ. Đừng nghe những lời ấy! Nhưng hãy tiến bước theo Chúa Giêsu!
Chúng ta tháp tùng, chúng ta cùng đi với Chúa Giêsu, nhưng trên tất cả, chúng ta biết rằng Người đồng hành với chúng ta và mang vác chúng ta trên vai Người. Đây là niềm vui của chúng ta, đây là niềm hy vọng mà chúng ta phải mang đến cho thế giới này. Chúng ta hãy mang niềm vui đức tin đến cho tất cả mọi người! Chúng ta đừng để bị cướp đi niềm hy vọng! Chúng ta đừng để bị tước mất niềm hy vọng! Một niềm hy vọng chính Chúa Giêsu ban cho chúng ta!
2. Thánh Giá
Từ thứ hai. Tại sao Chúa Giêsu vào thành Giê-ru-sa-lem? Hoặc đúng hơn: Chúa Giêsu vào thành Giê-ru-sa-lem như thế nào? Đoàn lũ dân chúng ca ngợi Người là Vua. Và Người không phủ nhận điều đó, Người không bảo họ phải im lặng (x. Lc 19:39-40). Nhưng Chúa Giêsu là Vua kiểu nào đây? Chúng ta hãy quan sát Người: Người đang cưỡi trên một con lừa, Người không đi kèm với triều đình, Người không được bao quanh bởi một đội quân biểu tượng của quyền lực. Người được đón nhận bởi những con người khiêm tốn, dân giã đơn sơ, là những người cảm nhận được những gì sâu xa hơn nơi Chúa Giêsu, những người có ý thức đức tin rằng “Đây là Đấng Cứu Độ”. Chúa Giêsu không vào thành thánh để nhận được các danh hiệu dành cho các vị vua trần thế, dành cho những người có quyền uy, hay cho những nhà cai trị, Người vào thành để bị đánh đòn, bị xúc phạm và chà đạp, như tiên tri Isaiah đã tiên báo trong bài đọc thứ nhất (x. Is 50:6). Người đi vào để nhận được mão gai, vương trượng, và một cẩm bào màu tím, vương quyền của Người trở thành một đối tượng chế nhạo. Người vào thành để vác thập giá gỗ nặng nề lên đồi Canvê. Và điều này mang lại cho chúng ta từ thứ hai: Thánh Giá. Chúa Giêsu vào thành Giê-ru-sa-lem để chết trên thập giá. Và chính là ở đây mà vương quyền của Người chiếu tỏa trong dạng thức của Thiên Chúa: ngai vàng của triều đại Người là gỗ Thánh Giá! Tôi nghĩ đến những gì Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã từng nói với các vị Hồng Y: “Anh em là hoàng tử nhưng là hoàng tử của một vị vua bị đóng đinh trên Thánh Giá” là ngai toà của Chúa Kitô. Chúa Giêsu tự chấp nhận vác lấy như vậy.. tại sao? Tại sao lại là Thánh Giá? Chúa Giêsu tự vác lấy những xấu xa, bẩn thỉu, tội lỗi của thế giới, bao gồm cả tội lỗi của chúng ta, và Ngài tẩy sạch bằng máu mình, với lòng thương xót và tình yêu của Thiên Chúa. Chúng ta hãy nhìn xung quanh: có bao nhiêu vết thương giáng xuống trên nhân loại do bởi tội lỗi! Những cuộc chiến, bạo lực, xung đột kinh tế giáng xuống trên những người yếu nhất; và sự tham lam tiền bạc mà không ai có thể chung vai gánh vác với Người. Bà tôi thường nói với con cháu rằng không tấm vải liệm nào có túi! Sự tham lam tiền bạc, quyền lực; sự băng hoại, chia rẽ là những tội ác chống lại sự sống của con người và chống lại kỳ công sáng tạo! Và mỗi người chúng ta biết rõ tội riêng của chúng ta: không kính mến Chúa, không yêu mến tha nhân và toàn thể thụ tạo. Chúa Giêsu trên thập giá cảm thấy sức nặng của tội lỗi, và với sức mạnh từ tình yêu Thiên Chúa, Ngài đánh bại tội lỗi bằng sự phục sinh của Người. Đây là điều thiện hảo mà Chúa Kitô mang đến cho tất cả chúng ta từ Thánh Giá, là ngai vàng của Người. Thánh Giá khi được đón nhận bởi tình yêu không dẫn đến nỗi buồn, nhưng là niềm vui! Niềm vui được cứu độ và thực hiện một ít những gì Chúa đã làm trong ngày Người chịu nạn.
3. Tuổi trẻ
Hôm nay tại quảng trường này, có rất nhiều các bạn trẻ: 28 năm qua ngày Chúa Nhật Lễ Lá đã là Ngày Giới Trẻ Thế Giới! Đây là từ thứ ba của chúng ta: tuổi trẻ! Các bạn trẻ thân mến, cha nghĩ đến các con đang mừng lễ chung quanh Chúa Giêsu, đang vẫy những nhánh ô liu của mình. Cha nghĩ đến các con đang kêu cầu danh thánh Người và bày tỏ niềm vui của các con được kề cận bên Người! Các con đóng một phần quan trọng trong việc cử hành đức tin! Các con mang lại cho chúng ta niềm vui của đức tin và bảo cho chúng ta biết rằng chúng ta phải luôn luôn sống đức tin với một trái tim trẻ, ngay cả ở tuổi bẩy mươi hay tám mươi. Một trái tim trẻ! Với Chúa Kitô, trái tim không bao giờ già! Tuy nhiên, tất cả chúng ta, tất cả các con đều biết rất rõ rằng vua mà chúng ta đang tháp tùng và là Đấng đồng hành với chúng ta rất đặc biệt: Người là một vị vua yêu thương thậm chí đến tột đỉnh là Thập Giá và là Đấng dạy chúng ta biết phục vụ và yêu thương. Và các con không phải xấu hổ vì Thánh Giá của Người! Ngược lại, các con đón nhận Thánh Giá ấy, bởi vì các con đã hiểu rằng chính khi tự hiến chính mình, chúng ta đạt đến niềm vui chân thật và rằng Thiên Chúa đã chiến thắng sự ác bằng tình yêu. Các con mang Thánh Giá hành hương qua tất cả các châu lục, dọc theo những xa lộ trên thế giới! Các con thực hiện điều đó để đáp lại lời mời gọi của Chúa Giêsu: “Hãy đi, và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28:19), là chủ đề của Ngày Giới Trẻ Thế giới năm nay. Các con thực hiện điều đó để nói với mọi người rằng trên Thánh Giá Chúa Giêsu xô ngã mọi bức tường thù hận chia rẽ các dân nước, và Người đã mang đến hòa giải và hòa bình.
Các con thân mến, Cha cũng cất bước trên cuộc hành trình với các con, từ hôm nay, theo bước chân của Chân phước Gioan Phaolô II và của Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16. Chúng ta đã gần đến giai đoạn tiếp theo của cuộc đại hành hương Thánh Giá của Chúa Kitô. Cha hân hoan mong đợi tháng Bảy sắp tới tại Rio de Janeiro! Cha sẽ nhìn thấy các con trong kinh thành vĩ đại này của Brazil! Hãy chuẩn bị tốt – trên tất cả là chuẩn bị về mặt siêu nhiên – trong các cộng đoàn của các con, để cuộc tụ họp của chúng ta tại Rio có thể là một dấu chỉ đức tin cho toàn thế giới. Những người trẻ tuổi cần phải nói với thế giới: “Theo Chúa Giêsu thật tốt dường nào, đi với Chúa Giêsu thật tốt biết bao, sứ điệp của Chúa Giêsu là thiện hảo, đúng là phải thoát ra khỏi chính mình, từ khắp cùng bờ cõi trái đất để mang Chúa Giêsu đến cho những người khác! “
Như thế chúng ta có ba từ này: Niềm Vui, Thánh Giá và Tuổi Trẻ. Chúng ta hãy cầu xin sự chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria. Mẹ dạy chúng ta niềm vui gặp gỡ Chúa Kitô, và tình yêu mà chúng ta phải nhìn vào chân Thánh Giá, cũng như sự nhiệt tình của trái tim trẻ trung chúng ta cần có khi theo Người trong suốt Tuần Thánh và trong suốt cuộc đời của chúng ta. Amen.
Cuối thánh lễ, Đức Thánh Cha đã dùng xe jeep mui trần để chào thăm các tín hữu. Ngài thường xuyên dừng lại để hôn các cháu bé, và những người khuyết tật.
Các nhân viên bảo vệ an ninh tại Vatican dường như đã có thể đề ra những phương cách bảo vệ an ninh mới phù hợp với Đức Tân Giáo Hoàng. Họ phối hợp tốt hơn với ngài.
Nguồn: Vietcatholic