Loan báo Tin Mừng hôm nay và những thách thức của nó
(Bài thuyết trình của ĐTGM Phêrô Nguyễn Văn Nhơn trong Đại hội Giáo lý toàn quốc lần 3)
Nội dung của Đại Hội Giáo lý III là trao đổi về “Giáo lý trong viễn tượng Loan Báo Tin Mừng”. Nói theo tài liệu hướng dẫn Đại Hội thì “Đây là lúc chúng ta khám phá lại căn tính của việc dạy giáo lý bằng cách đặt nó vào khung cảnh của việc Loan Báo Tin Mừng (LBTM)”. Vì vậy, tôi cố gắng trình bày đề tài Loan Báo Tin Mừng thế nào để bài tiếp theo, thuyết trình viên có thể xác định được tương quan và chỗ đứng của việc dạy giáo lý trong công cuộc LBTM.
Tông Huấn Loan Báo Tin Mừng (8-12-1975) đã đề nghị một trong những nguyên tắc cần được nhấn mạnh đó là:” việc dạy giáo lý là một hoạt động loan báo Tin Mừng nằm trong khuôn khổ sứ mạng lớn lao của Hội Thánh. Từ nay trở đi, hoạt động giáo lý phải luôn luôn được coi là thành phần trong những nhu cầu khẩn thiết và những ưu tư đặc thù của mệnh lệnh truyền giáo cho thời đại chúng ta” (HDTQ số 4). Tông Huấn “Dạy Giáo lý” (16-10-1979) “xác định lại vị trí của việc dạy giáo lý trong khuôn khổ của việc loan báo Tin Mừng”. (HDTQ 5).
Ban tổ chức đã giới hạn việc triển khai đề tài trong một số điểm, để tránh đi tản mác quá xa trong khi thời gian Đại Hội quá vắn vỏi. Trình bày đề tài “Loan báo Tin Mừng và những thách thức của nó” (HDTQ số 46-59) để giúp tham dự viên hiểu ý nghĩa và tiến trình của việc rao giảng Tin Mừng cũng như sự cấp bách và những thách thức của nó do tác động của những thay đổi sâu rộng và mau chóng về kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa và tôn giáo trên thế giới cũng như trên đất nước”.
Tôi sẽ cố gắng trình bày vắn tắt bốn điểm sau đây:
1. Loan báo Tin Mừng. (LBTM)
2. Tiến trình LBTM
3. Sự cấp bách của việc LBTM
4. Những thách thức của việc LBTM
————————–
1. Loan báo Tin Mừng
Evangelizatio: (Loan báo Tin Mừng – Rao giảng Tin Mừng – Truyền giảng Tin Mừng – Truyền giáo – Phúc âm hóa …) có thể hiểu theo bốn nghĩa:
Nghĩa rộng: bất cứ công việc, công tác nào nhằm làm cho mọi thực tại trần thếtrở nên phù hợp với chương trình của Thiên Chúa, làm cho tinh thần và nội dung Tin Mừng thấm nhập vào các thực tại trần thế đều được coi là LBTM. Ví dụ: một chủ xí nghiệp mời công nhân tới dự một buổi tiệc … Bữa tiệc là việc bình thường, công nhân dùng một bữa tiệc vào dịp này dịp khác (tăng lương, thăng cấp …) cũng là việc bình thường nhưng nếu muốn tổ chức bữa tiệc đó vào dịp lễ Noel để mừng ngày Chúa Giáng sinh thì nó cũng đã góp phần vào việc loan báo mầu nhiệm Thiên Chúa làm Người, loan báo tình thương của Thiên Chúa dành cho con người, cách riêng người lao động, nghèo khó.
Nghĩa hẹp hơn: việc thi hành các hoạt động ngôn sứ, tư tế và vương giả (tức là cộng tác vào ba chức năng của Đức Kitô) đế nhằm xây dựng Hội Thánh theo ý định của Chúa (khác với hoạt động của các tổ chức dân sự hoặc xã hội). Ví dụ: cổ võ hay tổ chức việc đọc kinh tối gia đình để cảm tạ Chúa về một ngày sống đã qua đi trong bình an hay để cầu nguyện cho những nhu cầu tinh thần và vật chất của cuộc sống, hoặc để qui tụ thành cộng đoàn huynh đệ cũng là một cách thức LBTM, vì loan báo Thiên Chúa luôn hiện diện ở giữa loài người, chăm sóc con người, đồng hành với con người và con người có thể gặp gỡ Ngài, chúc tụng, ngợi khen, cảm tạ Ngài bất cứ nơi nào, lúc nào, với ai…
Nghĩa chặtchẽ: những hoạt động nhằm giúp conngười nhận biết Chúa , sám hối và quay trở về với Chúa, giúp người tín hữu đào sâu đức tin để sống xác tín hơn (loan báoTin Mừng, dạy giáo lý, giảng thuyết, v.v).
Nghĩa chuyên môn: loan báoTin Mừng cho những miền, vùng, quốc gia chưa biết Chúa, chưa bao giờ được nghe nói về Chúa: (Ad Gentes :“Đến với muôn dân”, “Đến với lương dân” dưới sự chăm sóc của Bộ Truyền giáo ). Ngày nay, không thể phân chia ranh giới “biết Chúa và không biết Chúa” chẳng hạn như: Trong một vùng, có lẫn lộn những người chưa bao giờ nghe nói về Chúa, nghe nói nhưng không quan tâm, có đạo nhưng sống như không có đạo, đạo tùy mùa tùy dịp…
Ngày nay, khi nói LBTM cách tổng quát, không đặt trong một bối cảnh đặc biệt, thì chúng ta dừng lại ở nghĩa thông thường: đem Tin Mừng của Chúa đến cho người khác, cách riêng cho người chưa biết Chúa, hoặc mới biết Chúa cách mơ hồ, hoặc biết nhưng không gắn bó, biết nhưng đồng thời cũng tôn thờ những ngẫu tượng khác…
2. Tiến trình của việc LBTM
Đức Kitô hôm qua cũng như hôm nay và mãi như thế đến muôn đời nghĩa là: không có gì thay đổi nơi Người. Nhưng con người đón nhận Tin Mừng thì có nhiều khác biệt trong nhận thức, trong nếp sống, trong niềm tin .. Vì thế, cách thức RGTM cũng phải thích ứng với con người, với hoàn cảnh…
Việc rao giảng đầu tiên là “mạc khải Đức Giêsu Kitô và Tin Mừng của Người cho những ai chưa biết đến, đó là chương trình căn bản mà Đấng sáng lập Giáo Hội đã giao cho Giáo Hội đảm nhận từ buổi sáng ngày Hiện Xuống (…). Do bởi ngày nay có những hoàn cảnh đức tin Kitô-giáo sa sút, việc loan báo đầu tiên ấy cũng tỏ ra cần thiết hơn mãi cho đông đảo những người đã được thanh tẩy nhưng sống bên ngoài mọi nếp sống Kitô-giáo, cho những người chất phác vẫn có đức tin cách nào đó nhưng lại chỉ biết lờ mờ về các nền tảng của đức tin, cho những nhà trí thức đang cảm thấy nhu cầu hiểu biết Đức Giêsu Kitô dưới một ánh sáng khác với những gì đã được học khi còn bé …” (LBTM 51-52).
Khai Tâm Kitô Giáo mà qua đó những người nhờ ơn Chúa quyết định theo Đức Kitô được dẫn nhập vào tín lý, vào đời cầu nguyện và phụng tự, và vào đời sống nhân chứng. Việc khai tâm Kitô giáo được hoàn thành nhờ việc dạy Giáo Lý có liên quan đến việc lãnh nhận các Bí Tích Khai Tâm (Thánh Tẩy, Thêm Sức và Thánh Thể) . Việc dạy Giáo Lý này dành cho những người dự tòng (trưởng thành chưa được rửa tội), những người trưởng thành đã được rửa tội nhưng chưa hoàn toàn hiệp thông với Hội Thánh Công Giáo, và những người Công Giáo cần hoàn tất việc khai tâm, hay trở lại sống Đức Tin, và những trẻ em hay thanh thiếu niên đã được rửa tội đang lớn lên trong sự hiểu biết và thực thi Đức Tin Công Giáo. Việc giáo dục và đào luyện Công Giáo có thể xảy ra tại gia đình, tại các trường Công Giáo, tại giáo xứ hay trong các chương trình giáo dục tôn giáo thuộc về phần vụ của tác vụ Lời Chúa.
Kết thúc giai đoạn này, Phụng vụ có “Nghi thức gia nhập Kitô giáo cho người lớn”, một Nghi thức mà nếu chúng ta áp dụng đúng, sẽ mang lại nhiều kết quả thiêng liêng và cũng là một “giáo án” giáo lý rất lý tưởng.
Đại cương chúng ta có những giai đoạn như sau:
1. Giai đoạn 1: Nghi lễ nhận làm người dự tòng: sau khi đã chấp nhận Tin Mừng và bắt đầu tin, đã hoàn tất giai đoạn bắt đầu tìm hiểu Phúc âm, bắt đầu trở lại, có đức tin và hiểu biết Hội thánh, đã tiếp xúc với LM hoặc một số người của cộng đồng và đã được chuẩn bị để lãnh nhận nghi lễ phụng vụ này. Nghi thức gồm một số nội dung : gặp gỡ đối thoại, từ bỏ việc thờ tự ngoại giáo, làm dấu Thánh giá, đưa vào thánh đường, cử hành Lời Chúa, trao sách Phúc âm.
2. Giai đoạn 2: Nghi lễ Tuyển chọn, Thanh tẩy và Soi sáng: Vào đầu mùa Chay là thời kỳ chuẩn bị gần cho việc lãnh nhận các bí tích qua việc cử hành nghi lễ “tuyển chọn”, tức là “nghi lễ ghi danh”. Trong nghi lễ này, sau khi đã nghe lời chứng của người đỡ đầu và người dạy giáo lý, và dựa vào quyết tâm của những người dự tòng, Hội Thánh xét đoán về tình trạng chuẩn bị của họ mà quyết định có nên cho họ chịu các bí tích “vượt qua” hay không… Muốn được ghi vào sổ những người được tuyển chọn, mỗi người phải có đức tin sáng suốt và ý chí cương quyết lãnh nhận các bí tích của Hội Thánh. Tuyển chọn xong, phải thúc đẩy người dự tòng theo Chúa Kitô cách quảng đại hơn.
Hội thánh coi việc tuyển chọn này là mối bận tâm chính đối với những người dự tòng. Do đó, sau khi đã cân nhắc kỷ lưỡng, Giám mục, linh mục, phó tế, người dạy giáo lý, người đỡ đầu và tất cả cộng đồng địa phương, mỗi người tùy chức vị và cách thức của mình, mà bày tỏ ý kiến về trình độ hiểu biết và tiến trình của người dự tòng. Sau cùng, mọi người sẽ tận tình cầu nguyện cho những ai đã được tuyển chọn, để tất cả Hội thánh đều dẫn họ đi đón Chúa Kitô.Thời gian Thanh tẩy và Soi sáng thường ở trong Mùa Chay và bắt đầu từ ngày được tuyển chọn. Trong thời gian này, các người dự tòng cùng với các người địa phương chuyên lo việc thiêng liêng (tĩnh tâm) để chuân bị mừng lễ Phục sinh và bắt đầu lãnh nhận các bí tích. Để đạt mục đích đó, sẽ có những nghi thức khảo hạch, nghi thức trao kinh và nghi thức chuẩn bị trực tiếp.
3. Giai đoạn III : Cử hành các Bí tích Nhập đạo (Rửa tội – Thêm sức – Thánh Thể:Thường cử hành vào Đêm Vọng Phục Sinh. Vì lễ nghi Đêm nầy rất long trọng và chiếm nhiều thời gian, nên có nguy cơ bị cám dỗ rút ngắn và làm nhanh phần nầy, xúc phạm đến sự thánh thiêng của Bí tích và cũng phản giáo dục đối với các Dự tòng đang sốt sắng đón nhận hồng ân Chúa và tham dự vào mầu nhiệm Chúa Sống lại.
Thời kỳ Nhiệm huấn:
Để cho những bước đầu của các tân tòng được vững chắc, ước gì trong mọi hoàn cảnh, họ được cộng đồng tín hữu, các người đỡ đầu và các chủ chăn, chăm chú và tận tình giúp đỡ. Hãy cố hết sức liệu sao cho họ được vui vẻ hòa mình hoàn toàn vào đời sống cộng đoàn. Suốt mùa Phục Sinh, trong các lễ chúa nhật, nên dành chỗ đặc biệt cho các tân tòng. Tất cả các tân tòng hãy cùng với các người đỡ đầu, siêng năng tham dự thánh lễ. Trong bài giảng và tùy nghi, trong lời nguyện tín hữu, nên nhắc nhớ đến họ.
Cuối mùa Phục Sinh, khoảng lễ Hiện Xuống, để kết thúc thời kỳ nhiệm huấn, nên tổ chức một cuộc lễ nào đó, thêm cả những hình thức long trọng bề ngoài theo thói quen địa phương.
Ngày giáp năm lãnh nhận bí tích Rửa tội, ước mong các tân tòng họp nhau lại để tạ ơn Thiên Chúa, trao đổi với nhau những kinh nghiệm thiêng liêng và lãnh thêm sinh lực mới..
Để bắt liên lạc mục vụ với các phần tử mới trong Giáo Hội của ngài, Đức Giám mục phải liệu làm hết sức để có thể ít là mỗi năm một lần, tập họp các tân tòng lại và chủ sự một thánh lễ, trong đó ngài cho họ rước lễ dưới hai hình, nhất là khi chính ngài đã không chủ sự được các bí tích nhập đạo.
Việc dạy giáo lý thường trựccho những người đã được hoàn toàn khai tâm vào Đức Tin để giúp họ đào sâu kiến thức và thực thi Đức Tin suốt đời.
Tham gia Phụng Vụ Thánhmà một phần trong đó là tác vụ Lời Chúa (phần quan trọng nhất là bài giảng; cũng gồm cả những lời chỉ dẫn trong khi sửa soạn và cử hành các Bí Tích). Chính việc tham dự Thánh Lễ phải được coi là “một phương tiện chính trong việc giáo dục Đức Tin”.
Học Thần Học Thánhmà để qua đó chân lý Đức Tin được nghiên cứu một cách có hệ thống và khoa học để có thể hiểu các chân lý này cách tường tận hơn.
3. Sự cấp bách của việc LBTM
Giáo Hội ý thức sâu sắc rằng lời Đức Giêsu: “Ta phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa” (Lc 4,43) áp dụng hoàn toàn chính xác cho mình. Tất cả nơi Đức Kitô là loan báo Tin Mừng : Nhập Thể, phép lạ, giảng dạy, chiêu tập môn đệ, ban Thánh Thần và sai đi, chết và sống lại, hiện diện thường xuyên…
Giáo Hội đón nhận lời của thánh Phaolô, nhà truyền giáo lớn nhất của Kitô giáo như một lời nhắc nhở thường xuyên cho mình: “Đối với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không loan báo Tin Mừng” (1 Cr 9,16).
Vì thế, Giáo Hội khẳng định : “Chúng tôi muốn xác định một lần nữa rằng nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng cho mọi người là sứ mệnh chính yếu của Giáo Hội” (Tuyên bố của các Nghị Phụ 10/1974). … “Thật vậy, rao giảng Tin Mừng là ân huệ và ơn gọi đặc biệt của Giáo Hội, là chân tính sâu xa nhất của Giáo Hội. Giáo Hội hiện hữu để loan báo Tin Mừng, nghĩa là để rao giảng và dạy dỗ, làm kênh rạch chuyển thông ơn thánh, giải hòa tội nhân với Thiên Chúa, làm cho cuộc tế hiến của Đức Kitô vẫn tồn tại mãi trong thánh lễ là lễ tưởng niệm Người chịu chết và sống lại vinh quang” (Phaolô VI, LBTM, 14).
Trong Sứ điệp ngày Truyền Giáo năm 1974 (20/10/1974), Đức Phaolô VI nói : “Không những việc truyền giáo là hết sức cần thiết, mà còn là việc cấp bách phải làm ngay. “Tình yêu Chúa Kitô thúc bác chúng ta” (2 Cr 5,14). Từ khi thánh Phaolô thốt lên lời đó cho đến hôm nay, tình trạng truyền giáo trong thế giới có nhiều điểm bắt chúng tôi phải âu lo và buồn lòng. Việc thừa sai truyền giáo đã diễn tiến quá chậm. Người ta quen nói, để chữa mình, là Giáo Hội phải bắt chước Chúa mà nhẫn nại. Đúng, Chúa nhẫn nại vì Chúa hằng có đời đời ; Chúa có giờ của Chúa, và dù nôn nóng đến đâu chúng ta cũng không nên kẻo sớm hơn giờ của Chúa. Tuy nhiên, chúng ta quên rằng chính chúng ta, vì ích kỷ đáng tội, vì biếng nhác, vì thiếu nhiệt tâm trong việc truyền giáo, mà nói được là chính chúng ta bắt Chúa phải nhẫn nại, phải đặt chân trong lối bước đi quá chậm chạp của chúng ta. Đang khi Chúa là Tình Yêu, và vì thế, Chúa nôn nóng thông ban Mình cho con người. Chính Chúa Cứu Thế đã nói lên lời này, lời nóng bỏng như một dòng nước lửa của hỏa diệm sơn, là: “Ta đem lửa xuống đất này mà Ta không tha thiết cho nó cháy lên sao ?” (Lc 12,49).
4. Những thách thức của việc LBTM
a. Tình trạng chung:
ĐTC Biển Đức XVI đã cho công bố Tông Thư Tự Sắc của ngài về quyết định thành lập Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng.Tự sắc mang tựa đề “Ubicumque et semper” (“Ởmọi nơi và mãi mãi”), trong đó sau khi nhắc đến nghĩa vụ ngay từ đầu của Giáo Hội là rao giảng Tin Mừng cứu độ của Chúa Kitô, ĐTC nói đến hiện tượng nhiều nước Kitô giáo kỳ cựu đang chịu ảnh hưởng nặng nề của trào lưu tục hóa, xa lìa đức tin Kitô, trào lưu vô thần thực hành lan tràn cùng với sự dửng dưng đối với tôn giáo. Ngài viết: “Một đàng nhân loại ngày nay được những lợi ích tỏ tường do những biến đổi xã hội, những tiến bộ vượt bực của khoa học và kỹ thuật… và Giáo Hội được kích thích nhiều trong việc làm chứng về niềm hy vọng của mình (Xc 1 Pr 3,15), nhưng đàng khác người ta nhận thấy có sự đánh mất đáng lo âu về ý nghĩa thánh thiêng, và người ta đi đến độ đặt lại vấn đề về những nền tảng trước kia không hề bị tranh cãi, như niềm tin nơi một Thiên Chúa đấng sáng tạo và quan phóng, mạc khải của Chúa Giêsu Kitô đấng cứu độ duy nhất, và quan niệm chung về những kinh nghiệm cơ bản của con người như sinh, tử, sống trong một gia đình, sự tham chiếu luật luân lý tự nhiên..Đây chính là “sa mạc nội tâm” chứ không phải là một cuộc giải phóng con người.”
b. Còn Việt Nam chúng ta?
Theo dòng xoáy của cơn lốc kinh tế thị trường và toàn cầu hóa, mọi người dân “bị đẩy” vào cuộc chạy đua, và các tín hữu cũng vậy. Tại một số nơi, những giờ kinh truyền thống gia đình đã bắt đầu được thay thế bằng giờ truyền hình đầy hấp dẫn. Đa số các bạn trẻ vùng quê di cư lên thành phố lớn để lao động trong các nhà máy, xí nghiệp. Rời lũy tre làng, các bạn bắt đầu tự lập ở chốn phồn hoa, với nhiều lôi cuốn. Nhiều bạn sống buông thả, sống thử trước hôn nhân; và hậu quả là không ít những ca nạo phá thai là người Công giáo. Bên cạnh đó, viện cớ mưu sinh, nhiều người đã không còn sống đạo. Họ chấp nhận những gian dối trong thi cử, làm ăn để miễn sao có địa vị và giàu có.
Nhiều người nhận xét rằng, đời sống đức tin của giáo dân Việt Nam không sâu. Hình như đang thịnh hành một lối giữ đạo hình thức: tất cả đều muốn biểu dương ra bên ngoài, từ việc cầu nguyện, phụng vụ và sinh hoạt giáo xứ. Giáo dân giữ đạo theo phong trào. Các buổi rước kiệu, dâng hoa, chầu lượt, kính thánh bổn mạng… mang nặng tính chất “hội” nhiều hơn “lễ”. Trình độ giáo lý của giáo dân còn thấp, giáo dân dường như còn “xa lạ” với Tin Mừng. Vai trò của Giáo dân trong Giáo Hội còn mờ nhạt.
Kết luận: Vì vậy phải Tân Phúc âm hóa:
Xưa cũng như nay, chỉ có một Phúc Âm hay Tin Mừng duy nhất, trường cửu: “Đức Giêsu Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay và như vậy đến muôn đời” (Dt 13,8). Tuy nhiên trong một xã hội đa dạng, phức tạp và thay đổi không ngừng như xã hội chúng ta, dĩ nhiên phương pháp và cách thế loan báo Tin Mừng phải luôn luôn được cập nhật hóa, ngõ hầu đáp ứng nhu cầu và yêu sách đặc biệt của thời đại. Đối diện với tình trạng thụ động, thờ ơ, buông xuôi, hờ hững với sứ vụ sống và rao truyền Tin Mừng của rất nhiều người Công giáo thời nay, yêu cầu tiên quyết là làm sao có được một khí thế và sự nhiệt thành mới. Hơn bao giờ hết, Giáo Hội cần những tín hữu biết đào sâu đức tin, sống trung thực với lý tưởng của mình và can đảm, hăng say, nhiệt thành loan báo Tin Mừng cho những người chung quanh.
Ngay từ buổi đầu triều đại Giáo Hoàng của Đức Gioan Phaolô II, “Tân Phúc Âm hóa”(có khi gọi“Tái RGTM”)đã trở thành một đề tài quan trọng, thường xuyên được ngài đề cập trong các văn kiện, nhất là trong các cuộc viếng thăm mục vụ ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt tại Mỹ châu La tinh và Âu châu. Trước ngưỡng cửa ngàn năm thứ ba, “Tân Phúc Âm hóa”, hiểu theo nghĩa “mới trong sự nhiệt thành, trong phương pháp, trong lối diễn tả”( ngỏ lời trước Hội nghị các Giám mục Mỹ châu La tinh họp tại Port-au-Prince, Haiti, ngày 9 tháng 3 năm 1983, Đức Gioan Phaolô II đã xác định rõ như vậy) đã trở thành chương trình mục vụ chung của toàn thể Giáo Hội Công giáo.
Cũng trong chiều hướng ấy, ngày 28-06-2011, trong giờ Kinh Chiều, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI tuyên bố thành lập Hội đồng Tòa Thánh về Tân Phúc Âm hóa. Hội đồng này có nhiệm vụ “cổ võ việc đổi mới công cuộc truyền giáo tại các quốc gia mà đức Tin đã được loan báo sớm nhất và Giáo Hội đã được thiết lập từ lâu, nhưng nay xã hội đang bị tục hóa và mất dần cảm thức về Thiên Chúa”. ĐTC công bố : “Sau khi đã tham khảo hàng giám mục trên toàn thế giới và đã hội ý với hội đồng thường trực của văn phòng tổng thư ký THĐGM, tôi đã quyết định triệu tập THĐGM thế giới sắp tới vào năm 2012 với chủ đề như sau: “Tái truyền giảng Tin Mừng để thông truyền đức tin Kitô giáo”.
Việc LBTM đã khởi sự từ chính Đức Giêsu Kitô và tiếp nối bởi Giáo Hội từ thời các thánh Tông đồ cho đến thời đại chúng ta.Mọi thành phần Dân Chúa được mời gọi tham gia vào sứ mệnh này do chính bản chất của Hội Thánh là Truyền Giáo và mỗi tín hữu bởi chính bí tích Rửa tội và Thêm sức. Tuy nhiên, trong Giáo Hội, thành phần giáo dân là tuyệt đại đa số, hiện diện trong mọi nơi chốn, hoạt động trong mọi lãnh vực. Nếu thành phần lại thờ ơ, lãnh đạm với công cuộc Truyền giáo thì chắc chắn việc LBTM không thể thực hiện như ý Chúa muốn là Tin Mừng phải được loan báo “cho đến tận cùng trái đất”. Vì vậy, để kết thúc bài chia sẻ này mà chắc mọi người đều nhận thấy còn rất nhiều thiếu sót, tôi xin lăp lại lời của ĐTC Chân Phước Gioan Phaolô II ngõ với Giáo Hội toàn cầu, cách riêng là với Giáo Hội tại Châu Á : “Như Công Đồng Vatican II đã chỉ rõ, ơn gọi của giáo dân đặt họ ngay vào trong thế giới để thi hành những phận vụ đa dạng nhất, chính tại đây họ được mời gọi loan báo Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô. Do ân sủng và do tiếng gọi của bí tích Thánh Tẩy và Thêm Sức, mọi giáo dân đều là nhà Truyền giáo, và địa bàn truyền giáo của họ là cả một thế giới rộng lớn và phức tạp như : chính trị, kinh tế, công nghiệp, giáo dục, truyền thông, khoa học, kỷ thuật và thể thao. Tại nhiều nước Á Châu, người giáo dân đang phục vụ như những nhà truyền giáo đích thực, vì họ có thể tiếp xúc với những anh chị em Á Chấu, những người không có điều kiện gặp gỡ các giáo sĩ và tu sĩ. Tôi xin gửi lời cám ơn của toàn thể Giáo Hội đến họ, và tôi khuyên tất cả các giáo dân hãy nhận lấy vai trò riêng của mình trong đời sống và sứ mạng của Dân Chúa, là làm chứng cho Đức Kitô ở bất cứ nơi nào mình có mặt”.
ĐTGM Phêrô Nguyễn Văn Nhơn
Nguồn: tgpsaigon.net