CHIA SẺ CHỦ ĐỀ MỤC VỤ NĂM 2014
PHÚC-ÂM- HÓA ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH
LỜI NÓI ĐẦU
Nhằm cổ vũ và khơi dậy những giá trị tốt đẹp của gia đình Việt nam và giúp thăng tiến đời sống gia đình công giáo, Thư Định Hướng Mục Vụ của giáo phận năm 2014 dạy: Ngoài việc rất quan trọng là đưa Lời Chúa vào thực hành,“chúng ta cần học hỏi về giáo huấn của Giáo hội về hôn nhân và gia đình, để có được những nhận thức ngày càng sâu sắc hơn về giáo lý đức tin, về linh đạo gia đình và những hướng dẫn chuyên biệt cho nếp sống của một “Hội Thánh tại gia”… Dựa theo định hướng nói trên, tập sách này được viết như là một góp phần nhỏ bé cho việc học hỏi chủ đề mục vụ Phúc-Âm-hóa đời sống gia đình (năm 2014) với các đề tài cụ thể như sau:
(Bài 01) Gia đình – Cộng đoàn tình yêu. (Bài 02) Gia đình – Cộng đoàn đón nhận, sống và loan báo Tin Mừng. (Bài 03) Đạo hiếu dưới Ánh sáng Tin Mừng. (Bài 04) Gia đình cầu nguyện. (Bài 05) Biết sám hối, nhận lỗi và thứ tha. (Bài 06) Hy sinh cho nhau. (Bài 07) Gia đình thủy chung. (Bài 08) Gia đình phục vụ sự sống. (Bài 09) Sinh dưỡng và giáo dục con cái. (Bài 10) Trên thuận dưới hòa. (Bài 11) Sống tử tế với mọi người, (Bài 12) Sống công bằng và tôn trọng sự thật.
Hình thức triển khai. Mỗi đề tài, tùy dài ngắn và tùy theo đối tượng khác nhau, các đấng tùy nghi lựa chọn thế nào cho phù hợp. Mỗi bài được triển khai gồm các phần mục sau:
Phần 1: Dẫn nhập.
Phần 2: Diễn giải trong 2 hoặc 3 điểm nhỏ (Có ghi chú, trích từ nguồn để tiện tham khảo)
Phần 3: Một vài áp dụng cụ thể.
Phần 4: Lời kết.
Phần 5: Câu hỏi gợi ý cho buổi thảo luận.
Ban Huấn Giáo
Bài 01: GIA ĐÌNH, CỘNG ĐOÀN TÌNH YÊU
Dẫn nhập
Thiên Chúa đã muốn thông chia sự sống và hạnh phúc của Ngài cho loài người. Đặc biệt Thiên Chúa đã chúc phúc cho tình yêu của người nam và người nữ trong đời sống hôn nhân gia đình, để họ sống cho nhau, và để tình yêu của họ phản ảnh vẻ đẹp và sự phong nhiêu của tình yêu Thiên Chúa. Sách Sáng Thế đã ghi rõ: “Theo hình ảnh của Thiên Chúa, Người đã dựng nên họ là nam là nữ, Người đã dựng nên chúng. Và Thiên Chúa đã chúc lành cho chúng, và Thiên Chúa phán với chúng: “Hãy sinh sôi nảy nở và hãy nên đầy dãy trên đất, và hãy bá chủ nó! Hãy trị trên cá biển và chim trời, và mọi loài sinh vật nhung nhúc trên đất” (St 1, 27-28).
“Việc canh tân Hội Thánh phải được bắt đầu từ mỗi gia đình, do đó, Hội Thánh đặc biệt quan tâm đến các gia đình” [1]. Trong tinh thần năm mục vụ Phúc Âm Hóa Đời Sống Gia Đình chúng ta trở về với nguồn gốc Kinh Thánh để suy gẫm về ơn gọi gia đình là cộng đoàn tình yêu, là họa ảnh của Thiên Chúa Tình Yêu.
1. Gia đình, họa ảnh của Thiên Chúa tình yêu
– Theo mặc khải của Kinh Thánh, Thiên Chúa chúng ta là Thiên Chúa Duy Nhất, chỉ một mình Ngài là chủ tể muôn loài[2]. Chúng ta cần nắm rõ cách hiểu về Thiên Chúa Duy Nhất trong Kinh Thánh. Thiên Chúa không như các nam thần hay nữ thần trong thần thoại Hy Lạp hay nơi các tôn giáo khác, Ngài không có phái tính[3]. Thánh Gioan cho biết một định nghĩa tuyệt vời của mạc khải: “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,8.16). Thiên Chúa là tình yêu, và vì tình yêu đòi phải có đối tượng được yêu thương, nên Thiên Chúa duy nhất không thể là một ngôi vị đơn độc[4]. Mạc khải cho chúng ta biết Thiên Chúa duy nhất trong Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Trong kinh Tin Kính chúng ta tuyên xưng: từ đời đời Cha đã sinh ra Con[5]. Chúa Cha và Chúa Con yêu thương nhau và Chúa Thánh Thần chính là tình yêu phát xuất từ Chúa Cha và Chúa Con[6]. Như vậy tự bản chất Thiên Chúa không có phái tính nhưng nơi Ngài chúng ta nhận ra hai động tác đặc thù của gia đình là yêu và sinh sản.
Từ mặc khải nền tảng và vô cùng huyền nhiệm trên, chúng ta có thể rút ra những hệ luận: Phái tính và tình yêu là hai thực tại khác nhau. Thiên Chúa là tình yêu nhưng không có phái tính. Như vậy tình yêu thuộc thực tại thần linh, còn phái tính là thực tại hoàn toàn có tính nhân loại. Chính vì tình yêu mang tính thần linh nên tình yêu bất diệt, còn phái tính thuộc về thể xác nên rồi sẽ qua đi. Và chính vì thế, tình yêu là yếu tố quan trọng nhất trong quan hệ giữa người nam và người nữ, cũng là yếu tố quan trọng nhất trong đời sống gia đình. Như thế, khi một hành động phái tính mà thiếu vắng tình yêu thì hạ thấp con người xuống hàng thú vật, chỉ còn là những ham muốn nhục dục tạm thời và chóng qua.
– Mầu nhiệm của Thiên Chúa gắn liền với chân lý về con người. Khi mạc khải về chính Ngài, Thiên Chúa cũng mạc khải chân lý về con người. Kinh Thánh nói với chúng ta rằng: “Con người là hình ảnh của Thiên Chúa”. Điều làm cho con người giống Thiên Chúa trước hết và trên hết chính là tình yêu. Là hình ảnh của Thiên Chúa tình yêu, nên con người được mời gọi sống yêu thương, và ơn gọi ấy được thể hiện cách đặc biệt trong giao ước hôn nhân. Khi tạo dựng con người có nam có nữ, Thiên Chúa cũng ban cho con người trái tim biết yêu thương như Thiên Chúa. Đây chính là mạc khải nền tảng về con người và đời sống xã hội. Con người được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa nên phải giống với Thiên Chúa về hành vi và phẩm hạnh. Vì có tình yêu nên con người có đời sống xã hội, chứ không sống đơn độc riêng lẽ. Chính tình yêu thúc đẩy con người sống thành gia đình, đoàn thể, xã hội, quốc gia…và trong cuộc sống đoàn thể ấy, gia đình chính là nền tảng của xã hội và Giáo Hội, là cộng đoàn yêu thương, là dấu chỉ sống động của tình yêu Thiên Chúa, Thư chung của HĐGMVN 2013 viết: “Gia đình là cộng đoàn yêu thương bằng tình yêu hợp nhất thủy chung, xuất phát từ Thiên Chúa Tình Yêu. Mối tương quan giữa vợ chồng, cha mẹ và con cái cũng như giữa anh chị em với nhau, phải là dấu chỉ sống động của Tình Yêu Thiên Chúa”[7].
Đức Chân phước Gioan Phaolô II trong Tông Huấn về Gia Đình Familiaris Consortio đã giải thích: “Thiên Chúa đã tạo dựng con người theo hình ảnh và giống như họa ảnh của Ngài (x. St 1, 26t). Khi vì yêu thương mà kêu gọi con người bước vào cuộc sống, Ngài cũng đồng thời mời gọi họ sống cho tình yêu. Thiên Chúa là Tình yêu (1Ga 4, 8), Ngài đang sống mầu nhiệm hiệp thông yêu thương giữa các ngôi vị. Khi tạo dựng nhân tính của người nam và người nữ theo hình ảnh Ngài và liên lỉ bảo toàn cho nhân tính ấy được hiện hữu, Thiên Chúa ghi khắc vào đó ơn gọi cũng như cả khả năng và trách nhiệm tương ứng, mời gọi con người sống yêu thương và hiệp thông (x. GS 12). Tình yêu là ơn gọi căn bản và bẩm sinh của mọi người”[8].
2. Gia đình, cộng đoàn tình yêu
Nếu gia đình là họa ảnh của tình yêu Thiên Chúa, gia đình phải học biết yêu thương nhau, đón nhận nhau.
Chuyện kể rằng, Có một cặp vợ chồng người Do Thái đến gặp một Rabbi để xin ly dị nhau. Rabbi hỏi bà vợ: “Bà có muốn ly dị chồng bà hay không?” Bà ấy trả lời: “Dạ thưa có!”. Quay sang người đàn ông. Rabbi lại hỏi: “Ông có muốn ly dị bà vợ này hay không?” Ông chồng trả lời ngay: “Dạ, tôi muốn lắm!”. Rabbi liền nói với đôi vợ chồng: “Tôi thấy ông bà rất là tâm đầu ý hiệp với nhau, cùng một quan điểm và ước muốn như nhau. Vậy ông bà hãy về nhà và tiếp tục sống chung hòa thuận với nhau!”.
Công Đồng Vaticanô II đã đề cao ơn gọi sống đời gia đình trong số 49 của Hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng, như sau: “Ðể kiên trì gánh vác những bổn phận của ơn gọi Kitô giáo này, cần phải có một nhân đức phi thường: vì thế, vợ chồng đã được ơn sủng củng cố để sống thánh thiện sẽ ân cần nuôi dưỡng và cầu xin cho được một tình yêu vững bền, một tâm hồn đại lượng và một tinh thần hy sinh”.
Trong huấn từ của Đại Hội về Gia Đình tổ chức tại Roma ngày 24-25 tháng 10 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói: “Gia đình là nơi con người học biết yêu thương, là trung tâm tự nhiên của đời sống con người. Gia đình được tạo nên từ những khuôn mặt, từ những con người đang yêu thương, trò chuyện, hy sinh cho nhau và bảo vệ sự sống, nhất là những người yếu đuối, mong manh nhất. Nói gia đình là động lực của thế giới và lịch sử thì chẳng có gì quá đáng. Nhân cách của mỗi người chúng ta được xây dựng từ trong gia đình, trưởng thành nhờ cha mẹ, anh chị em mình, hít thở bầu khí ấm áp của gia đình. Gia đình là nơi chúng ta được nhận một tên gọi, là nơi của mọi tình thương mến và là không gian thân mật, là nơi chúng ta học cách đối thoại và giao tiếp giữa con người với con người. Trong gia đình con người dần ý thức về phẩm giá của mình, và nhất là khi được hưởng nền giáo dục Kitô giáo sẽ biết nhìn nhận phẩm giá nơi mỗi con người, đặc biệt người ốm đau, yếu đuối, bị loại trừ”[9].
Kết. Như thế có thể nói gia đình là “chiếc nôi yêu thương”, chiếc nôi này được đât trong cội nguồn yêu thương là chính Thiên Chúa. Ngày nay, “chiếc nôi yêu thương” này đang chao đảo và bị tấn công từ nhiều phía, người ta muốn phá vỡ tình yêu nguyên thủy, phá vỡ “họa ảnh của Thiên Chúa” để chỉ xây dựng một thứ tình yêu chóng qua, tuy nhiên, vẫn còn có nhiều gia đình tiếp tục sống chứng tá bằng đời sống trung thành với hôn ước và trở nên những gia đình thánh đức gương mẫu, những gia đình đầy ắp tình yêu. Chúng ta cùng nguyện xin Chúa tiếp tục củng cố, thánh hóa và canh tân môi trường gia đình bằng Tình Yêu và Lời Hằng Sống của Chúa, để mái ấm gia đình thấm đượm tình yêu Chúa luôn là nền tảng xây dựng một xã hội tươi đẹp hơn.
Gợi ý suy tư
1. Bạn có thấy tình yêu là yếu tố quan trọng trong đời sống hôn nhân không?
2. Ngày hôm nay có quá nhiều những cuộc hôn nhân đỗ vỡ, theo bạn đâu là lý do chính yếu dẫn đến những đỗ vỡ này?
3. Bạn đã, đang và sẽ làm gì để đời sống gia đình bạn được vững bền?
[1] HĐGMVN, TC 2013, số 5
[2] “Nghe đây, hỡi Israel, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta là Đức Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng, hết dạ, hết sức anh em” (Đnl 6,4-5).
[3] x. GLHTCG 239.
[4] DS 71: “Chúng tôi tôn thờ và tuyên xưng một Thiên Chúa duy nhất nhưng không đơn độc”. x. GLHTCG 254.
[5] Tín biểu Nicêa – Constantinôpôli: DS 150. x GLHTCG 242.
[6] x. GLHTCG 247.
[7] HĐGMVN, TC 2013, số 6
[8] FC 11
[9] ĐGH PHANXICÔ, Huấn từ tại Đại Hội về Gia Đình, tổ chức tại Roma, ngày 24 – 25 tháng 10-2013, số 1.