Sắc lệnh màu tím
Vì là tội nhân nên lúc nào cũng cần sám hối và chay tịnh, nhưng chắc hẳn Mùa Chay là dịp thuận tiện nhất: “Ta đã nhận lời ngươi vào thời Ta thi ân, phù trợ ngươi trong ngày Ta cứu độ. Vậy, đây là thời Thiên Chúa thi ân, đây là ngày Thiên Chúa cứu độ.” (2 Cr 6:2)
Có nhiều thứ cần xé, cả nghĩa đen và nghĩa bóng, nhưng “xé lòng” là điều cần hơn cả. Có là hai dạng mệnh lệnh cách: một là xác định – hãy, nên, phải,… hai là phủ định – đừng, chớ, cấm… Mỗi dạng có “phong cách” riêng biệt. Tích cực (khuyên) và tiêu cực (cấm) vẫn hỗ trợ lẫn nhau.
- Xé lòng mình
Xé là một động từ, nghĩa là “làm rách” cái gì đó – có thể là xé để bỏ và cũng có thể là xé để sửa hoặc ráp lại thành cái đẹp hơn. Xé có thể là hành vi chủ động, tự nguyện, hoặc thụ động, miễn cưỡng. Thiên Chúa bảo chúng ta không nên “xé áo,” vì đó là hành động của kẻ điên, vả lại như vậy là làm hư hại phương tiện sống. Nhưng về tâm linh, Ngài lại muốn chúng ta “điên” thật, vì Ngài bảo chúng ta phải thực sự chủ động mà tự xé lòng mình, xé nát tâm hồn vì cảm thấy mình khốn nạn và bất xứng với Ngài.
Phải “tự xé” lòng mình – chứ không xé lòng ai, có thể “xé” bất cứ lúc nào trong cuộc sống, không câu nệ về thời gian, nhưng chắc hẳn tốt nhất là Mùa Chay – bởi vì đây là cơ hội tốt để chấn chỉnh mà hưởng nhờ lòng thương xót của Thiên Chúa. Nếu không, Thiên Chúa sẽ thẳng thắn và dứt khoát nói với chúng ta điều đáng sợ này: “Khi các ngươi dang tay cầu nguyện, Ta bịt mắt không nhìn; các ngươi có đọc kinh cho nhiều, Ta cũng chẳng thèm nghe. Vì tay các ngươi đầy những máu.” (Is 1,15)
Xé cũng mang nghĩa là “quá mức” chịu đựng. Trong cuộc sống có những chất cay khiến chúng ta cảm thấy như xé miệng, xé lưỡi, xé họng. Có những chất mặn quá hoặc ngọt quá cũng khiến chúng ta khó ăn, khó uống, hoặc không thể. Và cũng có những nỗi đau khiến chúng ta như bị xé nát tâm can, tan nát cõi lòng.
Chắc chắn tất cả chúng ta đều phải xé lòng mình hằng ngày, đặc biệt là trong Mùa Chay. Thiên Chúa là từ bi nhân hậu vẫn dang tay chờ đợi chúng ta trở về – càng sớm càng có lợi cho chúng ta. Vì thương xót, Thiên Chúa vẫn kiên nhẫn chờ đợi và mời gọi: “Lúc này, các ngươi hãy hết lòng trở về với Ta, hãy ăn chay, khóc lóc, và thống thiết than van.” (Ge 2,12) Một loạt các động từ quan trọng mà Thiên Chúa muốn chúng ta thực hiện với cả tấm lòng yêu mến, chứ không giả bộ hoặc sơ sài, không chiếu lệ, không làm cho xong lần. Vải thưa không thể che mắt thánh.
Quả thật, Thiên Chúa muốn mọi người sám hối và được cứu độ, Ngài đã minh định nghiêm túc – và cũng nghiêm khắc: “Đừng xé áo, nhưng hãy xé lòng. Hãy trở về cùng Đức Chúa là Thiên Chúa của anh em, bởi vì Người từ bi và nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương, Người hối tiếc vì đã giáng họa.” (Ge 2,13) Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót, tội lỗi chúng ta có thế nào thì cũng chẳng là gì, vì “dù tội đỏ như son cũng ra trắng như tuyết, có thẩm tựa vải điều cũng hoá trắng như bông.” (Is 1,18) Thiên Chúa nhân từ lắm, có gom tất cả tội lỗi của cả thế gian này cũng không thể sánh bằng lòng thương xót bao la của Ngài, chỉ cần chúng ta chân thành sám hối thì Ngài sẽ sẵn sàng thứ tha ngay, và Ngài cũng chỉ muốn thứ tha mà thôi: “Nếu Chúa chấp tội nào ai rỗi được?” (Tv 130,3) Tuy nhiên, đừng thấy vậy mà ỷ lại, được đằng chân lân đằng đầu, rồi làm tới!
Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót, Ngài không tạo cái chết và chẳng vui gì khi con người phải tiêu vong. (Kn 1,13) Ngay cả kẻ gian ác phải chết cũng khiến Ngài buồn lòng. (Ed 33,11) Rõ ràng Ngài rất yêu thương và rất muốn chúng ta được sống, được cứu độ. Nhưng chúng ta có quyền tự do, thích gì thì tùy ý, “lỗi tại tôi” mọi đàng chứ chẳng tại ai: “Trước mặt con người là cửa sinh cửa tử, ai thích gì, sẽ được cái đó.” (Hc 15,17) Về dạng này, người đời có kiểu nói thế này: “Thích thì chiều!”
Ngày xưa, ngôn sứ Giô-en đã cho biết rằng nếu chúng ta thực sự thành tâm sám hối thì “biết đâu Đức Chúa chẳng nghĩ lại và hối tiếc mà để lại phúc lành, hầu anh em có lễ phẩm và lễ tưới rượu dâng lên Đức Chúa là Thiên Chúa của anh em.” (Ge 2,114) Nói là “biết đâu” chứ thật ra Ngài sẵn sàng tha thứ ngay, chẳng nói suông, và không chỉ là lời hứa. Thật vậy, Thiên Chúa “không muốn cho ai phải diệt vong, nhưng muốn cho mọi người đi tới chỗ ăn năn hối cải.” (2 Pr 3:9) Ngôn sứ Giô-en tiếp tục tha thiết mời gọi: “Hãy rúc tù và tại Sion, ra lệnh giữ chay thánh, công bố mở cuộc họp long trọng; hãy tụ tập chúng dân, mời dự đại hội thánh, triệu tập các cụ già, tụ họp đám thiếu nhi cũng như trẻ thơ còn đang bú. Tân lang hãy ra khỏi loan phòng, tân nương hãy rời bỏ phòng khuê!” (Ge 2,15-16) Ai cũng phải giữ chay, dù là trẻ sơ sinh, vì ai cũng là tội nhân, và “dày kinh nghiệm” phạm tội – càng nhiều tuổi càng nhiều “kinh nghiệm quái đản” này.
Về loại “tình huống” này, chúng ta nhớ tới việc ăn chay nghiêm ngặt của cả thành Ninivê, từ vua tới dân, từ người tới súc vật, khi được ngôn sứ Giô-na kêu gọi, và Thiên Chúa đã tha tội chết cho cả thành. (x. Gn 3,4-10) Rõ ràng việc ăn chay và cầu nguyện có thể thay đổi số mệnh của con người – cả chính mình và người khác.
Không thể làm ngơ, không thể im lặng, ngôn sứ Giô-en tiếp tục kêu gọi: “Giữa tiền đình và tế đàn, các tư tế phụng sự Đức Chúa hãy than khóc và nói rằng: ‘Lạy Đức Chúa, xin dủ lòng thương xót dân Ngài! Xin đừng để gia nghiệp của Ngài phải nhục nhã và nên trò cười cho dân ngoại! Chẳng lẽ các dân lại được cớ mà nói: Thiên Chúa của chúng ở đâu rồi?’ ” (Ge 2,17) Quả thật, “Đức Chúa đã nồng nhiệt yêu thương đất của Người, đã tỏ lòng khoan dung đối với dân Người, tai ương chấm dứt và dân được giải thoát.” (Ge 2,18) Chứng cớ rành rành, không thể chối cãi, và ngày nay cũng vậy, nhưng con người vẫn vô ơn bội bạc!
Là phàm nhân mang thân tro kiếp bụi, ai cũng đều là tội nhân, như Thánh vịnh gia xác nhận: “Lúc chào đời con đã vương lầm lỗi, đã mang tội khi mẹ mới hoài thai.” (Tv 51,7) Vì thế, ai cũng rất cần đến ơn thứ tha từ lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa, người nào nhận biết mình là ai và là gì thì sẽ không ngừng van xin: “Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con, mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm. Xin rửa con sạch hết lỗi lầm tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy.” (Tv 51,3-4) Và chắc chắn Thiên Chúa bỏ qua tất cả ngay lập tức.
Hệ lụy tất yếu của sự thú tội là ơn thứ tha. Vấn đề là không được vòng vo, tránh né, hoặc đổ lỗi cho người khác – dù chỉ một phần nhỏ, mà phải thành tâm khiêm hạ: “Vâng, con biết tội mình đã phạm, lỗi lầm cứ ám ảnh ngày đêm. Con đắc tội với Chúa, với một mình Chúa, dám làm điều dữ trái mắt Ngài. Như vậy, Ngài thật công bình khi tuyên án, liêm chính khi xét xử.” (Tv 51,5-6) Nước mắt luôn chảy xuôi, con người còn cảm thấy mủi lòng huống chi Thiên Chúa – Đấng giàu Lòng Thương Xót.
Hết ngày này qua ngày khác, chúng ta vẫn cùng nhau thú tội: “Tôi thú nhận cùng Thiên Chúa toàn năng và anh chị em, tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng, lời nói, việc làm, và những điều thiếu sót…” Thực sự thiếu sót nhiều lắm. Đủ dạng lầm, đủ thứ tội. Thú nhận với Thiên Chúa là điều hiển nhiên, mà chúng ta còn phải thú nhận với tha nhân, nhưng chúng ta vẫn “ngại” lắm, có lẽ chỉ mới làm theo “nghi thức” mà thôi. Thật vậy, ngay khi chúc bình an cho nhau mà nhiều người vẫn có vẻ miễn cưỡng, làm một cách máy móc hoặc làm cho xong lần, thậm chí là “đứng nghiêm” như trời trồng vậy.
Có thể đây là một thực tế phũ phàng: Là “chiên hiền” khi ở trong nhà thờ nhưng là “cọp dữ” khi ở ngoài nhà thờ. Ảo thuật, xảo thuật, hay là “sự lạ” vậy? Một dạng giả hình. Mọi kiểu phạm tội không phải là lỗi của ai khác mà của chính mình, chúng ta cùng xác nhận ba lần: “Lỗi tại tôi mọi đàng.” Sợ nhất là tội tư tưởng, vì người ta không biết – nhưng Thiên Chúa biết. Thế nên phải cầu xin Ngài thương xót mà tha thứ. Tuy nhiên, chắc chắn rằng Ngài chỉ tha nếu chúng ta thật lòng tha cho tha nhân. Đó là điều kiện ắt có và đủ để “nên hoàn thiện,” để nên thánh, nhất là trong Mùa Chay Thánh – cơ hội tốt để giặt chiếc áo cuộc đời, vá chiếc áo tâm hồn.
Nếu không có ơn Chúa, chúng ta không thể làm gì. (x. Ga 15,5) Đã bao lần chúng ta ăn năn sám hối, có vẻ rất chân thành, nhưng rồi lại chứng nào tật nấy, bằng chứng minh nhiên là chúng ta vẫn dễ dàng tái phạm, để rồi cứ luôn phải “tẩy rửa” qua Dòng Tình Thương Xót – Bí tích Hòa Giải. Biết vậy để cố gắng hơn, van xin ơn phù trợ và khao khát được tái tạo: “Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, đổi mới tinh thần cho con nên chung thuỷ. Xin đừng nỡ đuổi con không cho gần Nhan Thánh, đừng cất khỏi lòng con thần khí thánh của Ngài. Xin ban lại cho con niềm vui vì được Ngài cứu độ, và lấy tinh thần quảng đại đỡ nâng con.” (Tv 51,12-14)
Bổn phận của chúng ta là cầu xin, nhưng xin để được điều này hay điều nọ mới chỉ là dạng “cấp thấp,” dạng “cấp cao” là không xin gì cả, chỉ muốn chúc tụng và tạ ơn Thiên Chúa: “Lạy Chúa Trời, xin mở miệng con, cho con cất tiếng ngợi khen Ngài.” (Tv 51,17) Càng sống lâu càng được nhiều ơn, dù có những ơn chúng ta không hề xin mà vẫn được Chúa thương ban – đơn giản nhất mà cần thiết nhất là không khí để sống, thế thì không thể không tạ ơn Ngài.
Ăn năn là việc làm cả đời, Thánh Phaolô kêu gọi: “Chúng tôi là sứ giả thay mặt Đức Kitô, như thể chính Thiên Chúa dùng chúng tôi mà khuyên dạy. Vậy, nhân danh Đức Kitô, chúng tôi nài xin anh em hãy làm hoà với Thiên Chúa. Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người.” (2Cr 5,20-21) Kỳ diệu quá, chúng ta không thể nào hiểu thấu. Ngày nay vẫn có những người không tin hoặc không muốn tin điều đó, nhưng sự thật vẫn mãi là sự thật!
Thánh Phaolô có kinh nghiệm nhiều nên thành thật khuyên nhủ: “Anh em đã lãnh nhận ân huệ của Thiên Chúa thì đừng để trở nên vô hiệu.” (2Cr 6,1) Vả lại, chính Chúa đã xác định: “Ta đã nhận lời ngươi vào thời Ta thi ân, phù trợ ngươi trong ngày Ta cứu độ. Vậy, đây là thời Thiên Chúa thi ân, đây là ngày Thiên Chúa cứu độ.” (2Cr 6,2) Phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí. Cố gắng nắm bắt kẻo vuột mất!
- Xé thói xấu
Có nhiều thói xấu, đếm không xuể. Một trong các thói xấu “phổ thông” là thói giả hình – làm cho cái ảo như có thật, bề ngoài thấy rõ ràng như thật mà lại không phải là thật, kiểu như ảo thuật hoặc xảo thuật. Về phương diện tâm linh, giả hình là thói đạo đức giả. Giả hình còn là thái độ lững lờ nước đôi, sống hai lòng mà thòng hai thứ. Người đời còn không thể chấp nhận thì huống chi Thiên Chúa là Đấng chí thánh. Muốn tránh giả hình thì phải can đảm dứt khoát để có thể chấm dứt sự giằng co.
Là Đấng chí thánh, duy nhất và tuyệt đối, Thiên Chúa rất ghét thái độ đạo đức giả, do đó Ngài gay gắt lên án và cảnh cáo: “Ngươi chẳng lạnh mà cũng chẳng nóng. Phải chi ngươi lạnh hẳn hay nóng hẳn đi! Nhưng vì ngươi hâm hẩm chẳng nóng chẳng lạnh, nên Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta.” (Kh 3,16) Rất khó nghe, nhưng có thấy “chói tai” thì mới có thể quyết thay đổi.
Thật vậy, chính Chúa Giêsu cũng đã lên tiếng: “Các con hãy coi chừng men Pharisêu, tức là thói đạo đức giả.”(Lc 12:1) Rồi một lần khác, Ngài gay gắt lên án thói đạo đức giả bằng cách ví von với những hình ảnh rất thực tế: “Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình! Các người giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế. Các người cũng vậy, bên ngoài thì có vẻ công chính trước mặt thiên hạ, nhưng bên trong toàn là giả hình và gian ác!” (Mt 23:27-28; Lc 11:42-44) Thói “đạo đức giả” hoặc “ra vẻ đạo đức” không chỉ phổ biến ở thời xưa, mà ngày nay cũng vẫn phổ biến. Ngày xưa dễ nhận biết vì người thời đó có “tua áo dài,” nhưng ngày nay rất khó nhận biết vì quá đỗi tinh vi, không có gì giúp phân biệt, cái giả có khi còn “mượt mà” hơn cái thật.
Thế nhưng người ta có thể “che mắt” người trần mắt thịt, chứ không thể “qua mặt” Thiên Chúa, và rồi có lúc người ta sẽ nhận ra: “Không có gì che giấu mà sẽ không bị lộ ra, không có gì bí mật mà người ta sẽ không biết.”(Lc 12,2) Người Việt cũng xác định: “Cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra.” Cái gì thật thì vẫn thật – dù không đẹp mã, cái gì giả thì không thể thật – dù rất đẹp mã, chắc chắn bí mật sẽ “bật mí” thôi, chẳng chóng thì chày.
Đối với việc sống Mùa Chay, người ta thường thích “biểu diễn” vẻ đạo đức, thế nên Chúa Giêsu căn dặn: “Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng. Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.” (Mt 6,1-4)
Thực sự Chúa Giêsu muốn người ta làm từ thiện, bố thí, nhưng không được khoe khoang – ngày nay thường thấy chụp hình đưa lên facebook, instagram, twitter,… Ngài không hề có ý “chơi ép” chúng ta, bởi vì làm bí mật mới đáng công trạng. Thế nhưng ngày nay, chúng ta vẫn thường “đánh trống, khua chiêng” bằng nhiều kiểu mỗi khi đi xa với danh nghĩa “làm từ thiện” trong khi lại “làm ngơ” trước nỗi khổ của những người ngay bên cạnh mình. Liệu có phải là “máu Pharisêu,” là giả hình hoặc thói đạo đức giả? Và Chúa có vui không? Khó trả lời cũng phải tự trả lời.
Đối với việc cầu nguyện, Chúa Giêsu bảo: “Khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy. Thầy bảo thật anh em: chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.” (Mt 6:5-6) Với “tình huống” này, chúng ta được gợi nhớ tới hai người lên Đền Thờ để cầu nguyện. (Lc 18:9-14) Người Pharisêu (biệt phái) “chảnh” và tự hào, còn người thu thuế rất xấu hổ, đấm ngực ăn năn xin Chúa xót thương. Và rồi hệ lụy hoàn toàn khác nhau.
Về cách ăn chay, Chúa Giêsu khuyến cáo: “Chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.” (Mt 6,17-18) Có lẽ chúng ta không khoái cái kiểu ăn chay “ngầm” như vậy. Không ai biết thì… chán lắm. Thích thì chiều, nhưng chắc chắn Chúa không chúc lành.
Chúa Giêsu xác định rằng nếu ai thích khoe khoang thì cứ làm, nhưng đó là “phần thưởng” cho họ ngay ở đời này rồi. Rất lô-gích, rất hợp lý, rất công bằng, và cũng rất… thú vị. Trong trình thuật Tin Mừng, câu “đã được phần thưởng rồi” được Chúa Giêsu nhắc tới ba lần, nghĩa là chúng ta phải cẩn trọng và cảnh giác. Và Chúa Giêsu còn nói thẳng: “Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời. Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin.” (Mt 6:7-8) Đúng là “nhức óc” lắm, bởi vì Ngài dùng chữ “lải nhải” – vừa dài vừa dai. Phải thế thôi, không nói mạnh thì không được, vì chúng ta “chứng” lắm chứ chẳng nhu mì gì.
Đến hẹn lại lên. Mùa Chay lại về. Có lẽ không ai lại không nhớ rõ dụ ngôn “Người Cha Nhân Hậu” (Lc 15,11-32) – dụ ngôn điển hình về lòng thương xót của Thiên Chúa. Ước gì mỗi người đều đủ can đảm để trở về ngay lập tức, cùng quyết tâm sống đúng ý Chúa muốn: Kín đáo khi bố thí, cầu nguyện, và ăn chay.
Cái giá của Nước Trời rất mắc (đắt, đắt đỏ, tốn phí) vì phải thực hành đức tin và sám hối cả đời, lơ đãng một chút là “rớt giá” ngay. Nhưng cái giá của Nước Trời cũng có thể rẻ hoặc miễn phí, chỉ cần thành tâm ăn năn sám hối – điều mà Thánh Tướng Cướp Tốt Lành Dimas (Dismas – Lc 23,43) đã làm. Chúng ta cũng có cơ hội như Thánh Dimas. Đừng ngưng tín thác vào lòng thương xót của Thiên Chúa, đừng bao giờ tuyệt vọng – mặc dù có thể có lúc chúng ta cảm thấy thất vọng. (x. 2Cr 4,8) Ơn Chúa luôn đủ cho mỗi chúng ta. (x. 2 Cr 12:9)
Lạy Thiên Chúa chí thánh, xin dẫn đường chỉ lối của Ngài để chúng con đi và ban ơn bền đỗ cho chúng con. Xin biến đổi chúng con ngay hôm nay để chúng con dứt khoát với quá khứ và bắt đầu trang đời mới trong Mùa Chay này. Nguyện xin Đức Mẹ Maria, Đức Thánh Giuse, các thiên thần, các thánh và các linh hồn chuyển cầu cho chúng con lên Thiên Chúa – Đấng giàu lòng thương xót. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.
Trầm Thiên Thu
Nguồn: gpvinh.com