GIA ĐÌNH
CỘNG ĐOÀN LOAN BÁO TIN MỪNG (2)
(x. GĐ 52.53).
+++
1. Vai trò Tin Mừng hóa của cha mẹ Kitô hữu có giá trị thế nào?
Có giá trị độc đáo và không thể thay thế được 1.
2. Vì sao gọi gia đình Kitô hữu là chủng viện đầu tiên?
Vì gia đình Kitô hữu phải đào tạo cho con cái sống trọn vẹn bổn phận mình, theo ơn gọi đã nhận từ Thiên Chúa 2.
***
Chú thích
1/ Vai trò Tin mừng hóa[1] của cha mẹ Kitô hữu có tính cách độc đáo và không thể thay thế được, vì nó mang những đặc tính riêng biệt của đời sống gia đình, nghĩa là một đời sống được dệt bằng tình yêu, bằng những việc làm chứng thường ngày”.
- Gia đình Tin Mừng hóa bằng tình yêu tự hiến:
Như một cộng đoàn yêu thương, gia đình nhận ra rằng: sự tự hiến qua nếp sống giản dị, qua việc dấn thân phục vụ lẫn nhau, làm cho gia đình nên tổ ấm hạnh phúc. Sự hiệp thông và chia sẻ với nhau mỗi ngày, trong những lúc vui mừng cũng như trong những lúc khó khăn, chính là những bài học cụ thể và hữu hiệu nhất, giúp cho con cái biết bước vào trong khung cảnh lớn hơn là xã hội, là trường lớp…cách tích cực, có trách nhiệm và hiệu quả.
- Gia đình Tin Mừng hóa bằng đời sống chứng nhân:
Bằng việc nỗ lực giáo dục con cái, bằng đời sống chứng nhân gương mẫu, cha mẹ là những người đầu tiên loan báo Tin Mừng cho con cái. Hơn nữa, khi cùng cầu nguyện với con cái; khi cùng con cái sốt sắng đọc Lời Chúa; khi nhủ bảo con cái sống thân mật với Chúa Kitô, nơi bí tích Thánh Thể[2] và nơi Giáo hội[3]; bằng việc khai tâm Kitô giáo[4], không những cha mẹ sinh ra con cái trong sự sống phần xác, mà còn sinh ra con cái trong cả sự sống phần hồn”; đây thực sự là vai trò độc đáo của cha mẹ Kitô hữu mà không ai thay thế được.
2/ Gia đình Kitô hữu là Chủng viện[5] đầu tiên: vì gia đình phải đào tạo cho con cái khả năng bước vào đời sống, giúp cho mỗi người con biết chu toàn trọn vẹn bổn phận của mình, tùy theo ơn gọi đã nhận được từ Thiên Chúa.
Công đồng Vaticanô 2 dạy: “Trong gia đình, như là Hội Thánh tại gia, nhờ lời dạy dỗ và gương lành, cha mẹ hãy là những người rao giảng đức tin đầu tiên cho con cái, phải giúp phát huy ơn gọi riêng của từng đứa con, đặc biệt chăm sóc cho ơn gọi hướng tới thánh chức”[6]. “Toàn thể cộng đồng Kitô hữu có trách nhiệm cổ vũ ơn thiên triệu … Nhưng phần đóng góp nhiều nhất trong nghĩa vụ này trước tiên thuộc về các gia đình, nơi nhờ tinh thần đức tin, đức mến và lòng đạo đức tác động sẽ trở thành như một chủng viện sơ khởi”[7]; “Cha mẹ hãy vun trồng và bảo vệ các mầm non ơn gọi tu trì nơi tâm hồn con cái, trong môi trường giáo dục gia đình theo luân lí Kitô giáo”[8].
Quả thế, với tâm hồn rộng mở hướng đến các giá trị siêu việt, với sự vui vẻ phục vụ tha nhân, chu toàn các nghĩa vụ cách quảng đại và trung thành, cũng như luôn luôn ý thức về sự tham dự vào mầu nhiệm thập giá vinh quang của Đức Kitô, gia đình trở thành Chủng viện đầu tiên và tuyệt hảo, ươm trồng ơn gọi sống đời tận hiến vì Nước Thiên Chúa[9].
Chúng ta đọc lại chuyện ơn gọi của Sa-mu-en[10]: Ông En-ca-na là người kính sợ Đức Chúa, có bà vợ là An-na, bà son sẻ nhưng vẫn kiên nhẫn khẩn cầu Thiên Chúa, bà khấn hứa rằng: ‘Lạy Ðức Chúa các đạo binh, nếu Ngài cho nữ tỳ Ngài một mụn con trai, thì con sẽ dâng nó cho Ðức Chúa…’. Tư tế Ê-li nói: ‘…Xin Thiên Chúa của Ít-ra-en ban cho bà điều bà khấn xin!’. Ngày qua tháng lại, bà An-na thụ thai, sinh một con trai, đặt tên là Sa-mu-en. Bà đưa con đến với tư tế Ê-li. Bà nói: ‘Thưa ngài, tôi đã cầu nguyện để được đứa con này, và Ðức Chúa đã ban cho tôi. Ðến lượt tôi, tôi xin nhượng con tôi lại cho Ðức Chúa. Cả đời con tôi sẽ được nhượng cho Ðức Chúa’.
Nguyện xin cho các bậc cha mẹ Kitô hữu luôn có được tâm tình hiến dâng này.
——————————————————–
[1] “Tin Mừng hóa”, “Phúc Âm hóa”, hay “Rao giảng Tin Mừng”, “Loan báo Tin Mừng” …
[2] “Sống thân mật với Chúa Kitô nơi Thánh Thể”, qua việc siêng năng tham dự Thánh lễ, Rước lễ, viếng Thánh Thể, Rước lễ thiêng liêng.
[3] “Sống thân mật với Chúa Kitô nơi Giáo hội”, Vd. Siêng năng đến với những cử hành phụng vụ (Thánh lễ, Chầu Thánh Thể…) và những sinh hoạt của họ đạo (Đến học giáo lý; gia nhập ca đoàn, các hội đoàn; tham gia những công tác bác ái xã hội, xây dựng Nhà Chúa…).
[4] Vd. Cha mẹ dạy bé kêu tên Giêsu, Maria, Giuse…, những lời kinh bập bẹ đầu đời, hoặc dẫn bé đi lễ, đến lớp giáo lý khai tâm…
[5] Chủng Viện: nơi đào tạo các Chủng sinh nên các Linh mục. GP Cần thơ có Chủng Viện Thánh Phêrô Quý, tại Cái Răng, TP. Cần Thơ. Đào tạo linh mục cho 3 giáo phận: Cần thơ, Vĩnh long, Long xuyên.
[6] x. Hiến chế “Ánh Sáng Muôn Dân, s. 11”.
[7] x. Sắc lệnh “Đào tạo linh mục, s. 2”; GLHTCG, s. 2233.
[8] x. Sắc lệnh “Tu sĩ, s. 2”.
[9] x. GĐ, s. 53.
[10] Sm 1, 11-28.
Nguồn: gpcantho.com