GIA ĐÌNH – CỘNG ĐOÀN PHỤC VỤ SỰ SỐNG (3)
(Giáo dục những giá trị chính yếu. x. GĐ 37)
***
1. Trước những khó khăn to lớn trong trách nhiệm giáo dục con cái, các bậc cha mẹ phải làm gì?
Phải tin tưởng và can đảm giáo dục con cái, theo những giá trị chính yếu của đời người 1.
2. Đâu là những giá trị chính yếu của đời người?
Là sự tự do, công bằng và tình yêu đích thực 2.
****************************
Chú thích
1/ Cha mẹ phải tin tưởng và can đảm giáo dục con cái:
1/1. Phải tin tưởng: vì bí tích hôn phối ban ơn thánh hiến, để cha mẹ lo việc giáo dục Kitô giáo đích thực cho con cái; do đó cũng ban cho họ dự phần vào chính quyền bính và tình yêu của Thiên Chúa và của Đức Kitô Mục tử, cũng như vào tình mẫu tử của Giáo hội.
Bí tích hôn phối còn làm cho cha mẹ được dồi dào ơn khôn ngoan, lo liệu, sức mạnh, cùng những ơn khác của Thánh Thần, để với tình yêu, họ không bao giờ ‘đành bó tay’, nhưng luôn “tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả”[1], hầu nhẫn nại hướng dẫn con cái lớn lên trong đời sống làm người và làm con Chúa[2], như một nhà giáo dục đã viết: “Hỡi giáo dục, ngươi mang tên là nhẫn nại”[3].
1/2. Phải can đảm:
– Vì: ngày nay “cha mẹ phải đương đầu với những khó khăn thường là rất nặng nề trong trách nhiệm giáo dục con cái”: vd. sự đề cao quá đáng, sai lạc về tự do[4]; những cám dỗ của xã hội hưởng thụ, tục hóa, gia đình lỏng lẻo…
– Vì: đặc biệt là trong việc giáo dục đức tin: “cha mẹ phải theo sát con cái suốt đời, cách riêng trong tuổi thanh thiếu niên, là tuổi mà con cái hay phản kháng hoặc thẳng thừng từ chối đức tin Kitô giáo đã được đón nhận trong những năm đầu đời. Công việc Tin Mừng hoá không bao giờ được thực hiện mà không gây đau khổ cho vị tông đồ, nên cha mẹ Kitô hữu phải hết sức can đảm đương đầu với những khó khăn gặp phải nơi chính con cái họ”[5].
2/ Những giá trị chính yếu của đời người:
2/1. Tự do đích thực:
– Tự do theo tiếng lương tâm: lương tâm là sự phán đoán của lý trí, được Thiên Chúa đặt sẵn nơi đáy lòng mỗi người, để soi dẫn, giúp ta tự nguyện chọn ‘làm lành lánh dữ’. Khi lắng nghe tiếng nói lương tâm, ta nghe được chính tiếng Chúa nói với ta.
– Tự do trước của cải: trẻ em phải lớn lên trong sự tự do chân chính trước các của cải vật chất: phải tập cho các em biết làm chủ, nghĩa là biết dùng của cải, tiền bạc vào những việc hữu ích cho mình và cho người khác; biết quyết chí không nô lệ, không ham muốn của cải vật chất đến độ bán rẻ lương tâm, danh dự, cuộc đời của mình…
– Tự do qua nếp sống giản dị: cần rèn luyện cho các em biết chọn nếp sống giản dị, không đua đòi theo ‘thời trang’, vì biết xác tín mạnh mẽ rằng: “Giá trị của con người do cái mình là, hơn do cái mình có”.
2/2. Công bằng đích thực.
Trong xã hội nặng óc cá nhân và ích kỷ đủ loại ngày nay, trẻ em cần có được ý thức về sự công bằng đích thực, nghĩa là ý thức về một xã hội biết tôn trọng những quyền căn bản của con người[6].
2/3. Tình yêu đích thực.
– Là tình yêu biết quan tâm tới người khác, và phục vụ vô vị lợi, đặc biệt là đối với những người nghèo nhất và cần được giúp đỡ nhất[7].
– Là tình yêu tự hiến, được triển nở nơi gia đình: như một cộng đoàn yêu thương, gia đình nhận ra rằng: tự hiến là qui luật làm cho gia đình nên đầm ấm, hạnh phúc. Sự hiệp thông và chia sẻ mỗi ngày, trong những lúc vui mừng cũng như những lúc khó khăn, chính là những bài học cụ thể và hữu hiệu nhất, giúp các em bước vào trong khung cảnh lớn hơn là xã hội, cách tích cực, có trách nhiệm và hiệu quả.
– Là tình yêu khiết tịnh và hy sinh:
Trong một thế giới đang biến tính dục con người thành chuyện tầm thường, xác thịt và lạc thú ích kỷ, chúng ta không thể nào chối bỏ việc giáo dục đức khiết tịnh, là nhân đức làm phát triển sự trưởng thành và tình yêu đích thực. Cần hướng dẫn trẻ em hiểu biết và quí chuộng các luật luân lý[8], như những hy sinh, bảo đảm cần thiết và quí giá, giúp mỗi em trưởng thành trong đời sống tính dục.
Chính vì thế, Giáo hội cực lực chống lại những hình thức thông tin rất phổ biến ngày nay về tính dục, đã không để ý gì đến các quy tắc luân lý. Những hình thức thông tin thiếu trách nhiệm này[9]chẳng khác gì những bài dẫn nhập vào kinh nghiệm lạc thú, đẩy những người trẻ, lắm khi còn rất non dại, đến chỗ đánh mất tâm hồn tươi sáng, và mở đường cho nhiều tật xấu.
Chúng ta hãy cầu nguyện cho công cuộc giáo dục gia đình được Phúc Âm hóa và hướng tới một ngày mai tươi sáng[10].
—————————————————————————-
[1] “Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1 Cr 13, 7).
[2] x. GĐ s. 38.
[3] Marcel Prévost.
[4] x. GĐ s.6.
[5] x. GĐ s.53.
[6] Như quyền sống, được chăm sóc sức khoẻ, học hành, có việc làm, tự do cư trú, tự do tư tưởng và tôn giáo…
[7] “Khi bước theo Chúa…gia đình Kitô hữu phải lưu tâm riêng đến những ai đói khát, túng thiếu, già cả, những ai bị đau ốm, nghiện ngập hoặc không có gia đình” (GĐ 47).
[8] GLHTCG. 2341 (1809) Muốn sống khiết tịnh phải giữ đức tiết độ, vì nhân đức này dùng lý trí để hướng dẫn các đam mê và những thèm muốn giác quan của con người. 2342 (407) Muốn tự chủ được như vậy, phải luyện tập lâu dài và công phu. Không bao giờ có thể coi như đã tập xong, phải cố gắng suốt đời, ở mọi lứa tuổi (x.Tt 2,1-6), phải đặc biệt cố gắng vào một số giai đoạn hình thành nhân cách, như tuổi nhi đồng và thiếu niên.
[9] Vd. Những sách báo, phim ảnh đồi trụy; những bài học về ngừa tránh thai, về cách dùng bao cao su…
[10] x. Chủ đề Thư Chung HĐGMVN năm 2007: “Giáo dục hôm nay, xã hội và Giáo hội ngày mai”.
Nguồn: gpcantho.com