THÁNH LỄ MỒNG 3 TẾT
St 2,4b-9.15,Cv 20,32-35, Mt 25,14-30
THÁNH HÓA CÔNG ĂN VIỆC LÀM
1. Tại sao ta phải lao động?
Cộng đoàn phụng vụ thân mến, tại sao ta phải lao động? Một câu hỏi tưởng chừng như dư thừa nhưng với bối cảnh cuộc sống đô thị hóa và công nghiệp hóa hiện nay, thiết nghĩ chúng ta cũng nên đặt ra để thấy ý nghĩa cuộc đời con người. Câu hỏi trên đã được nhiều người, ở mọi từng lớp và tôn giáo trả lời với những góc độ khác nhau. Elbert Hubbard nhìn dưới góc độ thành đạt cho rằng: “Chúng ta lao động để trở thành, không phải để nắm giữ”. Với góc độ hạnh phúc, John Adams cho rằng: “Tri thức trong đầu và đạo đức trong tim, thời gian cống hiến để nghiên cứu và lao động thay vì hình thức và lạc thú, đó là cách để trở nên hữu dụng, và nhờ vậy, có được hạnh phúc”. Với góc độ kinh tế, ngạn ngữ Thổ Nhĩ Kỳ nhắc nhở: “Người ta giàu vì biết lao động, giàu hơn nữa vì biết tiết kiệm chi tiêu”. Với góc độ, kinh tế, xã hội và nhân bản, Voltaire viết: “Lao động xua đuổi ba sự xấu xa kinh khủng, nỗi buồn chán, thói trụy lạc và sự nghèo đói”. Với cái nhìn tích cực, George Sand nhận định: “Lao động không phải là hình phạt của con người. Đó là phần thưởng, sức mạnh và lạc thú”. Louisa May Alcott với cái nhìn tôn giáo đã cho rằng: “Công việc luôn là sự cứu rỗi của tôi, và tôi cảm ơn Chúa vì điều đó.” Mỗi câu trả lời đều có ý đúng, còn Lời Chúa hôm nay sẽ trả lời câu hỏi đó cách tròn đầy.
Thật vậy, sách Sáng Thế cho chúng ta thấy Thiên Chúa sáng tạo con người giống hình ảnh Thiên Chúa và ban cho con người có khả năng lao động. Đồng thời, Ngài mời gọi con người thay mặt Chúa làm chủ mọi giống nòi dã thú khắp mặt đất. Nghĩa là con người được cộng tác vào chương trình sáng tạo của Thiên Chúa qua lao động để mọi loài phát triển như ý Chúa muốn.
Sách Sáng Thế còn cho biết, Thiên Chúa sáng tạo con người thành cộng đoàn có nam có nữ, nên hành vi lao động con người không mang tính chiếm hữu độc quyền nhưng luôn mang trách nhiệm liên đới với nhau để gìn giữ và phát triển trái đất này. Mặt khác, Thiên Chúa đã ban cho con người nhiều thứ làm lương thực ngay trong chương trình sáng tạo. Vì thế, con người phải làm việc để thu hoạch những sản phẩm mà Chúa đã định sẵn trong vũ trụ hầu mỗi người có thể sinh tồn và phát triển.
Cuối cùng, sách Sáng Thế đã cho biết mục đích Thiên Chúa đặt để con người vào trong thế giới này để cày cấy và canh giữ đất đai. Nghĩa là, con người có nhiệm vụ lao động để có của nuôi thân và gìn giữ trái đất này luôn màu mỡ xanh tươi.
Tiếp đến, Lời Chúa trong sách Công Vụ trình bày cho chúng ta biết mục đích mới của lao động ngang qua gương sáng của tông đồ Phaolô. Thánh Phaolô có quyền hưởng vật chất từ những cộng đoàn mà ngài đã rao giảng Tin Mừng. Bởi lẽ, người thợ thì đáng được trả công (x. Lc 10,7). Ấy thế mà, ngài vẫn lao động để tự cung, tự cấp cho chính mình. Ngài lao động với mục đích là không lệ thuộc người khác về vật chất, không ăn bám người khác và nhất là có nhiều điều kiện để giúp đỡ những người đau yếu theo đúng lời Chúa Giêsu đã dạy: cho thì có phúc hơn là nhận. Thánh Phaolô đã mặc cho lao động một ý nghĩa cao cả. Lao động để có thêm vật chất giúp đỡ người khác qua hành vi bác bái yêu thương tha nhân.
2. Thánh hóa công ăn việc làm.
Cộng đoàn phụng vụ thân mến, mỗi người hiện hữu trên trần gian này đều được Thiên Chúa giao cho một số vốn. Kẻ ít vốn, người nhiều tài, nhưng tất cả mọi người đều được Thiên Chúa mời gọi lao động để làm lợi cho ông chủ là chính Thiên Chúa chứ không phải làm lợi chính mình. Vì vậy để thánh hóa công ăn việc làm, mỗi người cần đặt hành vi lao động trước mặt Chúa, nghĩa là lao động theo ý Chúa muốn.
Trước tiên, mỗi người phải lao động chân chính để thánh hóa công ăn việc làm. Thiên Chúa ban cho con người có khả năng, có bổn phận và quyền làm việc. Thiên Chúa Cha luôn làm việc và Chúa Giêsu, mặc dù nhập thể làm người, vẫn luôn làm việc (x. Ga 5,17). Con người được Thiên Chúa dựng nên giống hình ảnh Ngài nên cũng phải phản chiếu hình ảnh của Ngài là chuyên cần làm việc. Mặt khác, Thiên Chúa là ông chủ đã yêu thương và tín nhiệm và trao ban quyền quản lý trái đất này cho mỗi người là đầy tớ trong một quãng thời gian hữu hạn, là một đời người. Mỗi người là tôi tớ phải trả lẽ trước mặt Chúa là ông chủ về hành vi của mình khi chết, tức là khi ông chủ trở về. Vì thế, mỗi người cần siêng năng lao động chân chính để đáp lại tình thương và sự tín nhiệm của Thiên Chúa.
Kế đến, thánh hóa công ăn việc làm là cố gắng hết sức để lao động sinh hiệu quả. Hiệu quả công việc lao động của mỗi người phải tương xứng với số vốn mà Thiên Chúa đã trao ban. Người được trao nhiều khả năng được mời gọi làm lợi cho Chúa nhiều hoa lợi. Người nhận ít khả năng sẽ làm lợi ít hoa trái. Người nào được Chúa trao khả năng mà lười biếng chôn giấu số vốn Chúa trao sẽ phải trả lẽ trước Chúa về hành vi bất tín của mình.
Cuối cùng, thánh hóa công ăn việc làm không chỉ bó gọn trong những hành vi làm ăn nuôi xác nhưng còn dành giờ để bồi dưỡng tâm hồn. Trình thuật sáng thế đã cho biết, khi làm xong mọi công việc của Người, ngày thứ bảy, Thiên Chúa nghỉ ngơi. (x. St 2,2). Vì thế, mỗi người cần dành ngày lễ trọng và ngày chúa nhật, ngày của Chúa để cảm tạ Thiên Chúa sau một tuần làm ăn nuôi xác, qua việc tham dự phụng vụ ngày Chúa nhật và lễ trọng cách sốt sắng và tích cực. Đồng thời, mỗi người được mời gọi chia sẻ vật chất và tinh thần cho những ai đang túng nghèo. Có thế, mỗi kitô hữu đã mặc cho lao động một ý nghĩa mới.
Cầu chúc mọi người trong năm mới này không chỉ có một công việc xứng hợp với nhân phẩm của mình nhưng còn có một tinh thần làm việc theo đúng ý Chúa. Chúng ta lao động không chỉ để kiếm của nuôi thân nhưng vì Chúa muốn mỗi người lao động chân chính để thăng hoa bản thân, để ca ngợi Thiên Chúa và để có nhiều điều kiện vật chất hầu biểu lộ tình yêu chia sẻ và liên đới với tha nhân trong công việc bác ái.
Lm. Vinhsơn Trần Minh Hòa