Mùng Hai Tết
KÍNH NHỚ TỔ TIÊN VÀ ÔNG BÀ CHA MẸ
Tháng 11.1958, ngay trong ngày đăng quang, khi nói chuyện với khách hành hương, Đức cố Giáo Hoàng Joan 23 đã kể lại một giai thoại trong cuộc đời ngài như sau: “Khi tôi lên bảy, một hôm, cha tôi đưa tôi đến một làng bên cạnh, nơi đang tổ chức một buổi lễ của Công giáo Tiến hành trong giáo phận. Vì phải đi bộ nhiều cây số, tôi cảm thấy mệt mỏi. Cha tôi đã phải đặt tôi lên vai người. Đến nơi, tôi cảm thấy thất vọng, bởi vì dân chúng quá đông, mà tôi thì bé nhỏ. Mất hút trong chợ người, tôi không thể nhìn đoàn người đang diễu hành… Thế là một lần nữa, cha tôi lại bồng tôi lên vai của người. Từ trên cao tôi có thể xem thấy tất cả mọi sự”.
Và vị Giáo hoàng được mệnh danh là “nhân lành” đã kết luận như sau: “Bảy mươi năm đã qua, nhưng tôi vẫn còn ghi nhớ trong tâm trí cử chỉ của cha tôi. Nó đã trở thành một biểu trưng kỳ diệu. Ngày nay, mỗi khi mệt mỏi, mỗi khi tôi không còn thấy gì nữa, tôi nài xin vị Cha trên trời nâng đỡ tôi lên trên đôi cánh của Người.”
Dịp Tết, ta thường gửi thiệp chúc Tết, thăm viếng và tặng quà cho nhau. Cho nên, ngày Tết cũng là ngày của các mối liên hệ. Không có những liên hệ, Tết sẽ mất đi ý nghĩa của nó.
Vì thế, với tuổi thơ, Tết là những ngày hội vui; nhưng đối với người trưởng thành, thì Tết lại là một trách nhiệm. Trách nhiệm với những liên hệ – có đó – trong đời mình.
Thật vậy, người ta sống được ở đời là nhờ những liên hệ. Không ai có thể sống một mình như một hòn đảo hoang giữa biển. Bởi, nếu chịu khó để ý, chúng ta sẽ nhận ra rằng: Tất cả những gì chúng ta có được, đạt được – từ sự sống đến kiến thức, từ cơm ăn áo mặc đến xe cộ, thuốc men,…Tất cả đều nhờ ở người khác.
Càng thêm tuổi, hành trình cuộc sống càng dài, đời ta lại có thêm nhiều liên hệ.
Có những liên hệ chiều rộng giúp cho cuộc đời thêm tươi đẹp, phong phú.
Và cũng có đó, những liên hệ chiều sâu làm nên bản chất cuộc đời. Gia đình, cùng với Tổ tiên, Ông Bà cha mẹ nằm trong mối liên hệ chiều sâu ấy của đời ta.
Các ngài là những hạt giống chịu chôn vùi dưới những lớp đất của vất vả nhọc nhằn, để cho cây đời chúng ta được mọc lên.
Các ngài đã tự nguyện quên bản thân mình, chịu mục nát như những lớp phân bón cho cây đời chúng ta đơm bông kết trái.
Đời sống mỗi người – vì thế – đều có một lịch sử rất dày và rất sâu. Bề dày ấy, không chỉ đo bằng những trang sách của cuốn gia phả, nhưng còn đo bằng những trang đời của bao thế hệ tổ tiên. Độ sâu ấy, không chỉ đo bằng những cố gắng của bản thân, mà còn đo bằng bề sâu ân nghĩa của biết bao hy sinh vất vả của ông bà cha mẹ.
Hội Thánh muốn dành riêng ngày Mùng Hai Tết hôm nay để người tín hữu Việt Nam hướng về nguồn cội, kính nhớ Tổ Tiên và tỏ lòng biết ơn với những bậc sinh thành, những người đi trước đã ra công gầy dựng, ươm gieo để chúng ta có được hôm nay.
Như những lá cành của một thân cây tìm về cội rễ của mình, con người tưởng nhớ đến các bậc tiền nhân với lòng biết ơn, như mở lòng ra mà đón nhận những tinh hoa cao quý người đi trước đã chắt chiu, để lớn lên hơn trong hiện tại, để sống cho ra con người, sống tốt đẹp hơn nữa trong tương lai.
Vì thế, hôm nay cũng là ngày lễ dành cho các gia đình, ngày con cháu tỏ lòng thảo hiếu với ông bà cha mẹ của mình, và cũng là một chặng dừng, để mỗi người chúng ta nhìn lại mái ấm của mình. Nhìn lại để định hướng, để bắt đầu cho một khởi điểm mới.
Không có được diễm phúc như những bậc tiền nhân, gia đình của thiên niên kỷ thứ ba đang phải đối đầu với những nguy cơ, thách đố lớn của thời đại. Chúng ta có thể hình dung đôi nét của một mái nhà hôm nay:
Bàn cơm gia đình ngày càng nhiều món ngon vật lạ, nhưng đồng thời cũng được thu nhỏ lại hơn, vì bàn ăn rộng lớn để làm gì, khi cha đi làm ca một, mẹ ca hai, anh chị ca ba, còn em út thì đi học xa, vài ba tháng mới về một lần…
Nhà cửa cũng tiện nghi, hiện đại hơn, gọn gàng hơn, nhưng cũng trống vắng hơn. Vì nhà cao cửa rộng để làm gì, khi mái ấm gia đình nhiều lúc chỉ còn là nơi lưu giữ một ít đồ đạc, giấy tờ lặt vặt, là chỗ tạm nghỉ lấy sức để chuẩn bị lên một ngày lao động mới …
Ở nhà, tiếng nói của cha mẹ, ông bà dường như không mấy giá trị, bởi – lời nói có trọng lượng nhất – là của kẻ có thu nhập cao nhất trong nhà…
Trước một bức tranh với quá nhiều màu tối như thế, lời Chúa trong ngày Mùng Hai Tết hôm nay muốn nhắn nhủ điều gì cho chúng ta – cho những gia đình Kytô hữu?
Đời sống của chúng ta đã được hình thành, được sinh hạ, nuôi nấng, được lớn lên và trưởng thành nhờ vào biết bao những sợi dây liên kết, nhờ vào biết bao những vòng tay nồng ấm yêu thương.
Cuộc sống gia đình sẽ đẹp hơn biết bao, sẽ ấm áp biết bao khi con người – một lúc nào đó – khám phá ra vô vàn ân phúc Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta qua những tấm lòng thật tốt luôn ở kề bên. Không lớn tiếng cao giọng dạy bảo, nhưng đỡ nâng và hướng dẫn cuộc đời mình bằng rộng lượng, ân cần và hy sinh.
Thành tâm dâng lời cầu nguyện cho gia đình, cho ông bà cha mẹ trong ngày đầu xuân với lời mời gọi sống Đức Tin, thì phải chăng – là để cho Tin Mừng sự sống đổi mới con tim của chính mình.
Khi biết dành thời gian cho những người xung quanh mình, dù có khi là chỉ để làm một việc nhỏ nhoi. Và đừng để một ai đó đến với mình rồi ra đi mà không cảm thấy vui tươi và hạnh phúc hơn.
Bởi vì, mọi người đều có thể trở nên vĩ đại. Chỉ cần có một con tim chan chứa khoan dung và một tấm lòng tràn ngập yêu thương nhân ái.
Linh mục Giuse Trần Đình Túc