Viết về chuyến hàng “Giáo phận Vinh cùng Sài Gòn vượt qua đại dịch Covid-19”
GPVO (21.4.2021) – Vinh cách Sài Gòn 1.400km, nhưng tấm lòng người Vinh lại không xa. Không xa không chỉ vì rất nhiều con cái Vinh đang sống và làm việc tại Sài Gòn, không xa không chỉ vì bóng dáng Sài Gòn thấp thoáng ở Vinh mỗi khi Vinh gặp hoạn nạn, nhưng không xa còn vì người Vinh rất giàu tình tương thân tương ái.
Chuyến xe chở hàng “Giáo phận Vinh cùng Sài Gòn vượt qua đại dịch COVID-19” có thể nói là một trong những chuyến đầu tiên hướng về Sài Gòn, khởi hành lúc 19g30 tối ngày 15/7/2021. Trước đó, trong hai ngày 13-14/7, anh chị em giáo dân đáp lại lời kêu gọi của linh mục Fx. Nguyễn Văn Lượng, Giám đốc Caritas Gp. Vinh, tập trung các loại thực phẩm, kẻ nhiều người ít về các nhà thờ xứ, để kịp sáng 15/7 chuyển về Toà Giám mục và lên đường chiều hôm đó. Lúc đầu dự trù một chuyến xe 30 tấn, nhưng giờ phút chót đã phải huy động thêm một chuyến xe trọng tải tương đương, mới chở hết số hàng lên đến 60 tấn, trong đó một nửa là gạo, số còn lại là bầu, bí, chuối, cá khô, tép khô, nước mắm, măng muối và một số đặc sản của Vinh.
Số hàng 60 tấn là ước lượng theo tải trọng của hai chiếc xe này, nhưng thực tế có thể hơn kém. Trong lúc này điều quan trọng là món quà phải sớm hết sức đến với những người dân Sài Gòn. Không có thời gian để cân đong đo đếm, và hơn nữa, lòng quảng đại của người Vinh cũng không thể cân đong đo đếm nơi những bao gạo đủ kích cỡ, những buồng chuối, bao bí… Vội vàng đến nỗi anh em tài xế không kịp mang theo lương thực đi đường. Cứ tưởng như mọi lần, gặp đâu ăn đó, nhưng thực tế những ngày này hầu như các quán ăn trên quốc lộ đều đóng cửa, anh em tài xế đành giải quyết bằng những gói mì đơn sơ.
Mặc dù đã được chuẩn bị các thủ tục cần thiết như giấy xác nhận y tế, giới thiệu của Toà Giám mục… chuyến xe vẫn gặp một số trở ngại. Dự trù 3g sáng 17/7 xe đến Sài Gòn, nhưng 4g15 Sr Hiền, Caritas Vinh nhắn tin “các em báo qua Đèo Cả là bắt đầu kẹt đường. Chốt kiểm dịch dày đặc, họ kiếm tra nhặt, xe cứu trợ nhiều và vì giấy tờ nên các đoàn khác bị ách tắc làm kẹt đường nên xe các em lưu thông khó. Bây giờ đang ở Phan Thiết. Đoàn xe các em không bị trở ngại về vấn đề giấy tờ nhưng do kẹt đường thôi”.
Mãi 8g30 thứ Sáu 17/7 chiếc xe thứ nhất mới tới điểm hẹn là tu viện Đa Minh Gò Vấp sau hành trình 37 tiếng đồng hồ. Cha Giuse Đào Nguyên Vũ, Chánh Văn phòng HĐGM đã đến đón và nói lời cám ơn Giáo phận Vinh, đặc biệt Đức cha Anphong và ban Caritas Vinh. Sở dĩ chuyến cứu trợ này chọn điểm đến là tu viện Đa Minh vì không thể xuống hàng ở trụ sở Caritas Việt Nam như dự trù, do Caritas Việt Nam nằm trong vùng phong toả, hơn nữa, Caritas không đủ nhân sự đảm nhận việc bốc hàng. Gần 11g trưa, chiếc thứ hai đến. Anh em tài xế được bố trí nghỉ ngơi riêng tránh tiếp xúc gần với người Sài Gòn, ăn uống nghỉ ngơi chuẩn bi hành trình trở về cho kịp công tác khác nữa.
Việc phân phối được thực hiện theo sự đồng ý của ban tổ chức. Đối tượng nhận là những anh chị em trong khu vực cách ly, những người nghèo, các bếp phục vụ từ thiện… Có ba kênh phân phối. Một là Caritas Sài Gòn phân phối đến các giáo hạt, chín giáo hạt nhận mỗi nơi 2 tấn gạo, 5 bao miến mỗi bao khoảng 30kg. Riêng giáo hạt Gò Vấp nhận khoảng 6 tấn củ quả. Kênh thứ hai là các dòng tu và các bếp từ thiện với số lượng khoảng 8 tấn gạo, 12 tấn chuối, và nước mắm, dưa muối, cá khô… Kênh thứ ba là 5 nhóm đồng hương Vinh nhận khoảng 4 tấn gạo, cá khô, miến khô, bí, và măng muối phân phối lại cho anh chị em trong vùng không phân biệt vùng miền.
Hi! Anh em
Sách Sáng Thế kể chuyện gia đình ông Giacop trong cơn hoạn nạn phải xuống Ai Cập mua lương thực. Đến nơi họ được giới thiệu đến tể tướng Giuse mà họ không ngờ chính là đứa em mà họ đã bán cho thương lái 15 năm trước. Câu chuyện kể việc mua lương thực, nhưng lại tập trung nhiều hơn vào hoạt cảnh làm hoà giữa anh em với nhau. Điều này xem ra không dễ dàng gì về phía ông Giuse cũng như phía các anh ông. Ngày nay, ai cũng biết thảm trạng nhân loại đang trải qua phần lớn là do thái độ con người muốn loại trừ nhau. Do đó, việc thiếu thốn tình huynh đệ giữa con người với nhau thực sự là quan trọng hơn cả việc thiếu thốn lương thực vật chất. Trong số các món quà của Vinh, có một bao gạo không lớn nhưng mang theo một sứ điệp chào hỏi người anh em Sài Gòn chưa quen biết. “Gạo Gx. Bàn Thạch, Gp. Vinh, Hi anh em”. Còn những món quà khác cũng rất dễ thương, chẳng hạn một bao gạo không lớn lắm, nhưng người tặng quà đã chăm chút bằng chiếc nơ đơn sơ.
Sự trân trọng còn được thể hiện qua các thông tin món hàng, có khi cần phải có hai tên để xác định nội dung món hàng. Trên một bao hàng chúng tôi đọc được ghi chú Đậu Phộng (Lạc), hẳn chủ nhân món hàng biết rằng món quà này sẽ đến với người Sài Gòn, do đó, thông tin cho người Sài Gòn được đặt trước, sau đó mới ghi đến ngôn ngữ miền Trung.
Người Sài Gòn ăn nhút
Có lẽ dịp này cũng là cơ hội để người Sài Gòn thưởng thức một số đặc sản dân dã của miền Trung. Trong đó phải kể đến các món dưa muối, mà người Trung gọi cách mộc mạc là “nhút”. Có nhiều loại nhút, nhưng có lẽ nhút mít là phổ biến. Đây là món dưa muối làm bằng trái mít xanh, ăn dòn với vị chua hơi chát. Dinh dưỡng của nhút chưa biết thế nào nhưng chắc chắn là “đưa cơm” và giúp tiêu hoá. Người Vinh không dám so sánh nhút mít với các loại dưa muối cao cấp khác, nhưng đây là món ăn đặc sản đi vào lòng người với câu nói “nhút Thanh Chương tương Nam Đàn”.
Những hy sinh đến liều lĩnh…
Bên cạnh tấm lòng quảng đại của anh chị em Vinh gom góp những món quà vốn là thành phần chính trong bữa ăn gia đình của họ, bên cạnh sự hy sinh to lớn của anh em lái xe đường dài không kịp nghỉ ngơi, chúng tôi cũng muốn nói lên lời cám ơn đến thành phần khá đông đảo những anh chị em đảm nhận việc phân phối hàng cứu trợ đến tận tay người nghèo. Thực sự có ở trong hoàn cảnh người Sài Gòn mới cảm nhận được nỗi sợ lây nhiễm virus như thế nào. Mỗi lần có chuyến xe đến nhận hàng, chúng tôi đều phải xác định ranh giới. Các anh em trong tu viện đảm nhận phần nào, và khách đảm nhận phần nào. Tinh thần chung tay làm việc là không hay tí nào trong hoàn cảnh này. Sự hy sinh đến liều lĩnh của các anh chị em chuyển hàng thật đáng trân trọng, trong đó có khá đông hội viên Caritas Sài Gòn. Đằng sau họ là sự sống của gia đình, con cái… Vẫn biết ai cũng phải tự bảo vệ tối đa, nhưng cho dù cẩn thận và kỹ lưỡng đến đâu, các sơ suất vẫn rất dễ xảy ra, trừ trường hợp đóng cửa ngồi ở nhà không làm gì hết. Xin tri ân anh chị em, người tặng quà cũng như người nhận quà. Và xin Thiên Chúa ban ơn bình an cho tất cả mọi người trong cơn đại dịch này.
Lm. Ngô Sĩ Đình, OP.
Giám đốc Caritas Việt Nam
#chuyenhanggiaophanvinh #giaophanvinhcungsaigonvuotquadaidich