THĐGM Amazon và người trẻ trước cuộc khủng hoảng môi sinh
***
Bắt đầu từ ngày 6/10/2019, Thượng Hội Đồng Giám Mục (THĐGM) Về Amazon được nhóm họp ở Roma, với chủ đề: Amazon – những con đường mới cho Giáo Hội và nền sinh thái học toàn diện. Với tinh thần căn bản của thái độ lắng nghe, dưới ánh sáng Tin Mừng, các Nghị Phụ hướng đến việc nắm bắt các dấu chỉ thời đại, để đem những khuôn mặt, tiếng nói của rất nhiều thực tại phong phú khác nhau đến một sự hiểu biết chung, trong khi vẫn để ý đến những nét phong phú và sự khác biệt. Đó là nền tảng để hướng đến một sự hoán cải sinh thái, cũng như dẹp bỏ chủ nghĩa cá nhân và sự thờ ơ, vốn là hai thứ che mắt khiến chúng ta không thấy được tính nghiêm trọng của các tội chống lại môi trường, vốn tự chúng là những tội chống lại Thiên Chúa, chống lại con người, nhất là các thế hệ tương lai.[1]
Có thể nói, niềm hy vọng này cũng là điểm cho thấy sự tiếp nối giữa THĐGM Về Vùng Amazon và THĐGM Về Giới Trẻ 2018. Thực vậy, Tông huấn Christus Vivis đã kêu gọi thế hệ người lớn trao chuyển ước mơ và đặt hy vọng nơi người trẻ, vì “họ không chỉ là tương lai, mà còn là hiện tại của thế giới; thậm chí ngay lúc này, họ đang làm phong phú nó.”[2] Tiếp nối tinh thần này, trong phiên làm việc ngày 7/10 vừa qua, các Nghị Phụ THĐGM Về Vùng Amazon đã suy tư về tầm quan trọng của giới trẻ, về “Việc chọn lựa người trẻ” và đối thoại với họ trong sứ mạng dấn thân cho xã hội và bảo vệ Công Trình Tạo Dựng. Greta Thunberg, nhà hoạt động môi trường trẻ tuổi người Thuỵ Điển, được các Nghị Phụ nêu lên như một tấm gương sáng.
Vậy, đâu là những cơ sở để Giáo hội có thể nêu lên niềm niềm hy vọng này, nhất là trong sứ mạng bảo vệ môi sinh? Thiết tưởng, chúng ta có thể tìm thấy ít nhất hai điểm rất thực tế sau:
Thứ nhất, người trẻ đang thực sự đóng vai trò tiên phong và tích cực trong việc bảo vệ môi trường. Trong một cuộc phỏng vấn ở New York, Greta Thunberg được hỏi “tại sao em và người trẻ ngày nay đang tập trung quan tâm vào vấn đề biến đổi khí hậu? Và em có nghĩ tại sao lại có một sự tách biệt hoàn toàn giữa thế hệ người lớn và thế hệ người trẻ khi nói về vấn đề môi trường?” Cô đã trả lời rằng, “cách nào đó, em cảm thấy đang bị đe doạ cách trực tiếp (bởi sự biến đổi khí hậu) […] chúng em thực sự biết mình sẽ phải đối diện với những hệ quả của nó ngay trong cuộc đời của mình, nó thực sự đang diễn ra, và sẽ ngày càng tệ thêm […] nơi người trẻ, mối bận tâm về môi trường lớn hơn.”[3] Theo tôi, đây chính là điểm mấu chốt. Không như thế hệ lớn, người trẻ dường như đang nhạy cảm hơn (một cách tích cực) với sự đe doạ của khủng hoảng môi trường, vì họ thực sự bị đụng chạm và cảm thấy đó là vấn đề mình phải đối diện. Tôi không phủ nhận những đóng góp và dấn thân rất lớn cho môi sinh của một số người lớn; tuy nhiên, rất nhiều người thuộc thế hệ này, nhất là các chính trị gia và những người làm kinh tế kiểu ‘con buôn’, chỉ xem ‘bảo vệ môi trường’ như một quân cờ trong ván bài chính trị, kinh tế của họ. Đó là một thực trạng. Tất nhiên, không vì thế mà chúng ta cho phép thế hệ người lớn được tự do tiếp tục vô trách nhiệm, nhưng rõ ràng chúng ta khó có thể chờ mong nhiều ở họ trong sứ mạng giải quyết cuộc khủng hoảng môi sinh hiện nay, mà sẽ chờ mong nhiều hơn ở người trẻ.
Những gì nói trên đây về vai trò của người trẻ không còn là lý thuyết, mà đã diễn ra trên thực tế. Thật vậy, trong những năm qua, đã có rất nhiều sáng kiến của các bạn trẻ về bảo vệ môi trường. Ví dụ, hàng trai 22 tuổi người Hà Lan Boyan Slat đã sáng chế ra hệ thống máy móc thu góp rác thải ở ngoài biển. Nhiều bạn trẻ đã lập ra các phong trào hay hiệp hội hoạt động môi trường, và đã mang lại hiệu quả rất tốt. Có những bạn trẻ chưa đưa ra được sáng kiến gì lớn, nhưng họ sẵn sàng dấn thân vào tinh thần bảo vệ môi trường, bằng cách hoà mình vào các phong trào gây ý thức. Nhiều bạn trẻ cũng bắt đầu có quan niệm mới về lối sống: thay vì quan niệm về một lối sống ‘đẳng cấp’ theo nghĩa có đủ các tiện ích vật chất, họ quan niệm về lối sống ‘đẹp’ theo nghĩa giản dị, hài hoà với thiên nhiên.
Ngay cả ở Việt Nam, trong vài năm qua, đã có những việc làm bảo vệ môi trường rất thiết thực, chủ yếu do người trẻ khởi xướng. Ví dụ, một số bạn trẻ sản xuất ống hút cỏ để thay thế cho ống nhựa. Nhiều nhóm bạn trẻ cũng thành lập các nhóm đi dọn dẹp rác ở các dòng sông; hay một nhóm bạn trẻ thành lập chương trình Save Sơn Đoòng để bảo vệ hang động lớn nhất thế giới khỏi những dự án khai thác nó cách bừa bãi. Mới đây nhất, bạn Nguyễn thị Thu Trang, sáng lập và giám đốc điều hành WildAct, tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn động vật hoang dã và môi trường, được BBC vinh danh là một trong 100 phụ nữ ảnh hưởng nhất năm 2019.[4]
Thứ hai, như các Nghị Phụ THĐGM nhấn mạnh, tâm hồn người trẻ muốn xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, vì họ đại diện cho một học thuyết xã hội đang chuyển động. Giới trẻ ngày nay có khuynh hướng quan niệm về trọng tâm đời sống xã hội khác với thế hệ trước, trong đó nhiều bạn cảm thấy cần thiết lập mối quan hệ mới đối với Công Trình Tạo Dựng, một mối quan hệ không mang tính khai thác, mà chú ý đến nỗi thống khổ của hành tinh.[5] Vì thế, chúng ta hy vọng rằng, khi được hỗ trợ hợp lý, nhất là qua đối thoại và biện phân, người trẻ có thể dấn thân mạnh mẽ hơn cho việc bảo vệ Công Trình Tạo Dựng, không phải theo kiểu khẩu hiệu “xanh và hợp thời”, mà hướng đến những thay đổi ở tầm mức lối sống và cơ cấu xã hội, trong tinh thần liên đới với nhân loại và với hành tinh.
Câu hỏi đặt ra: một cách cụ thể, làm sao để giúp người trẻ có nhiều tự do, nguồn lực, ‘sân chơi’, để họ phát huy tối đa tinh thần và khả năng của mình trong việc bảo vệ môi trường?
Theo tôi, một trong những điều quan trọng nhất là phải giúp họ tiếp cận thông tin về môi trường. Rõ ràng, bằng cảm quan, người trẻ có thể cảm nhận rất rõ những thay đổi và tác động tiêu cực của môi trường. Tuy nhiên, họ sẽ có ý thức và phương hướng hành động hơn nữa nếu họ có được những thông tin cụ thể. Ví dụ như ở Việt Nam hiện nay, bên cạnh vấn đề chung là biến đổi khí hậu, chúng ta đang phải đối diện với vấn đề ô nhiễm, từ ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm thức ăn, ô nhiễm đất đai. Rất nhiều bạn trẻ hẳn đang quan tâm và tìm phương hướng giải quyết trước vấn đề này. Nhưng không dễ để họ có thể tiếp cận và tổng hợp các thông tin cụ thể liên quan đến nó. Vì thế, cách giúp họ tốt nhất mà thế hệ người lớn, nhất là các quan chức, có thể làm là bạch hoá các thông tin về môi trường. Ví dụ, cần thông tin rõ hàng năm Việt Nam sản xuất và nhập khẩu bao nhiêu tấn thuốc trừ sâu và các loại chất hoá sinh khác có khả năng gây hại cho môi trường? Chúng ta có bao nhiêu máy công nhiệp nặng, thải ra những loại khí, bụi nào?
Điều thứ hai mà người lớn có thể làm là hãy trao ‘không gian tự do’ cho người trẻ phát huy sự dấn thân của họ, bằng cách tôn trọng những sáng kiến và lối sống, nếu những điều đó tương hợp với việc bảo vệ môi trường, cho dù chúng có thể đi ngược lại các quan niệm và suy nghĩ của mình. Nếu chúng ta không trao các nguồn lực hoặc không đồng hành với họ, thì ít ra chúng ta hãy đừng cản trở mối bận tâm và lòng dấn thân cho môi trường của họ. Có thể người lớn cảm thấy ít bị đụng chạm bởi khủng hoảng môi trường như người trẻ, vì cơ thể chúng ta đã đủ già, vì hệ miễn dịch của chúng ta đủ mạnh, và vì tâm lý của chúng ta đã hướng về ‘triền dốc bên kia’. Nhưng chúng ta cần phải để cho mình được đụng chạm bởi nỗi đau của người trẻ, nghe được tiếng kêu của họ trước thảm trạng môi trường mà họ thấy bị đụng chạm cách rõ rệt.
Về phía các bạn trẻ: không phải tất cả người trẻ đã ý thức và dấn thân cho sứ mạng bảo vệ môi trường, vì vẫn còn rất nhiều bạn đang chạy theo những mục đích, lối sống kiểu chủ nghĩa tiêu thụ. Nhưng các bạn phải chân thành với cảm nhận của mình về tác hại đích thực của khủng hoảng môi trường mà thế hệ mình đang và sẽ phải đối diện; và phải tin vào sức mạnh từ sự dấn thân của mình trước thực trạng này. Dù cho các bạn chưa được trao quyền đầy đủ, chưa tạo được những chương trình hoạt động rõ ràng, thì các bạn vẫn còn một khí cụ rất hiệu quả: tiếng nói. Các bạn cần sử dụng sức mạnh của nó! Vì thế, ngay cả khi bị thất vọng vì sự im lặng của đa số xung quanh mình, nhất là của thế hệ người lớn, thì các bạn cũng hãy can đảm lên tiếng mạnh mẽ, như khẩu hiệu của cô gái người Pakistan Malala Yousafzai, nhà đấu tranh cho quyền giáo dục phụ nữ: “khi cả thể giới im lặng, thì thậm chí một tiếng nói vang lên cũng trở thành sức mạnh.”
Cách riêng, với Ki-tô hữu, chúng ta cần thực hiện một ‘cuộc hoán cải sinh thái’. Như suy nghĩ của các nghị phụ THĐGM, sự hoán cải sinh thái, trước hết và trên hết, là một sự hoán cải đến với sự thánh thiện. Sự thánh thiện có một sức mạnh lớn lao để lôi cuốn người trẻ, những người đòi hỏi một sự mục vụ được đổi mới, năng động, và chú tâm.[6] Vì thế, lời cầu nguyện và đời sống hiệp nhất với Thiên Chúa vẫn luôn là nền tảng cho mọi biến cố, mọi giải pháp của cuộc sống.
[1] https://www.masimpress.com/thuong-hoi-dong-amazon-giao-hoi-xung-thu-cac-toi-sinh-thai
[2] Christus Vivis, 64.
[3] https://www.youtube.com/watch?v=rhQVustYV24. Cập nhật 15/10/2019.
[4] https://www.bbc.com/news/world-50042279.
[5] https://masimpress.com/thuong-hoi-dong-amazon-nguoi-tre-cac-nhan-vat-chinh-cua-nen-sinh-thai-toan-dien. Cập nhật 15/10/2019.
[6] https://www.masimpress.com/thuong-hoi-dong-amazon-giao-hoi-xung-thu-cac-toi-sinh-thai
Khắc Bá, SJ – TNV Vatican News