Học hỏi Thánh Kinh 100 tuần
TUẦN 21:
Sách Gio-sua
***
I. TỔNG QUÁT
Giôsua là trợ tá của Môsê và được chọn để kế tục sự nghiệp của Môsê lãnh đạo Dân Chúa. Trong tiếng Do thái, Giôsua có nghĩa là “Thiên Chúa cứu” hay “Xin Thiên Chúa cứu.”
Vào khoảng năm 1200 trước Công nguyên, Giôsua đưa dân Israel tiến vào Đất Hứa. Sau khi vượt qua sông Giođan và chiếm đất Canaan, họ lấy Gilgal làm bản doanh và Sichem làm nơi thờ phượng. Giôsua đã triệu tập tất cả các chi tộc Israel tại Sichem và lập thoả thuận với họ.
Sách Giôsua như ta có ngày nay là sự thu thập những lời truyền khẩu về Miền Đất Hứa, và chỉ được hoàn thành sau thời lưu đày Babylon. Sách gồm ba phần chính:
– Chinh phục đất Canaan (chương 1 – 12)
– Phân chia đất (chương 13-21)
– Các chi tộc bên kia sông Giođan trở về và diễn từ cuối cùng của Giôsua (chương 22 – 24)
Mục đích chính của sách là chứng minh sự trung tín của Thiên Chúa với lời Người đã hứa, đặc biệt là lời hứa sẽ ban cho dân miền đất chảy sữa và mật. Niềm tin vào sự trung tín của Thiên Chúa là điểm tựa cho Dân, để dù sống giữa cảnh lưu đày, họ vẫn một niềm tin tưởng vào sự hiện diện và chăm sóc của Thiên Chúa, Đấng sẽ giải thoát họ và đưa họ về miền Đất Hứa.
Đồng thời, Dân Chúa phải ý thức rằng họ sẽ có thể sống mãi trong miền đất Thiên Chúa đã ban cho họ, với điều kiện là họ trung thành tuân giữ tất cả những điều Môsê đã truyền qua Lề Luật: “Anh em phải thật cương quyết tuân giữ và thực hành tất cả những gì ghi trong Sách Luật Môsê, không đi trệch bên phải bên trái” (23,6).
II. QUA SÔNG GIOĐAN (3,1 – 5,12)
1. Chuẩn bị (3,1-13)
Trình thuật này mô tả việc qua sông Giođan như một cuộc rước trọng thể trong phụng vụ. Mục đích là để cho thấy chính Thiên Chúa hằng sống là Chúa của toàn thể cõi đất đã đưa dân Israel vào Đất Hứa. Như thế, dân đang sống cảnh lưu đày vững tin vào quyền năng Chúa là Đấng sẽ giải thoát họ khỏi cảnh lưu đày.
2. Qua sông (3,14-17)
Trong cuộc rước trọng thể, dân đi theo các tư tế khiêng Hòm Bia Giao Ước, và khi nước dừng lại thì dân đi qua sông. Rõ ràng trình thuật này muốn nhắc lại việc dân Israel qua Biển Đỏ; như thế làm nổi bật ý nghĩa: việc vào Đất Hứa chính là sự kết thúc hành động Thiên Chúa giải thoát Dân, đã được bắt đầu từ cuộc xuất hành. Xuất Hành trở thành điểm quy chiếu qua đó thấy được hành động giải thoát của Chúa.
3. Bia kỷ niệm (4,1-9)
Các tấm bia là sự nhắc nhớ cụ thể rằng “nước sông Giođan đã bị chặn lại trước Hòm Bia Giao Ước của Đức Chúa khi Hòm Bia qua sông Giođan.” Như thế, chính Chúa chứ không ai khác, đã đưa dân qua sông.
4. Hoàn tất việc qua sông (4,10-18)
Việc qua sông Giođan vừa khép lại một giai đoạn trong lịch sử Israel vừa mở ra một giai đoạn mới. Trình thuật này mô tả bước chuyển tiếp giữa hai giai đoạn. Trình thuật này được đóng khung bằng hai sự kiện mang tính phụng vụ: Giôsua dựng mười hai tảng đá lấy từ sông Giođan (4,20-24) và việc cử hành lễ Vượt Qua (5, 10-12).
III. DIỄN TỪ CUỐI CÙNG CỦA GIOSUA (chương 23 & 24)
Biết rằng ngày ra đi của mình đã gần kề, Giôsua triệu tập dân lại để nhắc nhở họ về mọi điều đã xảy ra, đồng thời khuyến khích họ trung thành với giao ước. Ông cũng khuyến cáo dân về những hậu quả khôn lường nếu họ bất trung và chống lại Chúa.
IV. Liên quan đến Tân Ước
1. Giôsua, hình bóng của Chúa Kitô, Đấng đưa dân vào Nước Thiên Chúa.
2. Việc qua sông Giođan là hình bóng của bí tích Thánh Tẩy.
3. Đất Hứa là hình bóng của Vương quốc Thiên Chúa.
ĐGM. Nguyễn Khảm
Nguồn: tgpsaigon.net