TÌM HIỂU SÁCH GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO
Phần III: ĐỜI SỐNG MỚI TRONG ĐỨC KITÔ
Bài 43. ĐIỀU RĂN THỨ SÁU
***
Xin nói ngay, đây là điều răn thứ sáu chứ không phải điều răn thứ nhất. Đôi lúc bạn có cảm tưởng đây là điều răn hàng đầu vì người ta nói đến nó nhiều quá. Người ta thường trách cứ Hội Thánh đã nhấn mạnh quá nhiều đến điều răn này, cứ như thể mọi sự khác đều xoay quanh điều răn này. Không thể phủ nhận rằng đã có lúc chúng ta nhấn mạnh quá đáng như thế. Ngày nay, ngược lại, chúng ta thấy tính dục lại trở thành câu chuyện dẫn đường trên các phương tiện truyền thông cũng như trong công chúng, bị khai thác bằng mọi cách. Vậy, ý định nguyên thủy của điều răn thứ sáu là gì? “Ngươi không được ngoại tình” (Xh 20,14). Các điều răn ở bảng hai (GLHTCG số 2067) nhắm đến môi trường sống của gia đình nhân loại, liên quan đến việc “phải tôn trọng cách đặc biệt sự sống, hôn nhân, của cải trần thế và lời nói” (số 2198).
Điều răn thứ sáu trước hết nhằm bảo vệ tình yêu hôn nhân. Trong cách nhìn của Kinh Thánh, tính dục “quy hướng tới tình yêu phu phụ giữa người nam và người nữ” (số 2360). Xác tín nền tảng này cũng dẫn đến tầm nhìn rộng lớn và bao quát hơn về điều răn thứ sáu, liên quan đến cách sống đúng đắn của những người không kết hôn, sống độc thân, cũng như người trưởng thành, trong vấn đề tính dục.
Không giống như nhiều thần thoại khác, Kinh Thánh nhìn tính dục nơi con người như một thực tại do Thiên Chúa muốn. Tính dục không phải là một tai hoạ hoặc tai nạn. Chính Thiên Chúa đã tạo dựng con người có nam có nữ, và như thế, tính dục nơi người nam và người nữ là do Thiên Chúa muốn và có ý nghĩa tích cực. Chính vì thế trong các sách làm nên bộ Kinh Thánh, có sách Diễm Ca với những bài ca tuyệt vời ca tụng tình yêu giữa người nam và người nữ (số 1611). Như sách Diễm Ca diễn tả, tình yêu với tất cả những sắc mầu và niềm vui, luôn luôn là điều đáng trông mong và tìm kiếm, kể cả ngày nay.
Tuy nhiên, Kinh Thánh cũng nói đến sự rối loạn mà tình dục đã gây nên kể từ sau tội nguyên tổ, khi con người xa lìa Thiên Chúa và tự biến mình thành mục tiêu tối hậu (số 398). Kể từ đó, sự hài hoà nội tại nơi con người bị đảo lộn: thân xác và linh hồn thường xuyên kình chống nhau, đam mê không còn tuân theo lý trí và ý chí, tương quan giữa những người khác phái trở nên căng thẳng và xung đột (số 400). Kể từ đó, con người phải đấu tranh vất vả để kềm chế năng lực tính dục mà Đấng Tạo Hoá đã đặt vào con người họ, sao cho nó đừng tự biến mình thành cùng đích tối hậu, nhưng thay vào đó, phải nhân hoá, trật tự hoá và toàn diện hoá nó (số 2337). Do đó điều răn thứ sáu trước hết không phải là bảng liệt kê những điều cấm đoán, đúng hơn, đó là bảng chỉ đường giúp chúng ta học yêu thương và ứng xử cho đúng đắn với tính dục. Truyền thống gọi đó là nhân đức khiết tịnh và tự chủ.
Sách Giáo lý nhấn mạnh đây là “một công việc bền bỉ và lâu dài, không bao giờ được coi như đã đạt tới một lần là xong” (số 2342). Đồng thời Sách Giáo lý cũng cho biết sự tự chủ này được thực hiện “qua những giai đoạn tăng trưởng, phải trải qua những bất toàn và rất thường là tội lỗi nữa” (số 2343). Đây cũng không chỉ là vấn đề nỗ lực cá nhân, nhưng còn bao hàm “nỗ lực về văn hoá”, vì “sự thăng tiến của nhân vị và sự phát triển của chính xã hội lệ thuộc lẫn nhau” (số 2344). Cuối cùng, tuy khiết tịnh là một nhân đức luân lý nhưng đó cũng là hồng ân của Thiên Chúa, là ân sủng, là hoa trái của Thánh Thần; vì thế chúng ta phải cầu xin Chúa trợ giúp để có thể sống khiết tịnh cách trọn vẹn.
ĐHY Christoph Schönborn
Nguồn: WHĐ