TÌM HIỂU SÁCH GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO
Phần III: ĐỜI SỐNG MỚI TRONG ĐỨC KITÔ
Bài 42. CHIẾN TRANH VÀ HOÀ BÌNH
***
Điều răn thứ năm bảo vệ sự sống con người khỏi những sức mạnh chết chóc. Do đó, điều răn này kêu gọi chúng ta phải chiến đấu chống lại những cội rễ sâu xa của chiến tranh và giết chóc. Tâm hồn con người là nguồn cội của những tư tưởng xấu, dẫn đến những hành động xấu (Mc 7,14-23). Chính vì thế Chúa Giêsu công bố: “Phúc cho những ai xây dựng hoà bình” (Mt 5,9). Để xây dựng hoà bình, chúng ta phải có được hoà bình nơi chính bản thân. Dĩ nhiên điều đó đòi hỏi cuộc đấu tranh gian khổ, chống lại những tư tưởng và đam mê xấu nơi chính mình.
Không những Chúa Giêsu nhắc nhở về điều răn thứ năm, nhưng xem ra Người còn nghiêm khắc hơn. Kể cả giận dữ với tha nhân và anh em cũng đáng bị Thiên Chúa xét xử rồi (Mt 5,22). Quả là không dễ dàng khi phải vượt lên trên những phản ứng tự nhiên của tâm hồn và đam mê, chúng ta chỉ làm được điều đó nhờ ân sủng của Đức Kitô, Đấng đã “chấm dứt sự thù hận” (Eph 2,16) trong chính thân thể Người. Nếu muốn biết chúng ta đã đạt đến điều đó chưa, hãy nhìn vào thái độ của mình đối với kẻ thù. Chúa Giêsu dạy phải yêu thương kẻ thù (Mt 5,44-45), và điều này chỉ thành hiện thực nơi những ai làm chủ được ước muốn trả thù trong tâm hồn mình. Vậy ai trong chúng ta có thể tuyên bố chắc chắn là mình đã có được sự bình an theo nghĩa sâu xa này? Phải nói đây là cuộc chiến đấu liên lỉ, nhờ sự trợ giúp của ân sủng: “Hãy tránh xa điều ác và hãy làm lành; hãy tìm kiếm và theo đuổi bình an” (Tv 34,14).
Hoà bình trong xã hội và đất nước, hoà bình giữa các nhóm người và các dân tộc, tất cả cũng đều bắt nguồn từ trái tim con người. Tuy nhiên cũng cần có những điều kiện bên ngoài: “Hoà bình không thể có được trên trái đất, nếu không có sự bảo vệ của cải của các nhân vị, không có sự truyền thông tự do giữa con người, không có sự tôn trọng phẩm giá con người và các dân tộc, không có sự chuyên chăm thực thi tình huynh đệ” (GLHTCG số 2304). Người ta thường chỉ nhận ra sự cao quý của hoà bình khi hoà bình bị đe doạ hoặc mất đi. Chính vì thế Hội Thánh không ngừng cầu nguyện cho hoà bình.
Chiến tranh không phải là “cha đẻ mọi sự” như người ta thường nói. Ngược lại, kinh nghiệm đau thương trong lịch sử nhân loại cho thấy chiến tranh là một trong những điều tồi tệ nhất, “vì mọi cuộc chiến đều kéo theo những tai hoạ và bất công”. Cũng vì thế, “Chúng ta phải làm bất cứ điều gì có thể cách hữu lý để tránh chiến tranh. Hội Thánh cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cứu chúng con kỏi ôn dịch, nạn đói và chiến tranh” (số 2307, 2327).
Ở mức độ nào đó, chẳng bao giờ có thứ “chiến tranh chính đáng”. Tuy nhiên, có những hoàn cảnh trong đó việc tự vệ bằng sức mạnh quân sự được coi là hợp pháp về mặt luân lý (số 2309). Với sức tàn phá khủng khiếp của những vũ khí hiện đại, cần phải đánh giá thật kỹ những điều kiện cho phép sử dụng vũ khí cách hợp pháp về mặt luân lý.
Chiến tranh không dẹp bỏ luật luân lý. Kể cả trong chiến tranh, những nguyên tắc đạo đức vẫn có giá trị: “Không phải vì chẳng may chiến tranh đã diễn ra, mà các phía đối nghịch nhau được phép muốn làm gì thì làm” (số 2312). Cho nên, “phải tôn trọng và đối xử cách nhân đạo với thường dân, thương binh và tù binh” (số 2313).
Phương thế hiệu quả để chống lại nguy cơ chiến tranh là hãy hành động cho công lý và công bằng giữa con người, nhóm người, các dân tộc. Vì chưa vào thiên đàng nên chúng ta phải luôn cảnh giác trước những nguy cơ đe doạ hoà bình. Điều đó có nghĩa là cần có sự bảo vệ quốc gia cách thích hợp cũng như chính sách khôn ngoan để bảo vệ an ninh và trật tự xã hội công bằng và hoà bình.
ĐHY Christoph Schönborn