Bài 03: ĐẠO HIẾU DƯỚI ÁNH SÁNG TIN MỪNG
Dẫn nhập
Nâng đỡ và thăng tiến đời sống gia đình vẫn luôn là mối bận tâm của các vị mục tử trong Hội Thánh. Thật vậy, “Hội Thánh được gọi là gia đình của Thiên Chúa và mỗi gia đình Kitô hữu được gọi là Hội Thánh tại gia. Việc canh tân Hội Thánh phải được bắt đầu từ mỗi gia đình, do đó, Hội Thánh đặc biệt quan tâm đến các gia đình”[1]. Nhằm canh tân đời sống đức tin và theo định hướng mục vụ của Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010 “Cùng nhau bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống”, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã mời gọi thực hiện kế hoạch mục vụ 3 năm tiếp theo (2014-2016), mà khởi đầu là năm 2014 với chủ đề “Phúc-Âm-hóa đời sống gia đình”: “Chúng ta hãy cùng nhau Phúc-Âm-hóa đời sống gia đình và thúc đẩy gia đình tham gia tích cực vào sứ vụ loan báo Tin Mừng”[2].
Để thực thi sứ vụ loan báo Tin Mừng trong bối cảnh xã hội Việt Nam hôm nay, mỗi gia đình phải trở nên một cộng đoàn yêu thương. Để nên dấu chỉ sống động của Tình yêu Thiên Chúa, thì một trong những điều cần thiết phải thể hiện trong đời sống gia đình, đó là sống Đạo Hiếu dưới ánh sáng Lời Chúa.
1. Thực trạng hiện nay
Nói đến gia đình Việt Nam là nói đến tình gia tộc và nhất là Đạo Hiếu. Đó là do ảnh hưởng của nền văn hóa Á Đông, luôn lấy gia đình làm gốc và đề cao Đạo Hiếu, những đức tính như tình gia đình gia tộc, sự tương thân tương ái… Nhưng theo nhận định của HĐGMVN trong Thư Chung 2010, “Những giá trị đó đang bị đe dọa nghiêm trọng do não trạng duy vật và hưởng thụ, tính cục bộ và óc địa phương hẹp hòi, thói gian dối và lừa đảo, nạn bạo hành…”[3]. Vì thế, nhiều gia đình trong xã hội và cả Giáo Hội đã lâm vào cảnh đổ vỡ, ly thân ly dị, phá thai, bất hòa chém giết nhau… Trước sự khủng hoảng đời sống gia đình hiện nay, HĐGMVN đã xác định: “cần phải tăng cường và canh tân mục vụ gia đình, phải xem mục vụ gia đình là hoạt động quan trọng và nối kết những kế hoạch và chương trình mục vụ của giáo xứ cũng như giáo phận. Thừa hưởng nền văn hóa Đạo Hiếu luôn lấy gia đình làm gốc, chúng tôi kêu gọi anh chị em giáo dân quan tâm xây dựng gia đình mình nên như Giáo Hội tại gia, trở thành trường dạy đầu tiên, nơi đào tạo những thế hệ mới vững mạnh trong đức tin và can đảm sống đạo đức, có trách nhiệm đối với xã hội và Giáo Hội”[4].
Mặt khác, một vấn đề khúc mắc khác ảnh hưởng đến công cuộc loan báo Tin Mừng, đó là việc hội nhập văn hóa và vấn đề tôn kính tổ tiên theo Đạo Hiếu. Thực vậy, không biết do vô tình vì không hiểu hay do cố chấp trong thành kiến mà nhiều người lương dân cho rằng theo đạo phải bỏ ông bà. Theo đó, họ cho rằng Kitô giáo không cho thờ cúng tổ tiên, và như thế có nghĩa là người Kitô hữu không thảo hiếu với ông bà, cha mẹ, tức là không giữ Đạo Hiếu.
Chính vì thế, nhân dịp năm mục vụ Phúc-Âm-hóa đời sống gia đình, chúng ta cùng nhau ôn lại giáo huấn về Đạo Hiếu, hay nói cách khác là cùng tìm hiểu Đạo Hiếu dưới ánh sáng chỉ dẫn của Lời Chúa.
2. Đạo Hiếu dưới ánh sáng Lời Chúa
2.1. Một vài minh định. Trước hết, chúng ta hiểu rằng vấn đề khúc mắc nằm ở từ ngữ và ý nghĩa của nó. Theo Đức nguyên Tổng Giám Mục Huế Stêphanô Nguyễn Như Thể trong bài phát biểu tại Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu: “Ngày nay, chúng tôi nói đến việc ‘tôn kính’ thay vì nói việc ‘phụng thờ tổ tiên’, để có một phân biệt rõ ràng trên bình diện thần học”[5].
Trong văn hóa và tín ngưỡng của Việt Nam, theo nhận định của các nhà truyền giáo và những nhà nhân chủng học, nhất là cha Léopold Cadière, thì việc phụng thờ các thần linh là niềm tin tôn giáo chính ở Việt Nam, mà việc phụng thờ tổ tiên là yếu tố thiết yếu nhất. Điều này đã được Tam giáo – Khổng, Lão và Phật giáo – tiếp nhận và đưa vào thực hành như là nhân đức căn bản của gia đình và xã hội, và vì thế đã dễ dàng được dân chúng đón nhận[6].
Chúng ta cần dè dặt với những hình thức “phụng thờ tổ tiên” theo nghĩa này, trong khi đó, “nhờ ‘cảm thức siêu nhiên của đức tin’, Dân Thiên Chúa ‘gắn bó cách kiên vững với đức tin’ dưới sự hướng dẫn của Huấn quyền sống động của Hội Thánh”[7].
Chúng ta tuyên xưng đức tin vào một Thiên Chúa duy nhất và phụng thờ Ngài trên hết mọi sự. Vì thế, tất cả những việc phụng thờ nghịch với điều này đều không được chấp nhận. Việc tôn kính tổ tiên không thể đặt ngang hàng với việc phụng thờ Thiên Chúa.
Ngoài ra, trong việc thực hành thờ cúng tổ tiên của anh chị em lương dân, chúng ta cảm nhận được rằng “giữa ý nghĩa dấu chỉ tượng trưng và những ngộ nhận dẫn đến mê tín, ranh giới thật mong manh”. Theo cha Võ Tá Khánh (Trăng Thập Tự), “các sách nghi lễ hiện hành kết thúc các văn tế với lời mời tiền nhân về ‘phối hưởng’ các lễ phẩm (ví dụ trong quyển ‘Tập Văn tế mẫu Cúng Gia Tiên’, Thái Vy biên soạn, Nxb Thanh Hóa, 2007). Các bài văn tế hiện dùng thường dịch lại sát các bản văn xưa và cũng mang ý nghĩa mời người xưa về hưởng các lễ phẩm. Nói tắt, vẫn còn một tỉ lệ lớn bà con lương dân nghĩ rằng Ông Bà Tổ Tiên về hưởng của cúng”[8].
Vì thế, do sự khác biệt trong niềm tin và với những ngộ nhận trong việc thực hành dễ dẫn đến mê tín, chúng ta cần hiểu rõ để có thể đối thoại và trình bày giáo huấn cũng như việc sống Đạo Hiếu dưới ánh sáng chỉ dẫn của Lời Chúa với anh chị em lương dân chúng ta gặp gỡ trong đời thường của cuộc sống.
2.2. Đạo Hiếu theo giáo huấn của Lời Chúa. Đạo Hiếu hay việc thảo kính cha mẹ, ông bà không chỉ là việc thực hành luân lý, đạo đức tốt đẹp trong đời sống xã hội, nhưng nó còn là lệnh truyền trực tiếp từ Thiên Chúa. Thật vậy, trong Mười Điều Răn Thiên Chúa đã truyền qua Môsê, sau ba điều về việc phụng thờ Thiên Chúa là bảy điều về lối sống và cách hành xử trong đời sống con người, mà đứng đầu là việc thảo kính cha mẹ, ông bà. Đây là bổn phận của người Kitô hữu phải biết và thực hành, nếu không là vi phạm luật Chúa, là có tội. GLHTCG dạy rằng: “Thiên Chúa muốn rằng, sau Ngài, chúng ta phải tôn kính cha mẹ, là những vị chúng ta phải chịu ơn về sự sống, và là những vị đã lưu truyền cho chúng ta sự nhận biết Thiên Chúa”[9].
2.2.1. Lệnh truyền của Thập Giới tại Giáo ước Sinai. Khởi đi từ Mười điều răn Thiên Chúa trao cho dân Israel khi ký kết Giao ước tại Núi Sinai, được ghi trong sách Xuất Hành, sau khi dân đã cam kết nhận và tôn thờ Thiên Chúa là Chúa độc nhất, thì bổn phận kế tiếp là: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, để được sống lâu trên đất mà Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi” (Xh 20,12). Lệnh truyền ấy đã được Môsê nhắc lại với dân phải nhớ tuân giữ khi họ sắp vào đất hứa: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, như Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã truyền cho ngươi, để được sống lâu, và để được hạnh phúc trên đất mà Ðức Chúa, Thiên Chúa ngươi, ban cho ngươi” (Đnl 5,16).
2.2.2. Lời khuyên dạy của các bậc khôn ngoan. Sách Huấn Ca, sau khi đã nói đến lòng kính sợ và tôn thờ Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh để được Thiên Chúa ban ơn nâng đỡ, chở che, yêu thương, tha thứ…, đã khuyên dạy rằng: “Hãy thảo kính cha con bằng lời nói việc làm, để nhờ người mà con được chúc phúc… Con ơi, hãy săn sóc cha con, khi người đến tuổi già ; bao lâu người còn sống, chớ làm người buồn tủi. Người có lú lẫn, con cũng phải cảm thông, chớ cậy mình sung sức mà khinh dể người” (Hc 3, 8.12-13).
Nhấn mạnh đến công ơn sinh thành dưỡng dục, sách Huấn Ca đã nhắc nhở những người con phải tỏ lòng biết ơn và hiếu kính đối với cha mẹ: “Cha con, con hãy hết lòng tôn kính, và đừng quên ơn mẹ đã mang nặng đẻ đau. Hãy luôn nhớ công ơn dưỡng dục sinh thành, công ơn ấy, con sẽ lấy chi đáp đền cho cân xứng ?” (Hc 7, 27-28).
Cũng trong ý hướng ấy, sách Tôbia thuật lại việc ông Tôbit khuyên con trước khi qua đời: “Con hãy chôn cất cha cho tử tế. Hãy thảo kính mẹ con và đừng bỏ rơi người bao lâu người còn sống. Con hãy ăn ở đẹp lòng người và đừng làm điều chi phiền lòng người cả. Này con, con phải nhớ rằng mẹ con đã trải qua bao nỗi ngặt nghèo vì con, khi con còn trong dạ mẹ. Khi người mất, con hãy chôn cất người ngay bên cạnh cha, trong cùng một phần mộ” (Tb 4, 3-4).
2.2.3. Gương mẫu và giáo huấn của Chúa Giêsu Trong vai trò người con nơi gia đình Nazareth, Chúa Giêsu đã chu toàn bổn phận thảo hiếu khi sống vâng phục cha mẹ của mình mà Thánh Luca thuật lại rằng: “Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nadarét và hằng vâng phục các ngài… Còn Ðức Giêsu, ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta” (Lc 2,51-52).
Khi ra đi rao giảng, Chúa Giêsu lên án thói giả hình của những người biệt phái khi họ dựa vào truyền thống mà không giữ giới răn của Thiên Chúa, Ngài đã tố cáo họ rằng: “Các ông thật khéo coi thường điều răn của Thiên Chúa để nắm giữ truyền thống của các ông. Quả thế, ông Môsê đã dạy rằng: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ và kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử! Còn các ông, các ông lại bảo: ‘Người nào nói với cha với mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ đều là “coban” rồi, nghĩa là lễ phẩm đã dâng cho Chúa’, và các ông không để cho người ấy làm gì để giúp cha mẹ nữa. Thế là các ông lấy truyền thống các ông đã truyền lại cho nhau mà huỷ bỏ lời Thiên Chúa” (Mt 15, 4-6).
Và để trả lời cho người thanh niên hỏi về những việc phải để được sống đời đời, Chúa Giêsu đã nhắc lại việc phải tuân giữ các giới răn: “Ngươi không được trộm cắp. Ngươi không được làm chứng gian. Ngươi phải thờ cha kính mẹ, và Ngươi phải yêu đồng loại như yêu chính mình” (Mc 7, 9-13).
2.2.4. Những lời khuyên nhủ của Thánh Phaolô. Thánh Phaolô luôn nhắc nhở bổn phận phải thảo hiếu cha mẹ vì đó là điều phải lẽ và làm đẹp lòng Thiên Chúa: “Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Ðó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: Ðể ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này” (Ep 6, 1-3). “Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Chúa” (Cl 3, 20).
2.3. Phần phúc cho người hiếu thảo và hình phạt cho kẻ bất hiếu. Người chu toàn bổn phận thảo hiếu với cha mẹ thì được Thiên Chúa chúc lành và ban thưởng hạnh phúc cũng như trường thọ (x. Xh 20, 12; Hc 3, 6; Ep 6, 3).
Sách Huấn Ca chỉ ra rằng người sống hiếu thảo sẽ được Chúa đoái thương nhậm lời, được trợ giúp trong cảnh khốn khó, và được thứ tha mọi tội lỗi: “Vì lòng hiếu nghĩa đối với cha sẽ không bị quên lãng, và sẽ đền bù tội lỗi cho con. Thiên Chúa sẽ nhớ đến con, ngày con gặp khốn khó, và các tội con sẽ biến tan như sương muối biến tan lúc đẹp trời” (Hc 3, 14-15).
Chúa Giêsu, trong sự vâng phục cha mẹ, “ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta” (Lc 2, 52).
Ngược lại, kẻ bất hiếu là những người không yêu mến vâng lời, thảo kính cha mẹ là những người sinh ra và trao cho mình sự sống thể lý, nuôi dưỡng để nên người. Cha mẹ dày công ơn như thế mà không hiếu kính thì làm sao có thể nói mình yêu mến và thờ kính Thiên Chúa vô hình, là Đấng Tạo dựng và Cứu độ mình (x. 1 Ga 4, 20). Vì vậy, bất hiếu là vi phạm luật Chúa, là mắc tội và phải chịu hình phạt.
Các sách Thánh Kinh đã nói đến nhiều tội bất hiếu và những hình phạt kèm theo: “Ai đánh cha hoặc mẹ, thì phải bị giết chết… Kẻ nào nguyền rủa cha hoặc mẹ, thì phải bị giết chết” (Xh 21, 15-17). “Các ngươi phải giữ các quy tắc của Ta và đem ra thực hành. Ta là Ðức Chúa, Ðấng thánh hiến các ngươi. Vậy, bất cứ người nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử. Nó đã nguyền rủa cha mẹ, thì máu nó đổ xuống đầu nó” (Lv 20, 9). “Ai bỏ rơi cha mình thì khác nào kẻ lộng ngôn, ai chọc giận mẹ mình, sẽ bị Ðức Chúa nguyền rủa” (Hc 3, 16). “Kẻ bạc đãi cha và xua đuổi mẹ, là đứa con đốn mạt, nhuốc nhơ” (Cn 19, 26); “Kẻ nào giương mắt chế giễu cha, và coi thường chuyện vâng lời mẹ, sẽ bị quạ ở lũng sâu móc mắt, và bị loài diều hâu rỉa thịt” (Cn 30, 17).
Tất cả những hình phạt trên đây xem ra nặng nề và ghê sợ, nhưng qua đó nói lên tầm quan trọng của đạo hiếu và thúc đẩy chúng ta thực thi để trọn đạo làm con. Hơn nữa, việc thảo kính cha mẹ trần thế dẫn chúng ta đến việc kính mến và thờ phượng Thiên Chúa là Cha chúng ta trên trời.
2.4. Sống Đạo Hiếu trong gia đình[10]. Lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ phải phát xuất từ sự biết ơn với những bậc đã cộng tác với Thiên Chúa thông truyền cho mình sự sống cũng như đã chăm lo nuôi dưỡng và giáo dục mình. CĐ. Vaticanô II dạy: “Con cái sẽ đáp lại công ơn cha mẹ với lòng biết ơn, tâm tình hiếu thảo và tin cậy, sẽ theo đạo làm con mà phụng dưỡng cha mẹ trong nghịch cảnh cũng như trong tuổi già cô quạnh”[11].
2.4.1. Khi cha mẹ còn sống. Lòng hiếu thảo được thể hiện qua việc yêu mến và tôn kính, vâng lời, chăm sóc và giúp đỡ cha mẹ.
1. Yêu mến và tôn kính cha mẹ trong tư tưởng, lời nói và việc làm.
– Trong tư tưởng, ta thực tình nhìn nhận cha mẹ đáng trọng kính vì đã sinh thành, nuôi dưỡng, dạy dỗ, hướng dẫn, gây dựng hạnh phúc cuộc đời cho ta.
– Trong lời nói, ta lựa cách xưng hô và chuyện trò thật khiêm cung, êm ái, không bao giờ dùng những lời nói cứng cỏi, nóng nảy với cha mẹ.
– Trong việc làm, ta năng thăm viếng, hoặc thư từ, hỏi han, bày tỏ lòng yêu mến bằng quà biếu, bằng cách làm cho cha mẹ được vui. Biết sẵn sàng bàn hỏi và chấp nhận những lời khuyến cáo đúng đắn của cha mẹ khi lo liệu việc trọng đại, vì các ngài có ơn Chúa để giúp ta (x. Hc 3, 1-16).
2. Vâng lời cha mẹ. Lòng hiếu thảo được biểu lộ qua sự ngoan ngoãn và vâng phục. “Hỡi con, hãy giữ lấy lời huấn dụ của cha, và đừng ruồng bỏ giáo huấn của mẹ… Chúng sẽ hướng dẫn con khi con đi, canh giữ con khi con nằm, và khi con thức dậy, chúng chuyện trò với con” (Cn 6,20-22). “Con ngoan mến chuộng lời cha quở mắng, kẻ nhạo báng chảng nghe lời khiển trách” (Cn 13,1).
Khi chưa trưởng thành, con cái phải mau mắn vâng lời cha mẹ trong tất cả những gì hợp luật Chúa, không nên phàn nàn trách móc (x. Cl 3, 20). Ngay cả khi đã trưởng thành hay đã ra ở riêng, nếu ta có làm điều gì sai trái mà được cha mẹ nhắc nhở, cần mau mắn vâng theo. Hơn nữa, người con trưởng thành cần biết đón trước điều mong muốn của cha mẹ để làm đẹp lòng các ngài. Khi cha mẹ lâm chung có trăn trối điều gì, con cái nên vui lòng tuân giữ. Ngược lại, nếu cha mẹ có ép buộc điều gì trái lương tâm, con cái nên tìm cách giãi bày để cha mẹ cảm thông, chứ không được hùa theo[12].
3. Chăm sóc và giúp đỡ cha mẹ: Phải luôn luôn giúp đỡ cha mẹ về phần hồn và phần xác, nhất là khi các ngài già cả, ốm đau, thiếu thốn, cần tận tâm tận lực phụng dưỡng, lo thuốc thang đầy đủ, vui vẻ thăm nom an ủi. Phải cầu nguyện cho cha mẹ được mọi ơn lành, lo liệu cho cha mẹ được lãnh các bí tích khi lâm bệnh nặng và dọn mình chết lành (x. Hc 3, 12-16).
2.4.2. Khi cha mẹ đã qua đời. Con cái tỏ lòng hiếu kính bằng cách lo an táng chu đáo, cầu nguyện và xin dâng lễ cho cha mẹ. Anh chị em cần hòa thuận yêu thương nhau, noi gương cha mẹ để nên lành nên thánh. Không những cầu nguyện cho cha mẹ, con cái còn xin cha mẹ cầu nguyện cho mình trước mặt Chúa, như khi còn sống, các ngài vẫn cầu nguyện cho mình.
Cũng cần nâng cao ý thức lịch sử gia đình: Quan tâm bảo tồn gia phả và những kỷ vật của ông bà cha mẹ để lại. Cũng nên lưu giữ những hình ảnh và giấy tờ quan trọng của gia đình để các thế hệ sau có sử liệu.
Đối với việc thờ cúng ông bà theo truyền thống Việt Nam, Hội Thánh nhìn nhận đó là một hình thức tốt đẹp để bày tỏ lòng tưởng nhớ công ơn tiền nhân. Hội Thánh khuyến khích các tín hữu phát huy những tinh hoa trong văn hóa dân tộc. Tuy nhiên cần loại trừ những hình thức trái ngược với giáo lý Công Giáo[13].
3. Những chỉ dẫn cụ thể về các nghi lễ tôn kính Ông Bà Tổ Tiên
Thông cáo 2 của các Đức Giám Mục về các lễ nghi tôn kính Ông Bà Tổ Tiên ngày 14/11/1974 đã chỉ dẫn như sau:
Để đồng bào lương dân dễ dàng chấp nhận Tin Mừng, hội nghị nhận định: “Những cử chỉ, thái độ, lễ nghi (sau đây) có tính cách thế tục, lịch sử, xã giao, để tỏ lòng hiếu thảo, tôn kính và tưởng niệm các Tổ tiên và các bậc anh hùng liệt sĩ, nên được thi hành và tham dự cách chủ động” (Thông cáo HĐGMVN, 14-06-1965).
1. Bàn thờ Gia Tiên để kính nhớ Ông Bà Tổ Tiên được đặt dưới bàn thờ Chúa trong gia đình, miễn là trên bàn thờ không bày biện điều gì mê tín dị đoan, như Hồn-bạch…
2. Việc đốt nhang hương, đèn nến, trên bàn thờ gia tiên và vái lạy trước bàn thờ, giường thờ Tổ Tiên, là những cử chỉ thái độ hiếu thảo tôn kính, được phép làm.
3. Ngày giỗ cũng là ngày “Kỵ nhật”, được “cúng giỗ” trong gia đình theo phong tục địa phương, miễn là loại bỏ những gì là dị đoan mê tín, như đốt vàng mã…, và giảm thiểu, canh cải những lễ vật để biểu dương đúng ý nghĩa thành kính biết ơn Ông Bà, như dâng hoa trái, hương đèn.
4. Trong hôn lễ, dâu rể được làm “Lễ Tổ, Lễ Gia Tiên” trước bàn thờ, giường thờ Tổ Tiên, vì đó là nghi lễ tỏ lòng biết ơn, hiếu kính trình diện với Ông Bà.
5. Trong tang lễ, được vái lạy trước thi hài người quá cố, đốt hương vái theo phong tục địa phương để tỏ lòng cung kính người đã khuất, cũng như Giáo Hội cho đốt nến, xông hương, nghiêng mình trước thi hài người quá cố.
…
Trong trường hợp thì hành các việc trên đây sợ có sự hiểu lầm, nên khéo léo giải thích qua những lời phân ưu, khích lệ, thông cảm… Đối với giáo dân, cần phải giải thích cho hiểu việc tôn kính Tổ Tiên và các vị anh hùng liệt sĩ, theo phong tục địa phương, là một nghĩa vụ hiếu thảo của đạo làm con cháu, chứ không phải là những việc tôn kính liên quan đến tín ngưỡng, vì chính Chúa cũng truyền “Phải thảo kính cha mẹ”, đó là giới răn sau việc thờ phượng Thiên Chúa.
Có thể tham khảo và áp dụng những mẫu nghi thức gia tiên được đề nghị trong phần phụ lục trong sách Hôn nhân Công giáo của giáo phận Xuân Lộc hay sách Giáo lý Hôn nhân và Gia đình của UBGLĐT-HĐGMVN, 2004.
Kết
Dưới ánh sáng Lời Chúa và với cái nhìn siêu nhiên, chúng ta nhận biết rằng đạo hiếu, đối với người Công giáo hay với Kitô giáo nói chung, không phải là một việc đạo đức, luân lý đơn thuần hay một lời khuyên dạy muốn giữ hay không tùy ý. Đạo Hiếu dưới cái nhìn Kitô giáo là một bổn phận, là một giới luật buộc phải tuân giữ.
Vì vậy, chúng ta cần hiểu rõ giáo huấn Lời Chúa về Đạo Hiếu và theo sự chỉ dẫn của HĐGM về các nghi lễ tôn kính Ông Bà Tổ Tiên theo truyền thống văn hóa dân tộc, để chu toàn bổn phận sống Đạo Hiếu trong gia đình Công giáo Việt Nam.
Câu hỏi gợi ý thảo luận
(1) Anh chị em có cảm nhận gì về lòng hiếu thảo đối với cha mẹ hay Đạo Hiếu dưới ánh sáng Lời Chúa?
(2) Trong năm Phúc-Âm-hóa đời sống gia đình, mỗi người chúng ta đã làm gì và sẽ làm gì để Đạo Hiếu được thể hiện trong gia đình của mình ?
(3) Với thành kiến “theo đạo là bỏ ông bà”, chúng ta có thể làm gì để người khác hiểu về Đạo Hiếu của người Công Giáo chúng ta ?
Ban Huấn giáo Giáo phận Bà Rịa
[1] HĐGMVN, Thư Chung: Hội Thánh Công Giáo tại Việt Nam và Công cuộc Tân Phúc-Âm-hóa, ngày 10.10.2013, số 5.
[2] Như đã dẫn trên.
[3] HĐGMVN, Thư Chung hậu Đại Hội Dân Chúa, 2010, số 7.
[4] Như đã dẫn trên, số 43.
[5] Đức TGM. Stêphanô Nguyễn Như Thể, Việc Hội Nhập Văn Hóa trong bối cảnh Tôn Kính Tổ Tiên và Rao Giảng Phúc Âm tại Việt Nam, 24.04.1998, trích dẫn từ
http://www.catholic.org.tw/vntaiwan/thgiamuc/40achau.htm .
[6] Như đã dẫn trên.
[7] GLHTCG 889.
[8] Lm Trăng Thập Tự Võ Tá Khánh, 50 năm Thờ Cúng Ông Bà – Chia sẻ 29, “50 năm linh tính đức tin – nghi thức cúng giỗ”, trích dẫn từ http://gpcantho.com/ArticlesDetails.aspx?ArticlesID=4464
[9] GLHTCG 2197.
[10] Phần này lấy từ Bài 19 – Đạo Hiếu trong sách Giáo Lý Hôn nhân và Gia đình, 2004 của Ủy ban Giáo Lý Đức Tin – HĐGMVN.
[11] GS 48.
[12] x. Lc 2, 51-52; Dt 5, 8; Mt 10, 34-39; GLHTCG 2217.
[13] x. Thông cáo 1 của HĐGMVN về việc tôn kính Ông Bà Tổ Tiên và các bậc anh hùng liệt sỹ, ngày 14.6.1965. (x. Phụ lục 1, sách Giáo lý Hôn nhân và Gia đình của UBGLĐT – HĐGMVN, trang 205).