Covid-19: Chuyện “Hồi tâm xét mình”!
Có lẽ trên cõi đời này, ai cũng sẽ có lúc cảm thấy vui, có lúc cảm thấy buồn; chỉ khác nhau là ở chỗ: niềm vui lấn át hay nỗi buồn vượt trội. Giả như trong cuộc sống đời thường, chỉ có toàn chuyện vui thì tốt biết mấy; ta sẽ không phải ngồi suy tính cho cuộc đời và đặt những câu hỏi viển vông theo kiểu: “ngày mai sẽ đi về đâu?” Với niềm tin Ki-tô giáo, chắc hẳn bạn và tôi càng phải phó thác sứ mệnh đời mình cho Chúa, nhất là trong những ngày dịch bệnh Covid-19 đang hoành hành khắp thế giới: bao người phải ra đi vì con virus nhỏ bé, Thánh Lễ phải tạm ngưng không có giáo dân, cuộc sống bị đảo lộn, và nơi nào cũng thấy tiếng thở dài rầu rĩ của con người… Chưa bao giờ cuộc sống lại gặp trắc trở, u tối đến vậy. Tuần Thánh vẫn diễn ra, nhưng chỉ qua Online. Niềm vui Chúa Phục Sinh có đó, nhưng chưa thể gặp gỡ trực tiếp để trao lời mừng vui.
Chúa ơi, không biết Ngài còn phải rơi lệ bao lần, khi con người vẫn còn kém lòng tin; và mấy ai nhớ tới việc dành cho Chúa “một chút” gì đó, khi chứng kiến thực tại Covid-19 hiện nay?
Từ virus đối với sức khỏe thể lý
Corona viếng thăm thế giới trong sự ngỡ ngàng ngạc nhiên của con người. Nhiều người vẫn còn mang lối suy nghĩ “vạn người sẽ không trúng ta”. Nhưng ai ngờ, một khi Corona đến, nó khó dời đi và cũng chẳng chừa bất cứ thành viên nào nó gặp. Khi Vũ Hán lâm trận vì đại dịch, nhiều người vẫn đang hào hứng hưởng mừng năm mới, mấy ai xem tin tức mà hoảng sợ. Khi số người chết tăng lên, dịch bệnh lan khắp trời Âu như: Đức, Pháp, Ý… ta mới bắt đầu bàn tán xôn xao; và cuối cùng là cách ly toàn xã hội được ban bố khắp cả nước: các Thánh Lễ tạm ngưng giáo dân đến tham dự, không còn quán xá nào mở cửa, các trường học cũng nghỉ và chưa rõ ngày trở lại… Trong cơn đại dịch, con người bắt đầu “xét mình hồi tâm” về sức khỏe nhiều hơn: nào là đo thân nhiệt hằng ngày, ăn uống đủ chất, đeo khẩu trang, rửa tay khử khuẩn… Đi đến đâu cũng có người soi xét, chỉ cần bạn ho hay hắt hơi một tiếng, thì ngay lập tức bạn sẽ được quan tâm một cách đặc biệt.
Có lẽ, khi mang thân phận con người, ai chẳng sợ chết phải không bạn? Dù biết rằng, sinh lão bệnh tử; nhưng với tâm hồn yếu đuối, việc phải “ra đi” khi mình chưa muốn quả thật đáng sợ. Khi xưa, các môn đệ cũng lao đao hú hồn trước cái chết; và khẩn cầu Đức Giêsu: “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?” (Mc 4, 38). Vậy nên, nếu bạn và tôi có lo lắng cho sức khỏe thể lý trước Covid-19 thì điều đó thật phải. Sức khỏe là điều quý giá! Tuy nhiên, sự sống con người đâu chỉ có sức khỏe thể lý mà thôi? Người ta cũng đâu chỉ dừng lại ở chuyện “hồi tâm xét mình” thể lý bạn nhỉ?
Tới virus đối với sức khỏe thiêng liêng?
Lo lắng cho thân xác là vậy, nhưng lo lắng cho sức khỏe thiêng liêng thì sao à bạn? Mùa Chay trôi qua một cách trầm lắng. Có người mang bên mình những câu hỏi, những hoài nghi, và cả nỗi lo sợ trước virus Corona đến độ quên mất việc hiệp thông cùng Chúa trong cuộc Khổ Nạn của Ngài. Khi dịch bệnh chưa bùng nổ, mấy ai dành thời gian “một chút cho Chúa” trong giờ “xét mình hồi tâm” mỗi ngày?
Hằng ngày, ta vẫn dành thời giờ để khám sức khỏe thể lý và phòng bệnh; nhưng dường như lại cảm thấy thiếu thời gian để soi xét các triệu chứng gây bệnh cho đời sống thiêng liêng. Phải chăng bao lâu nay, bạn và tôi bị cuốn vào những bộn bề của công việc, của học tập mà quên đi việc “hồi tâm xét mình” mỗi ngày? Đứng trước sự nguy hiểm của Corona, ta mới giật mình nhìn vào sâu thẳm cõi lòng. Tâm hồn ta tựa như một ngôi nhà đã lâu không được ngó đến: biết bao thứ cần phải bỏ đi, nhiều thứ thiếu thốn cần được bù đắp. Và rồi, cõi lòng ta bị tra vấn bởi hàng loạt câu hỏi: ta cần gì lúc này? Chúa ư? Hay là khoảng thời gian để tĩnh lặng thống hối? Sự lạnh nhạt và vô tâm của ta ư? Nhờ hồi tâm, bạn và tôi sẽ tìm thấy Chúa, sẽ nhận ra ngôi nhà tâm hồn mình đang cần Lời Chúa và cần cầu nguyện.
Nếu không cầu nguyện, tâm hồn ta chẳng khác nào một thửa ruộng không người chăm tưới. Có lẽ, khi thấu hiểu được điều này, tiến sĩ Scott Hahn đã phải thốt lên: “Nếu chúng ta không lấp đầy tâm trí chúng ta với lời cầu nguyện, nó sẽ tự lấp đầy chính nó với băn khoăn, lo âu và sự cám dỗ, những oán hờn và những ký ức chúng ta không muốn nhớ đến”. Chắc chắn, giữa cơn hoang mang của dịch bệnh, ánh sáng của Chúa Ki-tô Phục Sinh sẽ giúp bạn và tôi được “thư giãn” và an ủi mỗi khi “xét mình hồi tâm”.
Tới thời gian dành cho Chúa mỗi ngày?
Hẳn rằng, bạn và tôi khó lòng dành cả ngày sống chỉ để quỳ bên trong nhà nguyện và thưa chuyện với Chúa. Nhưng có lẽ, một chút dành cho Chúa trong giờ “hồi tâm xét mình” mỗi ngày là điều hoàn toàn có thể. Nếu ai đó đã từng nghe ca khúc “Một chút” của cố nhạc sĩ Thông Vi Vu (Đức cố Giám mục Giuse Vũ Duy Thống), người ấy sẽ không còn cảm thấy xa lạ về lý do tại sao chỉ cần một chút: “Một chút trong đời, chỉ một chút chút xíu thôi, nhiều chút chút bé nhỏ mà làm cho đời thêm mới.” Hãy sống tâm tình “một chút” với tất cả lòng yêu mến chân thành và tâm tình phó thác nơi Chúa được không bạn? Chắc chắn, với lòng quảng đại vô bờ, Thiên Chúa sẽ tuôn đổ “nhiều chút” trên cuộc đời bạn và cuộc đời tôi.
Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, chúng con cảm tạ hồng ân Chúa đã ban cho cuộc đời chúng con. Nhờ những giây phút ngắn ngủi của khí cụ “hồi tâm xét mình”, chúng con được gặp gỡ Chúa, gặp lại con người của mình. Quả thật, chúng con cũng là những đứa con đi hoang từng ngày, khi chúng con cố tình phạm tội, khi lười biếng trong việc đạo đức. Chúng con xin Chúa thương xót thứ tha và ban ơn giúp chúng con sửa đổi cuộc đời từ đây, để chúng con trở thành những người con ngoan của Chúa. Cách riêng, chúng con xin dâng nỗi lo âu của toàn thế giới lên Chúa và nhờ lời Đức Mẹ chuyển cầu, xin Chúa hằng gìn giữ và nâng đỡ chúng con qua cơn khó khăn này.
Têrêsa Nguyễn Thị Linh Thao
Nhóm Sinh viên Công giáo Thanh Hóa
Nguồn: giaophanthanhhoa.net