CỬ HÀNH THÁNH THỂ: BÀI 47 – CA HIỆP LỄ VÀ BÀI CA SAU HIỆP LỄ
WHĐ (09/9/2024) – Ngày 5 tháng 8 năm 2023, Ủy ban Phụng tự Hội đồng Giám mục Việt Nam đã thông báo về chương trình Đào tạo phụng vụ cho Dân Chúa gồm: (1) Thực hành mục vụ và (2) Kiến thức phụng vụ. Để đào sâu hiểu biết về kiến thức phụng vụ, Ủy ban Phụng tự trân trọng giới thiệu loạt bài về cử hành Thánh Thể do linh mục Giuse Phạm Đình Ái, SSS tổng hợp và biên soạn.
BÀI 47: CA HIỆP LỄ & BÀI CA SAU HIỆP LỄ
I/ NGHI THỨC
Trong lúc linh mục rước lễ thì bắt đầu hát ca hiệp lễ. Bài hát này được kéo dài đang khi cho các tín hữu rước lễ (NTTL 136; QCSL 86). Sau khi cộng đoàn rước lễ xong, linh mục có thể trở về ghế. Linh mục và cộng đoàn phụng vụ tùy nghi giữ thinh lặng thánh trong ít phút. Nếu muốn, tất cả cộng đoàn cũng có thể hát một thánh thi, một thánh vịnh hay một bài thánh ca ngợi khen nào khác (NTTL 138; QCSL 88, 164).
II/ CA HIỆP LỄ
Trong 3 bài hát cổ của Thánh lễ theo nghi lễ Rôma là ca nhập lễ, ca tiến lễ và ca hiệp lễ thì ca hiệp lễ xuất hiện sớm nhất, có lẽ từ thế kỷ IV, như được đề cập trong tài liệu Hiến Chế Các Tồng Đồ (8:13, 16), được nói đến bởi thánh Cyrilô thành Giêrusalem (Catech. Myst. 5:20) và thánh Augustinô [Serm. 225; Patrologica Latina, ed. J. P. Migne, 217 v., (Paris 1878–90) 38:1098, cf. 46:828].[1] Thật vậy, ít là vào thời thánh Augustinô (354-430), người ta đã có thói quen hát Thánh vịnh trong lúc mọi người lên rước lễ. Điều này được ghi nhận ở trong cả tài liệu Didache lẫn Ordo Romanus I.[2] Một bản văn được cả bên Đông lẫn bên Tây phương ưa thích và được hát như là bài ca hiệp lễ ở khắp nơi, theo thánh Cyrilô thành Giêrusalem, chính là Thánh vịnh 34 (33), nhất là câu 9: “Hãy nghiệm xem CHÚA tốt lành biết mấy!” nhằm diễn tả Thánh Thể là niềm vui của cộng đoàn.[3] Tại Rôma, ngay sau câu hát này, ca đoàn và thầy phụ phó tế luân phiên hát các câu hát trong sách Thánh vịnh. Với sự gia tăng độ dài khi hát kinh Lạy Chiên Thiên Chúa (Agnus Dei) và có lẽ do số lượng người rước lễ giảm đi, người ta đã bỏ đi các câu khác, chỉ còn hát một câu tiền xướng này sau khi rước lễ.[4]
Ngoài Thánh vịnh 33 vừa nêu trên, bên Đông phương, thánh Gioan Kim Khẩu (344-407) có nói đến việc sử dụng Thánh vịnh 144 (“Lạy Thiên Chúa con thờ là Vua của con”), sau mỗi đoạn Thánh vịnh, mọi người đáp lại: “Lạy Chúa, muôn loài ngước mắt trông lên Chúa, và chính Ngài đúng bữa cho ăn” (câu 15). Nhưng Typicon (Cẩm nang phụng vụ thế kỷ IX) làm chứng về một truyền thống sớm sủa tại Constantinopoli về thực hành hát Tv 148 (“Ca tụng CHÚA đi, tự cõi trời thăm thẳm”) vào các Chúa nhật và Tv 115 vào các ngày lễ trọng thể. Tuy nhiên, các Thánh vịnh cũng được thay thế bởi những bài hát đầy tính thi ca thường được sáng tác theo cảm hứng từ Kinh Thánh (troparia). Tại Tây phương, thánh Ambrôsiô chấp nhận lấy trích dẫn Tv 42,4 và các phần của Tv 22 làm Thánh vịnh hiệp lễ. Còn tại Alexandria, Tv 150 (“Ca tụng Chúa đi, trong đền thánh Chúa”) không phải là Thánh vịnh dùng làm ca hiệp lễ duy nhất nhưng có thể được coi là Thánh vịnh hiệp lễ chính yếu. Như vậy, ca hiệp lễ bấy giờ quy vào hai chủ đề: Thánh Thể và ca tụng. Người ta cất lên những Thánh vịnh chúc tụng như Tv 148 và Tv 150 nhằm diễn tả tâm tình của các tín hữu khi họ lãnh nhận quà tặng Thánh Thể. Ngay từ đầu Thánh vịnh đã có lời Alleluia (nghĩa là Chúc tụng Thiên Chúa) trở thành như một điệp khúc trong phụng vụ Kitô giáo.[5]
Cuốn sách chứa những bài ca Thánh lễ cổ xưa nhất có tên là Antiphonalia missarum (thế kỷ IX -X) cho thấy ngoài việc sử dụng Thánh vịnh để hát đi kèm với đoàn rước lên hiệp lễ, người ta còn sử dụng những bản văn Kinh Thánh khác và phát triển việc hát chủ đề của Thánh lễ đang cử hành, chẳng hạn từ Bản văn Tin Mừng Ga 6 và những Bài đọc Kinh Thánh theo ngày. Chính vì theo chủ đề của cử hành mà đôi khi ca hiệp lễ liên quan và có nội dung rất gần với ca nhập lễ đến độ dường như ca hiệp lễ được coi như song hành với ca nhập lễ. Tuy nhiên, sau này chúng phát triển theo hai hướng khác nhau.[6]
Đến thế kỷ XI, do việc các tín hữu lên hiệp lễ giảm thiểu đáng kể và gần như không còn trong những buổi cử hành Thánh Thể trọng thể cho nên những bài ca hiệp lễ dài kể như dư thừa. Sang thế kỷ XII, dân chúng hiếm khi rước lễ trừ ra trong những ngày lễ trọng thể. Phần duy nhất của bài ca hiệp lễ còn lại là câu điệp xướng/tiền xướng được hát sau khi linh mục hiệp lễ và được giữ lại như một kỷ niệm về việc hiệp lễ của tín hữu.[7]
Kể từ thời gian này cho đến khi có những cải cách phụng vụ vào thế kỷ XX, các tín hữu đã xa rời chiều kích cộng đồng của buổi cử hành phụng vụ khi trở nên người xem lễ, người quan sát, người nghe nhạc hơn là tích cực tham dự vào phụng vụ như đã từng diễn ra trong các nhà thờ thời thánh Augustinô và thánh Gioan Kim Khẩu. Đến năm 1958, điệp xướng hiệp lễ một lần nữa lại được hát kèm với hành động hiệp lễ của các tín hữu cùng với một Thánh vịnh thích hợp.
Nghi thức Thánh lễ (Sách lễ 1970) đã phục hồi thực hành cổ xưa tại Rôma. Bài ca hiệp lễ được hát đang khi các tín hữu tiến lên rước lễ diễn tả tinh thần hợp nhất của những người lãnh nhận Thánh Thể qua tiếng hát của họ. Bài ca hiệp lễ cũng biểu lộ niềm vui của họ và làm cho cuộc rước hiệp lễ mang tính huynh đệ hơn. Hai mục đích này được phản ánh đúng hệt như trong QCSL [2002] 86:
Ðang khi vị tư tế rước lễ, thì bắt đầu hát ca hiệp lễ. Bài ca này có mục đích diễn tả sự đồng tâm hiệp nhất thiêng liêng giữa những người rước lễ, khi họ đồng thanh ca hát, đồng thời biểu lộ niềm vui trong tâm hồn và làm cho việc tiến lên rước Mình Thánh Chúa có tính cách cộng đoàn hơn. Có thể kéo dài hát ca hiệp lễ đang khi giáo dân rước lễ. Nhưng nếu có hát bài ca nào sau khi rước lễ, thì phải kết thúc bài ca hiệp lễ vào đúng lúc. Phải liệu cho các ca viên có thể rước lễ cách xứng hợp (QCSL 86).
III/ THINH LẶNG CẦU NGUYỆN / BÀI CA SAU HIỆP LỄ
Không có những dữ liệu lịch sử rõ ràng nói về thời điểm thinh lặng sau khi hiệp lễ. Tuy nhiên, cũng có một báo cáo được viết trong thời kỳ của Đức Sergius tại Constantinôpôli (+ 638) về bài hát sau rước lễ và dường như từ lâu, Hội Thánh đã khuyến khích cầu nguyện riêng trong lòng sau khi lên rước lễ. Thánh Anphongsô thúc giục các tín hữu cầu nguyện, cảm tạ Chúa ít là nửa giờ sau khi rước Mình Máu Thánh [vì có đến 12 thiên thần vây quanh chúng ta để thờ lạy Đấng chúng ta vừa đón nhận vào lòng].[8] Còn Đức Piô XII đã đề nghị một cách mạnh mẽ trong Thông điệp “Đấng Trung Gian Thiên Chúa” rằng: “Sau khi rước lễ, linh mục và tín hữu…hãy thưa chuyện với Đấng Cứu Độ ít nhất trong một thời gian ngắn” (Mediator Dei, số 124). Tuy vậy, hầu như rất nhiều tín hữu thường bỏ ra về ngay khi lễ xong. Chỉ có ít người ở lại đề cầu nguyện riêng. Nghi thức Thánh lễ hiện nay khuyên linh mục và cộng đoàn phụng vụ tùy nghi giữ thinh lặng thánh trong ít phút để cảm tạ về hồng ân Thánh Thể vừa lãnh nhận, để ca ngợi và cầu xin Thiên Chúa trong lòng (NTTL 138; QCSL 45, 88, 164). Theo cha Jean Yves Garneau, SSS: “Đây là sự thinh lặng của hồi tâm, thinh lặng trong thân tình với Chúa Giêsu Thánh Thể, thinh lặng của chiêm niệm và tôn thờ, thinh lặng được khởi hứng bởi sự thinh lặng của Mẹ Maria, người luôn mang Con Thiên Chúa trong lòng.”[9]
Chủ tế nên kéo dài thời gian này vừa đủ để nuôi dưỡng việc cầu nguyện rồi mới đọc lời nguyện hiệp lễ nhằm tóm tắt những tâm tư tình cảm tạ của mọi người chưa nói ra được. Tuy nhiên, thay vì thinh lặng trong ít phút, cộng đoàn cũng có thể hát bài ca sau hiệp lễ bằng cách hát Thánh vịnh, thánh ca tạ ơn hoặc thánh thi (x. QCSL 88; 164).[10] Để mang tính cộng đồng sâu xa, hãy liệu sao cho mọi người có thể cùng hát hoặc cả bài hoặc câu điệp khúc. Mặt khác để sự im lặng trước đó được trọn vẹn thật sự, sau khi cho rước lễ xong, các thừa tác viên nên mang các bình thánh xuống bàn phụ hoặc vào trong phòng thánh, rồi che đậy lại cách xứng hợp, để sau Thánh lễ, khi giải tán dân chúng rồi, sẽ tráng chén ngay (x. QCSL 163).
IV/ MỤC VỤ
1) Đang khi linh mục [chủ tế] rước lễ, thì hát ca hiệp lễ mà không cần phải rung chuông/đánh chiêng trống vào lúc này vì Nghi Thức Thánh Lễ và Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma [2002] hiện nay không nói gì về rung chuông trước khi hiệp lễ nữa (x. Notitiae 8 [1972] 343; QCSL 86, 159; NTTL 136; LNGM 163; OCM 17; MVTN 178).[11] Như vậy, nên bắt đầu bài ca hiệp lễ ngay lập tức sau lời đáp của cộng đồng: “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa….” và đang lúc linh mục [chủ tế] rước lễ vì đây là cách diễn đạt bằng “ngôn ngữ của phụng vụ” về sự hợp nhất thiêng liêng của cộng đoàn phụng vụ gồm cả tư tế và giáo dân như một đoàn dân hiệp nhất và tràn đầy hân hoan trong đoàn rước lên hiệp lễ và qua sự hợp nhất nơi tiếng hát của họ: hợp nhất với Chúa Kitô và hợp nhất với nhau. Bài ca hiệp lễ được cất lên từ khi chủ tế rước lễ và kéo dài cho tới khi các tín hữu rước lễ xong cho thấy rằng: [i] chỉ có một sự rước lễ của toàn thể cộng đoàn chứ không có hai/ba sự rước lễ tách biệt nhau (chủ tế – [thừa tác viên] – giáo dân); [ii] chủ tế là người dẫn dắt và cũng là thành phần của đoàn rước của cộng đoàn đang tiến về bàn tiệc mesia và mỗi thành viên của cộng đoàn được mời gọi bước theo sau ngài.[12] Nếu còn hát bài nào sau khi rước lễ, thì phải kết thúc ca hiệp lễ vào đúng lúc (QCSL 86, 159; NTTL 136; MVTN 178).[13]
2) Nhằm liệu cho các ca viên được rước lễ cách thích hợp, thì khi các tín hữu đã rước lễ xong, ngoại trừ trong Mùa Chay, hoặc là thinh lặng hoặc là đàn phong cầm tiếp tục dạo một số đoạn của bài hát rước lễ đang lúc tráng chén. Lúc này, mọi tín hữu đã ngưng hát, và bắt đầu cảm tạ Chúa cách riêng tư, đây là thời khắc ca đoàn lên rước lễ [tức là vào lúc kết thúc hoặc sắp kết thúc việc rước lễ] (MVTN 184; QCSL 86).[14]
3) Về ca hiệp lễ, có thể hát như sau: (1) Hoặc dùng đối ca theo ngày lễ trong sách Graduale Romanum, (2) hoặc dùng điệp ca theo mùa phụng vụ trong sách Graduale Simplex, hoặc (3) bài hát nào khác thích hợp đã được thẩm quyền của Hội Thánh chuẩn nhận (QCSL 87; MVTN 179).[15] Bài hát thích hợp nói ở đây là bài ca hiệp lễ với chủ đề là: (i) Thánh Thể (nhưng không phải bài tập trung vào tôn thờ Thánh Thể vốn được soạn thảo cho việc ban phép lành Mình Thánh Chúa);[16] (ii) phản ánh động tác phụng vụ (thí dụ, ăn và uống Mình và Máu Thánh Chúa Kitô, hành vi thể lý của những người đang tiến bước lên rước lễ); (iii) niềm vui và niềm ngưỡng mộ khi rước Chúa; (iv) sự hiệp nhất của cộng đoàn trong việc gặp gỡ Chúa; (v) nội dung bài Tin Mừng của ngày lễ; (vi) mùa phụng vụ; (vii) tình yêu Thiên Chúa; (viii) lòng biết ơn và tán tụng. Thêm nữa, luôn luôn có thể hát Thánh vịnh 33 với điệp khúc Hãy nếm thử thay thế ca hiệp lễ (x. CHTL 213; MVTN 180, 183).[17]
4) Như vậy, không hát ca hiệp lễ về ngày lễ như mừng Mẹ Maria, thánh Giuse (bổn mạng), công ơn cha mẹ (lễ an táng, mừng tuổi thọ…), kỷ niệm hôn phối, tình quê hương [quốc khánh, lễ dân tộc…] (MVTN 180, 183). Những bài ca này có thể hát khi Thánh lễ kết thúc hay vào những lúc cầu nguyện chung, đem hát lúc sau rước lễ sẽ làm lệch lạc ý nghĩa của cử hành phụng vụ.[18]
5) Hiệp lễ vừa có tính cách riêng tư nhưng đồng thời cũng là một việc có tính cách cộng đồng rõ rệt. Bởi thế, bài ca hiệp lễ nên hướng về cử hành mang tính cộng đồng ở bên ngoài hơn là hướng vào cầu nguyện cá nhân (MVTN 181).[19] Cuộc rước đi lên lãnh nhận Mình Thánh Chúa cùng với việc cộng đoàn đồng thanh ca hát không chỉ diễn tả sự hiệp nhất với Chúa mà còn với nhau nữa, biểu dương niềm hân hoan và làm nổi bật tính cộng đồng của đoàn người đang lên rước lễ (QCSL 86; DNTL 137).[20] Vì thế, (1) nên chọn bài hát vừa vui tươi vừa quen thuộc đối với mọi người sao cho khi không có sự trợ giúp của cuốn sách hoặc giấy in bài hát, hầu như cộng đồng vẫn có thể hát được [ít là câu điệp khúc] đang khi tuần tự lên rước lễ mà không cần đến ca đoàn. Thông thường, các điệp khúc cần được giới hạn về số lượng và thường được lặp đi lặp lại, nhất là ở câu mở đầu để những câu hát này trở nên quen thuộc đối với tín hữu (MVTN 181);[21] (2) đừng bao giờ đi lên rước lễ trong thinh lặng khiến tín hữu như bị đẩy vào kinh nghiệm của đoàn người đang xếp hàng check – in ở sân bay, xếp hàng đi mua vé hay đi viếng xác.[22]
6) Nếu thời gian hiệp lễ dài hơn một bài hát, ca đoàn có thể hát thêm một bài thứ hai hoặc bài thứ ba… Tuy nhiên, đừng bao giờ hát một mạch liên tục. Nên có lúc ngưng hát giữa các bài hoặc thậm chí giữa những câu phiên khúc trong một bài để dạo đàn (x. DNTL 137). Không dạo đàn trong Mùa Chay trừ ra Chúa nhật thứ IV (Chúa nhật hồng), các ngày lễ kính và lễ trọng (QCSL 313).
7) Các nhạc công thỉnh thoảng nên để cho cộng đoàn hát buông (acapella) ít câu, nhờ vậy, chính họ có thì giờ rước lễ và tạo ra một sắc thái khác biệt trong buổi cử hành Thánh Thể.[23]
8) Nếu không hát (vốn là thực hành phải ưu tiên hơn), thì cộng đoàn, hoặc một vài giáo dân hoặc độc viên sẽ đọc ca hiệp lễ ghi trong Sách Lễ Rôma. Nếu không có ai đọc, thì chính linh mục đọc sau khi ngài rước lễ và trước khi cho tín hữu rước lễ (QCSL 86-87, 198, 40).
9) Sau khi cho rước lễ, tốt nhất: (1) linh mục về ghế ngồi của mình hơn là đứng tại bàn thờ; (2) linh mục và cộng đoàn nên thinh lặng ít phút (1-2 phút) hơn là hát bài ca sau hiệp lễ. Thinh lặng không những để cám ơn Chúa vì ơn hiệp lễ, để “ca ngợi và cầu xin Thiên Chúa trong lòng” mà còn rất quan trọng đối với nhịp điệu của toàn bộ cử hành. Thật vậy, sự thinh lặng sẽ tạo ra một bầu khí trang nghiêm và huyền nhiệm không những trong chính Thánh lễ mà còn cần thiết trong một thế giới luôn bận rộn, náo động và hối hả như hiện nay. Bởi vậy, mọi thành phần Dân Chúa phải chống lại cám dỗ muốn kết thúc Thánh lễ nhanh chóng bao nhiêu có thể mà bỏ qua các thời khắc thinh lặng cần thiết (x. NTTL 138; QCSL 43, 45, 88, 164, 271; MVTN 182; CHTL 215; Inestimabile Donum, số 17; Sacramentum caritatis, số 50).[24] Thời khắc tạ ơn này không loại trừ việc tạ ơn sau Thánh lễ.
10) Đừng bao giờ phá vỡ hay lấp đầy sự thinh lặng sau khi rước lễ bằng việc đọc thông báo (DNTL 139).
11) Nếu không chọn lựa thinh lặng sau rước lễ [để “ngợi khen thầm lặng”] thì có thể chọn lựa “ngợi khen bằng hát”, nghĩa là tất cả cộng đoàn có thể hát một thánh thi, một Thánh vịnh hay một bài thánh ca ngợi khen nào khác (x. QCSL 45, 88, 164; LNGM 166; Inestimabile Donum, số 17; Sacramentum caritatis, số 50).[25] Để giúp tín hữu thờ lạy, cảm tạ và yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể (cách riêng tư hoặc cộng đồng) thì sau khi rước lễ, Hội Thánh đã trù liệu và khuyến khích đọc/hát một số kinh nguyện sau: Benedictus (Lc 1,68-79); Magnificat (Lc 1,46-55); Nunc Dimitis (Lc 2,29-32); và Trium Puerorum (Đn 3,57-78). Tuy nhiên, nên lưu ý những điểm sau:
a) Vào thời điểm này, với sự vắng bóng của ngôn từ, của hành động và di chuyển, thinh lặng là đáng ao ước hơn việc hát bài ca sau rước lễ vì thông thường cộng đoàn đã hát bài ca hiệp lễ đang khi tiến lên rước lễ rồi;[26]
b) Cần phân biệt sự khác nhau giữa “bài ca sau hiệp lễ” với “bài ca hiệp lễ”. “Ca hiệp lễ” được coi là ưu tiên hát hơn là “bài ca sau hiệp lễ” và được hát lên đang khi linh mục rước lễ và có thể kéo dài tới khi giáo dân rước lễ xong với nhiều chủ đề như đã nói trên (x. QCSL 86-87, 159). Còn “Bài ca sau hiệp lễ” có thể hát sau khi cộng đoàn rước lễ xong (vào lúc các thừa tác viên cất Mình Thánh Chúa và dọn dẹp bàn thờ) với chủ đề là chúc tụng – tạ ơn. Ở thời điểm này, nên chọn hát các Thánh vịnh mang tính ngợi khen, chúc tụng hay những bài ca giúp cầu nguyện, suy niệm. Tuy nhiên, bài ca này không nên hát kiểu xướng đáp như lúc lên rước lễ mà nên là đoạn ca không điệp khúc; cũng đừng bao giờ để cho bài ca ấy khiến cộng đoàn chú ý thái quá vào ca đoàn hay những người phụ trách ca nhạc (x. NTTL 138; QCSL 88, 164; MVTN 185).[27]
c) Cộng đoàn có thể đứng trong khi hát bài ca sau rước lễ nếu bài ca ấy có vẻ cần đến tư thế cầu nguyện này (MVTN 185).
__________
[1] Joseph A. Jungmann, SJ, The Mass of the Roman Rite: Its Origins and Development (Missarum Sollemnia), vol. 2, trans. Francis A. Brunner (New York : Benziger Brothers, 1951), 392.
[2] X. Jungmann, SJ, The Mass of the Roman Rite, 394; Paul Turner, At the Supper of the Lamb (Chicago: Liturgy Training Publications, 2011), 145.
[3] X. Jungmann, SJ, The Mass of the Roman Rite, 392; Lucien Deiss, The Mass (Collegeville: The Liturgical Press, 1992), 100.
[4] X. Lawrence J. Johnson, The Mystery of Faith: A Study of the Structural Elements of the Order of the Mass (Washington DC: FDLC, NE, 2003), 117.
[5] X. Robert Cabié, “The Eucharist”, trong The Church at Prayer, vol. 2, ed. A. G. Martimort, trans. Matthew J. O’Connell (Collegeville: The Liturgical Press, 1986), 121; Nguyễn Văn Trinh, Phụng vụ Thánh lễ (Hà Nội: Nxb. Tôn Giáo, 2008), 460-61.
[6] X. Henry, Hugh. “Antiphonary,” The Catholic Encyclopedia, vol. 1 (New York: Robert Appleton Company, 1907), http://www.newadvent.org/cathen/01576b.htm.
[7] X. Nguyễn Văn Trinh, Phụng vụ Thánh lễ, 461.
[8] X. Trích lại trong Richard Kunst, “St. Charbel, A Role Model About Preparation for Eucharist” (07/22/32020), acc. 26/02/2024, https://www.familyofsaintsharbel.org/our-news/st-charbel-a-role-model-about-preparation-for-eucharist.
[9] Jean Yves Garneau, SSS, Discovering the Eucharist, trans. Conrad Goulet, SSS (Makati: St. Paul Publications, 1991)169.
[10] Lawrence J. Johnson, The Mystery of Faith, 122.
[11] X. Ritus Servantus in celebratione Missae 1962, “De oratione dominica et aliis usque ad factam Communionem,” n. 6; McNamara, “Có cần rung chuông khi Truyền phép không?” (24/08/2005), dg. Nguyễn Ngọc Đa, http://giaophanthanhhoa.net/phung-vu/co-can-rung-chuong-khi-truyen-phep-khong-27292.html.
[12] X. Joyce Ann Zimmerman, “The Mystagogical Implications,” trong A Commentary on the Order of Mass of the Roman Missal, gen. ed. Edward Foley (Collegeville: The Liturgical Press, 2011), 620.
[13] X. Joseph DeGrocco, A Pastoral Commentary on the General Instruction of the Roman Missal (Chicago: Liturgy Training Publication, 2011), no. 86; Paul Turner, Let Us Pray: A Guide to the Rubrics of Sunday Mass (Collegeville: The Liturgical Press, 2012), no. 702.
[14] Edward McNamara, “Reading of Notices After Communion” (20 Sep. 2016), https://www.ewtn.com/catholicism/library/reading-notices-after-communion-4823; X. DeGrocco, A Pastoral Commentary on the General Instruction of the Roman Missal, no. 86; Turner, Let Us Pray, no. 723.
[15] X. Liturgicae instaurationes (5 septembris 1970), n. 2/b, AAS 62 (1970), 696.
[16] “Vào hầu hết các lễ Chúa nhật và những ngày khác, luôn luôn là thích hợp khi chọn hát một trong những Thánh vịnh mà bao đời nay có nội dung gắn kết với việc tham dự bữa tiệc Thánh Thể, như Thánh vịnh 23, 34 và 147. Cũng đã có sẵn một tuyển tập những bài ca phụng vụ có ý diễn tả niềm vui và lòng say mến khi được chia sẻ bữa tiệc của Chúa” (MVTN 183).
[17] Thông cáo số 3/94 (30/08/1994) của Uỷ ban Thánh Nhạc – Hội đồng Giám mục VN.
[18] Nguyễn Thế Thủ, Phụng vụ Thánh Thể (Sài Gòn: ĐCV thánh Giuse, 2001), 138.
[19] X. Kathleen Harmon, The Ministry of Music (Collegeville: Liturgical Press, 2004), 37.
[20] Trần Ngọc Quỳnh, Cử hành Mầu nhiệm Tạ ơn (Tủ sách Đại Kết, 1996), 194.
[21] X. East Asian Pastoral Review, Celebrate Life in Liturgy, vol. 33 (1996): nos. 1-4, 109; Lawrence E. Mick, Worshiping Well (Collegeville: The Liturgical Press, 1997), 94; DeGrocco, no. 86.
[22] X. Mark Searle, Liturgy Made Simple (Collegeville: The Ligurtical Press, 1981), 71.
[23] X. Phạm Đình Ái, SSS, Cử hành Hy lễ Tạ ơn (Cà Mau: Nxb. Phương Đông, 2014), 336.
[24] X. DeGrocco, nos. 88, 164.
[25] X. McNamara, “Xin cho biết tư thế của phó tế trong phần kinh Khẩn cầu Thánh Linh (Epiclesis). Nói thêm về âm nhạc sau hiệp lễ” (19/02/2019), dg. Nguyễn Trọng Đa, https://dcvxuanloc.net/giai-dap-phung-vu-xin-cho-biet-tu-the-cua-pho-te-trong-phan-kinh-khan-cau-thanh-linh-epiclesis-noi-them-ve-am-nhac-sau-hiep-le/.
[26] X. Turner, Let Us Pray, no. 779; U.S. Conference of Catholic Bishops, Introduction to the Order of Mass: A Pastoral Resource of the Bishops’ Committee on the Liturgy (2003), no. 139.
[27] X. Ibid.; Jean Lebon, How to Understand the Liturgy, trans. Margaret Lydamore & John Bowden (London: SCM Press Ltd, 1987), 141.