GIA ĐÌNH – CỘNG ĐOÀN PHỤC VỤ SỰ SỐNG (1)
(x. GĐ 28-40)
***
1. Gia đình phục vụ sự sống thế nào?
Gia đình phục vụ sự sống qua việc truyền sinh và giáo dục 1.
2. Vì sao Giáo hội đứng về phía bảo vệ sự sống?
Vì sự sống con người, dù yếu ớt và đầy đau khổ, vẫn luôn là hồng ân tuyệt vời của Thiên Chúa tốt lành 2.
Chú thích
1/ Gia đình phục vụ sự sống qua việc truyền sinh và giáo dục (x. GĐ 28):
1/a. Ý nghĩa cao quí của việc truyền sinh:
– Cộng tác với Thiên Chúa để lưu truyền sự sống:
“Việc Thiên Chúa tạo dựng người nam và người nữ theo hình ảnh Ngài, và như họa ảnh Ngài, là triều thiên đem lại sự trọn hảo cho công việc của tay Ngài: Ngài mời gọi người nam và người nữ dự phần đặc biệt vào tình yêu, cũng như vào quyền năng của Ngài là Đấng Tạo Hoá và là Cha, bằng việc cho họ được cộng tác, cách tự do và có trách nhiệm, để lưu truyền hồng ân sự sống con người: “Thiên Chúa đã chúc lành cho họ và phán bảo họ: hãy sinh sôi nẩy nở, nên đầy dẫy trên mặt đất…”[1].
– Thông truyền hình ảnh Thiên Chúa:
Chính vì thế mà mục tiêu căn bản của gia đình là phục vụ cho sự sống, là thực hiện trong lịch sử lời chúc lành của Thiên Chúa lúc khởi nguyên; thực hiện bằng việc thông truyền hình ảnh Thiên Chúa từ người này sang người khác, trong hành động truyền sinh”.
1/b. Ý nghĩa căn bản của việc giáo dục:
“Nhưng sự phong nhiêu của tình yêu vợ chồng không giản lược vào nguyên việc sinh sản con cái…(Mà qua việc giáo dục), sự phong nhiêu của tình yêu vợ chồng còn được nới rộng và làm giàu, bằng tất cả mọi kết quả của đời sống luân lý, thiêng liêng, và siêu nhiên, mà cha mẹ được mời gọi trao ban cho con cái họ, và qua con cái, cho Giáo Hội và thế giới”.
2/ Giáo Hội đứng về phía bảo vệ sự sống (x. GĐ 30):
– Tấm gương bảo vệ sự sống: chúng ta có tấm gương của Thánh Gianna (Lễ kính ngày 28.4), vị thánh của thời đại chúng ta: là bác sĩ khoa nhi, bà hoạt động không mỏi mệt. Bà hy sinh mạng sống để con được sống: được chẩn đoán bị khối u tử cung, nhưng bà nhất định không chịu phá thai hoặc cắt tử cung, bà chịu đựng đau đớn để sinh con bình thường. Bà qua đời sau khi sinh người con thứ tư…
– Thực trạng “chống lại sự sống”: Ngày nay não trạng chống lại sự sống đang xuất hiện trong nhiều vấn đề…những nghiên cứu xã hội, thường hay phóng đại quá đáng về nguy cơ của việc gia tăng dân số, đang đè nặng trên phẩm chất sự sống…dẫn đến “những sự thật khủng khiếp” về nạo phá thai trên thế giới và tại Việt nam[2].
– Niềm tin của Giáo Hội về sự sống: Giáo Hội tin tưởng mạnh mẽ rằng: sự sống con người, dù có yếu ớt và đầy đau khổ, vẫn luôn luôn là hồng ân tuyệt vời của Thiên Chúa tốt lành. Chống lại sự bi quan và ích kỷ đang che mờ thế giới, Giáo Hội đứng về phe sự sống, và trong mỗi sự sống con người, Giáo Hội biết khám phá nét cao đẹp của tiếng “vâng”, của tiếng “Amen” là Đức Kitô[3]. Đối ngược với tiếng “không” đang tràn ngập và làm cho thế giới ảm đạm, Giáo Hội đưa ra tiếng “vâng” sống động, bênh vực cho con người và thế giới chống lại những kẻ đang đe dọa và xâm hại sự sống”.
– Ý muốn cổ võ và bênh vực sự sống của Giáo Hội: Giáo Hội được mời gọi, với xác tín sống động và vững chắc nhất, biểu lộ một lần nữa cho mọi người thấy ý muốn của Giáo Hội: là cổ võ sự sống con người bằng mọi phương thế, và bênh vực sự sống ấy chống lại mọi đe dọa, dù sự sống ấy đang ở trong bất cứ điều kiện và giai đoạn phát triển nào.
– Giáo Hội lên án những xâm phạm sự sống: Giáo Hội lên án là xúc phạm nặng nề đến phẩm giá con người và đến sự công bằng, tất cả các hoạt động của những công quyền, nhằm giới hạn một cách nào đó sự tự do của đôi bạn trong các quyết định của họ về con cái. Bởi thế, mọi áp lực mà các quyền bính dùng để bắt buộc ngừa thai, tuyệt sản hay phá thai cố ý, đều phải bị tuyệt đối lên án, và phải hết sức từ bỏ.
– Vì “trẻ em mang đến cho chúng ta niềm vui sự sống”: Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II nói: “Tôi muốn nói lên niềm vui mà trẻ em mang đến cho chúng ta. Các em là mùa xuân của cuộc đời, là lời báo trước trang sử sắp đến của mỗi miền quê hương trần thế…Mối bận tâm dành cho các em, từ giây phút đầu tiên thành thai cho đến suốt tuổi nhi đồng và thiếu niên, chính là phương thế đầu tiên và căn bản để kiểm chứng mối tương quan có tốt đẹp hay không giữa người với người.
Như vậy, ta có thể cầu chúc gì cho từng dân tộc, cho toàn thể nhân loại, cho tất cả trẻ em và cho các gia đình, nếu không phải là cầu chúc một tương lai tốt đẹp hơn, trong đó những quyền con người được tôn trọng …”[4].
[1] St 1, 28.
[2] Tình trạng nạo phá thai không chỉ diễn ra ở các nước nghèo, mà ngay tại những nước kinh tế phát triển cũng ngày một gia tăng.
Bà Phó giám đốc sở y tế, chi cục trưởng chi cục dân số-kế hoạch hóa gia đình Tp. HCM cho biết: hiện nay, tỉ lệ nạo phá thai ở Việt Nam là khoảng 300.000 ca mỗi năm. Trong đó có khoảng 20% ở độ tuổi vị thành niên. Con số lạnh lùng này cho thấy: Việt Nam đang là nước nạo phá thai đứng thứ năm thế giới, và đứng hạng nhất khu vực Đông Nam Á. Một hạng nhất đáng hổ thẹn…(x. VietnamNet 26.3.2013).
[3] “Vì Đức Kitô Giêsu, Con Thiên Chúa, Đấng mà chúng tôi rao giảng cho anh em, đã không vừa là ‘có’vừa là ‘không’, nhưng nơi Người chỉ toàn là ‘có’. Quả thật, mọi lời hứa của Thiên Chúa đều là ‘có’ nơi Người. Vì thế, cũng nhờ Người mà chúng ta hô lên ‘Amen’ để tôn vinh Thiên Chúa” (2 Cr 1, 19-20).
[4] Gioan Phaolô II, diễn văn tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, ngày 2-10-1979. X. GĐ s.26.
Nguồn: gpcantho.com