GIA ĐÌNH:
CỘNG ĐOÀN HIỆP THÔNG (2)
(Hiệp thông vợ – chồng)
***
1. Vợ chồng phải hiệp thông với nhau thế nào?
Vợ chồng phải hiệp thông với nhau bằng sự hiệp nhất nên một, và bất khả phân ly 1.
2. Mối hiệp thông vợ chồng Kitô hữu được thánh hóa thế nào?
Được Chúa Giêsu thánh hóa qua bí tích hôn phối 2.
***
Chú thích
1/ + Hiệp nhất nên một: Trong gia đình, mối hiệp thông giữa vợ chồng được thiết lập và phát triển đầu tiên: nhờ giao ước tình yêu vợ chồng, người nam và người nữ “không còn là hai nhưng đã nên một xương một thịt” (Mt 19, 6). Họ được mời gọi ngày càng hiệp thông với nhau hơn, qua việc trao hiến trọn vẹn cho nhau, để cùng chung xây một gia đình, một vợ một chồng, một gia nghiệp…
Do ý muốn của Thiên Chúa: Sự hiệp thông nên một giữa vợ chồng là một đòi hỏi rất sâu xa và cũng rất tự nhiên, vì ngay từ cuộc tạo dựng ban đầu, chính Thiên Chúa đã muốn dựng nên con người có nam có nữ, nam nữ bình đẳng với nhau, nên nam nữ luôn cần hiệp thông để bổ túc lẫn cho nhau.
Do ý muốn của đôi bạn: sự hiệp thông vợ chồng cũng được hình thành do chính ý muốn hoàn toàn tự do của hai người: chính họ “…hứa sẽ giữ lòng chung thủy với nhau, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khỏe, để yêu thương và tôn trọng nhau mọi ngày suốt đời…” (X. GĐ s.19).
Xây dựng hiệp thông: Sự hiệp thông nên một càng thắm thiết hơn, khi vợ chồng cùng chung một niềm tin cậy mến, được nói lên qua việc cùng nhau cầu nguyện, nhất là cùng nhau lãnh nhận Thánh Thể (x. GLHTCG 1644), vì khi cùng nhau cầu nguyện, gia đình có Chúa Giêsu hiện diện chia sẻ vui buồn, Ngài nên mối dây liên kết, giúp gia đình biết lắng nghe nhau, cảm thông với nhau, và nhận ra Thiên Chúa đang ân cần chăm sóc gia đình mình.
+ Hiệp nhất bất khả phân ly: Sự hiệp thông vợ chồng còn được đánh dấu bởi sự chung thuỷ ‘bất khả phân ly’.
Mục đích, căn nguyên của sự bất khả phân ly:
– “Để có thể kết hợp mật thiết với nhau, để hoàn toàn tự hiến cho nhau, để thực sự sinh ích cho con cái, đòi buộc vợ chồng phải hoàn toàn trung tín, và kết hợp với nhau cách bất khả phân ly (x. GĐ s. 20).
– Nhưng động lực sâu xa nhất mời gọi vợ chồng Kitô hữu chung thủy suốt đời với nhau là sự trung tín, chung thủy của Thiên Chúa trong Giao ước với dân Ngài: Thiên Chúa yêu thương dân Ngài, yêu thương mỗi người chúng ta vĩnh viễn, không bao giờ rút lại, không hề phản bội. Vợ chồng được mời gọi làm chứng và tham dự vào tình yêu chung thủy này của Thiên Chúa, khi chính họ chung thủy với nhau; vì “tình yêu phải là vĩnh viễn, tình yêu không thể có tính cách ‘cho tới khi có quyết định khác’ (x. GLHTCG, s.1646-1648).
– Sau nữa, khi cử hành hôn phối, chính đôi tân hôn tha thiết muốn “Xin Thiên Chúa đoái thương xác nhận sự ưng thuận mà họ đã tỏ bày trước Hội Thánh, và xin Người đổ tràn đầy ơn phúc cho họ”, mà “Điều gì Thiên Chúa đã liên kết, loài người không được phân ly”, nên không chung thủy với giao ước hôn phối cũng là không chung thủy với niềm tin cậy vào Thiên Chúa, Đấng mà họ đã muốn phó thác trọn cuộc sống lứa đôi cho Ngài (x. GĐ, s.20).
2/ Mối hiệp thông gia đình được thánh hóa:
Cả trong lịch sử Dân Chúa, và ngay trong thời đại chúng ta, vẫn còn đó những sai lạc trong đời sống hôn nhân gia đình, như việc đa thê, ly dị…làm cho hôn nhân mất đi nét đẹp mà Thiên Chúa đã sắp định ban đầu. Hôn nhân tìm lại được giá trị cao quý đích thực và trọn vẹn khi được Đức Giêsu nâng lên hàng bí tích. Vì qua bí tích hôn phối:
– Vợ chồng được liên kết chặt chẽ với nhau bằng “dây hôn phối”: dây liên kết này không chỉ là do hai người giao ước với nhau, nhưng là do “Thiên Chúa đã phối hợp”. Chính Thiên Chúa đóng ấn xác nhận lời giao ước của hai người với nhau và với chính Thiên Chúa nữa.
– Vợ chồng được thánh hóa: “các đôi vợ chồng Kitô hữu được những ơn riêng cho bậc sống của mình trong Dân Chúa”. Như trong tiệc cưới Cana, Chúa Giêsu đến với họ, ở lại và ban sức mạnh, ân sủng cho họ; Ngài trao tặng đôi bạn một tình hiệp thông mới, Ngài liên kết gia đình mới của đôi tân hôn với mối hiệp thông không hề phân chia giữa Ngài và Hội thánh, biến gia đình Kitô hữu nên một Hội thánh nhỏ tại gia. Nhờ những ơn này, tình yêu, sự chung thuỷ, hiệp nhất của họ được củng cố, và được thánh hóa để họ giúp nhau, giúp con cái nên thánh trong cuộc sống gia đình.
Chúng ta hãy cầu nguyện cho các vợ chồng Kitô hữu: luôn biết làm chứng về giá trị cao quí của sự hiệp nhất nên một và bất khả phân ly, vì đó là một trong những bổn phận cao cả, cấp bách nhất,nhưng đầy khó khăn của các gia đình Kitô hữu trong xã hội ngày nay (x. GĐ 20).
Nguồn: gpcantho.com