GIA ĐÌNH, CỘNG ĐOÀN HIỆP THÔNG (1)
***
1. Vì sao bổn phận đầu tiên của gia đình là “sống hiệp thông”?
Vì sự hiệp thông giúp xây dựng gia đình, thành cộng đoàn những ngôi vị, là những con cái trong “gia đình Thiên Chúa” 1.
2. Nguồn mạch và sức mạnh của sự hiệp thông gia đình là gì?
Nguồn mạch và sức mạnh của sự hiệp thông gia đình là tình yêu2.
HH
Chú thích
1/Bổn phận sống hiệp thông (x. GĐ s. 15):
– Hiệp thông là gì? Hiệp thông là hiệp nhất nên một lòng một ý, một niềm tin, cậy, mến…; đồng thời thông chuyển cho nhau những điều thiện hảo vật chất, lẫn tinh thần và thiêng liêng…“Bổn phận đầu tiên của gia đình là trung thành sống hiệp thông, trong một cố gắng bền bỉ, nhằm thăng tiến một cộng đoàn đích thực, gồm các ngôi vị”, nghĩa là một cộng đoàn với những con người có địa vị cao quí, là được làm con cái Thiên Chúa.
– Vì sao phải hiệp thông? “Qua những tương quan, mỗi ngôi vị được dẫn đưa vào trong “gia đình nhân loại” và “gia đình Thiên Chúa” là Giáo Hội”, vì vậy, gia đình phải xây dựng sự hiệp thông với Thiên Chúa và sự hiệp thông với nhau. ĐTC Phanxicô đã viết: “Chúng ta cần phải nhận ra rằng, tất cả mọi người đều đáng cho chúng ta hiến thân. Họ đáng cho chúng ta hiến thân, không phải vì vẻ bề ngoài của họ, khả năng của họ, cách nói năng của họ…nhưng vì họ là công trình sáng tạo của Thiên Chúa… Ngài đã tạo dựng nên họ giống hình ảnh Ngài, và họ phản ánh một phần nào đó vinh quang của Ngài. Mỗi người đều được Thiên Chúa ân cần vô cùng, Ngài ngự trong cuộc sống của người ấy; và Chúa Kitô đã ban bửu huyết của Người trên Thánh Giá cho người ấy. Vượt ra ngoài bất kỳ vẻ bề ngoài nào, mỗi người đều vô cùng thánh thiêng và xứng đáng với tình yêu, với sự tận tụy của chúng ta (huống chi là những người thân thương trong gia đình chúng ta). Vì vậy, nếu tôi có thể giúp một người sống tốt lành hơn, chỉ điều này thôi cũng đã đủ để biện minh cho việc hiến dâng đời sống của tôi làm món quà cho người ấy!” (x. Niềm vui của Tin Mừng, s.274).
– Làm gì để xây dựng hiệp thông? Hiệp thông được xây dựng:
+ Một là bằng việc gia đình cùng nhau gặp gỡ Thiên Chúa qua cầu nguyện: “Chúa Giêsu ‘ở giữa’ gia đình khi vợ chồng, cha mẹ, con cái cùng nhau cầu nguyện”, nhờ đó, cùng nhau nhận ra “những dấu chỉ cho thấy sự hiện diện ưu ái của Thiên Chúa trong cuộc sống gia đình”; cũng như cùng nhau lắng nghe lời Chúa Giêsu thân ái mời gọi: “Hỡi những ai vất vả, mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các con” (Mt 11, 28). Gia đình sẽ hạnh phúc biết bao khi có Chúa chia sẻ mọi vui buồn.
+ Hai là bằng việc gia đình khích lệ nhau tuân giữ các Giới Răn. Các Giới răn là những ánh sao lý tưởng mời gọi ta vươn lên không ngừng, và là hàng rào bảo vệ, giúp mọi người trong gia đình: biết lắng nghe nhau, hiểu nhau, chung thuỷ và cùng nhau vượt qua mọi gian nan thử thách; biết loại bỏ mọi thứ bạo hành[1], “có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa, nhẫn nại, chịu đựng và tha thứ cho nhau”[2].
2/ Tình yêu là nguồn mạch và sức mạnh của sự hiệp thông gia đình:
+ Vì tình yêu đến từ Thiên Chúa, Đấng là Tình Yêu, Đấng đã ban tặng tình yêu như món quà cao quí nhất cho con người, Đấng đã sáng lập đời sống hôn nhân gia đình, đã liên kết hai người nam-nữ nên một, đặc biệt là qua bí tích hôn phối; Ngài luôn ban cho họ những ơn cần thiết cho cuộc sống gia đình…
+ Vì tình yêu cũng đến từ sự hoàn toàn tự nguyện của hai người, được nói lên qua lời cam kết hôn phối. Cuộc sống con người sẽ mất ý nghĩa, nếu không đón nhận mặc khải về tình yêu, nếu không có kinh nghiệm về tình yêu, và nếu không nhận lấy kinh nghiệm ấy làm của mình, mà hăng say dự phần vào đó… ” (x. GĐ 18).
Chúng ta hãy chiêm ngưỡng và noi theo “Cộng đoàn hiệp thông” gương mẫu là Thánh gia Nadarét: “Gia đình này là nguyên mẫu và là tấm gương cho mọi gia đình Kitô hữu. Đó là Gia đình có một không hai trên thế giới: Gia đình đã sống âm thầm, lặng lẽ trong một thị trấn nhỏ xứ Palestina; Gia đình đã bị thử thách vì nghèo khổ, bắt bớ, lưu đầy; Gia đình đã tôn vinh Thiên Chúa một cách trổi vượt và tinh khiết vô song…” (x. GĐ s.86).
Chúng ta hãy nguyện xin Thánh Gia chúc phúc cho gia đình chúng ta.
[1] Bạo hành gia đình: Trong bài giảng trưa Chúa nhật 29.12.2013, tại quảng trường thánh Phêrô, Rôma, ĐTC Phanxicô đã dâng lời cầu nguyện: “Lạy Thánh Gia Nadarét, hơn bao giờ hết, xin cho các gia đình đừng xảy ra bạo lực, khép kín và chia rẽ; xin cho bất cứ thành viên nào đã bị xúc phạm hoặc khủng hoảng, cũng đều nhanh chóng tìmlại được ủi an và chữa lành”.
[2] Côlôsê 3, 12-13.
Nguồn: gpcantho.com