DIỄN VĂN ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ TẠI BUỔI GẶP GỠ CÁC GIÁM MỤC, LINH MỤC, PHÓ TẾ, TU SĨ, CHỦNG SINH VÀ GIÁO LÝ VIÊN Ở PAPUA NEW GUINEA
Vatican News (07/9/2024) – Trong bài diễn văn trước các Giám mục, linh mục, phó tế, tu sĩ, chủng sinh và giáo lý viên ở Papua New guinea, tại Đền thánh Đức Mẹ Phù hộ Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến ba khía cạnh trong hành trình Kitô giáo và truyền giáo: can đảm để bắt đầu, nét đẹp của sự hiện diện và hy vọng phát triển. Sau đây là toàn văn diễn văn của Đức Thánh Cha.
TÔNG DU CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
TẠI INDONESIA, PAPUA NEW GUINEA,
ĐÔNG TIMOR, SINGAPORE
02 – 13/09/2024
DIỄN VĂN CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
TRONG CUỘC GẶP GỠ CÁC GIÁM MỤC, LINH MỤC, PHÓ TẾ, TU SĨ, CHỦNG SINH VÀ GIÁO LÝ VIÊN Ở PAPUA NEW GUINEA
Đền thánh Đức Mẹ Phù hộ (Port Moresby, Papua Nuova Guinea)
Thứ Bảy, 07 tháng 9 năm 2024
Mến chào tất cả anh chị em: giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ, chủng sinh và giáo lý viên. Xin cám ơn Chủ tịch Hội đồng Giám mục vì những lời ngài dành cho tôi. Cám ơn James, Grace, sơ Lorena và cha Emmanuel vì những chứng tá của anh chị em.
Tôi rất vui được gặp anh chị em ở đây, trong nhà thờ Salêdiêng: các tu sĩ Salêdiêng biết làm những điều tốt đẹp. Xin chúc mừng. Đây là Đền thánh giáo phận dâng kính Đức Mẹ Phù hộ các tín hữu. Anh chị em biết rằng tôi được rửa tội tại giáo xứ Đức Mẹ Phù hộ các tín hữu ở Buenos Aires. Đức Mẹ Phù hộ các tín hữu là một tước hiệu rất được Thánh Gioan Bosco yêu mến; hay Mẹ Hằng Cứu Giúp, như anh chị em khẩn cầu Mẹ ở đây. Năm 1844, khi Đức Mẹ truyền cảm hứng cho thánh Gioan Bosco xây một nhà thờ ở Turino để dâng kính Mẹ, Mẹ đã hứa với thánh nhân: “Đây là nhà của ta, đây là vinh quang của ta”. Đức Mẹ đã hứa với thánh Gioan Bosco rằng, nếu ngài có can đảm bắt đầu xây Nhà thờ đó, ân sủng lớn lao sẽ đến. Và đã xảy ra như thế: nhà thờ được xây dựng – thật kỳ diệu – và ngôi thánh đường trở thành trung tâm cho phép Tin Mừng toả sáng, đào tạo người trẻ và thực hiện các hoạt động bác ái, một điểm tham chiếu cho nhiều người.
Như thế, Đền thánh tuyệt đẹp, nơi chúng ta đang ở đây, được truyền cảm hứng từ câu chuyện đó, cũng có thể là một biểu tượng cho chúng ta về ba khía cạnh trong hành trình Kitô giáo và truyền giáo của chúng ta, như những chứng tá mà chúng ta vừa nghe đã nhấn mạnh: can đảm để bắt đầu, nét đẹp của sự hiện diện và hy vọng phát triển.
Thứ nhất: can đảm để bắt đầu. Những người xây nhà thờ này đã bắt đầu công trình bằng một hành động đức tin lớn lao, mang lại kết quả. Tuy nhiên điều đó chỉ có thể thực hiện được nhờ nhiều khởi đầu can đảm khác của những người đi trước. Các nhà truyền giáo đến đất nước này vào giữa thế kỷ XIX và những bước đầu tiên trong sứ vụ không dễ dàng, một số nỗ lực thực sự đã thất bại. Nhưng các vị đã không bỏ cuộc; với đức tin lớn lao, lòng nhiệt thành tông đồ và nhiều hy sinh, các nhà thừa sai tiếp tục rao giảng Tin Mừng và phục vụ anh chị em, luôn bắt đầu lại nhiều lần khi không thành công.
Các cửa sổ kính màu trong Đền thánh nhắc nhở chúng ta về điều này. Ánh sáng mặt trời mỉm cười với chúng ta qua khuôn mặt của các Thánh và các vị Chân Phước: mọi người thuộc mọi hoàn cảnh, gắn liền với lịch sử của cộng đoàn anh chị em: Pietro Chanel, vị tử đạo đầu tiên của châu Đại Dương, Giovanni Mazzucconi và Pietro To Rot, các vị tử đạo của New Guinea, tiếp đến là Teresa Calcutta, Gioan Phaolô II, Mary McKillop, Maria Goretti, Laura Vicuña, Zeffirino Namuncurà, Francesco de Sales, Gioan Bosco, Maria Domenica Mazzarello. Tất cả anh chị em, theo những cách thức và thời đại khác nhau, đã bắt đầu các sáng kiến và tạo ra những con đường, chỉ để bắt đầu lại nhiều lần. Họ đã góp phần mang Tin Mừng đến giữa anh chị em, với một sự phong phú đầy màu sắc của các đặc sủng, được sinh động bởi cùng một Thần Khí và cùng một đức ái của Chúa Kitô (1Cr 12, 4-7; 2Cr 5, 14). Nhờ “những cuộc khởi hành” và “tái khởi hành” của họ – các nhà truyền giáo là những người của “khởi hành”, và nếu trở về, họ lại “tái khởi hành”: đây là cuộc sống của các nhà truyền giáo, khởi hành và tái khởi hành-, chúng ta có mặt ở đây là nhờ họ-, mặc dù nhiều thách đố, chúng ta vẫn tiếp tục tiến bước, không lo sợ, biết rằng chúng ta không đơn độc: chính Chúa là Đấng hành động trong chúng ta và với chúng ta (Gl 2, 20), làm cho chúng ta, giống như họ, trở thành khí cụ ân sủng của Người (1Pr 4,10). Ơn gọi của chúng ta là trở thành những khí cụ.
Và về vấn đề này, dưới ánh sáng của những gì chúng ta đã nghe, tôi muốn gửi đến anh chị em một hướng đi quan trọng cho “sự khởi hành” của anh chị em: những vùng ngoại vi của đất nước. Tôi nghĩ đến những người thuộc những khu vực nghèo nhất của đô thị, cũng như những người sống ở những khu vực xa xôi và bị bỏ rơi, đôi khi bị thiếu những nhu cầu cơ bản. Tôi cũng nghĩ đến những người bị gạt ra bên lề xã hội và bị tổn thương, cả về mặt đạo đức lẫn thể lý, bởi thành kiến và mê tín, đôi khi thậm chí còn nguy hiểm đến tính mạng, như James và sơ Lorena đã nhắc chúng ta. Giáo Hội mong muốn đặc biệt gần gũi với những anh chị em này, bởi vì trong họ Chúa Giêsu hiện diện một cách đặc biệt (Mt 25, 31-40). Và ở đâu có Người, Đầu của chúng ta, hiện diện, ở đó cũng có chúng ta, là các chi thể Người, vì chúng ta thuộc về cùng một thân thể, “được kết cấu chặt chẽ nhờ mọi thứ gân mạch nuôi dưỡng” (Ep 4,16). Và xin anh chị em đừng quên: sự gần gũi. Anh chị em biết rằng ba thái độ đẹp nhất là sự gần gũi, lòng trắc ẩn và sự dịu dàng. Nếu một tu sĩ, một linh mục, một giám mục, phó tế không gần gũi, không có lòng trắc ẩn và sự dịu dàng, họ không có Thần Khí của Chúa Giêsu. Anh chị em không được quên: sự gần gũi, lòng trắc ẩn và sự dịu dàng.
Và điều này đưa chúng ta đến khía cạnh thứ hai: nét đẹp của sự hiện diện. Chúng ta có thể thấy điều này được tượng trưng trong những chiếc vỏ sò kina, trang trí cho nhà thờ này và là dấu hiệu của sự thịnh vượng. Chúng nhắc nhở chúng ta rằng đó là kho báu đẹp nhất trước mắt Chúa Cha. Gần bên Chúa Giêsu và dưới áo choàng Mẹ Maria, chúng ta được hiệp nhất thiêng liêng với tất cả anh chị em mà Chúa đã giao phó cho chúng ta và những người không thể hiện diện ở đây, được thắp sáng bởi ước muốn cho cả thế giới biết đến Tin Mừng và chia sẻ với chúng ta sức mạnh và ánh sáng của Tin Mừng.
James hỏi làm thế nào để truyền đạt lòng nhiệt thành truyền giáo cho giới trẻ. Tôi không nghĩ có “kỹ thuật” cho việc này. Tuy nhiên, một cách đã được chứng minh là vun trồng và chia sẻ với họ niềm vui của chúng ta khi được ở trong Giáo hội (ĐGH Biển Đức XVI, Bài giảng trong Thánh lễ khai mạc Đại hội V của Giám mục châu Mỹ Latinh và Caribe, 13/5/2007), ngôi nhà chào đón được làm bằng những viên đá sống động, được chọn và quý giá, được Chúa đặt cạnh nhau và được củng cố bằng tình yêu của Người (1Pr 2,4-5). Như kinh nghiệm của Grace về Thượng Hội đồng đã nhắc nhở chúng ta rằng, bằng cách quý trọng, tôn trọng lẫn nhau và phục vụ lẫn nhau, chúng ta có thể cho mọi người chúng ta gặp gỡ thấy rằng thật tuyệt vời khi được cùng nhau theo Chúa Giêsu và loan báo Tin Mừng của Người.
Nét đẹp của sự hiện diện không được trải nghiệm nhiều trong các sự kiện lớn và những lúc thành công, nhưng đúng hơn là ở lòng trung thành và tình yêu mà chúng ta cố gắng cùng nhau phát triển mỗi ngày.
Và giờ đây chúng ta đến với khía cạnh thứ ba và cũng là khía cạnh cuối cùng: niềm hy vọng phát triển. Trong Nhà thờ này có một “giáo lý bằng hình ảnh” thú vị về việc vượt qua Biển Đỏ, với các nhân vật Abraham, Isaac và Môsê: các Tổ phụ đã sinh hoa trái nhờ đức tin, những người đã tin tưởng và đã nhận được hồng ân là con cháu đông đảo. (St 15,5; 26,3-5; Es 32,7-14). Và đây là một dấu hiệu quan trọng, bởi vì cũng khuyến khích chúng ta ngày nay tin tưởng vào hoa trái của việc tông đồ, tiếp tục gieo những hạt giống tốt lành nhỏ bé trên các luống cày của thế giới. Chúng nhỏ bé, như hạt cải, nhưng nếu chúng ta tin tưởng và không ngừng gieo, nhờ ân sủng Chúa, chúng sẽ nảy mầm, mang lại mùa màng bội thu (Mt 13, 3-9) và sinh ra những cây chim trời có thể làm tổ (Mc 4,30-32). Thánh Phaolô nói điều đó khi ngài nhắc nhở chúng ta rằng sự lớn lên của những gì chúng ta gieo không phải là công việc của chúng ta mà là của Chúa (1Cr 3, 7), và Mẹ Giáo Hội dạy điều đó khi nhấn mạnh rằng, ngay cả qua những nỗ lực của chúng ta, chính Thiên Chúa “làm đảm bảo rằng vương quốc Người sẽ đến trên mặt đất” (Công đồng Vatican II, Ad Gentes, 42). Vì vậy, chúng ta tiếp tục kiên nhẫn rao giảng Tin Mừng, không nản lòng trước những khó khăn và hiểu lầm, ngay cả khi chúng nảy sinh ở những nơi mà chúng ta không muốn gặp: ví dụ trong gia đình, như chúng ta đã nghe.
Anh chị em thân mến, chúng ta cùng tạ ơn Chúa vì Tin Mừng đã bén rễ và lan rộng ở Papua New Guinea và Quần đảo Solomon. Anh chị em hãy tiếp tục sứ vụ như thế, như những chứng nhân của lòng can đảm, nét đẹp và hy vọng! Và không quên phong cách của Thiên Chúa: sự gần gũi, lòng trắc ẩn và sự dịu dàng. Anh chị em luôn tiếp tục với phong cách này. Cám ơn anh chị em vì những gì anh chị em đang làm, tôi thành tâm chúc lành cho tất cả anh chị em và xin anh chị em đừng quên cầu nguyện cho tôi.
Nguồn: vaticannews.va/vi