20.11.2018 – Thứ ba tuần XXXIII Thường niên
Xuống mau đi
PHÚC ÂM: Lc 19, 1-10
“Con Người đến tìm kiếm và cứu chữa điều gì đã hư mất”.
Khi ấy, Chúa Giêsu vào Giêricô và đi ngang qua thành, thì kìa, có một người tên là Giakêu, ông thủ lãnh những người thu thuế và là người giàu có. Ông tìm cách để nhìn xem Chúa Giêsu là người thế nào, nhưng không thể được, vì người ta đông quá, mà ông lại thấp bé. Vậy ông chạy lên trước, trèo lên một cây sung để nhìn xem Người, vì Người sắp đi ngang qua đó. Khi vừa đến nơi, Chúa Giêsu nhìn lên và trông thấy ông ấy, nên Người bảo ông rằng: “Hỡi Giakêu, hãy xuống mau, vì hôm nay Ta phải lưu lại tại nhà ngươi”. Ông vội vàng trụt xuống và vui vẻ đón tiếp Người. Mọi người thấy vậy, liền lẩm bẩm rằng: “Ông này lại đến trọ nhà một người tội lỗi”. Ông Giakêu đứng lên thưa cùng Chúa rằng: “Lạy Ngài, tôi xin bố thí nửa phần của cải tôi cho kẻ khó, và nếu tôi có làm thiệt hại cho ai điều gì, tôi xin đền gấp bốn”. Chúa Giêsu bảo ông ấy rằng: “Hôm nay nhà này được ơn cứu độ, bởi người này cũng là con cái Abraham. Vì chưng, Con Người đến tìm kiếm và cứu chữa điễu gì đã hư mất”.
Suy niệm:
Ở thành phố Giêricô không chỉ có anh mù Báctimê ngồi ăn xin,
mà còn có ông Dakêu, đứng đầu các người thu thuế.
Ông là người giàu có, nhưng thật ra ông là người nghèo,
vì ông bị mọi người khinh rẻ bởi cái nghề thu thuế của ông.
Dakêu đi chung với đám đông, theo sau Đức Giêsu.
Ông có một khao khát mãnh liệt là được thấy mặt Ngài,
vì chắc ông đã nghe nhiều người nói về vị ngôn sứ khác thường ấy.
Giêsu không khinh giới thu thuế, trái lại còn kết bè kết bạn với họ.
Giêsu là ai? Đó là người ông tìm cách gặp mặt (c. 3).
Có hai cản trở khiến cho cuộc gặp gỡ trở nên khó khăn.
Đám đông vây quanh Đức Giêsu khiến ông không thấy Ngài.
Hơn thế nữa, thân hình ông lại thấp bé.
Nhưng Dakêu không dễ nản lòng.
Ông chạy đón đàng trước và leo lên một cây sung để thấy Đức Giêsu,
vì ông biết thế nào Ngài cũng đi qua đó.
Như thế ông đã vượt qua được đám đông và sự thấp bé của mình.
Để vượt qua thì phải chạy chứ không đi từ từ,
và phải vất vả leo lên cao, vượt lên trên cái tôi nhỏ bé.
Dakêu khao khát đến mức nào mới dám nghĩ và dám làm như vậy.
Điều mà Dakêu không ngờ là Đức Giêsu đã dừng lại nơi cây sung,
và ngước mắt nhìn lên ông đang nằm bò trên cây như một đứa trẻ.
Ánh mắt của Ngài kéo theo hàng trăm cái nhìn khác của đám đông.
Dakêu chắc xấu hổ luống cuống, còn Đức Giêsu thì hạnh phúc tràn trề.
Dường như Ngài quên đám đông, để chỉ nghĩ đến con chiên lạc này.
“Dakêu, xuống nhanh đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông” (c. 5).
Đây là một lời hối thúc dịu dàng và một đề nghị bất ngờ.
Dakêu ngỡ ngàng kinh ngạc trước ánh mắt ấy, lời nói ấy.
Ông đã nhanh chóng leo xuống và dẫn Đức Giêsu về nhà mình.
Đường từ gốc sung về nhà ông bao xa, ta không biết,
nhưng chắc chắn đó là đoạn đường đầy niềm vui.
Dakêu bỗng thấy mình mất đi mặc cảm tự ti, lấy lại được danh dự,
vì Đức Giêsu sắp đến nhà ông, căn nhà ít ai muốn đến (c. 7).
Ông chỉ muốn thấy mặt Ngài, còn Ngài lại muốn vén mở lòng mình.
Cách cư xử của Ngài đối với một người tội lỗi như ông
đã làm lòng ông tan chảy và mời gọi ông đổi đời.
Những thứ ông từng say mê, bây giờ chẳng có gì hấp dẫn.
“Tôi xin cho người nghèo nửa tài sản của tôi…” (c. 8).
Dakêu đã hoán cải một cách bất ngờ, tự nguyện, sâu xa và cụ thể.
Cuộc đổi đời của Dakêu là kết quả của việc hai người đi tìm nhau.
Không phải chỉ Dakêu mới là người đi tìm.
“Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất” (c. 10).
Dakêu dạy cho chúng ta biết cách tìm kiếm Chúa trong đời.
Phải ước ao cho mãnh liệt, rồi ta sẽ được soi sáng để tìm ra con đường,
ngay cả khi ở trong tình huống tưởng như tuyệt vọng.
“Hôm nay ơn cứu độ đã đến cho nhà này” (c. 9).
Dakêu đã quảng đại và vui sướng mở lòng để đón lấy ơn cứu độ đó.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
sám hối không phải là điều dễ dàng,
bởi lẽ chúng con không đủ khiêm tốn
để nhận mình lầm lỗi.
Chúng con ngỡ ngàng
khi thấy Chúa là Đấng vô tội
mà lại đứng chung với các tội nhân,
chờ Gioan ban phép Rửa.
Chúa đã muốn nên bạn đồng hành
với phận người mỏng dòn yếu đuối chúng con.
Xin cho chúng con biết thường xuyên điều chỉnh
lối nghĩ và lối sống của mình,
tỉnh táo để khỏi rơi vào ảo tưởng,
thành thật để khỏi tự dối mình.
Ước gì Chúa ban cho chúng con ơn hoán cải,
dám đi đến những hành động cụ thể,
và chấp nhận những cắt tỉa đớn đau.
Nhưng xin đừng quên ban cho chúng con
niềm vui của Dakêu,
hạnh phúc vì được tự do và được yêu mến.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.j.
Lời Chúa:
“Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất.” (Lc 17,4)
Câu chuyện minh hoạ:
Telemachus là một ẩn sĩ. Một hôm Chúa thúc đẩy ông rời rừng để đi đến thành Rôma. Rôma là thủ đô Kitô giáo, nhưng ở đó vẫn còn tồn tại một tục lệ dã man là những trận giác đấu đã làm chết biết bao nhiêu mạng người. Tệ hơn nữa là khán giả rất thích cảnh giết người dã man đó. Telemachus nghĩ: “Khi nào người ta còn thích tàn sát lẫn nhau thì người ta chưa sống xứng đáng là con Chúa”. Nghĩ thế rồi Telemachus đi vào một đấu trường. Ông chạy vào giữa những lực sĩ giác đấu để khuyên họ ngừng tay. Nhưng không ai nghe, họ còn đẩy ông ra. Dù vậy ông vẫn cứ xông vào tiếp tục khuyên can. Viên quan cai quản đấu trường cho rằng Telemachus cố tình phá hoại cuộc vui nên rút gươm hạ sát ông. Khi Telemachus ngã xuống, người ta mới biết là đã giết lầm một vị thánh. Người ta hối hận. Và từ đó đế quốc Rôma bãi bỏ tục giác đấu. Bằng cái chết của mình, Telemachus đã giúp cho Rôma hoán cải.
Suy niệm:
Sau khi chữa người mù tại Giê-ri-khô, Đức Giê-su tiếp tục lên Giê-ru-sa-lem. Dọc đường, Người gặp Da-kêu. Người đã vào nhà ông và ông đã được biến đổi hoàn toàn.
Sự biến đổi của Dakêu, hay Ơn cứu độ mà ông Dakêu có được là kết quả sự hợp tác từ hai phía. Đó là Dakêu biết khiêm tốn nhìn nhận mình tội lỗi, bất toàn trước Chúa Giêsu, nên ông đã tìm mọi cách gặp cho bằng được Chúa, mời Chúa đến nhà mình. Và điều quan trọng thứ hai là chính Chúa Giêsu. Hay nói đúng hơn, ơn cứu độ đích thực là có Chúa Giêsu, vì có Chúa Giêsu là có bình an, hoan lạc. Nhờ đó, ta có thể sống quảng đại và vị tha với tha nhân, như lời Dakêu đã thưa với Chúa: “Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn” (Lc 19,8). Chính Chúa đã mở đôi mắt tâm hồn ông Dakêu khiến ông không còn thấy tiền bạc là tất cả nữa, nhưng Chúa mới là tất cả đời ông. Ông đã quảng đại cho đi tài sản và nhận được điều lớn lao là ơn cứu độ.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con gặp được Chúa, gặp trong lời cầu nguyện, trong các giờ kinh, và gặp Chúa trong anh em… để chúng con cũng có thể sống cách quảng đại và vị tha với tha nhân như ông Dakêu. Amen.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho