10.07.2018- Thứ Ba tuần 14 Thường niên B
Sai thợ ra gặt lúa
***
Lời Chúa: Mt 9, 32-38
Khi Đức người ta đem đến cho Đức Giêsu một người câm bị quỷ ám. Khi quỷ bị trục xuất rồi, thì người câm nói được. Dân chúng kinh ngạc, nói rằng: “Ở Israel, chưa hề thấy thế bao giờ!” Nhưng người Pharisêu lại bảo: “Ông ấy dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ.” Đức Giêsu đi khắp các thành thị, làng mạc, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền. Đức Giêsu thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt. Bấy giờ, Người nói với môn đệ rằng: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.”
Suy niệm :
Phép lạ Đức Giêsu chữa người câm là phép lạ cuối
của chuỗi mười phép lạ trong hai chương 8 và 9 của Tin Mừng Mátthêu.
Mátthêu đã kể lại phép lạ này với rất ít chi tiết.
Người ta coi bệnh câm của anh này là do quỷ ám.
Khi quỷ bị trục xuất thì người câm nói được.
Không thấy Đức Giêsu đã làm gì hay nói gì để trừ quỷ.
Nhưng quyền năng của Ngài được lộ ra khi người câm cất tiếng nói.
Có hai phản ứng ngược nhau trước phép lạ.
Đám đông thì kinh ngạc và nói: “Ở Israel, chưa hề thấy thế bao giờ.”
Họ đứng trước một điều hết sức mới mẻ khiến họ ngỡ ngàng (c. 33).
Người câm nói được là một dấu chỉ cho thấy Nước Trời đã gần,
thời đại thiên sai đã đến, Đấng Thiên sai đã ở kề bên.
Đức Giêsu đã làm ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia tiên báo:
“miệng lưỡi người câm sẽ reo hò” (35, 6).
Nhưng những người Pharisêu lại nghĩ khác.
Họ không phủ nhận quyền năng trừ quỷ của Đức Giêsu,
nhưng họ lại cho rằng Ngài đã bắt tay với quỷ vương để trừ quỷ (c. 34).
Đây là phản ứng đầu tiên có tính thù nghịch công khai của người Pharisêu.
Phần còn lại của bài Tin Mừng là một bản tóm lược
về các hoạt động của Đức Giêsu: dạy dỗ, rao giảng, và chữa bệnh (c. 35).
Tất cả cuộc sống của Ngài như dành trọn cho đám đông.
Đôi chân Ngài đi khắp các thành thị, làng mạc và hội đường.
Đôi môi Ngài không ngớt đem tin vui đến cho những người mong đợi.
Đôi tay Ngài chạm đến những bệnh tật yếu đau của con người.
Nhưng trên hết vẫn là chuyện Đức Giêsu chạnh lòng thương (c. 36).
Chạnh lòng thương là nhói đau ở chỗ sâu bên trong của ruột gan mình.
Thấy thì thương: đó luôn là cái nhìn của Đức Giêsu trước đám đông.
Ngài thấy họ như chiên không có người chăn dắt, lãnh đạo.
Chính vì thế họ bị rơi vào tình cảnh vất vưởng lầm than.
Đức Giêsu không đau xót về chuyện bệnh tật thân xác của đám đông.
Ngài quan tâm nhiều hơn đến nhu cầu tâm linh của con người.
Con người đánh mất ý nghĩa cuộc sống, thấy bơ vơ, cô độc, tuyệt vọng.
Con người loại trừ Thiên Chúa, để rồi rơi vào sa đọa, chán chường.
Đức Giêsu đến như người mục tử chăm sóc mọi mặt cho đoàn dân.
Cách đây hai ngàn năm, Đức Giêsu đã than về chuyện ơn gọi.
Đồng lúa thì bao la mênh mông, mà thợ gặt thì ít.
Ngài mời các môn đệ của mình cầu nguyện nài xin với Thiên Chúa.
Đồng lúa là của Thiên Chúa, thợ gặt cũng là của Thiên Chúa sai đến.
Nước Việt Nam chúng ta cũng cần bao thợ gặt.
Có bao nhiêu tỉnh thành làng mạc còn thiếu linh mục, thiếu nữ tu.
Số linh mục mới chịu chức không đủ bù cho các vị về hưu và qua đời.
Làm sao để các bạn trẻ thấy con người hôm nay và chạnh lòng thương?
Làm sao để họ muốn dấn bước lo cho đám đông như Giêsu?
Cầu nguyện :
Lạy Cha là người chủ ruộng tốt lành,
đồng lúa đã chín vàng chờ ngày gặt hái.
Xin Cha sai những người thợ lành nghề và tận tụy
đến làm việc trong cánh đồng bao la của Cha.
Xin Cha gieo vào lòng các bạn trẻ hôm nay
những ước mơ lớn lao, những lý tưởng cao cả.
Xin cho họ
biết quên hạnh phúc và tương lai của mình
để yêu tha nhân bằng trái tim rộng mở.
Ước gì họ nghe được tiếng kêu của người bị áp bức,
cảm được cơn đói khát Lời Chúa và tình thương,
thấy được những mất mát của bao người đau khổ,
và chạm đến sự trống vắng của tâm hồn lạc hướng.
Xin Cha sai Thánh Thần đến với các bạn trẻ
để họ quảng đại đáp lại tiếng gọi của Chúa Giêsu,
sống như Ngài đã sống
và tiếp tục làm những gì
Ngài đã làm trên trần gian.
Cũng xin Cha
gìn giữ gia đình và giáo xứ chúng con,
thanh lọc bầu khí của trường học và xã hội,
để tất cả trở thành những môi trường tốt
giúp các bạn trẻ dễ dàng tìm gặp ý Cha. Amen.
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
10.07.2018- Thứ Ba tuần 14 Thường niên B
XIN MỞ MIỆNG CON
(Mt 9, 32-38)
Hôm nay, Đức Giêsu đã chữa lành một người bị quỷ câm ám. Khi đã được thoát khỏi quỷ câm, người đó liền nói được.
Sau đó, Đức Giêsu còn đi khắp các làng mạc giảng dạy, chữa lành các bệnh tật.
Tiếp theo, Ngài đã mời gọi các môn đệ hãy đi để loan báo về tình thương của Thiên Chúa cho mọi người.
Khi nói đến câm, chúng ta thấy có hai dạng: một là câm ngoài ý muốn, tức là câm từ lúc mới sinh, hay bị một sự cố nào đó mà ảnh hưởng đến thanh quản, khiến bệnh nhân không nói được; hai là câm tự ý muốn, tức là đương sự không muốn nói.
Giữa hai dạng, câm ngoài ý muốn, tự bản chất, không ảnh hưởng đến ơn cứu độ. Tuy nhiên, dạng thứ hai, tức là câm tự ý muốn thì nguy hiểm, và có thể mất ơn cứu độ nếu lựa chọn câm vì không dám lên tiếng bênh vực sự thật, công lý và công bằng khi mình có thể thi hành được mà không làm. Câm vì không dám bênh vực sự thật, không dám loan báo Lời Chúa. Câm vì đồng lõa với những trò bẩn thỉu và tội ác chống lại con người!
Nguyên nhân bị câm tự ý muốn có thể vì lý do ham tiền, hám lợi, mua quyền, bán chức, thượng tôn tình dục ….
Thạt vậy, nói về sự thanh thoát làm sao được khi chính mình ham tiền, hám bạc! Nói về sự từ bỏ sao được khi chính mình ham quyền, cố vị! Nói về khiết tịnh sao được khi chính mình khoái danh, sắc, dục…! Và, nói về đạo đức, bác ái, dấn thân, phục vụ làm sao khi chính tôi còn đang tham sân si! Hay không thể nói về tha thứ được, vì tôi còn đang nuôi hận thù! Và nói về sự thật làm sao khi chính tôi là người gian dối chuyên nghiệp!
Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi chúng ta hãy nên ngôn sứ của Đức Giêsu và thuộc về Ngài để trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài, chứ không chỉ như cái xác vô hồn hay chiếc bóng trong cuộc sống, để rồi sống buông tha, suy đồi và không dám làm chứng cho Tin Mừng. Bên cạnh đó, sứ điệp Lời Chúa cũng nhắc cho mỗi người chúng ta cần loại bỏ những hệ quả của ma quỷ như: độc địa, ích kỷ, gian tham, hận thù, rượu chè, cờ bạc… và không được đứng về phía sự ác để thành kiến, ghen tương, đố kỵ mà chà đạp người anh chị em chúng ta để đưa mình lên như những người Pharisiêu khi xưa.
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp sức cho chúng con, để chúng con không bị câm về phần hồn. Xin cho chúng con can đảm nói và làm chứng về Chúa cho anh chị em. Và, xin cho chúng con đừng vì miếng cơm manh áo mà chà đạp anh chị em mình xuống để vươn lên trong sự bất chính. Amen.
Tu sĩ Jos. Vinc. Ngọc Biển, SSP
10.07.2018- Thứ Ba tuần 14 Thường niên B
Mt 9,32-38
Lời Chúa:
“Đức Giêsu đi khắp các thành thị, làng mạc giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền”. (Mt 9,35).
Câu chuyện minh họa:
Một người mới gia nhập đạo Công giáo gặp một người bạn cũ không có đạo. Người bạn này hỏi:
Thế nào? Anh đã vào đạo và tin Chúa Giêsu rồi à?
Phải, tôi đã tin vào Chúa Giêsu.
Vậy là anh biết Ngài rõ lắm phải không? Anh cho tôi biết Ngài sinh ra ở nước nào?
Rất tiếc tôi không biết điều đó.
Vậy Ngài chết hồi mấy tuổi?
Rất tiếc tôi không biết điều đó.
Anh không biết về thân thế Ngài, vậy cho tôi hỏi xem Ngài giảng được mấy bài giảng?
Cái đó, xin lỗi, tôi lại càng không biết nữa.
Như thế anh biết rất ít về Chúa Giêsu, mà anh bảo anh tin vào Ngài và theo Ngài.
Anh nói đúng, tôi cũng cảm thấy xấu hổ khi tôi biết rất ít về Ngài. Nhưng có điều này tôi nhận thấy rõ ràng nhất là ba năm trước tôi rượu chè say sưa, tôi mắc nợ đủ chỗ, gia đình tôi tan nát, vợ con tôi buồn và không muốn thấy mặt tôi khi tôi về nhà. Nhưng bây giờ tôi đã bỏ rượu, trả xong nợ, gia đình tôi hạnh phúc. Tất cả những cái đó Chúa Giêsu đã làm cho tôi. Tôi biết chắc điều đó.
Suy niệm:
Lòng nhân từ của Thiên Chúa không giới hạn, Ngài có thể chữa lành bệnh tật của bất cứ ai, và bất cứ lúc nào. Vì thế những người Pharisêu luôn tìm cách bắt bẻ Ngài, vì Ngài chữa bệnh trong ngày sabat. Qua những việc làm đó, Ngài loan báo cho họ một Tin Mừng. Ngày nay, chúng ta cũng bắt chước Ngài rao giảng Tin Mừng mọi nơi mọi lúc, giới thiệu Chúa cho mọi người bằng những việc làm cụ thể, quan tâm đến những nhu cầu của người khác nhất là những người đau khổ, bệnh tật, những người bị loại bỏ…
Là Kitô hữu, mỗi người đều có trách nhiệm truyền giáo, không những bằng hành động cụ thể nhưng bằng việc cầu nguyện, đó cũng chính là truyền giáo.
Lạy Chúa, xin cho đời sống của con luôn làm tỏa lan tình yêu Chúa cho những người xung quanh. Amen.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho